Đời Sống Là Mong Manh, Chết Là Điều Chắc Chắn - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2019

Đời Sống Là Mong Manh, Chết Là Điều Chắc Chắn

Ðến lúc chết gần kề, đầu óc liên tưởng đến của cải tích lũy, và lo sợ quá đáng về những đứa con thân yêu thân cận, và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, con người lo lắng quá sức về xác thân của chính mình mặc dù chăm sóc chu đáo và cẩn trọng nhưng nay đã suy nhược, kiệt quệ và tan rã. Thật đau đớn khi phải xa lìa xác thân. 



"Ðời sống mong manh, chết là điều chắc chắn" Ðó là câu châm ngôn nổi tiếng trong Phật Giáo. Biết rõ Chết mong manh và là một hiện tượng tự nhiên mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ cái chết. Nhưng tất cả chúng ta đều sợ chết vì không nghĩ về điều không tránh được. Chúng ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều tham dục và luyến ái.

Một đứa trẻ ra đời đem niềm vui và hạnh phúc cho những người gần gũi và thân thiết. Dù người mẹ đau đớn cùng cực lúc sanh nhưng vẫn vui mừng và thích thú. Người mẹ cảm thấy được đền bù xứng đáng sau nhiều khó khăn và đau đớn.

Tuy nhiên, đứa trẻ lọt lòng ra đã khóc hình như nó muốn nói ra nó cũng phải chịu đau khổ của kiếp làm người. Ðứa trẻ lớn lên thành một thanh niên rồi trưởng thành, tạo hàng loạt hành vi thiện và bất thiện. Rồi nó trở nên già nua và cuối cùng từ giã cõi đời này bỏ lại bạn bè và thân quyến buồn đau: cuộc sống của một con người là thế đấy. Con người cố gắng tránh thoát nanh vuốt của tử thần nhưng không một ai có thể thoát khỏi.

Ðến lúc chết gần kề, đầu óc liên tưởng đến của cải tích lũy, và lo sợ quá đáng về những đứa con thân yêu thân cận, và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, con người lo lắng quá sức về xác thân của chính mình mặc dù chăm sóc chu đáo và cẩn trọng nhưng nay đã suy nhược, kiệt quệ và tan rã. Thật đau đớn khi phải xa lìa xác thân. Không thể chịu đựng được nhưng không thể tránh nổi. Ðó là tâm trạng của mọi người khi từ giã cõi đời này với than van và rên rỉ. Sự đau đớn về cái chết thật khủng khiếp, đó là một thái độ phát xuất bởi vô minh.

Sợ Chết

Con người bị lo âu không phải vì ngoại cảnh mà vì niềm tin và tưởng tượng về đời sống và mọi thứ của mình. Cái chết, chẳng hạn, tự nó không khủng khiếp: Khiếp sợ và kinh hãi chỉ do tâm trí chúng ta tưởng tượng mà ra. Với những kẻ không dám đối đầu với thực tại, khổ đau thật sự khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Nhưng nếu chúng ta biết đương đầu với sự thật, nó sẽ làm dịu bớt hay loại trừ cái khủng khiếp của sự sợ hãi.

Ðời sống ví như viên đạn lao thẳng tới mục tiêu tức cái chết. Nhận thức được như vậy, chúng ta phải can đảm trực diện với hiện tượng tự nhiên này. Muốn được tự do trong đời sống, chúng ta phải không sợ chết. Hãy nhớ lại khoa học dạy ta thế nào về tiến trình của cái chết? Nó chỉ là sự xói mòn sinh lý của cơ thể con người. Chúng ta đừng sợ hãi và tưởng tượng hay tiên đoán về những sự khủng khiếp không bao giờ đến cả. Một thầy thuốc nổi tiếng Sir William Oslet nói như sau: "Trong kinh nghiệm hành nghề lâu năm của tôi, tôi thấy hầu hết những người chết thực sự không đau đớn và sợ hãi"


Một trợ y lão thành cho biết: "Hình như thảm kịch lớn nhất đối với tôi là mọi người suốt đời bị nỗi sợ chết ám ảnh. Khi chết đến, ta thấy nó cũng tự nhiên như bản chất cuộc sống. Chỉ có rất ít người sợ chết khi đã sống trọn cuộc đời. Trong tất cả kinh nghiệm tôi đã trải qua, tôi chỉ thấy có một người có vẻ sợ hãi - một phụ nữ đã làm điều dữ cho người chị nay đã quá trễ để hối cải".

"Một điều lạ lùng và đẹp đẽ sẽ đến dù là nam hay nữ khi họ đã sống trọn đời. Tất cả mọi sợ hãi, hãi hùng đều biến mất. Tôi thường ngắm tia sáng bình minh hạnh phúc trong ánh mắt họ khi họ nhận thức điều đó là sự thật. Ðó là tất cả ân huệ của Tạo Hóa."

Vì tham sống nên sự sợ chết được hình thành một cách thiếu tự nhiên. Nó tạo lo âu mạnh mẽ trong đời sống đến nỗi làm con người không bao giờ dám mạo hiểm làm điều gì dù đó là lẽ phải. Người đó sống trong sợ hãi lo lắng về bệnh tật và các tai nạn có thể xẩy ra cướp mất mạng sống quý giá của mình. Nhận thức được cái chết là điều không tránh nổi, kẻ yêu đời trần thế sẽ đắm trong nhiệt thành cầu nguyện với niềm hy vọng linh hồn sẽ được lên thiên đàng. Không một ai có thể hạnh phúc giữa cơn lốc của sợ hãi thấp hèn lo lắng như vậy.

Nhưng thật khó có thể coi thường hay không lưu ý đến những bộc phát tự nhiên của bản năng để tự bảo vệ. Tuy nhiên có một phương pháp để vượt qua sự sợ hãi này. Hãy quên đi quan niệm về cái 'tôi';hãy đem tình thương phục vụ nhân loại và tỏ tình thương với người khác. Say mê phục vụ tha nhân, chẳng bao lâu bạn sẽ tự mình thoát khỏi cái tự kỷ luyến ái nặng nề, mơ ước, kiêu căng, và tự tôn.

Bệnh và Chết

Bệnh và chết cả hai đều là việc xẩy ra tự nhiên trong đời sống của chúng ta, và chúng ta phải chấp nhận điều đó với sự hiểu biết. Theo thuyết tâm lý hiện đại, nguyên nhân tinh thần căng thẳng quá mức là do không dám đương đầu và chấp nhận thực tại cuộc đời. Nếu không vượt qua hay khuất phục được sự căng thẳng đó sẽ gây nên bệnh trầm trọng.

Trong khi bênh hoạn mà quá lo lắng hay thất vọng chỉ làm cho bệnh tăng lên. Về cái chết, đối với những người có tâm hồn và hành động trong sạch, chết chẳng có gì đáng sợ cả. Chúng ta chẳng là gì cả mà chỉ là sự kết hợp của tâm trí và thể xác, do vậy tâm trí và thể xác không chết riêng. Nghiệp báo do những hành động xấu của chúng ta đã gây nên trong đời trước theo chúng ta vào lúc tái sanh khiến chúng ta phải chịu những khổ đau trong đời này. Sự kiện như vậy có thể tránh được nếu chúng ta hết sức nỗ lực tạo công đức bằng cách sống một cuộc đời đạo hạnh và làm những hành vi đạo đức bất kỳ ở đâu và vào bất cứ lúc nào. Làm như thế chúng ta có thể đương đầu với cái chết một cách can đảm và thực tế phù hợp với Phật pháp.

Không có vị 'cứu tinh' nào có thể lãnh gánh nặng và cứu vớt chúng ta khỏi hậu quả các hành vi sai trái của chúng ta. Chúng ta luôn luôn tự mình nhớ tới lời Ðức Phật khuyên: "Hãy tin và nương tựa vào chính mình, hãy gắng sức và chuyên cần". Người Phật Tử không sầu thảm bi thương trước cái chết của một người thân hay bạn hữu. Không có gì có thể ngăn cản được bánh xe nhân quả. Khi một người chết, nghiệp do họ tạo nên sẽ theo họ đến cuộc đời mới.

Người còn lại phải chịu đựng sự mất mát với bình tĩnh và hiểu biết. Chết là một tiến trình không tránh được trên thế gian này. Ðó là một điều chắc chắn trong vũ trụ này. Khu rừng có thể trở thành đô thị và đô thị có thể tr? thành bãi cát. Núi có thể biến thành hồ. Ðiều không chắc chắn có thể xẩy ra ở khắp mọi nơi nhưng cái chết là điều không thay đổi. Tất cả mọi thứ chỉ là tạm bợ. Chúng ta có cha ông, cha ông của chúng ta cũng có cha ông nhưng bây giờ họ ở đâu! Họ đều đã qua đời.

Ðừng nghe kẻ ngụy biện cho rằng chúng tôi đang trình bày một quan niệm yếm thế bi quan. Ðó là quan điểm thực tế nhất trong tất cả chủ nghĩa. Tại sao chúng ta lại không thực tế mà mù quáng trước sư kiện thực tế đó? Có phải cái chết không thiêu đốt m?i thức? Nó thiêu mọi thứ.

Nhưng đừng quên điều này: Vai trò của cái chết là làm cho mọi người ý thức được số phận của mình; dù cho cao sang đến đâu, dù cho kỹ thuật và y khoa tiến bộ đến mức nào đi nữa, cái chết vẫn như nhau: hoặc ở trong quan tài hay trở thành một nắm tro tàn. Vậy ta có nên mặc áo tang để than khóc đời sống trở thành tro tàn không? Không, đó không phải là mục đích cuộc đời mà cũng chẳng phải là mục đích cái chết. Tiến trình của sinh là một tiến trình liên tục cho đến khi chúng ta trở nên toàn hảo.

Ảnh Hưởng Vẫn Còn

Ðức Phật nói: "Thân xác con người tuy thành tro bụi, nhưng tên tuổi và ảnh hưởng vẫn còn". Ảnh hưởng của tiền kiếp đôi khi sâu rộng, mạnh hơn ảnh hưởng của xác thân đang sống với một số khả năng hạn hẹp. Ðôi khi chúng ta hành động theo tư tưởng của những nhân vật mà xác thân đã thành tro bụi. Những tư tưởng như vậy đóng một vai trò quan trọng trong những hành động của chúng ta. Mỗi người sống được cho là hỗn hợp của một phần thân xác tổ tiên đã khuất.

Trong ý nghĩa ấy, chúng ta có thể nói rằng những anh hùng trong qúa khứ, những đại triết gia, những hiền nhân, thi nhân và nhạc sĩ của mỗi dân tộc vẫn đang sống với chúng ta. Vì chúng ta kết nốiä với những liệt sĩ và những nhà tư tưởng trong quá khứ, chúng ta có thể chia sẻ những tư tưởng khôn ngoan, những lý tưởng cao thượng và cả đến âm nhạc bất hủ của nhiều thời đại.

Dù rằng thân xác của họ đã chết, nhưng ảnh hưởng của họ vẫn còn. Xác thân chẳng là gì cả mà chỉ là sự tổng hợp trừu tượng sản sinh ra một hỗn hợp thay đổi không ngừng các thành phần hóa chất. Con người hiểu rằng đời sống của mình chỉ là một giọt nước trên con sông đang chảy và nên vui vẻ đóng góp một phần của mình cho dòng sông cuộc sống.

Người không biết bản chất của đời sống, sẽ bị chìm đắm trong bùn lầy của thế gian này. Người đó khóc than, rên rỉ, và đôi khi cũng mỉm cười để rồi lại khóc than. Nhưng khi biết được thực chất của mình, người đó sẽ từ bỏ tất cả những cái tạm bợ và tìm cầu Vĩnh Cửu. Trước khi đạt được Vĩnh Cửu, người đó phải đương đầu với hết cái chết này đến cái chết khác. Vì cái chết không thể chịu đựng nổi, con người có nên cố gắng khắc phục sự tiếp diễn không ngừng cái vòng sanh tử hay không?

Theo Phật Giáo, đây không phải là kiếp sống đầu và kiếp sống cuối cùng của chúng ta trên thế gian này. Nếu bạn làm điều thiện với lòng tin tưởng, bạn sẽ có đời sống tốt đẹp hơn ở kiếp sau. Mặt khác nếu bạn cảm thấy bạn không muốn tái sanh mãi mãi, bạn phải cố gắng phát triển tâm trí và loại bỏ tất cả tinh thần ô trược.

Triết Lý Phật Giáo

Các bậc thánh cao thượng đã đạt được bậc cao nhất của toàn thiện không khóc than trước sự ra đi của những người thân gần gũi vì các ngài đã loại bỏ hoàn toàn được cảm xúc thường tình. Ðức Anurudha, đạt quả vị A La Hán, không khóc khi Ðức Phật nhập diệt. Tuy nhiên Ðức A Nan lúc đó chỉ là Tu Ðà Hoàn mới đạt quả vị thứ nhất trong các bậc thánh, đã không kìm giữ được khóc than. Các tỳ kheo khóc than phải nhớ tới quan niệm của Ðức Phật về những hoàn cảnh có bản chất như vầy:

"Ông A Nan, có phải Ðức Phật đã từng dạy chúng ta rằng những gì sanh ra, những gì hiện hữu, và những gì duyên hợp đều đi đến tan rã? Ðó là tính chất của duyên hợp. Khi duyên hợp xuất hiện chúng phải mất đi - Và khi những duyên hợp đó hết, Tịch Tịnh hiện tiền". Những lời dạy trên đây mô tả nền móng mà dựa vào đó cấu trúc của Triết Lý Phật Giáo được xây dựng.

Nguyên Nhân Của Khổ Ðau

Nguyên nhân của các buồn phiền và khổ đau là do Luyến Ái (Tanha) dưới mọi dạng thức. Nếu chúng ta muốn vượt khổ đau, chúng ta phải bỏ luyến ái - không phải chỉ luyến ái người mà luyến ái của cải nữa. Ðó là sự thật - chân lý là bài học mà cái Chết cho biết. Luyến ái cung cấp cho chúng ta nhiều thứ để thỏa mãn cảm xúc, và dẫn ta vào con đường trần tục.

Nhưng cuối cùng luyến ái ấy trở thành nguyên nhân tất cả đau khổ của chúng ta. Nếu không học bài học này, cái chết có thể tấn công và khủng bố chúng ta. Sự việc này đã được Ðức Phật soi sáng rõ ràng. Ngài dạy: "Cái chết sẽ mang con người đi khỏi dù người đó cố bám lấy con cái và của cải, giống như một trận lụt lớn cuốn sạch cả ngôi làng đang ngủ".

Lời dạy này ngụ ý là nếu ngôi làng đó tỉnh thức và cảnh giác thì có thể tránh khỏi sự tàn phá của lũ lụt.

Ai Cũng Phải Chết

Chúng ta hãy nghiên cứu việc Ðức Phật giải quyết vấn đề cho hai người vì luyến ái mà cái chết làm cho đau khổ. Một người là Bà Kisagatomi. Ðứa con duy nhất của bà ta bị rắn cắn chết. Bà ta bồng đứa con trai chết đến cầu cứu Ðức Phật. Ðức Phật bảo bà hãy đem đến cho Ðức Phật một vài hạt giống cải của một gia đình không có ai chết, Ðức Phật sẽ chữa cho.

Nhưng Bà ta không thể tìm thấy một gia đình nào như thế . Tất cả các gia đình mà Bà đã đến thì không nhà nào là không khóc than hay đã khóc than về cái chết của một người thân vào lúc nào đó. Bà đã hiểu sự thực đắng cay: ai cũng phải chết. Cái chết giáng xuống tất cả mọi người và không chừa ai cả. Buồn đau là di sản đối với mọi người.

Một người khác được Ðức Phật dạy là Patacara. Trường hợp của Bà này bi thảm hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Bà mất hai đứa con, chồng, anh em, cha mẹ và tất cả của cải. Buồn đau đến mất trí, Bà đã lõa lồ chạy như điên như dại trên đường phố cho đến khi gặp Ðức Phật. Ðức Phật đã giúp Bà trở lại bình thường bằng cách giảng giải cho Bà nghe cái chết là một hiện tượng tự nhiên của tất cả mọi người.

"Con đã đau khổ nhiều lần như thế này, chứ không phải lần này thôi, Patacara; con đã đau khổ nhiều lần trong những tiền kiếp của con. Ðã lâu, con đau khổ vì cái chết của cha, mẹ, con cái và những người thân của con. Trong khi đau khổ như vậy, nước mắt của con thật nhiều hơn nước ở biển cả".

Cuối cùng, Patacara nhận thức được cái bất trắc của đời sống. Patacara và Kisagotami cả hai hiểu rõ cái khổ và đều cảm nhận được sự đau khổ về cái chết do kinh nghiệm bi thảm. Bằng cách hiểu sâu sắc Chân Lý Cao Quý Thứ Nhất của Tứ Diệu Ðế về khổ thì ba Chân Lý Cao Quý còn lại cũng hiểu được. Ngài nói: "Này các Tỳ Kheo, hiểu được khổ, đây là khổ, cũng hiểu được nguyên nhân của khổ, đây là diệt khổ, và con đường dẫn đến chấm dứt khổ".

Năm Uẩn

Trong Kinh Phật, chết được định nghìa là sự tan rã của Uẩn. Những uẩn này là năm uẩn: thọ, tưởng hành, thức, và sắc hay vật chất. Bốn uẩn đầu thuộc về tinh thần hay nama, họp thành đơn vị của thức. Uẩn thứ năm, rupa là vật chất hay vật lý uẩn. Sự phối hợp của tâm vật lý đó theo quy ước được gọi là cá nhân, con người hay cái Tôi.

Cho nên những cá thể hiện hữu như thế không phải là cá nhân nào mà là hai thành phần cấu tạo cơ bản của tinh thần và vật chất, thành phần này là những hiện tượng hiếm. Chúng ta không coi năm uẩn này là những hiện tượng mà là một thực thể vì lẽ do cái tâm tự lừa dối chúng ta, do ham muốn bẩm sinh của chúng ta cho những thứ nói trên là của ta để thỏa mãn cái Ngã quan trọng của chúng ta.

Chúng ta sẽ thấy được bộ mặt thật của sự vật nếu chúng ta chịu nhẫn nại và có ý chí. Nếu chúng ta quay vào nội tâm và quán chiếu bề sâu của tâm khảm, chú tâm và nhận xét một cách khách quan, không hề liên tưởng đến bản ngã và rồi thì trau dồi việc thực hành này trong một thời gian như Ðức Phật dạy trong Kinh Sati Patthana, chúng ta sẽ thấy năm uẩn không phải là một thực thể mà là một loạt các tiến trình vật chất và tinh thần. Rồi chúng ta sẽ không nhầm cái bề ngoài với cái thực. Chúng ta sẽ nhìn thấy năm uẩn này phát sinh và biến đi liên tục nhanh chóng. Chúng luôn luôn biến đổi từng phút từng giây, không bao giờ tĩnh mà động, không bao giờ là thực thể mà luôn luôn Biến Hiện.

Tái Sanh

Bốn uẩn tinh thần, hay thức và ba nhóm của yếu tố tinh thần khác tạo thành Nama hay đơn vị của thức, biến chuyển không ngừng, nổi lên rồi lại biến đi nhưng không cùng một khung cảnh vì khung cảnh đó cũng biến hóa luôn. Chúng phải lập lại ngay một nền tảng tự nhiên mới (Sắc), một lớp vật chất tươi mới như trước để hoạt động điều hòa. Nghiệp luật về mối quan hệ làm công việc này và ngay lập tức sự tái sắp xếp các uẩn xẩy ra và chúng ta gọi đó là tái sanh.

Nhưng phải hiểu rằng, theo niềm tin Phật Giáo, không có sự đầu thai của một linh hồn hay một chất nào từ một thân xác này đến một xác thân kia. Theo triết lý Phật Giáo cái thực sự xẩy ra là Javana hay tiến trình tư tưởng chủ động của người sắp chết phóng ra một số lực thay đổi tùy theo sự thanh tịnh của năm chập tư tưởng trong loạt này (Năm thay vì bảy chập tư tưởng như thường lệ).

Những lực này được gọi là Karma Vega hay năng lượng nghiệp tự nó lôi cuốn vào lớp vật chất tạo ra bởi cha mẹ trong dạ con người mẹ. Uẩn vật chất trong hợp chất phôi thai phải có những đặc tính khả dĩ có thể tiếp nhận loại năng lượng nghiệp đặc biệt này.

Sự lôi cuốn theo cách thức này của những loại uẩn vật chất khác nhau tạo ra bởi cha mẹ xuất hiện do hoạt động của cái chết và đem lại sự tái sinh thuận lợi cho người sắp chết . Một tư tưởng bất thiện sẽ đưa đến một tái sanh không thuận lợi.

Một Cụm Yếu Tố và Năng Lượng

Tóm lại, sự phối hợp của năm uẩn gọi là sanh. Sự hiện hữu của những uẩn đó thành một cụm được gọi là đời sống. Sự tan rã cũa chúng gọi là chết (tử), và sự tái phối hợp của những uẩn ấy gọi là tái sanh. Tuy nhiên, một người bình thường không dễ dàng gì hiểu được tại sao những cái gọi là uẩn đó lại có thể tái phối hợp. Hiểu rõ bản chất của các yếu tố, nặng lượng tinh thần và nghiệp cùng với sự song hành của năng lượng vũ trụ rất quan trọng trên phương diện này.

Một số người cho rằng biến cố đơn giản và tự nhiên - cái chết là sự tan rã của năm uẩn, và sau đó chẳng còn gì tồn tại nữa. Có người lại cho rằng chết có nghĩa là sự chuyển tiếp linh hồn từ một thân xác này đến một thân xác khác; và với một số khác nữa, chết là sự kìm giữ vĩnh viễn một linh hồn chờ đợi ngày xét xử. Với người Phật Tử, chết chẳng là gì cả mà chỉ là tạm chấm dứt một hiện tượng tạm thời. Chết chưa phải là một sự hủy diệt hoàn toàn của cái được gọi là chúng sanh.

Nguyên Nhân Cái Chết

Theo Phật Giáo, chết xẩy ra trong bốn nguyên nhân sau đây:

1. Mạng căn (hay thọ mạng) ấn định của chúng sanh mỗi loài đã hết. Cái chết này gọi là mạng triệt (Ayukkhaya)

2. Năng lượng Nghiệp gây nên sự sanh của người chết đã kiệt. Cái chết này gọi là Kamma-kkhya (Nghiệp dĩ)

3. Sự chấm dứt cùng một lúc của hai nguyên nhân trên. (Ubbayakkhaya)

4. Cuối cùng có thể do những hoàn cảnh bên ngoài như tai nạn, biến cố bất ngờ, hiện tượng thiên nhiên hay Nghiệp quả từ kiếp trước không đề cập tại điều 2. Cái chết này gọi là Upachedake.

Có một sự tương đồng rất đúng để giải nghĩa bốn trường hợp chết trên đây . Nó tương tự chiếc đèn dầu. Ánh sáng đèn dầu có thể tắt vì một trong những nguyên nhân:

1. Bấc trong ngọn đèn đã cháy hết. Ðiều này giống như cái chết vì thời gian cho một kiếp đã hết.

2. Dầu đã cạn giống như nghiệp lực đã hết

3. Dầu và bấc đã cháy hết cùng một lúc giống như cái chết do cả hai nguyên nhân phối hợp đề cập tại 1 và 2.

4. Hậu quả của những yếu tố bên ngoài như gió thổi làm đèn tắt - giống như chết do nguyên nhân ngoại cảnh.

Cho nên, Nghiệp không phải là nguyên nhân duy nhất của cái chết. Cũng có những nguyên nhân bên ngoài gây ra cái chết. Giáo lý của Ðức Phật minh định rõ ràng Nghiệp không thể giải thích tất cả những việc xẩy ra.

Ðương Ðầu Với Thực Tế

Làm sao ta có thể đương đầu với các sự việc không thể tránh được này một cách tốt nhất? Nên tiên liệu và suy nghĩ là cái chết trước sau cũng phải đến. Ðiều này không có nghĩa là người Phật Tử quan niệm cuộc đời là ảm đạm. Chết là một sự thực và ta phải đương đầu - và Phật Giáo là một tôn giáo của lý trí huấn luyện các tín đồ trực diện với các sự kiện, dù các sự kiện này làm ta không hài lòng.

Trưởng Giáo Nanak (vị khai sáng ra Ðạo Sikh) nói: "Thế gian sợ chết, với tôi, chết đem niềm vui". Thật rõ ràng những vĩ nhân và những người cao thượng không sợ chết và sẵn sàng chấp nhận nó. Nhiều vĩ nhân đã hy sinh mạng sống của mình cho phúc lợi và hạnh phúc của nhân loại. Tên tuổi của các vị này đã được lưu truyền trên bảng vàng lịch sử cho hậu thế.

Saul Alynksy, một người Mỹ đã quá vãng nói: "Ðiều đơn giản quan trọng nhất mà tôi đã học được là tôisắp được chết. Vì một khi chấp nhận cái chết, đột nhiên bạn sẽ thấy tự do trong cuộc sống. Bạn không còn phải lo lắng ngoại trừ cuộc sống của bạn có thể sử dụng một cách khôn khéo - để thúc đẩy một sự nghiệp mà bạn tin vào". Ðó là đường lối ra sao mà các nhà tư tưởng lớn nghĩ như thế nào về quan niệm chết.

Cái Chết Không Tránh Ðược

Thật là một nghịch lý khi chúng ta thấy cái chết đã cướp đi biết bao sinh mạng của nhân loại nhưng chúng ta ít khi nghĩ đến cái ý tưởng đó là chúng ta cũng thế, trước sau cũng trở thành nạn nhân của tử thần. Vì quá luyến ái cuộc đời, chúng ta không muốn mang trong lòng tư tưởng yếu đuối, nhưng thực tế cái chết là một sự thực hiển nhiên.

Chúng ta muốn đặt ý nghĩ khiếp sợ đó càng xa càng tốt và tự lừa dối mình rằng chết là một điều xa vời, một điều không cần phải lo lắng. Chúng ta phải có đủ can đảm để đương đầu với sự thật ấy. Chúng ta phải sẵn sàng trực diện với sự thực này. Chết là điều có thật. Chết là một sự thực. Nếu chúng ta nhận thức được như vậy, và biết rằng cái chết không tránh khỏi, chúng ta hãy coi nó như một sự bình thường chứ không phải là một biến cố khiếp đảm, để khi nó đến, chúng ta sẽ có thể đương đấu với nó một cách bình tĩnh, can đảm và tự tin.

Bổn Phận và Trách Nhiệm

Biết rằng một ngày nào đó, cái chết sẽ cướp mạng sống của chúng ta, chúng ta phải bình tĩnh, can đảm và tự tin để làm tròn nhiệm vụ và trách nhiệm với gia đình. Chúng ta không nên chần chừ. Những việc gì có thể làm được hôm nay, đừng để đến ngày mai.

Chúng ta không nên phí phạm thì giờ và nên sống một cách hữu ích. Những bổn phận đối với vợ, chồng, và con cái phải được thi hành đúng lúc. Ðể tránh gây khó khăn và phức tạp cho gia đình do sự cẩu thả, chúng ta đừng chờ đợi đến lúc cuối cùng mới viết di chúc. Cái chết có thể đến với chúng ta bất cứ lúc nào - nó không chờ đợi ai cả. Chúng ta nên trực diện với cái cùng tột này với can đảm và trầm tĩnh.

Ái Dục và Vô Minh

Có thể chế ngự được cái chết không? Câu trả lời là: Có cái chết tồn tại vì có cái sanh. Có hai khâu liên hệ trong chu trình cuộc sống, được gọi là - Paticca Samuppada (Lý Nhân Duyên). Tổng cộng có tất cả là mười hai khâu trong chu trình này, một số trong đó là Klesas hay bất tịnh.

Một số nghiệp (kammas) hay hành động đưa đến vipakas hay kết quả (trong chu trình tái sanh), và cứ tiếp diễn. Sự tiếp diễn không kể siết của sanh tử được gọi là luân hồi. Nếu chu trình cuộc sống có thể bị ngưng lại được, nó chỉ có thể kết liễu ở giai đoạn bất tịnh tức Avijja (Vô Minh) và Tanha (Ái) - Chúng là gốc rễ của vòng sanh cần phải được tiêu diệt. Cho nên nếu chúng ta cắt Tham ái và Vô minh - sẽ chế ngự được sanh, vượt qua được luân hồi, và sẽ đạt Niết Bàn.

Chúng ta phải cố gắng hiểu rằng mọi việc trong vũ trụ này đều mong manh. Cuộc sống chỉ là ảo giác hay ảo tưởng. Khi ta phân tách mọi thứ bằng khoa học hay triết lý, không ham muốn vị kỷ, cuối cùng chúng ta không thấy gì cả mà chỉ là hư không.

Hòa Thượng Tiến Sĩ K. Sri Dhammananda Thích Tâm Quang (Dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner