Ngày xưa, khi Đức Phật chưa thành đạo, thế giới này là do Ma Vương cai quản. Khi Ngài thành đạo, Đức Phật khám phá ra con đường thoát khỏi sự cai quản của Ma Vương, nên Ma Vương dùng đủ mọi hình thức để chống phá Ngài.
Ma Vương biết, nếu để Đức Phật truyền dạy chính pháp thanh tịnh thiền của Ngài, thì Ma Vương không còn ai cung phụng, không ai đến cầu xin và không ai đến lễ lạy… Vì vậy, Ma Vương quyết chí phá cho bằng được, nhưng Ma Vương đã thất bại!
Vì sao Ma Vương bị thất bại?
Vì Đức Phật sử dụng “Cây cung thiền định thanh tịnh” và “Cây kiếm trí tuệ bát nhã”, nên Đức Phật quở Ma Vương: “Những việc của ngươi là dẫn người đi trong luân hồi, để hầu hạ ngươi, không qua mắt được ta”. Ma Vương thấy việc làm của mình bị Đức Phật vạch trần, nên xấu hổ mà bỏ đi.
Nhưng trước khi bỏ đi Ma Vương có lời nguyền rằng: “Này ông Cồ Đàm! Hôm nay ta thua ông, vì ông còn trụ ở thế giới này, nên ta không làm gì được ông. Ông nên biết rằng, sau khi ông diệt độ, sau này các đệ tử của ông, dù là lớn hay nhỏ, tuy là hình thức tu theo ông, chớ việc làm của họ phải làm theo sự điều khiển của ta cả, ông phải chống mắt mà xem ta sai khiến họ!”
Ma Vương nói thêm: “Còn sau khi ông diệt độ, người nào dám viết lại những lời dạy về Như Lai thanh tịnh thiền của ông, đều là kẻ chống đối với ta, ta quyết chí triệt phá họ cho bằng được. Ta sẽ sai khiến người có chức có quyền trong đạo của ông phụ giúp ta triệt phá người này. Ta cũng báo cho ông Cồ Đàm biết, số người tu theo đạo của ông, một ngàn người chưa chắc có một người biết pháp môn thanh tịnh thiền này, nhưng việc cúng lạy và cầu xin thì là vô số kể. Ông đừng mong đem giáo pháp thiền thanh tịnh này để đưa người sống trong vật lý (vật chất) do ta cai quản, hầu thoát ra ngoài sự cuốn hút của vật lý (vật chất) được!”
Ma Vương lại nói thêm: “Này ông Cồ Đàm, sau này có rất nhiều người đem pháp môn tu trong vật lý (vật chất), mạo danh thanh tịnh thiền để dụ nhiều người đến nghe để họ kiếm tiền, những người này cũng là do ta xúi bảo cả”.
Tiếp theo là tiếng cười của Ma Vương thật lớn và dài.Trước khi nhập niết bàn đức Phật có dặn dò đệ tử nhắc nhở người đời sau về lời nguyền của Ma vương. (Ảnh dkn.tv)
Đức Phật nghe lời nguyền và tiếng cười của Ma Vương quá mạnh và dài, nên trước khi nhập niết bàn, Như Lai có lời dạy như sau: “Này các đại đệ tử lớn của Như Lai, cũng như các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di, các ngươi là người tu theo thanh tịnh thiền, phải chú ý lời nguyền của Ma Vương và dạy lại cho người sau. Vị nào tu tập theo chánh pháp thanh tịnh thiền, phải nhớ những lời nguyền của Ma Vương này!”
(Theo “Hành đúng lời Phật dạy chắc chắn Giải thoát” của Nguyễn Nhân)
***
Theo lý tương sinh tương khắc thì có âm ắt có dương, có cương ắt có nhu, có chính ắt có tà, có thiện ắt có ác, có Phật ắt có ma. Do đó người tu Phật sẽ phải trải qua muôn trùng ma nạn. Thể hiện sinh động ma nạn ngăn cản người tu Phật là 81 nạn của thầy trò Huyền Trang sang Tây Trúc lấy kinh, vượt qua hết ma nạn mới thành chính quả.
Câu chuyện Đức Phật sử dụng “Cây cung thiền định thanh tịnh” và “Cây kiếm trí tuệ bát nhã” thắng Ma Vương chính là nhắc nhở người tu Phật phải giữ được tâm “thiền định thanh tịnh”, không bị những ham muốn thế gian như danh vọng, vinh hoa, tiền tài, tình cảm thế nhân dẫn động lôi kéo. Thanh tịnh, buông bỏ ham dục, thiền định thực tu, tăng cường định lực, nhẫn nại, khiến cho tâm vững chắc, trong sáng, không gì lay động nổi, không danh, lợi, tình nào có thể động tới được.
Nhưng thế sự vạn biến, thật giả khó lường, cái giả, cái tà, cái ác sẽ mượn danh cái chân, cái chính, cái thiện để lừa dối người ta, mê hoặc dẫn dụ người ta. Như thế phải dùng vũ khí thứ hai là “cây kiếm trí tuệ bát nhã”, tức là phải dùng trí tuệ của Phật Pháp để phân biệt thật giả, chính tà, thiện ác. Bám chắc vào Pháp, chứ không chạy theo số đông, không nghe theo danh tiếng người thầy nào đó, hay danh tiếng môn phái nào đó.
Nhưng con người rốt cuộc vẫn là con người, vẫn cứ bị ma dẫn động. Bậc chân tu cao tăng đắc đạo như Tế Công cuối cùng bị phương trượng, trụ trì đuổi ra khỏi chùa là một ví dụ minh chứng cho câu nói của Ma Vương: “Ta quyết chí triệt phá họ cho bằng được, ta sẽ sai khiến người có chức có quyền trong đạo của ông phụ giúp ta triệt phá người này”.Ngày nay chúng ta thấy rất nhiều lời nguyền của Ma vương đã thành sự thật. (Ảnh: Pinterest)
Hay những ngày rằm mồng một, đặc biệt là dịp lễ tết, đến các chùa sẽ thấy Ma Vương đã thực hiện được câu nói này: “Số người tu theo đạo của ông, một ngàn người chưa chắc có một người biết pháp môn thanh tịnh thiền này; nhưng việc cúng lạy và cầu xin thì là vô số kể”.
Có một số chùa, tăng ni thực tế đã làm như Ma Vương nói: “Sau này có rất nhiều người đem pháp môn tu trong vật lý (vật chất), mạo danh thanh tịnh thiền để dụ nhiều người đến nghe để họ kiếm tiền, những người này cũng là do ta xúi bảo cả!”
Những thuyết giảng của Phật Thích Ca từ 2500 năm trước vẫn thế, nhưng người học thời nay đã không tiếp cận được nguyên văn lời giảng của Ngài. Trải qua nhiều lần biên dịch, phiên dịch, qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, và qua lời giải thích kinh sách của những người ở các tầng thứ, nhận thức khác nhau, khiến nghĩa lý ban đầu đã không còn mấy.
Đức Phật dạy tu thẳng vào cái tâm, giữ tâm thanh tịnh, và đả tọa thực tu trong thiền định, và dùng trí tuệ bát nhã, tức theo lời Phật dạy mà tu, chứ đâu có dạy xây chùa, thắp hương lễ bái, cầu khấn, đốt vàng mã, phóng sinh đâu. Vì những việc này đều là “hữu vi”, giống như câu chuyện giữa Bồ Đề Đạt Ma và Lương Võ Đế như sau:
Lương Võ Đế hỏi: “Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạc tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?”
Bồ Ðề Ðạt Ma trả lời một cách rõ ràng rằng: “Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!”
Vua lại hỏi: “Tại sao không công đức?”
Ngài Đạt Ma đáp: “Bởi vì những việc vua làm là ‘hữu lậu’, chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật”.
Vua lại hỏi: “Vậy công đức chân thật là gì?”
Ngài Đạt Ma đáp: “Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn, thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được”.
Theo DKN.tv
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét