Dùng chính binh pháp của Trung Hoa để cầm quân tập kích bất ngờ nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã làm nên chiến công thơm danh muôn thuở.
Người đầu tiên áp dụng kế “Tiên phát chế nhân”: Thân cô thế cô đoạt quyền cầm quân khởi nghĩa
Năm 209 TCN, Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ để trốn thoát kẻ thù báo thù đã chạy đến nước Ngô. Quận thú quận Cối Kê là Ân Thông, xưa nay vẫn kính trọng Hạng Lương. Ân Thông muốn thương thảo hình thế chính trị đương thời và con đường của mình nên đã phái người tìm đến Hạng Lương.
Hạng Lương gặp Ân Thông, nói đánh giá của mình về thời cuộc: “Hiện nạy vùng Giang Tây đều đã khởi nghĩa chống lại nhà Tần, đây chính là Trời diệt triều Tần. Ra tay trước có thể chế phục người, ra tay sau thì sẽ bị người chế phục”.
Ân Thông nghe xong, cảm khái nói rằng: “Nghe nói ngài là hậu thế của đại tướng nước Sở, là người có tài có thể làm việc lớn. Tôi muốn đem quân hưởng ứng quân khởi nghĩa, sẽ mời ngài và Hoàn Sở cùng cầm quân, chỉ có điều không biết Hoàn Sở hiện nay ở đâu?”.
Hạng Lương nghe rồi, trong lòng nghĩ: Ta chẳng muốn làm thuộc hạ của ông. Thế là, Hạng Lương nhanh trí, vội vàng nói: “Hoàn Sở phạm hình luật Tần Lãng nên đã lưu vong lang bạt giang hồ, chỉ có cháu của tôi là Hạng Vũ biết ông ta ở đâu. Để tôi đi gọi Hạng Vũ đến đây hỏi xem”.
Nói rồi, Hạng Lương bước ra khỏi cửa, khẽ bảo Hạng Vũ chuẩn bị bảo kiếm, chờ thời cơ giết Ân Thông. Hai chú cháu người trước người sau đi vào phòng.
Ân Thông thấy Hạng Vũ bước vào, liền đứng dậy để tiếp đón, liền bị Hạng Vũ rút kiếm đâm chết, rồi lấy ấn tín của quận thú đi ra ngoài lớn tiếng tuyên bố khởi nghĩa.
Lý Thường Kiệt dụng kế “Tiên phát chế nhân”: Uy danh chấn động khắp thiên hạ
Năm 1038 vua Chiêm Thành là Chế Củ cho quân quấy nhiễu bờ cõi Đại Việt. Mùa xuân năm 1039 vua Lý Thánh Tông đích thân dẫn quân cùng nguyên soái Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành, Lý Thường Kiệt bắt sống vua Chiêm Chế Củ. Vua Chiêm xin dâng 3 châu để chuộc tội, và xin làm chư hầu, hàng năm cống nạp. Nước Chân Lạp cũng sai sứ sang cống nạp Đại Việt.
Chiến thắng Chiêm Thành khiến các nước lân bang kinh sợ, Đại Tống cũng phải e ngại, nhưng cũng buộc phải công nhận Chiêm Thành là chư hầu của Đại Việt.
Đại Tống đã từ lâu có ý dòm ngó Đại Việt, nhưng vẫn e sợ. Năm 1072 vua Lý Thánh Tông qua đời, nhân cơ hội đó năm 1073 Tống Thần Tông sai Thẩm Khởi làm Kinh lược sứ Quảng Tây, sửa đường, lo lương thảo, quân đội để chuẩn bị đánh Đại Việt.
Lúc này vua Lý Nhân Tông mới 8 tuổi. Quân Tống đã tập hợp được 100 nghìn quân ở 3 thành Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu (phần lớn 2 tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay). Đại Tống đang điều động tiếp 45 vạn tinh binh thiện chiến từ phương bắc xuống để hợp quân tấn công Đại Việt.
Trước tình hình đó, thái úy Lý Thường Kiệt tâu lên vua: “Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đi đánh trước, tiên phát chế nhân, ra tay trước bẻ gẫy mũi nhọn quân Tống”.
Đại Việt huy động quân triều đình và quân các thủ lĩnh các dân tộc thiểu số phía bắc, tổng cộng 100 nghìn quân. Đạo quân phía Đông do Lý Thường Kiệt chia làm 2 đường thủy bộ, tiến sang đánh Khâm Châu (Đông Hưng và các huyện xung quanh ngày nay). Đạo quân phía Tây do các thủ lĩnh dân tộc thiểu số chia 4 đường đánh sang Ung Châu (Nam Ninh và các huyện xung quanh ngày nay).
Lý Thường Kiệt vận dụng liên hoàn kế, đầu tiên là “Tiên phát chế nhân”, rồi kết hợp “Dương đông kích tây”. Đạo quân phía Tây có nhiệm vụ “dương Tây” để đạo quân chủ lực phía Đông của Lý Thường Kiệt “kích Đông”.
Năm 1075, các cánh quân của đạo quân phía Tây do Tôn Đản chỉ huy 60.000 quân lần lượt tiến đánh Ung Châu, chiếm được các trại Cổ Vạn, Vĩnh Bình, Thái Bình, và các châu Tây Bình, châu Lộc, trại Hoành Sơn.
Quân Tống bị hút về phía tây, dồn quân sang Ung Châu chống cự quân Đại Việt. Lúc đó đạo quân phía Đông do Lý Thường Kiệt chỉ huy 40.000 quân xuất quân, thủy quân đi đường biển và voi chiến đánh chiếm được Khâm Châu dễ như trở bàn tay, bắt được toàn bộ quan quân Đại Tống mà không phải giao chiến một trận nào.
Sau khi chiếm được Khâm Châu, quân Đại Việt chia quân đánh sang Liêm Châu. Quân Tống ở Liêm Châu cố thủ nhưng không nổi, các tướng các trại tử trận, quân Đại Việt bắt sống 8.000 tù binh.
Sau Khi chiếm được Khâm Châu và Liêm Châu, Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm Châu tiến về đánh Ung Châu, cho đạo quân ở Liêm Châu tiến đánh Bạch Châu, rồi sau đó cùng hội quân đánh Ung Châu.
Thành Ung Châu rất kiên cố, chính tể tướng Đại Tống là Vương An Thạch tin rằng, quân Đại Việt sẽ không thể phá nổi thành. Vua Tống điều thêm 20.000 quân và 3.000 con ngựa chiến cứu viện. Đồng thời sai Thạch Giám trấn thủ Quế Châu, cách thành Ung Châu 14 ngày đường, đồng thời làm Kinh lược sứ Quảng Tây.
Vua Tống còn xuống chiếu cho các quan lại địa phương rằng: “Nếu xem chừng quân Giao Chỉ tới đâu mà không đủ quân giữ, thì chỉ giữ lấy chỗ hiểm mà thôi. Chỗ nào có tiền, vải, lương thực, thì phải chở tháo đi, đừng để lọt vào tay địch”.
Đô giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem quân đến ứng cứu Ung Châu, bị Lý Thường Kiệt đón đánh ở ải Côn Lôn (Nam Ninh ngày nay), chém được Trương Thủ Tiết, phá tan quân cứu viện.
Tướng trấn thủ Ung Châu là Tô Giám cố thủ không hàng. Quân Đại Việt đánh đến hơn 40 ngày, dùng máy bắn đá bắn vào thành giết được nhiều người ngựa trong thành, quân Tống cũng dùng cung thần tý bắn ra, làm chết nhiều quân Đại Việt và voi chiến.
Thành Ung Châu rất vững, quân Nam phải dùng vân thê, là một thứ thang mây bắc truyền nối nhau rất cao, để leo lên thành. Quân Tống lấy lửa đốt nên quân Đại Việt không tiến lên được. Quân Đại Việt dùng đến kế đào đường hầm để đánh vào thành, cũng không vào nổi.
Sau đó quân Đại Việt dùng hỏa công, bắn các chất cháy như nhựa thông vào thành, trong thành thiếu nước, không thể chữa được cháy.
Cuối cùng quân Nam bắt dân Tống chồng bao đất cao đến hàng trượng để họ trèo lên thành. Ngày thứ 42, thành bị hạ, tướng chỉ huy Tô Giám tự thiêu để khỏi rơi vào tay quân Lý.
Lý Thường Kiệt làm cỏ xong thành Ung, lại lấy đá lấp sông ngăn cứu viện rồi định đem quân lên phía Bắc lấy Tân Châu. Nhưng được tin vua Tống sắp đưa quân vào cõi, Thường Kiệt sợ bị đánh úp, vả lại quân ta chinh chiến lâu cũng đã mỏi mệt, ông rút quân ca khúc khải hoàn.
Lập phòng tuyến sông Như Nguyệt phá tan đại quân báo thù của Đại Tống
Sau khi bị Đại Việt đánh tan Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu, tháng 3 năm 1076 vua Tống sai đại quân viễn chinh 10 vạn quân, 1 vạn chiến mã, cùng 20 vạn dân do Quách Quỳ chỉ huy, và Triệu Tiết làm phó, dẫn quân tiến đánh Đại Việt báo thù.
Đồng thời vua Tống hẹn Chân Lạp và Chiêm Thành tiến đánh phía nam Đại Việt, tạo thế gọng kìm hòng đè bẹp quân nhà Lý. Tuy nhiên Chân Lạp và Chiêm Thành vẫn khiếp sợ uy danh của Lý Thường Kiệt và Đại Việt nên không dám tiến quân.
Lý Thường Kiệt đem quân đón đánh, lập chiến lũy sông Như Nguyệt để chặn quân Tống. Sông Cầu từ địa phận Cao Bằng chảy đến Lục Đầu, hợp với sông Bạch Đằng, tạo thành một phòng tuyến tự nhiên chống lại quân Đại Tống từ Lưỡng Quảng tràn xuống. Lý Thường Kiệt còn sai đắp đê bờ nam sông Nam Định cao như bức thành.
Trên thành, đóng tre làm giậu, dày đến mấy tầng. Thành đất lũy tre, nối với dãy núi Tam Đảo, đã đổi thế sông Nam Định và bờ nam ngạn ra một dãy thành hào, che chở cả vùng đồng bằng Giao Chỉ. Thành hào ấy dài gần trăm cây số, khó vượt qua và nhưng lại dễ phòng thủ hơn là một thành lẻ như thành Thăng Long.
Cùng lúc đó thuỷ binh Đại Tống do Hòa Mân và Dương Tùng Tiểu chỉ huy đã bị thủy quân Đại Việt do Lý Kế Nguyên, chặn đánh ngoài khơi.
Quân Tống có kỵ binh tinh nhuệ mở đường tiến công quyết liệt, có lúc đã chọc thủng chiến tuyến quân Đại Việt tràn qua sông Như Nguyệt, nhưng quân Đại Việt đều kịp thời phản kích, đẩy lùi quân Tống.
Giữa lúc nguy cấp đó, Lý Thường Kiệt đã khích lệ tinh thần quân Đại Việt bằng một bài thơ “Nam quốc sơn hà”:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch thơ:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Quân sỹ nửa đêm nghe vần thơ sang sảng từ ngôi đền cổ, tinh thần phấn chấn, hăng hái đánh giặc. Quân Tống tiến không được, thoái không xong, hao mòn vì chiến sự và khí hậu, không được thủy quân tiếp viện. Quân Đại Việt lại tập kích, doanh trại của phó tướng Triệu Tiết bị phá.
Lý Thường Kiệt biết tình thế quân Tống đã lâm vào thế bí, mà người Việt bị chiến tranh liên miên cũng nhiều tổn thất, nên sai sứ sang xin “nghị hoà” để quân Tống rút về. Quách Quỳ vội chấp nhận giảng hòa và rút quân.
Sách Việt Sử kỷ yếu của Trần Xuân Sinh dẫn cổ sử nói về nội tình của nhà Tống về sự kiện này: Triều thần nhà Tống cho rằng “Cũng may mà lúc đó địch lại xin giảng hoà, không thì chưa biết làm thế nào”.
Từ đó đến hết đời nhà Tống (hơn 200 năm sau, đến năm 1279), vua các đời Tống không ai còn dám nghĩ đến đánh Đại Việt báo thù nữa. Nhà Lý cũng thái bình, yên ổn đến tận năm 1225, công chúa Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh lập ra triều Trần.
Nam Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét