Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật

Khi ở tuổi 80, sắp vào Niết bàn, Đức Phật giảng bài pháp về 4 thần túc của bậc giác ngộ, có khả năng kéo dài tuổi thọ. Tôn giả A Nan nghe nhưng không thỉnh Thế Tôn trụ thân ở đời một thời gian trong khi ác ma thỉnh Ngài nên sớm vào Niết bàn... 


Với thánh cách vô thượng và thánh hạnh vô song, Thế Tôn đã du hành qua nhiều quốc gia, cảm hóa được nhiều thành phần trong xã hội. Từ vua, quan, quý tộc, thức giả, tỷ phú đến giới thương gia, nông gia, nô lệ, tướng cướp, kỹ nữ, cho đến ngoại đạo, tất cả đều được Ngài thâu nhận làm đệ tử tu hành thanh tịnh trong hội chúng của Ngài. Sự tổng hợp đa thành phần trong xã hội hỗn tạp thành đoàn thể hòa hợp thanh tịnh là điều kỳ diệu, nếu không phải Thế Tôn sẽ không thực hiện được điều này. Kết quả kỳ diệu này là do đức chiêu cảm của bậc giác ngộ, nhưng phần lớn nhờ vào những lời dạy nhiệm mầu cùng với những phương thức giáo hóa vi diệu của Thế Tôn. Trong phần này, ta không lật lại những trang giáo lý, mà chỉ tìm hiểu những thánh hạnh, thánh cách và một vài con đường hoằng pháp của Ngài.

1. Sau khi hành đạo, Thế Tôn nghĩ ngay đến việc giác ngộ cho hai vị đạo sĩ Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Tuy không phải là hai vị thầy đối thượng, hai vị này là những vị thầy đầu tiên hướng dẫn Thế Tôn tu tập mà Ngài đã đạt được những quả vị nhất định. Không độ được vì họ đã qua đời, nhưng lòng tưởng nhớ của Thế Tôn vẫn gợi lên trong ta tinh thần đại nghĩa của Ngài. Sau đó, Ngài nghĩ ngay đến năm anh em Kondanna và khởi hành đến Baranasi, cảm hóa họ thành những đệ tử đầu tiên. Ngài cũng không quên cảm hóa những thân chủ năm xưa: Sujata - cô thôn nữ cúng Ngài bát sữa, đánh dấu sự từ bỏ khổ hạnh vô nghĩa; Svastika - cậu thiếu niên cúng 8 bó cỏ mịn để lót ngồi thiền mà sau đó Ngài chứng Vô thượng Chánh đẳng giác. Hình ảnh bậc Đạo Sư nhớ đến những vị thầy đã theo học lúc chưa thành đạo, những người bạn đồng tu, những thân chủ năm xưa, cho ta một cái nhìn đầy lạc quan, tin tưởng vào tình người của Ngài.

2. Tín - một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực giữa con người với con người. Đức Phật, dù đối với vua chúa, quý tộc hay thứ dân, đều trân trọng chữ tín. Vua Bimbisara, lúc Thế Tôn chưa thành đạo, có đề nghị nếu tìm được đạo thì hãy nhớ hóa độ vua; vì vua vừa muốn có bậc Đạo Sư nương tựa tinh thần, vừa muốn giao hảo với Thế Tôn để cho xứ Magadha có mối quan hệ tốt với Kapilavatthu. Đồng thời, nếu Thế Tôn trở thành bậc Thầy vĩ đại thì vua Bimbisara sẽ ảnh hưởng được Ngài về mặt quần chúng. Đức Thế Tôn thừa hiểu việc này, vẫn giữ lời hứa năm nào, đến Magadha cảm hóa vua Bimbisara, cuối cùng vua đã trở thành vị đệ tử nhiệt thành.

Một lần khác, trong lúc đang ở Vesali, Đức Phật nhận lời mời của kỹ nữ Ambapàli đến thọ thực tại nhà cô ta vào ngày hôm sau. Cùng lúc ấy, nhóm quý tộc Licchavi cũng thỉnh Ngài thọ thực tại nhà của họ, đúng vào ngày Ambapàli mời. Đức Phật từ chối trong sự thật rằng, Ngài đã nhận lời mời của Ambapàli trước rồi nên phải giữ chữ tín (Trường Bộ I, kinh số 15, tr. 579).

Khi ở tuổi 80, sắp vào Niết bàn, Đức Phật giảng bài pháp về 4 thần túc của bậc giác ngộ, có khả năng kéo dài tuổi thọ. Tôn giả A Nan nghe nhưng không thỉnh Thế Tôn trụ thân ở đời một thời gian trong khi ác ma thỉnh Ngài nên sớm vào Niết bàn. Đến khi Thế Tôn sắp nhập diệt, A Nan khẩn nài Ngài trụ thêm một thời gian, Ngài đã từ chối vì đã "hứa" với ác ma.

3. Không ít người đã dùng lăng kính "nhân giới" để tìm chữ hiếu trong "Phật giới" nên đã không tìm thấy, rồi vội kết luận Đức Phật bỏ gia đình, trốn cha mẹ xuất gia là bất hiếu. Cái hiếu của bậc hiền trí không phải là "quạt nồng ấp lạnh" hay "sửa gối dâng trà", mà là cảm hóa phụ mẫu về với chánh đạo. Muốn vậy, phải tu theo chánh đạo và đạt được chánh đạo. Tinh thần hiếu của Đức Phật là cái đại hiếu của người đi phương xa để tìm "món thuốc" trường sinh bất tử về để cứu cha mẹ, mà không chịu ở quanh cha mẹ lo bát cơm, tách nước. Do đó, ta thấy sau khi thành đạo và đã có được một số đông đệ tử, Đức Phật trở về quê hương Kapilavatthu để hóa độ thân phụ và các thân tộc họ Thích-ca (Sakya). Kinh còn kể, Đức Phật vận thần thông lên cõi trời Đâu suất để giáo hóa thân mẫu Maya chứng quả A La Hán.

Như thế, rõ rằng Đức Phật là bậc đại hiếu. Lòng hiếu của Ngài thoát khỏi chữ hiếu thường tình, không nhuốm màu ái dục. Đó là tinh thần hiếu đạo xuất thế của bậc giác ngộ.

Bài viết: "Thánh hạnh vĩ đại của Đức Phật"
Minh Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner