Nhặt bạc vàng chẳng giấu, tích thiện phúc có dư Hành ác cắt phúc lộc, hướng thiện giải tai ương
Cổ ngữ có câu rằng: “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri; thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư”. Ý rằng: Con người sinh một niệm, thiên địa đều biết tường tận. Nếu không có quả báo thiện ác, càn khôn ắt có tư tâm. Câu nói này là để cho con người biết cái lý thiện ác hữu báo như hình với bóng, thiên lý khó có thể dối gạt, Thần linh giám sát thiện ác mọi lúc mọi nơi. Có người bởi một niệm thành khẩn lương thiện, liền được Thần âm thầm ban phúc. Có người vì một niệm tà ác, liền bị Trời trách phạt.
Làm người chớ lừa dối lương tâm mình. Tuy nhiên cũng có người cho rằng mình làm rất kín kẽ, làm việc xấu mà không người nào biết được. Thực ra họ đều khó thoát được báo ứng. Dưới đây là một số câu chuyện nhân quản được ghi chép lại trong các thư tịch cổ.
Nhặt bạc vàng chẳng giấu, tích thiện phúc có dư
Vào năm Gia Tĩnh nhà Minh (1522-1566), tại huyện Ngô Giang tỉnh Giang Tô có một người tên là Thi Phục, hai vợ chồng có hai chiếc khung cửi dệt lụa, dựa vào nuôi tằm dệt lụa mưu sinh. Một hôm Thi Phục bán lụa trở về, giữa đường nhặt được một túi bạc nhỏ, có khoảng hơn 6 lạng, bèn nghĩ: “Số bạc này nếu là của người làm ăn ít vốn đánh rơi, cả nhà họ sẽ không có nguồn sống, thậm chí còn khiến người mất, nhà tan”.
Thế là ông đứng đó đợi người chủ túi bạc tới tìm lại, nhịn đói nhịn khát đợi cả nửa ngày trời mới thấy người mất bạc vội vàng tới tìm. Thì ra là một vị hậu sinh mất của. Thi Phục hỏi rõ rồi trả lại bạc. Vị hậu sinh vô cùng cảm tạ, muốn lấy một nửa số bạc hậu tạ Thi Phục, Thi Phục không nhận, người kia bèn mua trái cây cho Thi Phục, mời ông dùng bữa, Thi Phục đều từ chối, cũng không để lại tên tuổi mà rời đi. Thi Phục về đến nhà, kể chuyện với vợ, vợ ông nói rằng: “Ông làm rất tốt!”. Hai vợ chồng ông không vì nhặt được bạc mà vui, ngược lại lại thấy an tâm khi trả lại bạc.
Sau đó, Thi Phục hàng năm nuôi tằm đều thu được lãi lớn. Một năm nuôi tằm, Thi Phục không tìm được nơi mua lá dâu, ông vô cùng lo lắng, liền góp vốn chung thuyền với gần mười nhà khác qua hồ tìm mua lá dâu. Trời đã lờ mờ tối mà không kịp qua hồ, họ bèn neo thuyền tại một cảng nhỏ, chuẩn bị cơm tối. Thi Phục lên bờ tìm lửa lại gặp ngay nhà người hậu sinh năm ấy mất bạc, vị hậu sinh tên là Chu Ân, hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Thi Phục nói: “Do thiếu lá dâu tằm, nên tôi phải qua núi Động Đình mua”.
Chu Ân nói: “Trong vườn nhà đệ cây dâu chưa bao giờ tăng thêm một hai cây, thế mà hiện nay không những đủ dùng cho gia đình mà còn dư ra rất nhiều, vừa hay đủ dùng cho huynh. Những cây dâu này cứ như là vì huynh mà mọc ra vậy, chẳng phải là định số sao?”
Thi Phục đáp rằng: “Giống như chúng ta gặp nhau, cũng là định số”.
Hai người bèn kết tình huynh đệ. Hai vợ chồng Chu Ân chuẩn bị cơm canh khoản đãi ân nhân, còn định thịt gà, Thi Phục bèn ngăn vợ chồng Chu Ân lại mà rằng: “Cơm nước như vậy tôi đã vô cùng cảm tạ rồi, hà tất phải sát sinh!”
Chu Ân hạ một cánh cửa xuống, dùng ghế dài kê thành cái sập cho Thi Phục nghỉ ngơi. Nửa đêm, chú gà đột nhiên gáy ầm ĩ, Thi Phục nghe tiếng vội vàng trở dậy ra ngoài xem nó bị làm sao. Ngay lúc mới xuống khỏi cái sập, vừa bước được ba bốn bước, chỉ nghe thấy đột nhiên có tiếng động lớn như núi sập đất lở, không biết có thứ gì rơi xuống cái sập. Chu Ân nghe tiếng vội chạy qua đốt lửa soi đường, thì thấy cánh cửa nát vụn, cái ghế dài đã đổ, thất kinh mà rằng: “Hóa ra có cái trục xe gác ở bên trên, không biết sao lại rơi xuống được? Đại ca mới đầu không cho giết gà, ai nghĩ rằng con gà báo ân, cứu được tính mệnh của huynh”.
Ngày hôm sau, Chu Ân đi thuyền chở lá dâu về nhà Thi Phục, sau khi quay trở về mới biết rằng những người hôm qua qua sông mua lá dâu đều gặp sóng lớn lật thuyền, gần mười người đều gặp nạn, chỉ có một người được cứu trở về báo tin. Thi Phục nói với Chu Ân: “Nếu không gặp hiền đệ và lưu lại, giờ này chắc ta cũng gặp nạn rồi”.
Chu Ân đáp rằng: “Đây đều là phúc báo của huynh thường ngày hay làm việc thiện, đâu có liên can gì đến đệ!”
Vợ chồng Thi Phục từ đó ngày càng vui vẻ hành thiện thí xả, phàm là việc tốt mà bản thân có thể làm được, đều dốc lòng thực hiện.
Ở bên có người hàng xóm giàu có, rất tính toán, cũng chính vì chỉ biết “theo lợi” cho nên về sau thua lỗ triền miên hết năm nay qua năm khác. Còn Thi Phục nhân hậu, không đầy mười năm đã có cơ nghiệp trị giá nghìn vàng, giàu có nhất vùng. Sau này con cái đầy nhà, lại ngoan hiền hiếu thuận.
Trong một loạt các sự việc “trùng hợp” liên tiếp của Thi Phục, đều không phải vô duyên vô cớ, trong vô hình đã có an bài. Người xưa nói “Nhà tích thiện ắt có dư phúc lành”, ý nghĩa là: Một người làm nhiều việc tốt, tích nhiều âm đức, cho dù có gặp những chuyện không thuận lợi, cũng gặp hung hóa cát, dần dần biến chuyển tốt lên. Không chỉ như vậy, còn mang tới rất nhiều may mắn cho con cháu đời sau. Thi Phục vì hành thiện mà liên tục được phúc báo, gặp hung hóa cát, cuối cùng tiền tài như nước.
Có câu thơ ca ngợi Thi Phúc rằng:
Trả bạc sáu lạng việc nhỏ nhoi,Đức cảm động Trời đã sớm coi.Xưa nay âm đức đều báo phúc,Mỗi niệm quỷ Thần vẫn chiếu soi.
Hành ác giảm lộc, hướng thiện tiêu tai
Những năm Gia Tĩnh triều Minh, tại huyện Như Cao tỉnh Giang Tô có người tên Trần Quân, nhậm chức quan giáo dụ (tức giáo sư) tại trường học huyện Vọng Giang, tỉnh An Huy. Vào tối ngày 11 tháng 06 năm ông 39 tuổi, trong giấc mơ ông đi tới chùa Địa Tạng Vương bên ngoài cổng thành phía Nam huyện Như Cao, có một vị quan mặc áo đen, dẫn ông vào trong đại điện. Ông nhìn thấy trên điện khói hương nghi ngút, hành lang che mưa đứng đầy nha dịch, xếp hàng rất uy nghiêm.
Trần Quân phủ phục dưới thềm. Đột nhiên nghe thấy tiếng một vị Bồ Tát tuyên cáo rằng:
“Đời ông cha nhà ngươi đều trung hậu, đặc biệt là mẫu thân ngươi trinh tiết trong sạch, hiếu thuận phụ mẫu, kính Thần lễ Phật. Do hành thiện như vậy nên Thần linh vốn định bảo hộ nhà ngươi có thể đỗ Cống sỹ trong khóa thi Minh Kinh. Ngoài ra trong số mệnh ngươi còn có cơ hội đỗ tiến sỹ đầu bảng. Nhưng do ngươi ngày thường làm nhiều việc ác, không hề hành thiện, sớm đã bị Thần linh tước bỏ ân huệ. Sau khi qua 40 tuổi, ngươi sẽ dần dần phải gánh chịu báo ứng cho những tội ác mà ngươi gây nên”.
“Điều không thể tha thứ nhất là: cách đây không lâu có người đưa cho ngươi một bộ sách hướng thiện, ngươi không những không tôn kính tin theo, mà còn giấu sách đi không chuyển cho người được tặng. Ngăn trở con đường hành thiện của người khác, tội này vô cùng nghiêm trọng. Ngươi sẽ phải chết thảm vào tháng 08, không thể miễn tội!”
Trần Quân vô cùng sợ hãi, choàng tỉnh giấc. Nhớ lại năm ngoái y tham gia ứng thí cuộc thi hương tại Kim Lăng, có con trai của Hoàng Vinh Tăng, quan giáo dục huyện Tuyên Thành tỉnh An Huy từng đưa cho ông một bộ sách hướng thiện, nhờ ông chuyển cho hai thí sinh ở cùng phòng. Do thời gian thi cử bận rộn, gấp rút, nên ông không kịp đưa lại, mà mang về huyện Vọng Giang để trong hòm sách. Ông đã quên chuyện này rất lâu rồi, giờ mới nhớ ra, nhưng đã không thể làm được gì khác. Nhưng câu chuyện trong mơ hư hư thực thực, ông không dám tin chắc, trong lòng bán tín bán nghi. Sáng sớm ngày 16 tháng 08 đột nhiên chân tay Trần Quân lạnh ngắt, tinh thần hỗn hoạn, mồ hôi đổ như mưa, trong hôn mê, cuối cùng ông cũng đã tin giấc mơ ngày trước không phải là giả.
Do vậy Trần Quân chuyển niệm nghĩ rằng: “Tội ác của mình tuy nặng, hối cải cũng có thể miễn tai họa”. Vừa nghĩ như vậy, trong lòng ông thấy vô cùng tỉnh táo. Vì vậy ông cố gắng cầm bút viết một hơi một bài sớ văn, đau khổ tự trách bản thân, thề rằng sẽ sửa chữa những lỗi lầm trước kia, và thề nguyện sẽ chuyển lại cuốn sách hướng thiện về nhân quả báo ứng, xin các Thần linh minh xét.
Ngay đêm đó, ông liền mơ thấy một vị thần dẫn ông tới trước một cung điện lớn. Những vị Thần linh đợi ngoài cửa bước vào, dường như thay ông biểu đạt sự ăn năn, hối lỗi, một lúc sau các vị thần ra ngoài, cho phép ông ra về, ông dường như được thoát khỏi tội chết vậy và dặn dò ông rằng: “Phải kiên định thực hiện lời nguyện ước, thận trọng thực hiện, không được lơ là!”
Sáng sớm hôm sau Trần Quân tỉnh giấc, tinh thần đột nhiên sảng khoái, cơ thể bệnh tật dần dần hồi phục. Từ đó về sau ông khuyên mọi người xung quanh nên hành thiện, cố gắng hết sức phổ truyền sách hướng thiện và kể về đạo lý nhân quả báo ứng.
***
Trong văn hóa truyền thống hàng nghìn năm nay, con người dù theo tín ngưỡng dân gian hay theo Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều tin vào nhân quả báo ứng, đều có cái tâm kính sợ Trời Đất Thần Phật, từ đó tự ước thúc hành vi bản thân, mỗi niệm mỗi hành đều chú ý xem có hợp với chuẩn mực đạo đức không, có làm hại người khác không, có khinh mạn Trời Đất Thần Phật không. Nếu không kiểm soát được hành vi, làm những điều sai trái tà ác thì cũng biết sám hối để tiêu trừ tội nghiệp mình đã tạo ra, từ đó giữ được phúc phận, cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội đều khá an định bình yên.
Khi con người không có lòng kính sợ, không sợ Trời Đất Thần Phật, thế thì quan chức có thể vì truy cầu tiền tài danh lợi mà tùy tiện vô pháp, tham lam hối lộ bẻ cong pháp luật. Thương nhân có thể chạy theo đồng tiền mà dục vọng ngút Trời, hãm hại lừa bịp giả dối, hàng giả hàng độc hại, hàng kém chất lượng lan tràn. Dân chúng vì không còn tin thiện ác hữu báo buông thả phóng túng dục vọng, chỉ vì chút lợi cỏn con mà sẵn sàng tranh giành đấu đá, quyết ăn thua với nhau.
Kết quả cuối cùng là con người mất tín ngưỡng, mất thành tín, băng hoại đạo đức, tàn hại lẫn nhau và tàn phá môi trường. Khi con người đã không còn tin vào bất cứ điều gì ngoài đồng tiền thì lúc đó pháp luật cũng bất lực, vì pháp luật cũng do con người thực hiện. Thế nên, các vấn đề xã hội, nhân sinh, môi trường hiện nay, càng ngày càng nhức nhối, càng khó giải quyết nếu không giải quyết được vấn đề gốc: Nâng cao đạo đức xã hội trở lại.
Kiến ThiệnTheo vi.minghui.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét