Nguồn gốc câu thành ngữ “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Nguồn gốc câu thành ngữ “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”

Xưa nay, chúng ta đều rất quen thuộc với câu thành ngữ “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Nguồn gốc của câu thành ngữ này là từ một điển cố có thật trong lịch sử.
Sự chân thật, tấm lòng thuần thiện chân chính là giá trị đạo đức mà con người ngày nay cần phải tìm về.

“Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, đây là một câu thành ngữ vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Thành ngữ này bắt nguồn từ những ghi chép lịch sử “Các triều đại nổi tiếng và lâu đời”. Nguyên lai của nó là một câu nói: “Lời khuyên tốt nghe không êm tai nhưng có ích cho người nghe, giống như thuốc tốt có vị đắng nhưng hiệu quả cho người bệnh. Thần hi vọng bệ hạ làm theo những gì Phàn Khoái nói”.

Năm 207 trước công nguyên, Lưu Bang dẫn đầu quân khởi nghĩa và lật đổ nhà Tần. Sau khi chiếm Hàm Dương, thủ đô nhà Tần, Lưu Bang đã đi bên trong cung điện và quan sát. Ông nhìn thấy tòa nhà lộng lẫy và rất nhiều báu vật khắp mọi nơi. Bất cứ nơi nào ông đến, các mỹ nữ xinh đẹp đều bước ra cúi chào. Càng quan sát, Lưu Bang càng tò mò và thích thú nên ông quyết định sống trong cung điện một thời gian để hưởng thụ.

Phàn Khoái là một tướng dưới quyền Lưu Bang. Khi ông nghe Lưu Bang nói muốn sống trong cung điện, liền hỏi: “Ngài muốn làm vương của toàn cõi thiên hạ hay chỉ muốn sống như một người đàn ông rất giàu có”.

Lưu Bang đã trả lời: “Tất nhiên là ta muốn cả giang san này”.


Phàn Khoái thành khẩn khuyên rằng: “Khi bệ hạ tiến vào cung điện nhà Tần, ngài đã thấy vô số kho báu và hàng ngàn mỹ nữ xinh đẹp. Tất cả đây chính là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của triều đại nhà Tần. Thần mong rằng bệ hạ hãy nhanh chóng quay lại doanh trại của chúng ta. Xin bệ hạ đừng sống trong cung điện này”.

Lưu Bang đã không nghe lời khuyên của Phàn Khoái, vẫn sửa sọan để chuẩn bị dọn vào cung điện sống. Quân sư của ông là Trương Lương sau khi nghe kể về chuyện này, bèn tâu rằng:

“Vua Tần vô phép. Đó là lý do dân chúng nổi lọan chống lại ông ta và đánh bại quân Tần. Nhờ đó bệ hạ đã lật đổ vị hoàng đế hung bạo từng làm khổ dân sinh. Vậy nên bệ hạ cần siêng năng và tiết kiệm. Bệ hạ vừa nhập cung đã muốn vui chơi hưởng lạc, lời khuyên tốt nghe không êm tai nhưng có ích cho người nghe, giống như thuốc tốt có vị đắng nhưng hiệu quả cho người bệnh. Thần hi vọng bệ hạ làm theo những gì Phàn Khoái đã nói”.

Lưu Bang thức tỉnh và nhận ra sai lầm. Ông nhanh chóng ra lệnh đóng cửa cung điện và trở về doanh trại của mình.

Thuốc tuy đắng nhưng có thể trị được bệnh. Lời nói thật tuy trước mắt có gây phật lòng người nghe, nhưng lại luôn giá trị và cần thiết. Một triết gia đã nói rằng: “Người bạn thân nhất của ta là người chỉ trích những lỗi lầm của ta một cách gay gắt nhất”, thế thì “sự thật mất lòng” ở đây cũng có giá trị tương xứng của nó… Người xưa cũng lại nói rằng “mất lòng trước, được lòng sau”.

Trong cuộc sống xã hội ngày nay, con người ta dường như chỉ chạy theo lợi ích trước mặt, họ luôn tỏ ra khôn khéo, tinh ranh ở mọi lúc, mọi nơi. Con người thường ít quan tâm và để ý đến nhau để có những lời nói thật. Vì thế, để tìm được một người bạn tri kỷ, luôn nói lời chân thật về ta cho ta nghe là một điều quả thật khó khăn.

Tuy nhiên, sự thật và những lời nói chân thật lại luôn luôn có giá trị trường tồn. Sự chân thật, tấm lòng thuần thiện chân chính là giá trị đạo đức mà con người ngày nay cần phải tìm về.

Theo Kan Zhong Guo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner