Gió thu thổi nhẹ lá vàng rơi
Vu lan nghĩa Mẹ nặng đầy vơi
Báo hiếu tình Cha công dưỡng dục
Thâm ân nguồn cội nhớ người ơi!
Ngoài sân lá vàng đã rơi, gió thu thổi lạnh như se vào lòng người xa xứ nỗi nhớ da diết, nhớ ngày được cài hoa hồng trong mùa lễ Vu lan Báo hiếu.
Chắc không có nơi nào như quê hương Việt Nam, nơi đó có con đò, bến nước, dòng sông, có tuổi thơ êm đềm và có “người mẹ quê” vất vả tảo tần, một nắng hai sương gánh gồng từng buổi chợ khuya, chắt chiu nuôi con khôn lớn. Và, nơi đó có “người cha nghèo” với mái tóc pha sương, âm thầm lặng lẽ hun đúc cho con lý tưởng sống làm người cho dù:
“Bần hàn thiếu trước hụt sau,
Làm người con phải nhớ câu nghĩa tình.”
Với tôi không có hình ảnh nào cao quý, thiêng liêng bằng hình ảnh của cha mẹ. Tôi còn nhớ, ngày tôi đi mẹ tôi đã khóc thật nhiều, dường như bao nỗi niềm, bao hy vọng, bao nhớ thương mẹ đã cho tôi thấy bằng những dòng nước mặt tuôn trào trên đôi gò má gầy khô. Còn cha người lặng thầm không nói, người không muốn để tôi nhìn thấy giọt nước mặt của người, vì cha tôi lúc nào cũng vậy, hiên ngang vững chãi và luôn là nơi an trú cho tôi mỗi khi mệt nhoàitrong cuộc sống.
“Cha đứng đó lặng yên không nói
Nước mắt thầm chảy ngược vào trong
Mẹ, dòng lệ trào tuôn khóe mắt
Dõi nhìn tôi, ngày tiễn tôi đi”
Tôi cũng quá vô tình khi để thời gian cướp mất tuổi xuân của cha mẹ. Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa luân chuyển vậy mà đã mấy lần tôi được ở cạnh mẹ cha, thăm hỏi, động viên, chăm lo cho người bát cháo chén cơm, đỡ nâng cho người trong tuổi già bóng xế. Nếu không có tiếng vọng mùa Vu lan thì chắc tôi cũng chưa ngồi lại để hồi tưởng về công cha nghĩa mẹ:
“Tiết Vu lan bâng khuâng nhớ cha công dưỡng dục
Mùa Báo hiếu bùi ngùi thương mẹ đức cù lao.”
Thật vậy, khi chiều nay trên đường về nhà, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn với nội dung “Vu lan đã về, chúc bạn mùa Vu lan an lành”. Đọc tin nhắn xong tôi vội chạy về phòng thật nhanh xem tờ lịch cũ và nhận ra rằng tháng bảy mùa Vu lan đã về thật rồi. Tôi bỏ hết mọi công việc sang một bên, trang nghiêm ban thờ Phật, thắp nén hương trầm, ngồi hít thở nhẹ nhàng suy tưởng về bao kỷ niệm ngày theo cha mẹ đến chùa lạy Phật, nghe tụng kinh Vu lan, được ăn cơm chay, được cài hoa hồng. Trong lòng tôi chợt dâng lên niềm cảm xúc thiết tha, nhớ quá, nhớ đến lạ lùng ngày Vu lan đầm ấm. Tôi gọi điện thoại về hỏi thăm sức khỏecha mẹ, bao nhiêu tiếng chuông điện thoại reo là bấy nhiêu nhịp đập con tim thổn thức, khi nghe bên kia đầu dây có tiếng đáp trả và nhận ra đó là Mẹ, ôi Mẹ! Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực. Mặc dù gọi điện về nhà thăm cha mẹ là việc làm thường xuyên, nhưng cứ vào mỗi độ Vu lan cảm xúc của tôi về cha mẹ lại trào dâng mãnh liệt. Có lẽ hình ảnh Vu lan Báo hiếu của ngày xưa vẫn mãi theo tôi đến bây giờ.
Ngày đó tôi được nghe quý Thầy kể về công ơn cha mẹ, những tấm gương hiếu thảo của các bậc thánh như tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả Xá Lợi Phật, hòa thượng khai sơn chùa Từ Hiếu, v.v… Tôi không biết làm thế nào để báo hiếu trọn vẹn, vì công hạnh của các bậc tiền nhân đã làm thật vô cùng vĩ đại mà đối với tôi chắc không thể làm được. Nhưng tôi nghĩ chỉ cần làm cha mẹ vui lòng, đừng để nước mắt cha mẹ phải buồn rơi vì mình:
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”
Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đã đủ lắm rồi!
Nhưng trong cuộc sống ngày nay vẫn còn rất nhiều người con đã vô tình hay cố ý làm cho cha mẹ phải nhòa lệ. Thế thôi chưa đủ, thậm chí còn nhiều người giết cả cha mẹ chỉ vì muốn có tiền chơi game, muốn thỏa mãn những thú vui ích kỷ của riêng mình.
Báo đài, internet hằng ngày vẫn đưa tin những vụ án đau lòng tưởng chừng không thể xảy ra trong xã hội loài người được cho là văn minh tiến bộ này. Hành động giết hại cha mẹ, làm cha mẹ khổ đau là điều mà thú cầm còn chưa hành động, vậy mà…
Ôi, thế giới kim tiền đã làm mất đi tư cách đạo đức, xã hội văn minh là cái bình phong che lấpnhững điều dối trá, bất hiếu đến xót xa. Biết đến bao giờ tinh thần ngày Vu lan mới thật sự chan hòa trong cuộc sống, ăn sâu vào trong ý thức của mỗi con người nhất là thế hệ trẻ ngày nay.
Tha hóa biến chất, mất tư cách đạo đức là hiện trạng đáng báo động trong xã hội, vì lẽ đó xin mọi người hãy lắng động chút tâm tư, dành ít thời gian để nghe “Tiếng vọng mùa Vu lan”, tiếng vọng ấy như cảnh tỉnh chúng ta những ai đã quên đi tình cha nghĩa mẹ, những ai đã đánh mất đi đạo đức làm người.
Cha! Mẹ!
Hai tiếng gọi đơn sơ mà cao quý vô cùng! Hãy cho chúng con một lần được quỳ bên chân cha mẹ, đôi chân phong trần đã bao năm nắng mưa xuôi ngược. Hãy cho chúng con hôn lên đôi tay cha mẹ, đôi tay đã chai sần nắng gió để đổi lấy nụ cười, niềm vui cho chúng con. Hãy cho chúng con được sám hối những lầm lỗi mà chúng con đã tạo ra khiến cha mẹ buồn lòng, dù rằng người không nói.
Hỡi những người con xa xứ đang bôn ba xuôi ngược, hay những ai còn đang chạy theo tiếng gọi của lợi danh, và những ai đang trong vòng lao lý vì vô tình chối bỏ tình thâm cha mẹ, tất cả cùng nhau đồng vọng hướng về hai đấng sinh thành thiêng liêng cao quý và tự hứa với lòng sẽ luôn khắc ghi tình cha nghĩa mẹ, sẽ không làm cha mẹ đau buồn dù chỉ là lời nói vô tình. Xin cha mẹ với lòng bi mẫn lắng nghe lời sám hối của chân thành này của chúng con.
Thế gian tình Mẹ tuyệt vời
Sáng soi muôn dặm đường đời con đi
Một lòng xin mãi khắc ghi
Tình thâm cha mẹ từ bi vô vàn.
Vu lan cảm niệm đôi dòng
Ta, người luôn nhớ trong lòng chớ quên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét