Giáo dục con trẻ phải bắt đầu từ chữ Hiếu - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

Giáo dục con trẻ phải bắt đầu từ chữ Hiếu

Có một cặp vợ chồng rất tự hào về con trai của họ, nói cậu bé chơi piano giỏi ra sao, ở trường đi thi đứng đầu danh sách thế nào… Một người lớn có lần hỏi cậu bé rằng: “Con yêu ba hay mẹ nhiều hơn?”, thật không ngờ cậu đáp: “Con không yêu ai cả, con ghét cả hai!”. Thì ra, cậu oán hận cha mẹ ép mình học quá nhiều thứ. Cha mẹ đầu tư thật nhiều vào “giáo dục”, mong con thành phượng thành rồng, nhưng đã chệch đường, đã mất gốc rồi.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện tương tự như thế xung quanh mình. Hiện nay, hầu như gia đình nào cũng đầu tư vào việc học của con cái, nhà nước cũng tuyên bố giáo dục là ưu tiên hàng đầu. Nhưng đáng buồn là, hai chữ “giáo dục” vẫn là từ khoá đầy nhức nhối trong lòng xã hội đã nhiều năm nay.
Trong khi nhà nước học hỏi kinh nghiệm quốc tế để cải cách ngành giáo dục, thì các gia đình cũng tham khảo cách nuôi dạy con của người Mỹ, Do Thái, Đức, Nhật… Đứng trước biển thông tin như vậy, thật khó để xác định được căn bản của vấn đề và lối đi đúng đắn cho mình.
Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi có thắc mắc gì, tôi sẽ chạy về nhà hỏi ông bà bố mẹ, và thường nhận được câu trả lời thích đáng. Nếu tôi đem hỏi lũ bạn cùng trang lứa, chúng sẽ trả lời mỗi đứa một phách, khiến tôi càng thêm hoang mang. Giật mình, tôi nghĩ, vì sao khi lớn lên rồi, trong vấn đề giáo dục con trẻ, tôi lại tìm kiếm xa xôi, mà không thỉnh giáo cha ông mình trong lịch sử?
“Lịch sử”, không phải chuyện gì cũng được ghi vào lịch sử của dân tộc. Chỉ những gì quan trọng bậc nhất, những điều tinh hoa nhất mới được chắt lọc chép ra. Rất nhiều vấp váp, cay đắng, rất nhiều nước mắt đã rơi có thể chỉ để đúc rút được một câu dặn dò hậu thế.
“Giáo dục” nghĩa là gì?
Ngày xưa, cha ông ta dùng chữ Nho, bản thân chữ Nho ấy đã chứa đựng nội hàm triết lý sâu xa của từ ngữ. Chữ “Giáo” 教 bao gồm chữ Hiếu 孝 đặt bên cạnh bộ Phốc 攴 (tác động nhẹ), hàm ý rằng: bản chất của giáo dục là bắt đầu từ đạo Hiếu, sau đó tiếp tục tác động dẫn dắt trở thành người có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp.
Vì thế nên Khổng Tử từng nói: “Con em ở nhà thì hiếu thảo với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường bậc huynh trưởng, thận trọng lời nói mà giữ chữ Tín, yêu khắp mọi người mà gần gũi người nhân đức; làm được đến vậy rồi mà còn dư sức thì hãy học văn (tức là các môn văn hoá)”.
Như vậy, hiếu thuận là căn bản của đạo đức, cũng là mục tiêu đầu tiên của giáo dục. Làm thế nào để giáo dục lòng hiếu thảo cho trẻ nhỏ đây?
Ông Hứa Thận đời Đông Hán đã viết quyển sách “Thuyết văn giải tự”, đem nghĩa lý của mỗi một chữ trình bày khai mở rất là thấu triệt, vả lại chỉ dùng một câu nói để khai thông. Ông giải nghĩa chữ “Giáo” là: “Trên làm, dưới noi theo” (Thượng sở thi, hạ sở hiệu dã). Thế thì dạy trẻ đạo Hiếu, cách tốt nhất chính là bản thân cha mẹ gương mẫu thực hành đạo Hiếu.
Hiếu thuận là căn bản của đạo đức, cũng là mục tiêu đầu tiên của giáo dục. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)
Vua Lê Thánh Tông làm gương hiếu thảo cho Hoàng thái tử
Trong lịch sử Việt Nam có nhiều tấm gương hiếu thảo cảm động lòng người, trong đó có vua Lê Thánh Tông. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép:
Trước đây, hồi tháng 2, Hoàng thái hậu đi lễ lăng trở về, không may bị bệnh nặng, đến giờ Hợi, ngày 26 tháng 2 nhuận, băng ở chính tẩm điện Thừa Hoa, thọ 76 tuổi.
Khi Hoàng thái hậu chưa băng, mùa đông, vua cùng Hoàng thái tử ngày đêm chăm sóc, không lúc nào rời bên cạnh. Khi dâng thuốc hay đồ ăn, vua nhất định tự mình nếm trước; trong thì kêu với tổ tiên, ngoài thì dốc lòng cầu khẩn, không Thần nào là không khẩn. Đến khi hấp hối cũng tự kêu gào, Thái hậu còn nhếch mép một chút, muốn nói để từ giã. Mọi việc mặc áo, khâm liệm, bỏ gạo vào miệng người chết, vua đều tự làm lấy cả để tỏ lòng đau xót.
Vua Lê Thánh Tông đã thực hiện được điều giảng trong “Đệ tử quy”, cuốn sách giáo dục trẻ em nổi tiếng thời xưa, đó là:
“Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước.
Ngày đêm hầu, không rời giường”.
Ông đã lấy thân mình làm gương cho Hoàng thái tử, nên Thái tử sau này cũng vô cùng hiếu thảo với vua cha. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép, khi vua Lê Thánh Tông băng hà, Hoàng thái tử dụ các triều thần rằng:
“Con sinh ra 3 năm mới khỏi cha mẹ bế ẵm trong lòng. Vì thế, ngày xưa để tang cha mẹ, có quy định là 3 năm. Trên từ Thiên tử, dưới đến thứ dân đều theo thế cả. Hán Văn Đế không theo phép cổ, có di mệnh để tang ngắn hạn, lấy ngày thay cho tháng. Từ đó về sau, người ta theo mà làm. Như vậy là vứt bỏ điển lễ, xem nhẹ luân thường, rất không đáng theo. Các tiên thánh nước ta, tuy có theo lễ mà làm, nhưng các lễ tiết trong đó cũng chưa phục cổ hết. Nay Thánh thượng Hoàng đế lìa bỏ trăm họ lên chầu Thượng đế, ta rất đau đớn xót thương, báo đức không thể nào cho cùng. Các khanh nên nghị bàn tang chế ba năm để nguôi lòng ta nhớ tiếc”.        
Đại thần và các quan đều dập đầu thưa rằng: “Hiếu là gốc lớn của đạo trị thiên hạ. Nay điện hạ theo được đạo hiếu, tôn nối luân thường, dẫu Đế Thuấn là bậc đại hiếu, Vũ Vương là bậc đại hiếu cũng không hơn được, bọn thần đâu dám không tuân lệnh thi hành”.
Bấy giờ mới định tang 3 năm.
Quả là khiến lòng người cảm động! Hoàng thái tử đã làm được 4 câu tiếp theo trong “Đệ tử quy”, đó là:
“Tang ba năm, thường thương nhớ.
Cư xử đổi, không rượu thịt.
Tang đủ lễ, cúng hết lòng.
Thờ người chết, như còn sống”.
Vua Lê Thánh Tông (Tranh minh họa của họa sĩ Đức Hòa trong bộ “Lịch sử Việt Nam bằng tranh”)
Hiếu là gốc của đức, là ngọn nguồn của mọi điều tốt đẹp
Nhiều thập kỷ nay, cùng với sự phế bỏ Nho học, những lời dạy của cha ông xưa đã bị đứt đoạn vài thế hệ rồi. Hôm nay, có người chưa thể lý giải được tầm quan trọng của giáo dục lòng hiếu thảo, nhất là trong bối cảnh xã hội kim tiền, trọng bằng cấp, cạnh tranh như hiện nay.
Ngẫm nghĩ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng một đứa trẻ từ nhỏ đã có lòng hiếu thảo thì tuyệt đối sẽ không làm ra những việc khiến cha mẹ phải đau lòng. Chúng có thể lười học ham chơi, giao du bạn xấu không? Không. Chúng có thể nói năng ngỗ nghịch không? Không. Chúng có thể trộm cắp, rượu chè, ma tuý… không? Không. Tất cả những việc xấu chúng đều tránh xa như vậy, thì đức hạnh của chúng sẽ mỗi ngày một tăng tiến, những điều hay lẽ phải chúng đều có thể tiếp thu. Khi đó, chỉ cần cha mẹ và thầy cô chú tâm bồi dưỡng sở trường một chút, thì chúng sẽ thành tài. Bởi thế, người xưa có câu rằng: “Trong trăm điều thiện thì hiếu đứng đầu” (Bách thiện, hiếu vi tiên).
Chữ Hiếu 孝 biểu thị một người già ở trên, người trẻ ở dưới (thượng lão hạ tử), chính là phải biết kính trọng người lớn tuổi, bắt đầu từ ông bà cha mẹ trong gia đình. Tâm hiếu này mở rộng ra đến ông bà cha mẹ của người khác, đến tất cả các bậc trưởng bối trong thiên hạ, thì sẽ trở thành cái tâm bao la rộng lớn của bậc Thánh nhân. Ví như Thuấn hiếu kính cha và mẹ kế thường ghét bỏ, hãm hại mình, cảm động mọi người trong thiên hạ, cuối cùng được vua Nghiêu nhường ngôi cho.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, cần có lòng tin ở con trẻ
Có người nói: Trẻ em bây giờ khó dạy. Thực ra, khó dạy hay không là do người lớn chúng ta, còn lũ trẻ khi mới sinh ra đều có cái tâm vốn thiện.
Vì sao vua Lê Thánh Tông làm được “Cha mẹ bệnh, nếm thuốc trước; Ngày đêm hầu, không rời giường”? Vì sao vua Lê Hiến Tông (tức thái tử của Thánh Tông) làm được “Tang ba năm, thường thương nhớ”, “Tang đủ lễ, cúng hết lòng”? Có phải vì hai ông khi mới sinh ra đã hiếu thảo đặc biệt không? Không phải. Là vì hai ông được tiếp nhận giáo dục của Thánh hiền, trong đó có những điều được giảng trong “Đệ tử quy”.
“Đệ tử quy” (Phép tắc người con) được mệnh danh là một trong ba kinh điển giáo dục con em tốt nhất trong lịch sử Á Đông (cùng với “Tam tự kinh” và “Thiên tự văn”). Vỏn vẹn trong 1.080 từ, nội dung sách dễ hiểu, vần điệu lưu loát, dễ thuộc, “Đệ tử quy” giúp các em hình thành nhân cách trong sáng, thiện lương, bắt đầu từ chữ Hiếu. Tin rằng, nếu các em nhỏ bây giờ được học và thực hành “Đệ tử quy”, thì hiếu hạnh của chúng sẽ càng ngày càng tiến bộ, gia đình và xã hội sẽ vì thế mà hài hoà hạnh phúc.
Thanh Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner