Đời người, ai cũng từng mất rất nhiều thời gian để chờ đợi, đây được coi là việc mệt mỏi và chán nản nhất. Nhưng liệu chờ đợi có thực sự là vô ích?Đời người, có biết bao điều chờ đợi. (Ảnh: Pinterest)
Chờ đợi là vì điều gì?
Chờ đợi, đối với tôi là điều rất quen thuộc, trong cuộc sống có vô vàn sự chờ đợi. Nhớ những năm vẫn còn “ngồi nhà”, nhốt mình trong căn phòng trống vắng, hầu như ngày nào cũng cô đơn chờ mẹ tan ca, chờ em trai em gái tan học. Cho đến khi mọi người xuất hiện, mọi thứ mới trở nên náo nhiệt.
Trong 13 năm ở viện Quảng Tử Bác Ái, lúc đầu tôi thường bị cuốn vào một kiểu chờ đợi giống như những người lính đang ngồi đếm bánh bao để chờ đào ngũ, tôi chờ đợi kỳ nghỉ đông và nghỉ hè sắp tới để có thể về nhà một thời gian, gặp những người thân trong gia đình, ăn những thứ mình muốn.
Tôi từng ở bệnh viện Đại học quốc gia Đài Loan, trải qua bốn cuộc phẫu thuật cắt da cắt thịt. Nằm trên giường bệnh, điều duy nhất tôi có thể làm là đằng đẵng chờ đợi. Hàng ngày như thường lệ các bác sĩ đi thăm khám từng phòng bệnh, các y tá đo nhiệt độ cơ thể, huyết áp, cho uống thuốc… và đưa ba bữa cơm đến theo những khung giờ cố định.
Thứ tôi đang chờ đợi không phải chỉ có thế, mà là khi nào tôi có thể xuất viện, khi nào tôi có thể đứng dậy và đi lại. Khi bác sĩ thông báo rằng cả đời này tôi không thể dùng nạng để đi lại, mà bắt buộc phải gắn bó với chiếc xe lăn, tôi và người mẹ luôn kề bên chăm sóc chỉ biết khóc trong tuyệt vọng.
Sau khi tôi có việc làm, thì vào cuối tuần và thứ hai, tôi sớm đã hình thành nên một thói quen. Sáng sớm tôi luôn thức dậy vào một giờ cố định, để bà xã đang nằm bên cạnh có thể ngủ thêm một lúc, tôi không nỡ đánh thức cô ấy để giúp tôi đứng dậy, vì vậy tôi bắt đầu chờ đợi.Thứ tôi đang chờ đợi không phải chỉ có thế, mà là khi nào tôi có thể xuất viện, khi nào tôi có thể đứng dậy và đi lại. (Ảnh: Pxhere)
Một câu nói khiến mọi người sẵn sàng chờ đợi trong một thời gian dài
Tháng 11 năm ngoái, bộ phim truyền hình “Dream stage” đã được chiếu trên đài truyền hình Đại Ái. Người được phỏng vấn là một người mới nổi trong lớp diễn viên – Giang Tử Tuyên, cô ngồi trên xe lăn, mắc phải căn bệnh hiếm gặp “Thiếu hụt enzyme Citrate”. Cô mắc bệnh khi 14 tuổi, xác suất căn bệnh hiếm gặp này là 1 trên hơn 400.000, nhưng cô lại “đen đủi” dính phải .
Triệu chứng của căn bệnh này là toàn bộ cơ thể sẽ tự nhiên run rẩy, và nó hoàn toàn không thể kiểm soát được, giống như hành động của bệnh Parkinson. Ngoài ra, rất khó để nói, phải mất một thời gian dài để nói một câu, cô ấy nói chuyện còn khổ sở vất vả hơn bệnh nhân bị bại não.
Khi cô chia sẻ “Câu chuyện của tôi”, đoàn thu âm của phòng thu vẫn sẵn sàng chờ đợi cô trong một thời gian dài vì cô phải rất khó khăn mới có thể nói ra được một câu, đó là tình huống chưa từng xảy ra trước đây. Không biết tại sao, nhưng trải qua sự chờ đợi, từng câu nói đều nghe rất rõ ràng và cảm động lòng người.
Kết thúc cuộc phỏng vấn, tôi đã hỏi cô ấy một câu hỏi: “Bạn có muốn nói gì với ai đó không?”. Cô ấy đã chọn nói với mẹ mình: “Con thường nổi giận với mẹ…”. Chúng tôi lại chờ đợi cô ấy nói xong câu thứ nhất, rồi tiếp theo là câu thứ hai.
Cô tuôn trào nước mắt, còn tôi đang nhìn thẳng vào cô ấy, không biết bằng cách nào, nước mắt của tôi dường như cũng bị cô ấy khống chế mà chảy ra. Nước mắt của cô càng ngày càng nhiều, nước mắt của tôi cũng tiếp tục rơi lã chã, cuối cùng cô ấy không thể chịu được bật khóc nức nở. Tôi tin rằng những người có nước mắt, họ sẽ có cầu vồng trong tim.
Mọi chuyện xảy ra đều có ý nghĩa
Tôi đã ru rú trong nhà khoảng 10 năm và không thể ra ngoài làm việc, thật là một cuộc chờ đợi dài đằng đẵng! Tôi đã từng nghĩ rằng chờ đợi như vậy thật lãng phí thời gian, với thời gian đó tôi có thể làm được bao nhiêu việc, tích lũy được bao nhiêu thành quả, nhưng lại chỉ có thể chờ đợi nó trôi qua.Chờ đợi không phải là lãng phí, mà đang ẩn mình chờ thời. (Ảnh: Vietbf)
Sau khi đọc cuốn sách của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami “Làm thế nào để trở thành một tiểu thuyết gia chuyên nghiệp”, trong nháy mắt tôi được mở mang khai sáng. Trong cuốn sách nói rằng tác giả đã trải qua một khoảng thời gian dài rối bời, bàng hoàng không nơi nương tựa.
Tuy nhiên, ông miêu tả đây là những tháng ngày trầm mặc, “ẩn mình chờ thời”. Thời gian đó giống như xây dựng đường băng của máy bay. Để máy bay có thể cất cánh, nó phải có đường băng đủ dài. Nếu đường băng không đủ dài, máy bay không thể cất cánh. Chỉ khi có nhiều thời gian, đường băng mới có thể kéo dài, máy bay mới có thể cất cánh, bay vút lên trời.
Bây giờ nghĩ lại, thời gian đó chẳng phải tôi đang xây dựng bước đệm cho đường đời của chính mình, sao có thể là sự chờ đợi, là lãng phí được chứ?
Khởi đầu của sự chờ đợi sẽ rất nhàm chán, bất lực và giày vò. Nhưng có một lần, tôi đã tìm ra cách giữ được sự bình thản ung dung trong lúc chờ đợi. Ví dụ, nếu bạn bất cứ lúc nào cũng mang theo một cuốn sách, bạn có thể giết thời gian trong khi chờ đợi. Điều bất ngờ là, tôi vô tình đã hình thành nên thói quen đọc sách.
Trong những năm tháng chờ đợi, tôi đã mài giũa được “tính kiên nhẫn” của mình giống như một con trai, khi cát chui vào, con trai cảm thấy không thoải mái, nhưng không có cách gì để đẩy cát ra ngoài. May mắn thay, con trai sẵn sàng chờ đợi, dần dần dùng các chất dinh dưỡng trong cơ thể bao quanh hạt cát, và sau đó hạt cát trở thành một viên trân châu đẹp.
Năm mới sắp đến, tôi không thể chờ đợi thêm nữa! Cần phải nói rằng những năm tháng chờ đợi xưa cũ, đã được thay thế bằng sự nỗ lực không ngừng. Chỉ còn một sự chờ đợi duy nhất, đó là chờ thành quả xuất hiện sau bao nỗ lực. Bây giờ mới biết rằng, miễn là bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ có một sự chờ đợi và một kỳ vọng mà bạn có thể đạt được.
Tác giả: Lưu Minh
Lưu Minh 3 tuổi bị bệnh bại liệt, phải gắn bó vơi chiếc xe lăn suốt đời. Ông hiện là trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật Hỗn Chương Tống, người dẫn chương trình của Đài truyền hình Đại Ái, Đài phát thanh Phục Hưng. Tác giả của các tác phẩm: “Cuộc sống xoay vòng”, “Những món quà từ trên trời rơi xuống”, “Cuộc sống tươi đẹp”, “Từ người khuyết tật đến người cha giàu”, “Ngồi nhìn mây bay”, “Khi thần tượng gặp ngôi sao”.
Tuệ Tâm (Theo Epoch Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét