Hai tiếng “mình ơi” thân thương mà vợ chồng xưa hay gọi nhau, không chỉ bởi cảm xúc thăng hoa như hòa làm một của hai tâm hồn đồng điệu, mà đằng sau đó còn ẩn chứa một bài học nhân sinh sâu sắc. Mở rộng ra, nó còn là bảo bối cho một dân tộc hùng cường…
(Mình Ơi! Tác giả: Mi Pha)
Mình chẳng phải ta lại là ta: Gọi nhau suốt đời có hiểu ra?
Tôi đã từng nghĩ rằng dù đến già cũng sẽ xưng hô anh – em với vợ mình. Nghe nó ngọt ngào, xuân sắc là! Hai tiếng anh – em còn phân rõ thấp cao, khiến người chồng cao vang như Trời, người vợ khiêm nhường, rộng lượng như Đất. Thế nhưng anh vẫn sẽ là anh, em cũng vẫn là em. Đến lúc cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, cái từ “con em”, “mẹ em”, “nhà em”… bỗng khiến ta như hai người xa lạ. Chẳng còn “con mình”, “mẹ mình”, “nhà mình”…. Nên cũng chẳng còn “chúng mình”.
Vợ chồng nào mà chả có lúc bất đồng, khó hiểu nhau. Một từ, một câu, cũng có thể tạo thành vết nứt trên con đường hai ta đang đi chung. Năm tháng trôi đi, cũng đến lúc anh – em thiếu đi cái ngọt ngào thuở đầu.
Thế rồi cho đến khi tôi nghe ông mình chậm rãi, nhẹ nhàng gọi bà đang hấp hối bằng hai tiếng: “Mình ơi!”, âm thanh đó bồng bềnh như áng mây mà lấp đầy tâm can tôi một cách êm dịu và ấm áp. Như được một thứ năng lượng mạnh mẽ đánh thức, nước mắt tôi chảy dài xuống bờ vai đang run rẩy vì cố kìm nén cơn chấn động.
Ông bà tôi được mai mối mà nên vợ chồng, chẳng có rung động thuở ban đầu, chẳng có đam mê cháy bỏng. Vậy mà đi qua gần 60 năm cuộc đời, ông bà chưa bao giờ ngừng gọi nhau là “mình ơi”.
Người ta nói cái chữ “mình” của người Việt rất đặc biệt và đầy xúc cảm. Mình là ta, là tôi, là bản thân, lại dùng để gọi người mình thương. Đó chẳng phải là khi hai người hòa quyện, thấu hiểu đến không còn giới hạn, “mình với ta tuy hai mà một”, nên mới thốt lên được tiếng “mình” trìu mến. Vợ chồng như hai nửa của một xoáy âm dương, nâng đỡ, chở che, bù trừ và hoàn thiện lẫn nhau.
Nhưng hóa ra tiếng “mình” ấy không phải là ‘đặc sản’ của riêng người Việt chúng ta. Người Hàn Quốc vốn có sử dụng Hán tự trong ngôn ngữ của mình cũng gọi người thương là “자기야” (Jagiya, phiên âm sang tiếng Việt là Cha-ki-ya). Trong đó ya (야) là cấu tạo ngữ pháp của câu khẩu ngữ gọi một cách thân mật (như từ “ơi”), còn cha-ki (자기) có gốc Hán là “tự kỷ” (自己), là chính mình, bản thân, lại cũng có nghĩa nữa là thân cận, thân thiết. Thế nên cha-ki-ya! cũng có thể được dịch là “mình ơi!”
Đạo lý sau chữ “mình”
Có lẽ những con người ở những vùng đất cách biệt, với ngôn ngữ không có nhiều tương đồng, lại có cùng một ý tưởng, bởi họ đều đã từng thực hành chung một văn hóa được phổ truyền khắp vùng phương Đông rộng lớn.
Người xưa ghi nhớ lời dạy: “Điều mình không muốn, chớ làm cho người”. (Nguyên văn: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” – Khổng Tử), nên việc coi người như bản thân mình là một cách để thực hành đạo đức cơ bản. Có thể coi người như mình, thì sẽ rộng lượng, khiêm nhường với người, từ đó mới có thể thấu hiểu, cảm thông.
Cũng lại có câu “người trước, mình sau” (nguyên văn: “Tiên tha hậu ngã”), làm gì cũng nghĩ đến người trước, sau mới nghĩ tới lợi ích, cảm giác, mong muốn của bản thân. Rồi cũng lại có những khái niệm như “vô tư”, “vô ngã”. Vô tư là không có lòng riêng. Vô ngã là không có mình, quên hẳn mình đi, nếu chưa thể đi trên con đường tu hành thì “vô ngã” cũng là để vì người khác, vì đại nghĩa, đại cục…
Mỗi người đều là một cá nhân độc lập với cá tính, nhận thức khác biệt. Để sống chung với nhau, ví như không thể coi người như bản thân mình thì khó tránh khỏi xung đột, mâu thuẫn. Nếu chỉ trông mong vào cảm xúc yêu thương mãnh liệt, hòa quyện mê say của những người đang yêu nhau đắm đuối, chữ “mình ơi” ấy thật dễ cất nên lời. Nhưng để gọi nhau “mình ơi” ngay cả trong những khó khăn gian khổ, những cơn say nắng ngả nghiêng, những nhạt nhòa mệt mỏi của cuộc sống vô thường, thì phải thật sự buông bỏ cái tôi mà coi người như mình.
Lúc đó mới có thể hy sinh mà không thấy thiệt thòi, tủi hổ; yêu thương mà không cần điều kiện, đam mê; chấp nhận được những cái chưa hoàn thiện của ái nhân, cũng như hiểu được cảm giác của người để không khiến người phải đau khổ.
Thế nên ông bà tôi mới thương được nhau cho đến những giờ phút cuối cùng. Dẫu không bắt đầu bằng tình yêu, nhưng kết thúc bằng sự viên mãn.
Từ “mình ơi” cho tới nước non mình
Vượt qua “chúng mình”, “nhà mình”, nghĩ xa một chút tới “làng mình”, “nước mình”, có lẽ cái lý hy sinh, khiêm nhường để đạt được sự thuận hòa, sung túc vẫn sẽ còn đúng.
Nước tôi giờ đây đang thiếu đi âm thanh vang vọng, hùng hồn của lời gọi “non nước mình”. Đâu đây vì những mưu toan cho đời sống riêng, tham vọng riêng, danh lợi riêng mà sẵn sàng hy sinh cơ hội thịnh vượng và phát triển của cả cộng đồng. Người ta thể hiện cái ích kỷ ngay từ trên con đường đi lại hàng ngày cho đến chỗ xếp hàng trong siêu thị. Từ thửa ruộng hai luống, bên phun hóa chất nông nghiệp để bán còn bên trồng sản phẩm sạch để ăn. Cho đến các doanh nghiệp lớn cạnh tranh không lành mạnh, ăn xổi ở thì, làm ăn chộp giật. Từ những cái lườm nguýt khi chẳng may va chạm nhau trên đường cho đến những màn đấu tố, phán xét hội đồng trên mạng xã hội…
Học giả Lương Dũ Thúc đã viết thế này:
“Tôi xem trong xứ ta tính người đổi nhiều lắm, tục tốt ít ưa, tục quấy hay thích. Tục tốt là thương yêu nhau, thấy ai mạnh thì vui, thấy ai khổ thì thương. Còn quấy là ganh hiền ghét nhỏ, gièm phải dua quấy, thấy ai giỏi hơn, giàu hơn sang hơn thì không ưa, thấy ai dở hơn, nghèo hơn, hèn hơn mình thì khinh bạc chê bai; những điều quấy như vậy xem ra tiệm (tạm) đủ gần hết. Coi ra cho kỹ thì ai lo phận nấy, ai chẳng cần ai, sang với nghèo, đãi nhau không hậu tình. Tệ nạn mỗi ngày một thêm, làm sao cho khỏi bị người các nước khác khinh khi. Cũng bởi vì mình ở với nhau còn không phải, không tốt thay, hà huống gì với nước khác, bảo người vì mình sao đặng?” – (Nông cổ Mín Đàm, 1901 – Người xưa cảnh tỉnh).
Hơn 100 năm sau, tôi không dám chắc là tình hình có gì thay đổi hay không. Chỉ thấy vẫn cần nhắc nhở bản thân và con cháu, phải nhớ “mình với nhau” phải sao cho thật tốt, thì mới có thể cùng nhau phát triển và tập hợp được mọi nguồn lực. Ở đâu cũng vậy thôi, từ trong gia đình, cho tới cơ quan, xã hội, nếu không biết nghĩ tới người khác, không biết nghĩ tới lợi ích chung của cộng đồng dù nhỏ hay lớn, thì cái môi trường chúng ta đang ở trong đó cũng chẳng thể nào lành mạnh được.
Mỗi người đều nằm trong cái “làng mình”, “nước mình” với nhiều người khác. Đã có mình ở trong đó thì sao không thể có trách nhiệm mà giữ gìn. Chắc cũng giống như với gia đình hạnh phúc nhỏ bé, muốn an yên, hưng thịnh thì vợ chồng phải coi người kia như bản thân mình mà đối đãi. Nước mình muốn mạnh thì ai cũng phải coi người khác như mình để trân trọng và khiêm cung.
Xưa cụ Phan Bội Châu đã từng lo lắng cho dân trí, dân khí với cái sự “tan tan tác tác, rạc rạc rời rời, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo thân nấy” (Cao đẳng quốc dân, 1928 – Người xưa cảnh tỉnh). Tất cả cũng chỉ bởi không thể đối đãi với người khác như với bản thân mình mà thôi. Từ cảm thông vị tha sẽ có tin tưởng, có tin tưởng mới có thể cùng bước lên.
Thuần Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét