Tâm Phật ví như hoa sen - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

Tâm Phật ví như hoa sen

Đức Phật không phải là một vị thần linh, thượng đế ban phước giáng họa cho con người mà đức Phật chính là con người giống như tất cả mọi người chúng ta. 


Tâm Phật ví như hoa sen
Hoa sen mọc chốn bùn nhơ,
Nở hoa tươi thắm ngát thơm cuộc đời.
Thân này nhơ nhớp vô thường,
Có tâm thanh tịnh sáng soi muôn loài.

Trong sự quyền uy tột bực với tất cả những gì đang hiện hữu mà người đời ai cũng tham muốn để có được là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon mặc đẹp và ngủ nghỉ thoải mái nhưng cách nay hơn 2600 năm một vị Hoàng thái tử đã thoát ra được và tu hành giác ngộ thành Phật.

Đức Phật không phải là một vị thần linh, thượng đế ban phước giáng họa cho con người mà đức Phật chính là con người giống như tất cả mọi người chúng ta. Ngài cũng được sinh ra từ bụng mẹ, vẫn hưởng đầy đủ dục lạc ở thế gian, nhưng nhờ biết cách buông xả mà thoát khỏi vũng bùn ngũ dục và trở thành đấng giác ngộ hoàn toàn.

Trong thế gian hầu như tất cả mọi người đều bị dính mắc bởi tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon mặc đẹp và ngủ nhiều. Trong các chùa chúng ta đều thấy tượng đức Phật ngồi ngự trên toà sen, cũng có nhiều chùa thờ tượng đức Phật tay cầm một cành sen.

Nếu đọc lịch sử của Ngài chúng ta được biết đức Phật đã ngồi dưới cội Bồ-đề Thiền định và đắc thành Chánh quả. Vậy tại sao chúng ta lại thờ đức Phật ngồi ngự trên tòa sen, thờ như vậy có làm sai ý nghĩa hay không? Tòa sen mang ý nghĩa gì mà ai tu theo đạo Phật cũng đều quí trọng nên luôn thờ Phật ngồi ngự trên tòa sen? Đó là những điều cần biết mà người Phật tử phải hiểu cho rõ để khi có người hỏi ta biết cách trả lời cho đúng. 

Như chúng ta đã biết, hoa sen luôn mọc trong ao, trong hồ và từ chỗ bùn nhơ mà ra. Như vậy, giá trị của hoa sen là từ chốn bùn nhơ đã vươn lên khỏi bùn, ra khỏi mặt nước rồi trổ hoa thơm ngát. Điểm đặc biệt của hoa sen là có nhụy và hột cùng một lúc, điều này các loài hoa khác không có được.

Sen là một loài hoa rất khác biệt, khi còn ươm mầm hoa ẩn trong bùn, đến khi gần trổ thì vượt khỏi bùn, vươn lên mặt nước rồi mới trổ hoa. Đặc tính của sen khi còn trong bùn thì hôi, khi đã nở hoa thì hương thơm ngào ngạt. Thế cho nên, đạo Phật dùng hoa sen làm hình ảnh tượng trưng cho người tu hành chân chính đã vượt khỏi ngũ dục thế gian mà thành tựu đạo giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.

Theo lịch sử, đức Phật khi còn là Hoàng thái tử con vua Tịnh Phạn đã sống trong cảnh quyền quý cao sang, sung túc đủ đầy với kẻ hầu người hạ nên muốn gì được đó. Tuy sống chìm đắm trong ngũ dục thế gian nhưng Ngài đã thức tỉnh khi thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một thầy tu. Ngài suy tư, quán chiếu và thấy rõ mình rồi cũng sẽ già, sẽ bệnh, sẽ chết nên đã quyết định bỏ lại tất cả để ra đi cầu đạo giải thoát. Cuối cùng, Ngài đã chứng được đạo vô thượng Chánh đẳng giác và thành Phật.

Giá trị của hoa sen là từ chỗ nhơ nhớp, hôi hám mà trổ ra hoa có mùi hương tinh khiết. Đó là đặc tính của cây sen, cũng chính vì thế mà hoa sen được chọn làm biểu tượng cao quý trong nhà Phật.

Khi còn ở trong cung vàng điện ngọc với đầy đủ dục lạc thế gian, thái tử được ví như hoa sen ở trong bùn. Khi đã bỏ lại tất cả để vượt thành xuất gia cầu đạo, Ngài được ví như hoa sen vượt khỏi bùn nhưng vẫn ở trong nước. Đến khi cố gắng, tinh tấn tu hành rồi đạt được kết quả viên mãn, giác ngộ giải thoát, Ngài được ví như hoa sen vươn khỏi mặt nước để nở hoa thơm ngát. 

Cũng giống như thế, hoa sen từ lúc mới mọc cho đến khi trổ hoa cũng trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn một khi còn ở trong bùn, giai đoạn hai khi đã ra khỏi bùn nhưng còn ở trong nước, giai đoạn ba khi đã vươn khỏi nước nở hoa thơm ngào ngạt.

Chúng ta được biết hoa sen mọc lên từ bùn lầy, nếu không có bùn lầy nuôi dưỡng thì cây sen không sống được. Cũng vậy, người tu chúng ta không thể rời bỏ cuộc sống này để tìm đạo giác ngộ, giải thoát. Ngay chính nơi cuộc sống với đủ thứ tốt xấu, hơn thua, phải trái, đúng sai, buồn vui lẫn lộn mà ta phải cố gắng chuyển hóa những nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Đó mới là tinh thần tích cực của những người biết buông xả tâm xấu ác làm hại người hại vật.

Có thể nói, hoa sen là một biểu tượng quan trọng mà hầu hết các kinh điển Phật giáo đều nói đến, nhất là bộ Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”. Ngoài ra, hoa Sen còn được biểu trưng qua những lãnh vực khác mang tính đặc thù văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc theo Phật giáo. Trên thực tế, các chùa, tự viện hay các gia đình Phật tử cũng thường lấy hoa Sen làm biểu tượng đặc trưng. Do đó, ở đây chúng tôi chỉ xin giải thích một cách khái lược một vài đặc tính tiêu biểu của hoa sen mang ẩn nghĩa sâu sắc trong nhà Phật.

Hoa sen có tám đặc tính kỳ diệu. Đặc tính thứ nhất là tính không nhiễm. Hoa sen dù được mọc lên từ bùn nhơ nhưng bản chất của nó vẫn tinh khiết, trong sạch, không bị bùn lầy làm ô nhiễm. Ca dao Việt Nam có bài thơ:

Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Dù nằm trong bùn qua nhiều năm tháng nhưng thân sen không bị ô uế mà vẫn chờ ngày vươn mình khỏi mặt nước để nở hoa khoe hương thơm với đời. Bùn là tượng trưng cho phiền não tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến. Hoa sen là biểu tượng của sự thanh tịnh, sáng suốt. Quá trình nở hoa của sen cũng giống như cuộc sống của chư Phật, chư Bồ tát khi thị hiện vào đời. Các Ngài cũng sống, cũng sinh hoạt ăn uống, làm việc như tất cả mọi người nhưng không hề bị dòng đời cuốn trôi. Ngược lại, những phàm phu như chúng ta thì đụng đâu dính đó bởi sự cố chấp nơi mỗi người.

Tất cả chúng ta ai cũng có sẵn Phật tính sáng suốt, cũng như bản chất của gương là sáng nhưng bị bụi bẩn che mờ. Cũng vậy, chúng ta vì vô minh che lấp nên chạy theo vọng nghiệp trần lao mà tạo ra nhiều tội lỗi. Hình ảnh cây sen vươn lên khỏi bùn rồi nở hoa tinh khiết cũng giống như người tu hành chân chính sống giữa cuộc đời biết bao dính mắc mà vẫn vươn lên làm chủ bản thân để cùng chia vui sớt khổ với tất cả mọi người.

Đặc tính thứ hai là lóng trong, tinh khiết. Nếu chúng ta có thời gian quán sát chỗ nào có cây sen mọc thì sẽ thấy nước nơi đó không bao giờ đục. Đó là điểm đặc trưng của tính lóng trong nơi cây sen. Điều này mang ẩn nghĩa nơi nào có chư Phật-Bồ tát ra đời thì nơi đó chúng sinh được an vui, lợi lạc. Nơi nào có Phật pháp thì nơi đó giảm bớt khổ đau nhờ chúng sinh biết cách thay đổi, chuyển hóa tâm xấu ác. Ngược lại, nơi nào có nhiều phần tử xấu ác, bất lương thì nơi đó tệ nạn lan tràn làm khổ đau, tổn hại đến nhiều người.

Hoa sen có những đặc điểm rất kỳ diệu. Tuy hoa rất đẹp, thơm và quyến rũ nhưng không một loài côn trùng nào có thể xâm hại bởi trong nhụy có chất dịch tinh khiết làm các loài côn trùng không dám đến gần. Đặc tính này ý chỉ cho tâm Phật sáng suốt nơi mỗi người. Nếu chúng ta thường xuyên lóng trong mọi cấu uế nhơ bẩn của phiền não tham-sân-si thì nước hồ tâm sẽ ngày càng trong sạch, cũng như đức hạnh của người tu hành chân chính luôn tu tâm tích đức, làm lợi ích cho chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán vì không thấy có ta-người-chúng sinh. Nhờ vậy, chúng ta có thể vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành vô lượng trí tuệ, từ bi.

Đặc tính thứ ba là kiên nhẫn, chịu đựng. Như chúng ta đã biết, hoa sen là loài hoa mọc lên từ rễ củ. Hoa mang đặc tính kiên nhẫn, chịu đựng vì rễ củ của nó nằm trong bùn một thời gian dài để chờ khi hội đủ nhân duyên sẽ nẩy mầm. Sự chờ đợi đó ví như đức tánh kiên nhẫn, chịu đựng cần có nơi những người con Phật trong mọi hoàn cảnh để có cơ hội dấn thân đóng góp mà không thấy có ta-người-chúng sinh nên dễ dàng buông xả tâm xấu ác và sự chấp trước của mình.

Khi nói về đặc tính này bản thân chúng tôi thật tình rất hổ thẹn vì còn sân giận quá nhiều nên đã bỏ qua nhiều cơ hội tốt. Thói quen chấp trước, dính mắc nhiều đời làm cho ta tham lam, ích kỷ rồi dẫn đến sân giận, ngay khi ấy nếu không đủ sức kiềm chế lại thì sự nghiệp tu hành bao nhiêu năm liền tan thành mây khói.

Việc đời hay việc đạo muốn đạt được kết quả tốt đẹp thì trước tiên chúng ta phải có đức tính kiên nhẫn, chịu đựng này. Chính vì vậy, người Phật tử chân chính muốn có tâm từ bi rộng lớn cần phải thực hành hạnh nhẫn nhục, cũng như hoa sen đã kiên nhẫn chịu đựng để rồi vươn lên khỏi mặt nước và nở hoa thơm ngát.

Đặc tính thứ tư là trong sạch vô ngại. Đức tính này duy nhất chỉ có ở hoa sen khi nhụy hoa được bao bọc bởi những cánh hoa tròn trịa, từ lúc nở cho đến lúc tàn không hề bị các loài ong bướm tìm đến bu đậu để hút lấy mật hoa.

Hoa sen cũng sẽ tàn lụi theo thời gian như các loài hoa khác, nhất là vào mùa đông, nhưng đến mùa xuân thì hoa sen lại vươn lên mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nhiều hạt sen, củ sen có thể bị chôn vùi dưới bùn đất nhưng lại có thể tồn tại suốt một thời gian dài mà không bị hủy diệt, đến khi nhân duyên đầy đủ vẫn sẽ vươn lên mạnh mẽ đầy sức sống.

Giữa mùa hè nóng bức nhưng thân sen vẫn vươn mình mọc lên và trổ hoa thơm ngát, cũng như con người đang bị lửa phiền não tham-sân-si thiêu đốt nhưng vẫn đủ sức nhẫn chịu để làm mới lại chính mình nhờ biết cách buông xả tâm xấu ác. Điều này ngụ ý chư Phật-Bồ tát ra đời trong cõi ngũ trược. Chúng sinh nhiều phiền não, bức bách, khó chịu sẽ được các Ngài mang nước cam lồ tưới tẩm làm dịu mát thân tâm.

Đặc tính thứ năm là hương vị tinh khiết, nhẹ nhàng. Hoa sen không những có hương vị tinh khiết mà còn có sắc đẹp hài hòa khiến cho mọi người ưa thích ngắm nhìn không biết chán. Hoa thường có hai màu chính là màu trắng và màu hồng. Điểm đặc biệt của hương sen là chỉ thoang thoảng, nhẹ nhàng nhưng lại rất quyến rũ, tạo cho con người một cảm giác an lành khi được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn.

Đặc tính thứ sáu là ngay thẳng và rỗng không. Ít có loài hoa nào mọc lên mà có thân hình ngay thẳng như hoa sen. Cũng lại như thế, người tu hành chân chính dù sống trong hoàn cảnh bị ô nhiễm nhưng vẫn tỉnh giác trong từng phút giây, không bị các niệm phải quấy, tốt xấu, hơn thua, thiện ác chi phối làm vẩn đục tâm. Sống được như vậy chúng ta mới thật sự bình yên, hạnh phúc như hoa sen vươn khỏi bùn nhơ tỏa hương thơm tinh khiết.

Tuy trong ruột rỗng không nhưng thân sen luôn đứng thẳng, điều này ý chỉ việc tu tâm sửa tính của người tu không phân biệt xuất gia hay tại gia. Lẽ sống của họ là biết buông xả tất cả tạp niệm để giữ tâm luôn thanh tịnh, sáng suốt. Bên cạnh đó, điểm đặc biệt này còn mang ý nghĩa người tu hành cần phải có đức tính từ-bi-hỷ-xả, bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ và không thấy ai là kẻ thù.

Đặc tính thứ bảy là nhân quả đồng thời. Các loài hoa khác khi bông tàn mới kết nụ, thành trái và có hột. Ngược lại, hoa sen khi nở ra đã có sẵn gương sen và hạt sen. Đó là nhân quả đồng thời. Điều này nói lên triết lý nhân quả không bao giờ sai khác, nhân quả như hình với bóng, hình như thế nào thì bóng như thế đó. Ngoài ra, ngay nơi thân vô thường sinh-già-bệnh-chết, mọi người đều có tâm Phật thanh tịnh, sáng suốt nhưng thường biết rõ ràng. Tâm Phật ấy nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý vẫn thấy biết mà không bị tất cả các niệm thiện ác, phải quấy, tốt xấu, hơn thua chi phối.

Đặc tính thứ tám là tính hy sinh. Người ta thường dùng lá sen để gói cốm hoặc hấp cơm sen, dùng lá non và hoa để làm thuốc, còn thân sen, củ sen và hạt sen được dùng làm thức ăn. Hầu như toàn bộ các bộ phận của cây sen đều mang lại lợi ích cho con người. Điều này nói lên tinh thần từ-bi-hỷ-xả của đạo Phật luôn sẵn sàng dấn thân đóng góp, giúp đỡ sẻ chia bằng trái tim yêu thương và hiểu biết vì mọi người khi có nhân duyên.

Vì những đặc tính vô cùng cao quý ấy nên hoa sen là hình ảnh độc nhất vô nhị luôn gắn liền với đạo Phật từ ngàn xưa cho đến ngày nay, là hình ảnh biểu trưng của Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo thế giới. Và thật hoàn toàn xứng đáng khi dân tộc ta đã chọn hoa sen là quốc hoa của đất nước.

Tiếp đến chúng ta sẽ nói về ý nghĩa của hoa sen theo tinh thần Phật giáo phát triển trong Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”. Pháp là Diệu Pháp, Liên Hoa là hoa sen, Diệu Pháp được ví như hoa sen nên gọi là Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa”.

Diệu Pháp là gì? Tức là Tri kiến Phật. Kinh Pháp Hoa nói: “Chư Phật ra đời vì khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”, nghĩa là chỉ dạy cho chúng ta ngộ được Tri kiến Phật, tức là cái thấy biết Phật của mình. Vậy cái thấy biết này ra sao? Là thường biết rõ ràng, nương nơi mắt thấy chỉ là thấy mà không khởi tâm động niệm dính mắc đối với các hình ảnh, sự vật, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế.  

Trong Kinh “Pháp Hoa” Phật dạy ba cõi không an giống như ở trong nhà lửa. Thân vô thường của chúng ta bị thiêu đốt bởi lửa phiền não tham-sân-si làm cho ta chết trong từng phút giây. Tuy nhiên, ngay nơi thân này có cái chưa từng bị thiêu đốt và luôn nguyên vẹn, sáng trong. Đó là tâm Phật thanh tịnh, sáng suốt thấy biết đúng như thật.  

Như chúng ta đã biết, cuộc đời đức Phật trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn một là đắm mê dục lạc ở thế gian. Giai đoạn hai là thấy rõ được sự tác hại của nó mà bỏ hết tất cả để vượt thành xuất gia. Giai đoạn ba là do Ngài biết cách điều hòa thân tâm và siêng năng tinh tấn tu hành nên giác ngộ thành Phật viên mãn.  

Có một vị Tăng đã hỏi một Thiền sư: “Hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào?” Vị Thiền sư đáp: “Hoa sen”. Vị Tăng lại hỏi: “Sau khi ra khỏi nước thì thế nào?” Thiền sư lại đáp: “Lá sen”.

Ở đây, nếu chúng ta chạy theo ngôn ngữ của các vị Thiền sư thì ta sẽ bị các Ngài lừa. Vì sao vậy? Vị Tăng hỏi “hoa sen khi chưa ra khỏi nước thì thế nào” là ý ngầm hỏi Phật tính của chúng ta hình tướng ra sao. Để dẹp bỏ tình thức nhạy bén của vị Tăng nên Thiền sư trả lời “hoa sen”. Khi vị Tăng hỏi tiếp “sau khi ra khỏi nước thì thế nào” thì lẽ ra Thiền sư phải trả lời rằng “sau khi ra khỏi nước thì sen sắp nở hoa”, cũng như tâm Phật của chúng ta khi không bị vọng niệm phiền não che chướng thì thanh tịnh sáng suốt, có thiếu vắng bao giờ đâu. Ở đây, Thiền sư đáp “hoa sen”, “lá sen” là ngụ ý nói chỉ nghe trong tỉnh giác, tức nghe chỉ là nghe mà không khởi vọng niệm.  

Khi tâm chúng ta không còn chạy theo ngoại cảnh lăng xăng nữa thì tâm thanh tịnh sáng suốt sẽ hiện tiền, cũng như mùi hương thơm ngát của hoa sen không còn bị bùn lầy làm vấy bẩn. Ở ngay nơi cuộc sống hiện tại mà ta không chịu tu mà lại đòi vô rừng sâu núi thẳm mới tu thì như thế sẽ lại càng khó tiến tu vì tâm ta chưa vững vàng. Chúng ta làm sao để giống như hoa sen tuy ở trong bùn nhưng luôn trong sạch, tu như thế mới thật sự được lợi ích cho mình và người.

Người tu chúng ta cần phải biết mình còn dở cái gì để cố gắng bỏ từ từ cho đến khi hết mới thôi. Đừng cống cao ngã mạn mà khinh thường người khác khi tự cho mình hay mình giỏi. Chúng ta phải biết khiêm tốn thấp mình, biết hổ thẹn khi làm điều gì sai quấy và thành tâm ăn năn sám hối để sửa chữa lỗi lầm.

Trong cuộc sống mà thiếu đi những người tu hành chân chính là một thiệt thòi lớn với thế gian này bởi không có ai hướng dẫn đạo lý làm người cho chúng ta. Một cộng đồng xã hội mà không có đạo đức thì tệ nạn sẽ lan tràn làm ảnh hưởng và gây đau khổ cho nhiều người. Nếu ai cũng nhiễm những thói hư tật xấu như giết người, trộm cướp, lường gạt, lừa đảo tinh vi bằng nhiều hình thức… thì thử hỏi cuộc sống này sẽ ra sao? Chính vì lợi ích của nhân loại, lợi ích của nhiều người mà chúng ta phải cố gắng tu hành để mở rộng tấm lòng từ bi rộng lớn nhằm chia vui, sớt khổ với tinh thần vô ngã, vị tha. Những việc làm tốt đạo, đẹp đời luôn giúp cho xã hội tạm thời vượt qua nỗi khổ, niềm đau để được an vui, hạnh phúc bằng trái tim thương yêu và hiểu biết ngay tại đây và bây giờ.

Con đường thiết lập hạnh phúc dẫn đến bình yên lâu dài phải được chính mỗi cá nhân thực hiện, không ai có thể làm giúp cho ta. Ta làm ác là từ thân-miệng-ý nên ta làm tốt cũng từ đó mà ra. Người khôn ngoan, sáng suốt sẽ chọn điều tốt, điều lành để làm. Cuộc sống thế gian nếu có nhiều người thiếu đạo đức thì xã hội sẽ dễ dàng loạn lạc và số đông sẽ sống trong đau khổ, lầm mê.

Khi chúng ta đạt được một cái gì như ý thì ngay đó sự ganh ghét tật đố, sự lo lắng sợ hãi và tham lam ích kỷ phát sinh. Đức Phật đã bảo “hãy đến đây và tu tập để giải thoát”. Dĩ nhiên, chúng ta không thể dễ dàng sống theo tuệ giác của Thế tôn mà phải chịu khó chịu khổ và bằng lòng với hiện tại, sống với tinh thần “muốn ít biết đủ” và có sự điều độ, hài hòa.

Nói tóm lại, chúng ta thấy hoa sen vươn lên từ bùn nhưng không hề bị bùn làm ô nhiễm. Cũng vậy, tâm Phật sẽ hiện tiền khi ta biết sống trong tỉnh giác vì không bị trần lao mê hoặc. Thân này vô thường đổi thay nên ai cũng phải chịu sự chi phối của già-bệnh-chết. Tuy nhiên, ngay nơi thân ô uế này luôn có tâm Phật thanh tịnh sáng suốt nương nơi mắt thấy chỉ là thấy nhưng vẫn thường biết rõ ràng, thấy tức biết, biết mà không khởi tâm động niệm dính mắc ta-người-chúng sinh, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Chính vì vậy mà tâm Phật được ví như hoa sen và đó là điểm mầu nhiệm đặc biệt của Phật giáo.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner