Đã từng có những cuộc tranh luận kéo dài về việc đạo Phật tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, những ai trực tiếp tìm hiểu giáo lý đạo Phật, đều thấy rằng những cuộc tranh luận như thế thật ấu trĩ. Bởi Phật giáo luôn đề cao tinh thần phụng sự, phụng hiến, là tinh thần Bồ-tát hạnh. Tinh thần đó xuất hiện trong cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền lẫn Bắc truyền.
Trả lời câu hỏi tại sao lại có những cuộc tranh luận tưởng chừng phi lý như thế, chúng ta có thể nhận ra nhiều vấn đề liên quan đến việc hoằng truyền và tiếp nhận, thực hành giáo lý Phật dạy. Trong một thời gian trước công cuộc chấn hưng Phật giáo, ở Việt Nam ta, Phật giáo từng bị “ma chay hóa”, việc học hành của Tăng sĩ bị hạn chế, kinh điển được trưng trong các tủ thờ trang nghiêm, ít được nghiên cứu, hành trì. Bên cạnh đó, một số tiểu thuyết gia đã khai thác đề tài Phật giáo theo lối yếm thế, tiêu cực, chán đời, khiến cho dân gian nhìn Phật giáo qua một lăng kính ảm đạm, rất buồn.
Trong một lần có duyên đảnh lễ cố Hòa thượng Thích Trí Tịnh, người viết được nghe Hòa thượng kể lại hình ảnh sinh hoạt Phật giáo đầu thế kỷ XX. Đọng lại rõ nét trong ký ức của Hòa thượng là hình ảnh của một Phật giáo u buồn. Hòa thượng kể: “Tôi tin pháp môn niệm Phật, không lúc nào quên đạo Phật, nhưng lại vô chùa không được, vì chùa lúc nào cũng tối om om, tượng thì ông nào cũng đội khăn đỏ trên đầu, chỉ có một đốm sáng nơi lỗ mũi, về nhà thấy muốn nóng lạnh. Ngoài đường thì có một ông thầy đi trước, thằng nhỏ theo sau, đầu đội cái thúng, trong để chuông mõ, tượng Phật và đồ minh khí để đốt. Tôi nghĩ tu hành gì kỳ vậy nên không mến được!”.
Với một Phật giáo u buồn như thế, làm sao người ta có thể nhận ra cái hùng tráng của những con-người-Phật-giáo. Những Con Người ấy, đầu tiên hẳn phải là Đức Phật - với một vị Thái tử chấp nhận từ bỏ cả giang san, từ bỏ vợ đẹp con ngoan, vì muốn tìm ra con đường hạnh phúc đích thực cho nhân loại. Một vị con vua khác, Đức A-nan, đã dũng mãnh phát nguyện: Cõi ác thế con nguyền vào trước, nếu một chúng sanh nào chưa thành Phật, con nguyện sẽ không chứng Niết-bàn. Một vị vua Việt coi ngai vàng như đôi dép rách, dám từ bỏ ngôi cao quyền lực để vào rừng làm nhà tu khổ hạnh, lòng vẫn không nguôi nghĩ đến muôn dân. Và nữa, những vị Tăng - Thánh tử đạo dám cúng dường thân mình vì Phật pháp… Đó chính là cái “bi tráng mà hùng tráng” của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Giới luật Phật giáo làm nhằm giúp con người tránh xa việc ác, và hẳn nhiên hướng đến việc thiện. Ở thế gian, một người không phạm pháp đã được xem là người hiền lương. Nhưng người Phật tử còn hơn thế nữa, luôn hướng đến cái tích cực. Ấy vậy nên trong 28 giới khinh (giới nhẹ) của Bồ-tát giới tại gia có răn rằng: Nếu Bồ-tát tại gia, sau khi thọ giới, gặp người bệnh khổ, sinh khởi ác tâm, bỏ phế không chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý (Giới thứ 3). Nếu Bồ-tát tại gia, sau khi thọ giới, đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc gửi gắm cho người khác chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý (Giới thứ 28).
Một khi con Phật còn hành trì lời Phật, còn xiển dương Chánh pháp thì đạo Phật hẳn không u buồn. Lúc đó, chúng ta tin chắc rằng: “Khí thiêng của Đất nước, cùng ánh sáng của Đuốc tuệ, vẫn còn và sáng hơn. Ma quân và ngoại đạo có muốn khác đi cũng chẳng được” (Hòa thượng Thích Trí Quang).
Bài viết: "Đừng để Phật giáo u buồn như thế!"
Quảng Kiến
Quảng Kiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét