Tìm hiểu về mục đích tu hành trong đạo Phật là gì? - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Tìm hiểu về mục đích tu hành trong đạo Phật là gì?

Tu hành trong đạo Phật là đi tìm lại bản lai diện mục của chính mình vốn có mặt trước khi được cha mẹ sanh ra, nhưng đã bị lãng quên từ vô thủy kiếp. Nếu người tu hành chưa sáng tỏ việc này thì khác gì mặt trăng bị mây đen che kín, không thể hiển xuất quang minh, thì làm sao có thể khai mở trí huệ? 

 
Sở dĩ chúng ta hiện nay chăm chỉ tu đạo là vì muốn tìm thấy con đường giải thoát, không muốn bị chìm đắm trong luân hồi sanh tử nữa. Thế nhưng, do tham-sân-si vẫn cứ luôn là cục đá lớn cột chặt đôi chân, nên dù tu hành rất chăm chỉ, trên thực chất một chút phiền não tham-sân-si cũng chẳng đoạn được. Đó gọi là gì? Là tu hành thất bại! Chúng ta muốn tu đạo giải thoát sanh tử, trước hết cần phải diệt trừ tham-sân-si, sau đó mới có thể đạt đến chỗ thân-miệng-ý đều trong sạch. Đương nhiên, đây không phải là việc dễ làm, bởi lẽ từ thuở vô thủy tới nay, nghiệp chướng mà chúng ta tạo ra đầy ngập như núi cao, kiên cố như sắt thép, khó hòng phá vỡ được.

Ngày nay chúng ta phát tâm tu hành là để đoạn trừ thói hư tật xấu, nhằm tiêu trừ nghiệp chướng, bởi vì nghiệp chướng chính là phiền não phát sanh từ thói hư tật xấu. Khi sáu căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) vừa tiếp xúc cảnh giới của sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), chúng ta liền khởi tâm động niệm thì đó chính là đang tạo nghiệp luân hồi. Bồ-tát Di Lặc nói, trong khoảng khảy ngón tay có đến khoảng ba trăm hai mươi trăm triệu vọng niệm sanh ra trong tâm thức của mỗi chúng sanh, mỗi vọng niệm là một cái nhân tạo thành một kiếp luân hồi. Nếu chúng ta không khéo hiểu rõ điều này, mọi việc tu hành lại chính là tạo nghiệp luân hồi. Do đó, người không tu hay không khéo tu, thì núi cao nghiệp chướng ngày càng đắp cao thêm, vĩnh viễn không có cách gì thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử.

Mỗi khi khởi tâm động niệm, tự mình phải nhận biết chính mình đã sai lầm rồi, sai lầm ở chỗ nào? Cái ta còn tồn tại! Hễ còn cái ta là còn ý niệm, hễ còn ý niệm là còn cái ta. Vì sao? Vì ý niệm phát xuất từ cái ta và cái ta sanh ra từ ý niệm. Cái ta không còn thì ý niệm cũng theo đó mà dứt bật, nếu ý niệm dứt bậc thì cái ta từ đâu mà sanh ra? Ý niệm rất vi tế, chỉ cần có một ý niệm bắt đầu khởi dậy thì cái ta sẽ là cái sanh ra trước tiên hết, sau đó tất cả các thứ khác về người, chúng sanh và thọ giả liền theo đó mà tiếp nối dấy lên. Khi chúng ta chê kẻ khác sai, kẻ khác xấu, còn mình thì luôn đúng luôn tốt; hoặc nghe người ta nói mình tốt thì vui thích, bị kẻ khác chê xấu thì khó chịu, buồn rầu, thì đó đều là nhân ngã tướng phát sanh ra từ ý niệm, thấy thật sự có mình, có người khác, có các tướng đúng sai, phải trái, xấu tốt, vui buồn, được mất v.v…, tức là vẫn còn chưa xả bỏ bốn tướng: ta, người, chúng sanh và thọ giả.

Tu hành đạo Phật mà vẫn còn có bốn tướng ấy thì không thể nào yên ổn được. Bốn tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả chẳng những không có lợi gì cho việc tu hành mà còn ngày ngày khiến phiền não càng thêm tăng trưởng. Cố chấp trước vào bốn tướng ấy chính là thói quen, tập khí xấu tích lũy từ vô thủy kiếp, khó thể phá vở. Vấn đề là phải tu như thế nào mới có thể lìa bốn tướng ấy? Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã giới thiệu cho chúng ta pháp môn Tịnh độ, là pháp vô thượng của Như Lai, là pháp chẳng có hình tướng gì cả, vì sao? Vì Tịnh độ là pháp tu Nhất Tâm Bất Loạn, mà đã là Nhất Tâm Bất Loạn thì làm sao có các tướng nhân, ngã, chúng sanh và thọ giả cho được!

Trong phẩm Khuyến Dụ Sách Tấn, Đức Phật nói: “Sang giàu thương muốn không thể bền giữ, đều phải lánh xa, chẳng thể an vui” là nói đến sự độc hại của tam độc tham-sân-si. Tham-sân-si chính là tàng dư tập khí xấu xa, là rác rến chất đầy trong ý niệm, khiến chúng ta phải chịu nhiều thống khổ. Nếu không trừ sạch tham-sân-si ngay trong ý niệm thì không có cách chi khai mở trí huệ! Chúng ta chỉ cần khởi lên ý niệm tham lam bất cứ một thứ gì, bèn tạo nghiệp luân hồi. Vì thế, ngay sau câu nói ấy, Đức Phật liền bảo: “Phải nên tinh tấn, sinh nước An Lạc, trí huệ thông suốt, công đức thù thắng. Chớ nên phóng tâm vào chỗ ham muốn, phụ kinh bỏ giới, phải đứng sau người.” Ở đây, Phật khuyên chúng ta chớ nên phụ kinh bỏ giới, chớ chẳng hề bảo chúng ta ham muốn kinh pháp. Vì sao? Vì tham là tập khí xấu, ngay cả Phật pháp cũng chẳng nên tham!

Khi tâm tham khởi dậy, dù là tham Phật pháp đi chăng nữa, cũng vẫn tạo nghiệp luân hồi; do vậy Phật mới bảo: “Phật pháp cũng phải buông, huống gì là phi pháp.” Phật dạy chúng ta phải buông bỏ cái tâm tham Phật pháp, chớ nào có ý kêu chúng ta phụ bỏ Phật pháp bao giờ! Hễ khởi lên cái tâm tham đắm bất cứ một thứ gì thì nhiều thêm một thứ vọng niệm và tăng thêm một thứ nghiệp chướng. Bớt tham một thứ gì thì ít đi một chút nghiệp chướng và tăng thêm một phần giải thoát. Khi chúng ta nổi lòng tham lam bất cứ một thứ gì dù nhỏ như đầu sợi lông cũng chẳng thể nhập Phật chánh đạo, ngay cả lòng yêu đương tình ái trong quan hệ phụ mẫu, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng sự, bà con v.v.., cũng không ngoại lệ, vì sao? Vì tình ái giữ lấy chúng ta ở mãi trong luân hồi sanh tử. Nếu chúng ta buông xả được ái dục, buông xả được trần cảnh, bèn có được hạt giống Phật, giúp sự tu hành của mình tương đối dễ dàng và mau chóng hơn.

Ngã mạn là tánh cứng đầu, ương ngạnh, cố chấp, luôn nghĩ tới cái ta, luôn cho rằng ta đúng. Người chấp ngã, trí huệ không thể khai mở, làm chướng ngại đường đạo, không cách gì giải thoát. Ở trong thế gian này, người càng có tài năng, học vấn, tiền của, chức quyền bao nhiêu, ngã mạn càng cao bấy nhiêu, khiến trí huệ chân thật càng thêm bị che lấp. Đương nhiên, người vừa có tài năng, học vấn giỏi, giàu sang, địa vị cao, lại vừa khiêm cung từ tốn, chẳng ngã mãn, nhất định là nhân tài học Phật. Tu hành là tu ở sáu căn, không cho nó dính với sáu trần để đầu óc được thanh tịnh. Nếu không khéo tu hành như vậy, hậu quả sẽ là cứ mãi tăng trưởng tà kiến, suy nghĩ lăng xăng, tính toán việc này việc nọ. Nếu chính mình vẫn chưa thanh tịnh, tức là vẫn chưa giải thoát, mà cứ lo toan tính cho người khác, thì cái đạt được chỉ là một cái tâm phiền não quá sức. Rốt cuộc, chính mình là người cần được độ, chớ chẳng phải là người đi độ kẻ khác. Mặc dù Bổn Giác tánh của hết thảy chúng sanh đều là Phật, nhưng trong ý niệm của mỗi con người đều là thiện ít, ác nhiều.

Đó cho ta thấy, thế lực của tập khí xấu ác rất mạnh, còn khuynh hướng tốt thì rất yếu. Tư tưởng xấu ác của chúng ta luôn đứng đầu, lấn át tư tưởng thiện, chung cuộc cái thiện tâm bị cái ác tâm đè bẹp! Ðó là điều không tốt cho việc tu đạo giải thoát. Từ thuở vô thủy đến nay, do ý niệm thiện trong tâm mình quá ít ỏi, còn ý niệm xấu ác lại quá nhiều, nên Tự tánh trong sạch luôn bị che phủ, không xuất hiện được. Cũng do những niệm ác tích lũy ấy mà chúng ta cứ mãi dấy khởi vọng tưởng tham-sân-si, không cách gì đề kháng được; đó chính là nghiệp chướng cần phải tu sửa và chế phục. Nếu không chế phục được tham-sân-si thì dù có đi đây đi đó nghe giảng kinh pháp cho thật nhiều, rốt cuộc cũng chỉ là vô dụng. Nghe vô một đống kinh pháp mà phiền não vẫn đầy dẫy thì chẳng có chỗ nào thông đạt cả! Phật pháp chỉ có thể lãnh hội bằng tâm thanh tịnh, chẳng thể dùng tâm tham-sân-si mà hòng thông đạt Phật pháp. Nếu chúng ta thấy có người xuất gia hay tại gia nào thường hay bức xúc, tức giận đối với lỗi lầm của người khác, thì phải biết người ấy vẫn chưa thông đạt Phật pháp.

Khi nghiệp chướng tới, phiền não liền khởi dậy. Khi không có chánh niệm, tà niệm liền khởi dậy. Lúc ấy, chúng ta sẽ thấy người nào cũng không hợp nhãn, việc gì người khác làm cũng chẳng vừa lòng; do vậy luôn cảm thấy rất tiêu cực, đời và đạo gì cũng đều vô vị. Thật ra, không cần biết có lý hay vô lý, hễ chúng ta khởi phiền não là đã sai lầm rồi! Khi nào tâm mình không còn lo lắng, sợ hãi nữa đối trước hết thảy trần cảnh, tâm mới an định. Bởi do chính ta không tự chủ mới có cảm giác lo sợ. Lo sợ quá, lo sợ hoài thì tâm phát sanh phiền não, không an định, nên chẳng còn đạo tâm tu hành nữa. Lo lắng, sợ hãi chỉ là tâm lý do sự cảm nhận thôi, người khác không cảm thấy như mình, nên dù ta lo lắng, sợ hãi giùm cho người khác, thì chỉ có ta là bất lợi. Như vậy, chúng ta phải tu hành như thế nào mới đúng? Trong kinh, Phật dạy: “Tâm không hạ liệt, cũng không cống cao, thành tựu căn lành, thảy đều tăng thượng.”

Khi chúng ta thật sự học Phật mới thấy việc tu hành không đơn giản chút nào! Nếu tự cho mình là phàm phu không thể tu thành thánh đạo thì đó là tâm hạ liệt; còn nếu tự cho mình là thánh nhân có đủ bản lãnh tự mình thoát ra khỏi luân hồi sanh tử, không cần nương vào đại nguyện lực gia trì của A Di Đà Phật, thì đó lại là cống cao ngã mạn. Cả hai thứ tâm hạ liệt và cống cao đều là tâm chấp trước! Dùng cái tâm chấp trước để tu hành, nhất định sẽ thất bại. Chúng ta có lòng tin tưởng rằng, tuy hiện nay tôi là phàm phu, nhưng tôi cũng có khả năng thành Phật. Một phàm phu như tôi mà cũng có khả năng tu hành tới nơi tới chốn, thì đó chính là tâm không hạ liệt, cũng không cống cao. Chúng ta phải thật sự có cái tâm như vậy, mới có thể tinh tấn tu hành, tăng trưởng và thành tựu các căn lành vô thượng. Bởi do cái quan niệm về cái tôi cứ tác oai tác quái nên mới có cái tâm gọi là hạ liệt hoặc cống cao phát sanh, làm chướng ngại chính mình trong việc tu đạo giải thoát.

Tâm hạ liệt và tâm cống cao đều là ý niệm phát sanh ra từ cái tôi. Hễ còn ý niệm về cái tôi thì chưa thể khai ngộ. Chúng ta tu hành Phật đạo thì phải cố gắng trừ sạch ngã tướng, không còn cái tôi thế này thế nọ nữa, mới hòng thành tựu đạo giải thoát. Muốn trừ ngã tướng cần phải không có tâm phân biệt giữa ta và người khác, nếu còn chấp chặt vào ý niệm về cái tôi thì dù có tu hành chăm chỉ đến mấy cũng chẳng thể đi tới đâu; giỏi lắm là chỉ được phước báu nhân thiên mà thôi. Chỉ khi nào trừ được ngã tướng, trí huệ mới khai phát, còn ngã tướng thì trí huệ còn bị che lấp, chẳng thể chiếu soi. Tu hành không thể chấp trước, hễ có chấp trước liền có ham muốn, phân tranh và phiền não. Nếu muốn trừ khử chấp trước về cái tôi thì phải giảm bớt lòng ham muốn, phân tranh hơn thua cao thấp.

Nếu không còn suy nghĩ về mình, về người, về chúng sanh hay về thọ giả nữa, thì còn gì nữa mà phân tranh? Thọ giả ở đây bao gồm các ý nghĩa khác nhau như là thọ mạng, được mất, số lượng, hơn thua v.v… Muốn lìa bốn tướng thì trước hết phải tu rất nhiều hạnh nhẫn nhục. Tam Vô Lậu Học Giới-Định-Huệ quy nhập trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn của Lục độ Ba-la-mật vào một chữ Giới. Do đó, nhẫn nhục cũng chính là căn bản, là gốc rễ của việc tu Giới. Hòa Thượng Hải Hiền nói: “Không có cái nào ngon hơn cái nào cả, cái này ngon, cái kia cũng ngon, cả hai cái đều ngon như nhau.” Đạo lý này rất cao minh! Khi gặp cái gì tốt thì mỉm cười, khi gặp cái gì xấu cũng vẫn mỉm cười. Vì sao? Vì tốt hay xấu đều do tâm phân biệt đặt bày ra, chớ thật ra trong Chân Như Thật Tướng đâu có gì sai biệt, nên cũng đâu có tốt xấu.

Vậy, khi chúng ta có ý nghĩ tốt hay xấu thì phải biết, đó chính là phiền não đang dấy lên trong lòng mình. Lúc vừa nhận biết điều này thì gọi Thỉ Giác, đã giác rồi lập tức hướng về Đức Phật A-Di-Ðà mà niệm danh hiệu của Ngài, niệm niệm tiếp nối không ngừng để đập nát mọi phiền não mà đạt tới Cứu Cánh Giác. Khi phiền não càng nhiều, ta càng niệm được nhiều câu Phật hiệu, như vậy phiền não đã biến thành Bồ-đề rồi! Ðó là cách dùng tâm trị tâm, dùng đạo lý đơn giản nhất để thực hành Bát-nhã thâm sâu, mà Phật đã dạy chúng ta trong pháp môn Tịnh độ. Con đường tu hành của chúng ta cần phải trải qua rất nhiều trải nghiệm gian khổ và thử thách lắm! Có như vậy mới mau chóng khai ngộ. Nếu không có gian nan, thử thách thì khó hòng khai ngộ, vì sao? Vì sự khai ngộ chỉ hiện ra ngay ở nơi hoặc, nghiệp và khổ. Chúng ta phải chiếu soi ngay ở nơi hoặc, nghiệp và khổ mới có thể tìm thấy Pháp thân, Bát-nhã và Giải thoát.

Chúng ta không nên hy vọng mọi người sẽ làm tốt và đối xử tốt với mình. Tu hành phải chịu thiệt thòi, thua lỗ, lép dế; có như vậy mới tiến bộ. Ðiều tốt của người khác thì ta góp nhặt để học, điều xấu của người khác thì ta vứt nó qua một bên, tự trong lòng mình thông hiểu là đủ rồi, thuận theo đây mà tu hạnh nhẫn nhục Ba-la-mật, ắt sớm thành tựu tịnh nghiệp cho chính mình. Tu hành đừng nên hỏi đúng với sai, cũng đừng bàn luận hữu lý hay vô lý. Dù mình đúng lý mà người khác nói mình sai, cũng cứ tiếp nhận ý kiến ấy. Vì sao phải làm vậy? Vì hễ mình tự nhận mình sai dù mình đúng, phiền não sẽ không khởi dậy; bằng ngược lại, cứ khăng khăng cho mình đúng, tâm sẽ rất bất an, phiền não sẽ dồn dập kéo tới. Tôi đúng mà người ta cứ nói tôi sai, trong tâm tôi cảm thấy rất oan uổng và tức giận, vậy là tịnh nghiệp bị phá hỏng rồi!

Công phu niệm Phật, tu thiền, niệm chú gì cũng đều mất sạch hết ráo chỉ vì không thể nhẫn nhục được. Tu hành cần phải có công phu nhẫn nhục, nhẫn nhục chẳng những không phải là tâm không cống cao, mà còn là tâm không hạ liệt. Chúng ta phải tu từ cái tâm không cống cao cũng không hạ liệt mới có thể thành tựu hết thảy các căn lành. Lại nữa, tu hành đâu phải là để tranh chấp đúng với sai, dù mình đúng mà bị chê trách là sai cũng phải nhận chịu thôi. Chịu nhận mình sai chẳng những không thua thiệt mất mát gì hết mà còn đạt được công phu định lực kiên cố bất động. Công phu định lực càng kiên cố bao nhiêu, phước huệ càng tăng trưởng bấy nhiêu. Tu nhẫn nhục là tu giới để thành tựu định, nhằm trừ sạch hết những nghiệp chướng đã tạo xưa kia, rồi đừng tạo thêm nghiệp mới nữa. Tu hành như vậy thì cả hai thứ phước và huệ mới gia tăng. Phương pháp tu nhẫn nhục hay nhất là niệm Phật, lạy Phật, phát tâm làm việc lao tác ở chùa hay các đạo tràng mà không tính toán. Hễ có tính toán, kể công, hoặc mong cầu được tiếng khen thưởng bèn sanh tâm phiền não, đó là tạo thêm nghiệp mới, chớ trong đó chẳng có phước huệ chi cả.

Thật thà mà nói, chúng ta tu tịnh nghiệp chỉ cần chuyên tâm niệm Phật là đủ rồi, đối với mọi hoàn cảnh tốt hay xấu, đều không chấp trước, đều biết tùy duyên, đều luôn giữ tâm kiên cố bất động, thì phước huệ sẽ mau tăng thượng. Hôm nay là hôm nay, ngày mai là ngày mai, chuyện gì cũng đừng rớ tay, xỏ mũi vào thì công phu niệm Phật mới đắc lực. Tu hành mà quá đa sự, quá sung túc, tiếng tăm quá lừng lẫy, thì dục vọng càng thêm phừng phừng nổi lên, lòng tham lam và ngã mạn cao ngất trời mây. Lúc đó, chúng ta có thật sự muốn buông bỏ thân tâm thế giới để nhất tâm niệm Phật, cũng chẳng thể làm nổi; cho nên, chúng ta chẳng nên cầu những thứ này!

Diệu Âm Trí Thành


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner