Trong quan niệm của chúng ta, tạo hình Phật Di Lặc lại có bụng bự, miệng cười tươi thoải mái và rộng mở. Nụ cười của Ngài chứa đựng sự vui vẻ, bao dung và mang đến tinh thần lạc quan yêu đời. Ngài là biểu tượng của lòng nhân từ, buông bỏ mọi phiền lụy trong cuộc sống, tìm đến niềm vui an tĩnh trong tâm hồn. Nhiều người còn quan niệm Ngài giúp cho ta niềm vui cuộc sống và mang lại tài lộc.
Tượng Ngài không chỉ được dựng ở nơi thờ cúng như trong chùa và trên núi... mà còn trưng bày tượng trong nhà hay tại phòng làm việc với mong muốn được hạnh phúc và niềm vui. Người ta còn thần thánh hóa Di Lặc là vị Phật mang lại sự giàu sang, tài lộc cho gia chủ, nên tượng ngài được khắc cùng với xâu tiền, túi vàng.
Dân gian còn quan niệm Phật Di Lặc còn là biểu tượng của sự may mắn. Do quan điểm thẩm mỹ trong Phật giáo có khác nhau, nên hình tượng Phật Di Lặc cũng đa dạng theo quan niệm truyền thống của mỗi nước và theo các nền văn hóa trên thế giới.
Người xưa tạc tượng Di Lặc thanh mảnh, tuấn tú, với trang phục hoàng gia Ấn Độ. Ngày nay, do hiểu sai về Đức Phật Di Lặc nên chúng ta cho rằng Ngài là một vị Phật bụng phệ là không sát với thực tế về ngài. Thực ra hình ảnh này là dựa vào hình tướng một vị nhà sư Trung Quốc có tên là Bố Đại Hòa Thượng (tiếng Hoa: Budai, tiếng Nhật: Hotei) được coi là hóa thân của Bồ tát Di Lặc ở thế kỷ 10. Mặc dù một số người đã tự tuyên bố mình là Phật Di Lặc trong những năm sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn, nhưng không có ai được chính thức thừa nhận bởi Tăng đoàn và Phật tử.
Tránh hiểu sai về Đức Phật Di Lặc
Đức Phật Di Lặc, tên tiếng Phạn là Sa. maitreya, tiếng Pãli là Pi. Metteyya, có nghĩa là Nhân từ. Phật danh là ROPA, là tiếng Trời đặt, cũng có nghĩa là Nhân hậu. Ngài là bậc giác ngộ Pháp và truyền dạy cho chúng sinh.
Theo kinh điển, Phật Di Lặc sẽ là người kế vị của vị Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni Buddha), người sáng lập ra đạo Phật. Lời tiên tri về sự xuất hiện của Phật Di Lặc được tìm thấy trong kinh điển của tất cả các trường phái Phật giáo và được hầu hết các Phật tử chấp nhận như là một tuyên bố về một sự kiện thực sự sẽ diễn ra trong tương lai.
Lời tiên tri về sự xuất hiện của Phật Di Lặc được đề cập trong văn bản Phạn ngữ, Maitreyavyākaraṇa (Tiên tri Maitreya). Kinh điển viết rằng, các vị thần, con người, và những sinh vật khác sẽ thực hành theo giáo pháp của Đức Phật Di Lặc: "Sự nghi ngờ của họ sẽ biến mất, các ảo tưởng sẽ bị cắt đứt, loại bỏ mọi nguyên nhân gây ra đau khổ để vượt qua đại dương. Họ hướng đến cuộc sống thánh thiện, sung túc và hạnh phúc thông qua lời dạy của Phật Di Lặc".
Đặt tượng Đức Phật Di Lặc
Không nên đặt tượng Đức Phật Di Lặc tùy ý và nhất là không nên dùng hình tượng Ngài bụng phệ, ngồi trên đống tiền như hiện nay.
Nếu thờ Ngài thì khai quang tượng và bát hương, rồi đặt tượng trên bàn thờ và thờ phụng chu đáo, cầu mong Ngài phù hộ độ trì cho ta gặp nhiều may mắn, sống làm việc có ích cho đời. Nhớ phải đặt tượng Phật Di Lặc chuẩn phong thủy và không cầu mong giàu sang lắm tiền vì Ngài không phù hộ cái đó.
Do tham tiền mà nhiều người cầu vọng vào Đức Phật Di Lặc sẽ giúp mang lại nhiều tiền. Họ đặt trong nhà tượng Di Lặc ngồi trên đống tiền, một tay nâng đồng bạc trắng, một tay xách túi tiền. Rồi khi đi lễ họ rải tiền lẻ lên tượng Ngài với hy vọng Ngài sẽ phù hộ cho kiếm được nhiều tiền. Đó là một trong những hiểu sai về Đức Phật Di Lặc trầm trọng nhất mà chúng ta cần sớm sửa đổi.
Nếu không thờ Ngài mà đặt tượng Ngài không khai quang trong nhà thì phải tôn kính mà đặt tượng ở chỗ trang trọng, như trong góc phòng khách, trong tủ kính. Ở nơi công cộng không nên đặt tượng Ngài kiểu tếu táo như ở một số nơi hiện nay. Như vậy là thiếu tôn trọng Ngài. Đức Phật không bao giờ nhập tượng như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét