Kê Túc sơn là một trong những danh sơn tại Trung Quốc gắn liền với các sự kiện Phật giáo huyền bí và hết sức linh thiêng.
Kê Túc sơn cách thị trấn Ngưu Tỉnh khoảng 40 km, thuộc huyện Tân Xuyên, Tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Núi sừng sững đứng tại nơi giao nhau của các huyện Tân Xuyên, Đặng Xuyên, Vĩnh Thắng, Hạc Khánh, Nhị Nguyên. Dãy núi Kê Túc với Thiên Trụ là đỉnh chính giữa, và cũng là đỉnh cao nhất cách mặt nước biển khoảng 3.248 mét. Nương tựa vào nhau trên cùng một chân núi, dù hướng về các phía khác nhau, ba đỉnh núi uy nghi sừng sững với khí thế như tương trợ, đầu dãy núi đặt tại Tây Bắc, cuối dãy ở Đông Nam, tạo thành hình chân gà, cũng vì thế mà có cái tên Kê Túc.
Tổng chiều dài núi vào khoảng 6 km, rộng chừng 2.822 hec-ta, đối diện Thương Sơn Nhĩ Hải, phía sau lưng là Kim Giang chảy cuồn cuộn. Kê Túc xứng danh “hùng, tú, u, kỳ, tuyệt”, cùng với Ngũ Đài, Phổ Đà, Cửu Hoa, Nga Mi trở thành “Ngũ đại danh sơn” của Trung Quốc, và là “Núi thiêng đất Phật” với vẻ đẹp đắm lòng người.
Kinh Phật từng chép rằng, hai nghìn sáu trăm năm sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn, tức là thời điểm hiện nay, đệ tử của Phật Thích Ca, Đại Ca Diếp vẫn còn tại thế và chưa nhập niết bàn. Ông từng phát nguyện rằng: “Nguyện thân ta không bị hư hỏng, sau khi đức Di Lặc thành Phật, thân cốt này sẽ vẫn tồn tại, từ nhân duyên đó độ hóa chúng sinh”. Nói xong, ông cầm y bát của Đức Phật, bước vào trong tảng đá trên đỉnh Kê Túc, như thể bước vào bùn mềm. Sau khi ông đã vào bên trong, tảng đá trở lại như lúc đầu. Ông ở đây kể từ đó, chờ đức Di Lặc giáng sinh. Cách đây vài chục năm, nghe nói rằng, có vị tiến sĩ nước Pháp là ông Bockson từng trông thấy khuôn mặt của tôn giả Đại Ca Diếp nơi vách núi Kê Túc.
Năm 1638, nhà du hành nổi tiếng thời nhà Minh là Từ Hà Khách đã hai lần đến Kê Túc sơn, lưu lại đến mấy tháng, khảo sát hết thảy địa lý, thủy văn, thực vật, chùa chiền, từ đó cho ra đời bộ sách “Kê Túc sơn kí”, tán tụng danh xưng “Nhật Hải Vân Tuyết tứ đại kỳ quan”, cùng với “Bát đại thắng cảnh”, rồi để lại áng văn bất hủ, tán tụng rằng: “Đất nước ta có được 1 cảnh đẹp như thế này đã là tuyệt diệu lắm rồi, nhưng nơi đây lại hội tụ đầy đủ hết thảy các kỳ quan, quả xứng danh đệ nhất”.
Trong “Kê Túc sơn chỉ chưởng đồ”, đời cuối Nhà Thanh có ghi chép: “Kê Túc sơn có 47 núi, 3 đỉnh, 34 nham bích, 45 động, khe suối hơn 100. Núi Kê Túc không chỗ nào là không có cảnh đẹp, thần kỳ mỹ lệ, quả là trời đất tạo ra chốn tiên cảnh này”.
Người ta thường dùng 8 câu để khái quát về Kê Túc Sơn như sau:
Nhất điểu: Ca Diệp Điểu, hay còn có danh xưng là chim Di Lặc, hay chim Niệm Phật, đây là loài chim nhỏ có thân hình tuyệt đẹp, tiếng hót lảnh lót.
Nhị trà: Vân Nam trà hoa, trong đó một là Sư Tử trà, hai là Thông Thảo phiến, cả hai đều là trà hoa cổ đời nhà Thanh. Đằng sau am Tuệ Đăng có một gốc cây được xưng là cổ hoa sơn trà “Cửu tâm thập bát biện”, có lẽ gốc cây này đã trải qua 240 năm sương gió nơi núi rừng. Khi mới nở, hoa có khoảng 10 cánh, trông như đầu sư tử. Loại kia là trà từ cánh hoa cúc màu đỏ tươi, đó chính là “Thông thảo phiến”.
Tam long: long tông (tên một loài cọ), long trúc (một loại tre), long trảo đỗ quyên (đỗ quyên móng rồng).
Tứ quan: Thiên Trụ, Tứ Quan và Kim Đính là 3 đỉnh núi cao nhất của Kê Túc sơn. Từ trên đỉnh núi, nhìn về hướng đông ngắm Mặt trời mọc, trông về phía tây là Thương Sơn Nhĩ Hải, ngó về nam ngắm mây phủ, nhìn về bắc chiêm ngưỡng Lệ Giang Ngọc Long Tuyết Sơn.
Ngũ sam: đây là 5 loại cây thường có mặt ở Kê Túc, bao gồm: linh sam, du sam, liễu sam (cây bách tán), hồng đậu sam, sam mộc.
Lục trân (6 đặc sản): măng, nấm, hạt dẻ, tiêu, hạt thông, nham tố.
Thất thú (7 loại động vật): khỉ vượn, nai, dê rừng, hoẵng, báo, gấu, lợn rừng.
Bát cảnh: Thiên Trụ Phật Quang, Hoa Thủ vang tiếng sấm, mây về hồ Nhĩ Hải, vách núi về chiều, thác nước xuyên mây, Tháp Viện Thu Nguyệt, tiếng thông reo vạn ngách, Thương Sơn tuyết trắng.
Bát cảnh chính là điều khiến Kê Túc hiện lên với vẻ đẹp kì diệu và tuyệt vời:
Thiên Trụ Phật quang: Khi tiết trời vào mùa hạ thu, mưa tạnh trời trong, sương mù bao phủ đỉnh Thiên Trụ, bất ngờ xuất hiện cột quang nhiều sắc màu, các tăng nhân nơi đây gọi đó là Phật quang, coi đó là điềm báo cát tường.
Hoa Thủ vang tiếng sấm: Hoa Thủ Môn là vách đá dựng đứng nằm ở tây nam tháp Lăng Nghiêm, rộng khoảng 20 mét, cao chừng 40 mét, ngay giữa vách núi này xuất hiện một vết nứt thẳng liền khiến vách núi trông như thể hai cánh cửa khép lại. Từ trên cao nhìn xuống, Hoa Thủ Môn như một bức bình phong khổng lồ. Cũng vào mùa hạ thu, giông tố nổi lên, vách Hoa Thủ sáng lóa như ánh dương, tiếng sấm rền vang, tia chớp lập lòe từ xa dội vào, gặp vách núi dựng đứng này thì dội lại tạo nên thanh âm chấn động hoàn vũ, thanh âm được lưu lại nơi động sâu, xưa nay gọi là Hoa Thủ vang tiếng sấm.
Thương sơn tuyết trắng: Thời tiết rét đậm, đỉnh Thương sơn quanh năm tuyết phủ trắng xóa, dưới ánh Mặt trời đỉnh núi óng ánh trong suốt. 19 đỉnh núi trùng điệp nối nhau trắng xóa, với mây vờn phủ giữa lưng chừng, tạo thành cảnh tượng như bạch long lượn lờ trong mây, phong cảnh vô cùng thi vị.
Mây về hồ Nhĩ Hải: Khi bình minh lên, mặt hồ Nhĩ Hải phẳng lặng yên ả, từ mặt hồ ấy, hơi nước bốc lên đọng lại tạo thành lớp sương mù mỏng manh bồng bềnh như lụa, khiến Nhĩ Hải hồ bàng bạc một màu trắng xám, trở thành khung cảnh nên thơ với vẻ đẹp mơ màng, mông lung.
Tiếng thông reo vạn ngách: Xung quanh Kê Túc sơn cho đến nay vẫn là rừng rậm nguyên sơ. Đứng từ đỉnh Kim Đính trông xuống, trải trước mắt là một màu xanh bạt ngàn, rừng thông bao phủ cả một vùng, cây rừng tiếp nối như đến vô tận.
Thác nước xuyên mây: trên núi Kê Túc, thác lớn thác nhỏ cả thảy khoảng 10 thác. Cách Chúc Thánh tự khoảng 1.5 km về phía tây nam là thác Ngọc Long xứng danh đệ nhất. Thác cao khoảng 60 mét, trông như một phiến ngọc thanh khiết treo nơi vách đá, lưng chừng thác thường hay có mây mù lượn lờ. Tả về thác Ngọc Long, người ta có câu thơ rằng:
“Châu cơ thác lạc hữu tiên ảnh,
Băng tuyết phiên thành song bích huyên.
Ngã dục kị Ngọc Long bối,
Phong điên quần hạc cộng viên viên”.
Tạm dịch:
“Châu ngọc như lạc vào cảnh tiên,
Băng tuyết hợp thành đôi mảnh ngọc.
Ta muốn được cưỡi lưng Ngọc Long,
Tựa đàn hạc trắng bay trên đỉnh”.
Đây quả thực là tiên cảnh.
Vách núi về chiều: Khi Mặt trời ngả về tây, tại vách La Hán và mỏm núi đá Cửu Trọng, ban đầu chỉ là vách núi đá tối đen phủ cỏ xanh, ấy thế mà khi ánh nắng rực rỡ chiếu rọi vào, thành vách bỗng hóa một màu đỏ, khiến người thưởng ngoạn không khỏi ngạc nhiên trầm trồ.
Tháp viện Thu Nguyệt: Tọa lạc tại chân núi Văn Bút là tháp viện có tòa Bạch tháp cao chừng 20 thước, cùng với Quang Minh tháp nơi đỉnh Thiên Trụ từ xa hướng về nhau. Vào đêm trăng sáng sao thưa, khi ánh trăng chiếu rọi phía tây Quang Minh tháp, trăng sáng cùng Quang Minh tháp giao hòa một mạch, trăng hạ song tháp tạo nên cảnh quan tráng lệ, hùng vĩ vô cùng. Thi nhân Lư Quế Sinh có bài thơ đề “Tháp viện Thu Nguyệt, viết rằng:
“Tình không vạn lý bích thu thủy,
Diêu vọng lĩnh đầu bạch vân sinh.
Tháp ảnh cô huyền thâm dạ tĩnh,
Băng hồ trạc hồn hoảng nan danh”.
Tạm dịch:
“Vạn lý trời trong nước như ngọc,
Xa nhìn mây trắng lượn đầu non.
Tháp treo lơ lửng đêm tĩnh lặng,
Hồ băng hồn tỉnh khó gọi tên”.
Các công trình kiến trúc Phật giáo tại Kê Túc, bắt đầu được xây dựng vào thời Đường, vào thời Tống Nguyên chùa chiền vẫn được duy trì, sang thời Minh Thanh thì ngày càng thịnh hành, đến thời Trung Hoa Dân quốc, các tăng nhân bắt đầu tu sửa lại. Thời Khang Hy của nhà Thanh, Kê Túc có 8 chùa lớn, 37 chùa nhỏ, 65 am viện và 175 tịnh thất, chư tăng khoảng 5.000 người.Đồ hình vẽ các ví trí tham quan tại Kê Túc Sơn
Kim Đính tự ngự tại đỉnh Thiên Trụ khiến cảnh quan núi không gì có thể sánh bằng, cảnh sắc như đặt tại chốn thần tiên. Nguyên ban đầu đây là Phụng Sơn Thái Hòa Cung ở Côn Minh (tức Kim Điện ngày nay), vào năm Đinh Sửu thời Sùng Trinh (năm 1637), kiềm quốc công là Mộc Thiên Ba lệnh cho tuần phủ Vân Nam là Trương Phượng Cách, từ Côn Minh di dời Kim Điện đến Kê Túc sơn. Đáng tiếc, Kim Điện đã bị hủy trong thời Cách mạng Văn hóa những năm 60, hiện chỉ còn lại cửa chính của Kim Đính tự, cùng với tháp Lăng Nghiêm được xây dựng vào năm 1934.
Kê Túc sơn còn có Chúc Thánh tự, hiện là ngôi chùa nổi tiếng và cổ xưa nhất tại đây. Tiền thân của ngôi chùa này là Bình Bát am, vào thời Minh nó có tên là Nghênh Tường tự. Đến thời năm Quang Tự, am này đã đổ nát xiêu vẹo. Theo sử sách ghi chép, năm 1904, đại sư Hư Vân nhận lời mời của Cung Trúc tự và Đại Lý Sùng Thánh tự, đã tới hai ngôi chùa này giảng kinh và truyền giới luật. Lúc đó, đề đốc Vân Nam ông Lý Phúc Hưng và tri huyện Tân Xuyên cùng trợ giúp ông đến Kê Túc sơn, rồi mời cao tăng ở lại Nghênh Tường tự, ngôi chùa khi ấy trống rỗng không người.
Năm 1906, Hư Vân hòa thượng vào kinh thành thỉnh cầu Thanh Cung Nội Vụ Phủ cho phát hành bộ tạng kinh là “Long Tạng”. Ông được Hoàng đế ân chuẩn. Ngoài việc cho ban hành “Long Tạng”, Thiên tử còn ngự ban cho ông tử y, bình bát, ngọc ấn và thiết trượng, đồng thời đổi tên “Nghênh Tường tự” thành “Hộ quốc Chúc Thánh Thiện tự”. Phong Hư Vân làm “Phật Từ Hồng Pháp đại sư”. Năm 1907, Hư Vận nhận “Long Tạng” trên đường về Vân Nam đã đường vòng đến Malaysia, Thái Lan, Myanmar, để truyền giảng pháp và hóa duyên.
Năm 1909, Hư Vân dùng 300 con ngựa vận chuyển các cuốn tạng kinh, vật tư, vạn lạng vàng, quyên được từ các nước Đông Nam Á về để dựng xây Kê Túc sơn. Ông phụng chỉ về núi, xây dựng công trình lớn, mở rộng tăng tự. Tại Đại Hùng bảo điện, ông cho xây dựng 500 tượng La Hán. Qua 10 năm thi công, toàn bộ công trình được hoàn thành, khi đó ông 60 tuổi. Nghênh Tường tự trở thành 1 chùa lớn nơi núi rừng bạt ngàn của Phật giáo tại Kê Túc Sơn.
Kê Túc sơn nhìn từ xa là ngọn núi nguy nga, tráng lệ, bàng bạc khí thế, khi nhìn gần, trước mắt là rừng rậm tĩnh mịch, các đỉnh núi so vẻ thanh tú, rừng nguyên thủy trải dài vô tận như che cả bầu trời, làm khuất ánh dương. Tháp miếu tự am điểm tô nơi các sườn núi làm tăng vẻ nguy nga cho nơi này. Quang cảnh tự nhiên kì lạ, dày đặc kiến trúc chùa chiền cổ tự tạo thành cảnh quan thể hiện sự hòa hợp của thiên nhiên và con người càng tôn thêm vẻ rực rỡ kỳ thú. Cảnh quan nơi đây vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nét mộc mạc, nhưng cũng không kém phần đặc sắc và độc đáo của nội hàm văn hóa Phật giáo xưa kia, xưng danh “Đất Phật Động Tiên”.
Hàn Mai, Meizi – Theo Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét