Người ta đã chứng minh rằng thiền định có thể giúp các em học sinh giảm bớt căng thẳng và áp lực học đường. Nhiều trường học đang bổ sung thêm các khóa dạy trẻ thiền định vào chương trình học.
Thiền định giúp học sinh giảm bớt căng thẳng và áp lực học đường. (Ảnh qua collective-evolution.com)
Những nhà giáo dục có định hướng nhìn xa trông rộng ngày một nhiều lên. Những trường công lập ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ cũng không ngoại lệ khi đưa mô hình thiền định vào chương trình giảng dạy hàng ngày cho học sinh. Nhìn vào những lợi ích mà việc thiền định mang lại so với những biện pháp giáo huấn kỷ luật trước đây, chúng ta sẽ thấy được hiệu quả của phương pháp này.
Chúng ta biết rằng hệ thống giáo dục truyền thống cần được cải tiến ở nhiều khía cạnh. Không ít trẻ em phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng và áp lực từ những đòi hỏi, yêu cầu của hệ thống giáo dục công lập. Bên cạnh đó, các em còn phải chịu nhiều áp lực xã hội khác phát sinh trong môi trường học đường. Robert Scherrer, Giám sát viên tại North Allegheny đã đưa các bài tập thiền vào các trường nhằm mục đích giải quyết vấn đề này. Ông nhận xét:
“Chúng tôi nhận thấy một số học sinh đã gặp phải rất nhiều căng thẳng. Chúng tôi muốn rèn cho học sinh của mình một số chiến lược và kỹ năng có thể giúp các em đối phó với sự căng thẳng đó”.
Các em học sinh, đặc biệt là học sinh Mỹ đang phải chịu nhiều áp lực và căng thẳng hơn vì các vụ sả súng xảy ra thường xuyên ở trường học, từ đó an ninh ngày càng được tăng cường, kỷ luật được siết chặt và căng thẳng cũng vì thế mà gia tăng trong môi trường học đường. Có thể chắn chắc một điều rằng thiền định có thể giúp học sinh bình tĩnh và xua tan mọi sợ hãi, lo âu kéo dài vì những hành vi bạo lực đáng tiếc này.
Thiền định thay vì cấm túc
Nhiều trường công lập ở Mỹ đã đưa thiền định vào trong giảng dạy. (Ảnh qua Rujug)
Một số trường đang thử áp dụng phương pháp thiền định trước khi cấm túc học sinh để xem xét kết quả và cũng nhằm thử ngăn chặn sự việc tái diễn. Trường ở Pittsburgh không phải là những trường đầu tiên thực hiện phương pháp này, San Francisco đã thành công rực rỡ với các chương trình này vài năm trước đây, NBC News đưa tin.
Phóng viên của NBC Cynthia McFadden đã có buổi phỏng vấn O’Driscoll về suy nghĩ của ông đối với phương pháp giáo dục mới này:
“Ông có tin vào điều này ngay từ đầu không, hay ông đã ngập ngừng, nghi ngờ phương pháp thiền này?”
“Tôi đã nghĩ đó là một trò đùa. Tôi nghĩ, việc làm ‘lập dị’ này đã không có hiệu quả vào những năm 70 thì làm sao bây giờ lại có thể chứ?”, O’Driscoll thừa nhận.
Tuy nhiên, không lâu sau, người thầy hoài nghi này đã bắt đầu tin vào điều đó. Bốn năm sau khi ‘giờ yên lặng’ được đưa vào thời khóa biểu hàng ngày của học sinh các cấp, đã mang lại một số kết quả đáng chú ý, như việc đình chỉ học giảm 79%, số học sinh đi học đều tăng 98,3%, và điểm trung bình chung cũng tăng lên 4 điểm.
Ngày nay, hơn 1.500 học sinh, sinh viên và 170 công nhân viên đã được hướng dẫn thiền định ở bốn trường, trong đó có Burton High, nơi từng được gọi là ‘trường bạo loạn’.
Bill Kappenhaggen, hiệu trưởng trường Trung học Burton, thừa nhận ban đầu ông khá lo lắng về việc rút bớt thời gian trong lịch học của học sinh, vì vậy ông đã tăng thêm nửa giờ một ngày để dành thời gian thiền định. Nhưng sự lo lắng của ông là không cần thiết, vì trường đã giảm được hẳn 75% số trường hợp bị đình chỉ và nhảy vọt từ trường có thành tích kém ở California lên vị trí những trường có thành tích trên trung bình.
Hy vọng rằng phương pháp đưa thiền định vào chương trình học này sẽ tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới. (Ảnh qua steppingforwardcounselingcenter.com)
Một số học sinh trường Trung học Burton đã chia sẻ những gì mà phương pháp mới này mang đến cho các em.
“Thiền định làm cho bạn ý thức hơn về hành động của mình”, một nữ sinh chia sẻ.
“Thiền đưa bạn đến một cảnh giới “bình tĩnh” nhất định”, một nam sinh khác nói.
Em nhỏ tên Tobias cho biết thiền định thậm chí còn giúp em đối phó với cơn giận dữ thường trực: “[Trước đây], em luôn muốn gây sự với mọi người vì một lý do nào đó”.
Trong phần kết của buổi phỏng vấn, McFadden hỏi Hiệu trưởng Kappenhaggen liệu ông có thực sự nghĩ rằng thiền định có thể thay đổi tình hình bạo lực và căng thẳng bên ngoài trường hay không, ông trả lời: “Tôi không nghĩ vậy, nhưng tôi tin rằng [điều đó] có thể giúp [các học sinh, sinh viên] thay đổi cách nhìn nhận và đối phó với bạo lực, chấn thương tâm lý cũng như những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày”.
Đi cùng nhận thức là sự thay đổi
Dường như, cuối cùng chúng ta cũng phải thừa nhận sự thật rằng những biện pháp giáo dục cũ, kể cả rất nhiều biện pháp đang được áp dụng tại các trường công lập, đã không còn hiệu quả nữa. Cùng với việc tiễn đưa cái cũ, đã đến lúc chúng ta nên đón nhận cái mới.
Hy vọng rằng, sự đổi mới bằng phương pháp thiền định này sẽ tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới để học sinh rèn được những kỹ năng có thể giúp các em khám phá được tiềm năng của mình và luôn duy trì tâm thái khỏe mạnh.
Bảo San, theo CE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét