3 tố chất giúp Tôn Ngộ Không đắc Đạo: Thiện tâm, thiện nguyện và thuần tịnh - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

3 tố chất giúp Tôn Ngộ Không đắc Đạo: Thiện tâm, thiện nguyện và thuần tịnh

Ngày thường biển nơi đây sóng to gió lớn dữ dội, Hầu Vương thân cao không quá ba thước, trọng lượng cơ thể rất nhẹ, cộng thêm chiếc bè cũng không có bao nhiêu trọng lượng, với trang bị đơn sơ như vậy mà Hầu Vương dám trực tiếp xông thẳng vào đại dương mênh mông, đối đầu với những cơn sóng lớn.
Tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc rất đặc biệt, ngay từ lời mở đầu đã mang khí phách hùng hậu, nào là lên trời xuống đất, nào thành vương thành Thánh. Ví như lời mở đầu của “Tây Du Ký” có nhắc đến:
Hỗn độn vị phân thiên địa loạn,
Mang mang miểu miểu vô nhân kiến. 
Tự tòng bàn cổ phá hồng mông,
Khai ích tòng tư thanh trọc biện.
Phúc tái quần sinh ngưỡng chí nhân, 
Phát minh vạn vật giai thành thiện. 
Dục tri tạo hóa hội nguyên công, 
Tu khán tây du thích ách truyện.

Dịch thơ:
Thuở hoang sơ đất trời chưa tỏ,
Chốn mênh mông nào có bóng người.
Từ khi Bàn Cổ ra đời, 
Đục trong phân biệt, khác thời hỗn mang. 
Che chở khắp nhờ ơn trời đất, 
Phát minh ra muôn vật tốt thay. 
Muốn xem tạo hóa công dày, 
Tây Du truyện ấy đọc ngay đi nào.

“Phúc tái quần sinh ngưỡng chí nhân, phát minh vạn vật giai thành thiện”. Tác giả Ngô Thừa Ân của “Tây Du Ký” trong chương mở đầu đã đi thẳng vào chủ đề: “chí nhân” (nhân đức tối thượng) có thể “phúc tái quần sinh” (bao trùm vạn vật trong đất trời), mà “thiện” có thể thành tựu vạn vật. Tại sao “thiện” lại có thể thành tựu vạn vật? Tác giả sử dụng 100 chương hồi xuyên suốt tác phẩm, dùng các cuộc chiến giữa chính và tà vô cùng đặc sắc, để cuối cùng nói ra công đức tạo hóa của cái thiện, và sự vĩ đại và sâu sắc của cái thiện.

Trong tiểu thuyết có kể rằng: tại Đông Thắng Thần Châu có một ngọn núi Hoa Quả Sơn, trên núi có một hòn đá tiên, vì được hưởng linh khí của đất trời và tinh hoa của nhật nguyệt, lâu ngày có thể thông linh. Trong đá tiên mọc một bào thai tiên, sau khi nứt ra, sinh được một trứng đá, gặp gió hóa thành một con khỉ đá (thạch hầu). Ngộ Không từ đó được sinh ra.

Ngộ Không vừa mới chào đời, đã bái lạy tứ phương, bẩm sinh đã biết cung kính lễ bái Thần linh tứ phương. Hơn nữa sau khi Ngộ Không chào đời, có thể “hai mắt dùng hai luồng ánh sáng vàng, chiếu đến đấu túc tinh cung”, hai luồng ánh sáng vàng rực chiếu thẳng lên các đám mây, làm kinh động Ngọc Hoàng đại đế ở trên trời. Có thể thấy được bản tính của Tôn Ngộ Không cực kỳ thanh cao và có tư chất thần thông.

Sau khi được sinh ra từ hòn đá tiên, Ngộ Không cùng một bầy khỉ sống vô ưu vô tư trong núi, thỏa sức chơi đùa, những trò chơi bao gồm: Leo trèo trên cây, hái hoa tìm quả, quăng đá chọi ném, đuổi bắt, xây bảo tháp, đuổi chuồn chuồn, bắt châu chấu. Hoàn toàn là một đứa trẻ ngây thơ thích chơi đùa, mà lại biết “cúi lạy Trời, lạy Bồ Tát”, cảnh tượng như vậy hoàn toàn không giống với hành vi của trẻ con ở thế gian phàm tục. Có lẽ Ngô Thừa Ân muốn nói với độc giả rằng: khi con người còn là trẻ nhỏ ngây thơ, trong những bài học quan trọng cần phải học thì nên bao gồm việc kính bái ông Trời, lễ bái Thần Phật.

Một bầy khỉ chơi đùa mệt mỏi rồi, muốn ra khỏi sơn động tắm rửa cho mát. Khỉ đá ngây thơ vô cùng nhiệt tình, muốn tìm tòi nghiên cứu xem nước ở trong sơn động chảy từ nguồn nào đến. Thế là, gia đình khỉ tiến hành một cuộc hành trình khám phá, dẫn theo con cái, kêu gọi anh em, cùng nhau leo núi dọc theo dòng nước, leo thẳng đến nguồn nước, mới phát hiện thì ra là một thác nước “gió biển thổi không đứt, trăng sông soi sáng ngời” phun ra từ trên vách đá. Khi cả bầy khi đang đứng xem thác nước hùng vĩ này, có một kẻ nhân cơ hội đề nghị, ai mà có thể chui vào sơn động bên trong mà đi ra vẫn không bị thương, chúng ta sẽ tôn kẻ đó lên làm vương. Ngộ Không nghe xong, lập tức bay người vào trong động, phát hiện bên trong sơn động là một phòng ngủ tráng lệ được cấu tạo tự nhiên, bên trong có đủ ghế đá giường đá, chén đá dĩa đá, tất cả đồ dùng gia đình đều có hết. Ngộ Không khắc một hàng chữ lớn ở trên một phiếm đá: “Hoa Quả Sơn phước địa, Thủy Liêm Động động thiên”.

Sau khi Ngộ Không an toàn bay ra khỏi hang động, nói một câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả” (con người không có tín nghĩa, bất biết có thể làm được gì). Câu nói này được lấy từ “Luận Ngữ”, ban đầu câu nói này vốn dĩ là do Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô ngột, kỳ hà dĩ hành chi tái?” – Người mà không giữ điều hẹn ước, không biết người ấy có thể ra sao. Xe lớn mà không có đòn gỗ ngang (nghê); xe nhỏ mà không có đòn gỗ cong (ngột), xe làm sao mà đi được? 

Bầy khỉ rất xem trọng tín nghĩa, cả bọn cùng nhau tôn khỉ đá làm vương, gọi Ngộ Không là “Mỹ Hầu Vương”.

Mỹ Hầu Vương sống vô tư hạnh phúc bốn năm trăm năm cùng bầy đàn tại Hoa Quả Sơn. Một ngày nọ, trong một bữa tiệc đang vui vẻ, Mỹ Hầu Vương đột nhiên tâm sinh phiền não, nước mắt rơi xuống. Mặc dù nơi này không thuộc quyền kiểm soát của vua loài người, cũng không bị phượng hoàng, kỳ lân cai quản, nhưng tương lai tuổi già sức yếu, cũng sẽ bị Diêm vương quản thúc, cuối cùng vẫn không thoát khỏi được nỗi khổ của sinh tử luân hồi. Mối lo nghĩ xa xôi này của Hầu vương khiến cho cả đám khỉ đều che mặt mà khóc, vô cùng đau lòng.

Lúc này có một Thông Tý Viên nhảy ra nói rằng, chỉ có ba bậc Phật, Tiên, Thánh mới có thể thoát khỏi sinh tử luân hồi. Hầu Vương vừa nghe nói có hy vọng giải thoát liền đưa ra quyết định: ngày mai sẽ xuống núi, cho dù vân du góc biển, phiêu bạt chân trời cũng phải tìm được ba bậc tôn quý này để học được Đạo bất sinh bất diệt.

Hầu Vương thật sự dám gánh vác chuyện lớn, bỏ lại một núi vinh hoa phú quý, một núi kỳ trân dị thú, hoa trái tươi ngon, quyết chí vân du đi tìm kiếm phương pháp giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, để giúp hầu tôn hầu tử đời đời kiếp kiếp thoát khỏi kiếp nạn của cái chết. Nhìn những kỳ trân trong núi, cuộc sống thoải mái tự do, Hầu Vương không một suy nghĩ lưu luyến, mà thản nhiên xả bỏ hết tất cả. Lúc này, có lẽ chỉ có duy nhất một chữ “Đạo” xâm chiếm toàn bộ tâm tư của Hầu Vương.

Có câu nói: “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên địa tận giai tri” (Lòng nảy một niệm, Trời đất biết tỏ tường). Hầu Vương đã nảy sinh ý niệm tu luyện, ngay lập tức thiên thời địa lợi cũng biến hóa theo, Hầu Vương sai đám khỉ con chặt một ít cây thông khô, kết làm một cái bè, lại tiện tay cầm một cây tre trên núi làm mái chèo. Trong phần mở đầu của tiểu thuyết có nói đến Hoa Quả Sơn là tổ mạch của Thập Châu, có thể trấn áp được sóng to nước lớn. Ngày thường biển nơi đây sóng to gió lớn dữ dội, Hầu Vương thân cao không quá ba thước, trọng lượng cơ thể rất nhẹ, cộng thêm chiếc bè cũng không có bao nhiêu trọng lượng, với trang bị đơn sơ như vậy mà Hầu Vương dám trực tiếp xông thẳng vào đại dương mênh mông, đối đầu với những cơn sóng lớn. Chỉ một cơn sóng lớn trên biển đã đủ làm chiếc bè tan nát, và cũng chỉ một ngọn sóng cũng có thể làm Hầu Vương chìm xuống đáy biển. Chuyến đi xa này, Hầu Vương ý chí kiên quyết, quyết tâm thực hiện bằng được tâm nguyện tu Đạo. Tâm cầu đạo khiến Hầu Vương bước chân lên đường mà không chút hối hận.

Hầu Vương cầm mái chèo trôi lênh đênh trên biển, ông trời tác thành chuyện tốt thế gian, liên tục nhiều ngày thổi gió Đông Nam, đưa Hầu Vương bình an đến được bờ Tây Bắc, đến được Nam Thiện Bộ Châu. Hầu Vương vân du khắp Nam Thiện Bộ Châu khoảng tám chín năm, đi qua các tòa thành lớn, chu du khắp các huyện nhỏ, Hầu Vương bị người khác chửi mắng đánh đập vẫn có thể thản nhiên xử trí, không tức giận hay buồn phiền, mà còn chủ động nhận lỗi với người ta. Bởi vì Hầu Vương “thấy người đời đều là những kẻ vì danh vì lợi, không có người nào vì thân mạng cả”, cảnh tượng thế tục ngược lại còn khiến Hầu Vương vững tin vào tu hành, kiên định chí hướng, không làm Hầu Vương bị nản chí, bỏ cuộc nửa chừng.

Đi ngao du khắp nơi suốt tám chín năm, muốn gặp Tiên, Đạo mà không có kết quả. Một hôm, Hầu Vương đột nhiên nghĩ rằng, nếu như Nam Thiện Bộ Châu không có đạo Thần Phật Thánh Tiên, thì chắc là bên ngoài biển sẽ có. Thế là Hầu Vương lại làm một chiếc bè, lại vượt qua biển cả bao la, đi đến Tây Ngưu Gia Châu. Mặc dù đó chỉ là một thế giới hư ảo, nhưng nghị lực và quyết tâm của Hầu vương, kể cả là ngày nay đọc lại cũng khiến người ta thật sự kính nể.

Hầu Vương lên bờ ở một vùng hẻo lánh, ở lại đó rất lâu, đột nhiên nhìn thấy có một ngọn núi cao vô cùng hùng vĩ. Hầu Vương cảm thấy ngọn núi này không khác gì Hoa Quả Sơn của mình. Một câu: “Nơi tương phùng, không Tiên thì Đạo, ngồi im giảng Hoàng Đình” đã khuấy động tâm tu Đạo của Hầu Vương. Sau khi được một tiều phu (người đốn củi trong núi) chỉ đường, Hầu Vương chạy thẳng về “Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động”.

Bồ Đề tổ sư đang bước lên pháp đàn giảng đạo, đột nhiên dừng lại, biết là Hầu Vương sắp đến, nên ra lệnh cho một đồng tử đi ra nghênh đón. Hầu Vương vừa nhìn thấy Bồ Đề tổ sư, liền quỳ xuống, dập đầu bái lạy vô số lần, miệng chỉ nói một câu: “Sư phụ, sư phụ! Đệ tử chí tâm lễ lạy, chí tâm lễ lạy!”, Hầu Vương tâm niệm thuần tịnh, một lòng thành khẩn muốn bái sư học Đạo. Tổ sư nhìn Hầu Vương mỉm cười rồi ban tặng họ tên cho Hầu Vương, lấy pháp danh là “Tôn Ngộ Không”. Vừa có họ có tên lại được sư phụ thâu nhận, Hầu Vương vô cùng vui sướng. Từ đó bắt đầu con đường tu hành của mình.

Trong ấn tượng của con người, tu hành là phải học niệm kinh và ngồi thiền trước. Nhưng mà giáo trình tu luyện của Ngộ Không lại là học lễ nghi ứng xử với khách, tiến thoái xoay chuyển, học ngôn ngữ lễ nghĩa, học chữ, đốt hương, quét nhà, trồng vườn, trồng hoa tưới cây, tìm củi nhóm lửa, gánh nước chẻ củi, v.v… Trung Quốc thời xưa, những chuyện này đều là lễ nghi tiểu học, bài học đối nhân xử thế sơ cấp, vậy mà Ngộ Không học mất bảy năm trời. Từ đó, câu chuyện Tây Du Ký hấp dẫn ly kỳ mới được vén màn.

Ngô Thừa Ân sử dụng ngôn ngữ văn chương vô cùng phong phú và nối tiếp nhau liên tục, ngay trong chương mở đầu đã nhắc nhở chúng ta “Muốn biết làm sao thành tựu công đức, cần xem Tây Du Thích Ách truyện” (Tiểu thuyết Tây Du Ký lúc đầu có tên là Tây Du Thích Ách Ký, Tây Du Thích Ách truyện tức là truyện Tây Du Ký).

“Thích Ách” nghĩa là phóng thích khỏi khốn khó, khiến người ta giải thoát từ trong khổ ách. Ngay trong phần mở đầu của bộ tiểu thuyết này đã chỉ ra một cách rõ ràng rằng: khi con người bước vào con đường tu luyện, là tu cái tâm hướng thiện, cuối cùng có thể thành tựu đất trời, tạo hóa vạn vật, có thể tập hợp tất cả những gì đúng đắn, cứu con người ra khỏi đầm lầy của đau khổ và độc ác. Từ sau khi tác phẩm “Tây Du Ký” ra đời, trải qua vô số triều đại đều được mọi người ca tụng, có lẽ đây cũng là công đức tạo hóa của cái thiện trong chính bản thân tác phẩm.

Châu Yến biên dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner