Kính dâng hương hồn mẹ Năm
Chiếc xe hơi đời mới, bóng loáng êm ái dừng lại trước đôi trụ cổng vôi màu vàng ố chen lẫn từng mảng rêu đen. Hồng bước ra khỏi xe, đưa tay lấy cặp kính mát khỏi mắt. Trông nàng còn trẻ, khoảng ba mươi, thật sang trọng trong chiếc áo bông vàng và chiếc váy đen. Vài người đàn bà và mấy đứa con nít trong cái xóm quê nghèo tò mò đứng từ xa nhìn lại.
Dường như chẳng để ý đến những gì chung quanh, Hồng đứng yên lặng hồi lâu nhìn sâu vào bên trong cổng rồi thong thả bước vào theo lối đi đất cứng chen sỏi, dọc hai bên là hai hàng cau cao vút đang mùa trổ hoa, và hai mảng vườn rau chạy dài đến hàng giậu giáp nhà hàng xóm. Nàng đi thật chậm như muốn thưởng thức cái không khí trong lành thoang thoảnghương cau của một vùng quê yên tĩnh trong cơn gió hạ chiều.
Cuối lối đi là một khoảng sân rộng. Hồng tần ngần đứng lại. Bên kia khoảng sân là ngôi nhà tranh, vách tường vôi cũ, im lìm nằm trong sự che chở trong bóng mát của tán cây vú sữa bên hiên. Nàng lẩm bẩm:
- Vẫn như xưa, chỉ có cây cối là lớn hơn trước.Một người phụ nữ từ trong cửa nhà bếp, quần xăn quá gối, tay bưng rổ rau bước ra, chợt thấy nàng, khựng lại dò xét. Hai người nhìn nhau. Sau một khoảng im lặng cần thiết, người phụ nữ rụt rè lên tiếng:
- Dạ xin lỗi, cô... muốn hỏi ai?
Hồng không trả lời. Nàng cố moi trong trí óc những hình ảnh thương yêu trong quá khứ để đoán người đứng trước mặt mình là ai.
- Dạ,... chị hỏi ai?
Tiếng người phụ nữ lặp lại câu hỏi như có ma lực đánh thức ký ức của nàng trỗi dậy dưới lớp bụi mù thời gian. Nàng hồi hộp:
- Mận? Có phải Mận không?
- Dạ phải, tôi là...
Không kịp để người phụ nữ trả lời hết câu, Hồng bước vội lên ôm chầm lấy. Rồi như khôngđè nén nổi bao cảm xúc từ lúc bước xuống xe đến giờ, Hồng oà lên khóc, nói trong tiếng thổn thức:
- Mận ơi, là em đây rồi. Chị không thể quên được cái nốt ruồi dưới cằm của em. Chị là Hồng đây, chị Hồng của em đây!
Người phụ nữ thảng thốt, đánh rơi rổ rau. Có lẽ quá bất ngờ không làm cô phản ứng kịp. Nhưng chỉ sau một khoảnh khắc ngắn ngủi, từ lồng ngực của người phụ nữ tiếng khóc cũng oà vỡ theo:
- Là chị Hồng sao? Ơi, chị Hồng, chị Hai..
Họ như hai khối nam châm dán chặt vào nhau trong tiếng nấc kéo dài. Gió chiều như hòa cùng niềm vui, kéo cành vú sữa bên hiên nhà cúi sát xuống hai người để chứng kiến rõ hơn cái phút giây tái ngộ đầy cảm xúc của hai chị em...
- Ba đâu em? Tiếng Hồng hỏi mau qua nước mắt - Còn cu Bí, dì... dì Năm?
- Dạ, ba bệnh nằm trong nhà, chị vào mau, chị về ba mừng lắm chị Hai ơi!
*Trong cái không gian tĩnh lặng, nhạt nhòa nắng chiều của ngôi nhà cũ đưa Hồng trở về lại những ngày tháng xa xưa...
Khi Hồng lên sáu, em Mận lên ba thì mẹ mất. Năm năm sau anh Tư tục huyền cùng chị Năm, một thôn nữ cùng làng. Anh bảo hai đứa gọi chị bằng mẹ. Hai năm sau đó chị Năm sinh cu Bí. Hồi ấy chiến tranh đã bắt đầu khốc liệt. Làng quê nhỏ bé của Hồng trở thành vùng xôi đậu, không mấy an ninh nên anh Tư phải lên phố làm ăn, vài ba tháng mới về thăm gia đìnhmột lần.
Tháng ngày lặng lẽ trôi qua, chị Năm một mình quần quật ở quê, khi tiếng chuông chùa làng vừa điểm công phu sáng, chị đã một mình thức dậy, nấu cám cho heo ăn, cắt rau cải, bí bầu, ngày hai buổi gánh ra chợ huyện cách nhà hơn năm cây số để bán lấy tiền. Việc buôn bán của chị không nhất định.
Vào ngày hè nóng bức, chị nấu chè đá, chị cũng buôn cau, hay bòn bon theo mùa từ vùng núi xuôi theo dòng Thu Bồn về phố. Hồng, Mận đi học trường làng, khác buổi nên thay nhau ở nhà trông em Bí, nấu cơm chờ mẹ.
Buổi chiều tan chợ, chị Năm bao giờ cũng mua cho hai đứa một vài chiếc bánh vòng, bánh tai heo, kẹo ngọt hay vài món đồ chơi thủ công. Ngày rằm, mồng một chị tranh thủ dẫn hai đứa lên chùa lạy Phật. Chị yêu anh Tư, thương chúng như con ruột, nên tuy cực khổ tảo tần mà mái tranh vẫn đầy ắp tiếng cười.
Cho đến một ngày...
Năm ấy Hồng lên mười lăm tuổi, mải ham chơi, nó không những để nồi cơm cháy khét, mà còn quên trông em, để cu Bí té từ trên giường xuống đất, lăn vào hàng giậu tre. Chiều ấy ở chợ về thấy mặt mày cu Bí bầm tím, và tay chân bị gai tre cào xước nhiều nơi, chị Năm hoảng hốt. Trong lúc tức giận, chị rút vội chiếc nẹp tre quất vào mông Hồng mấy cái, la lớn:
- Tại sao con ham chơi mà bỏ em té thế này? Còn cái tội hai ngày vừa rồi trốn học đi chơi, cô giáo gặp mẹ ở chợ nói mới biết. Học hành gì kiểu đó, lớn lên chỉ đi ăn xin thôi.
Vất chiếc roi vào góc nhà, chị bồng dỗ cu Bí đang bị đau khóc. Hồng nín thinh chịu đựng. Chợt nhìn ra ngoài cổng, nó thấy bà Chín bán bánh bèo ở hàng xóm đang vẫy tay gọi. Nó len lén chạy ra cổng qua nhà bà.
Kéo quần Hồng xuống, bà Chín xuýt xoa:
- Trời ơi, ác chi lắm rứa. Đánh con người ta, lằn ngang lằn dọc thế này. Con không mẹ khổ ơi là khổ. Ông bà mình nói có sai đâu: Mấy đời bánh đúc có xương / Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng. Đã vậy còn mắng nhiếc lớn lên đi ăn mày, ác mồm, ác miệng quá! Mới tí tuổi đầu đã khổ thân rồi. Để bác thoa dầu cho, nhìn thế này mà ai chịu nổi. Tội nghiệp cho con không mẹ!
Giọng bà nghe ai oán, từng lời như từng mũi kim nhọn đâm vào trái tim non nớt của Hồng. Cái ý niệm mẹ ghẻ con chồng lâu nay chưa từng hiện hữu trong đầu óc thơ ngây của nó, hôm nay được bà Chín khơi lên như gieo hạt mầm đúng vào thời vụ. Hồng bặm môi, cái đau vì mấy lằn roi không nhiều, nhưng tình cảm của nó đã bị tổn thương. Hình ảnh mẹ Năm đã không còn như xưa trong cái tâm bắt đầu đầy sóng gió của nó mà bà Chín cố tình khơi động vì chút hiềm khích cá nhân gì đó. Đêm ấy nó nằm thao thức mãi, nhớ lại từng lời bà Chín nói. Nó thấy tủi thân. Nó là đứa con không mẹ.
Trưa hôm sau, khi chị Năm vừa ở chợ về bước vô nhà, Hồng đang ru thằng cu Bí ngủ, cố tình hát lớn:
- Ầu ơ... mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ... ầu... ơ... mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng... à...
Chị Năm như đứng khựng lại. Nó liếc lên nhìn và nghe hả dạ khi thấy mặt mẹ tái dần.
Tiếng chị lắp bắp, đứt quãng:
- Hồng, ai... ai dạy con... hát thế?
Quắc mắt nhìn lên, nhớ lời bà Chín, như lửa đổ thêm dầu, nó gằn giọng:
- Bà không phải là mẹ tôi, bà là dì ghẻ của tôi, dì ghẻ, dì ghẻ!
Nó thả tao nôi, đi thẳng ra ngoài, mặc cho tiếng chị Năm gọi theo:
- Hồng, con đi đâu? Vô nhà mẹ bảo...
Từ đó nó trở nên lầm lì, không nói dù chị Năm đã nhỏ nhẹ dỗ dành, khuyên giải cho nó hiểu tình cảm của chị đối với hai chị em nó.
Vài hôm sau, thừa lúc chị Năm còn ở ngoài chợ, lấy mấy bộ quần áo cũ, rồi cầm một ít tiền xe và mảnh giấy bà Chín đưa, có ghi địa chỉ con gái bà đang sống ở Sài Gòn, cần người giúp việc, Hồng đã đón xe bỏ nhà ra đi với quyết tâm “trả thù mẹ ghẻ”. Nó phải giàu, thật giàu chứ không thể là ăn mày được như lời bà Chín nhỏ to với nó mấy ngày qua...
*
Tiếng Mận kéo Hồng về thực tại:
- Mới đó mà đã mười lăm năm. Mau thật. Cu Bí đã mười bảy rồi, nó đang học lớp mười một trên huyện. Đi học nó tên Lộc, để em nhắn nó về. Gặp chị chắc nó chẳng biết là ai.
Rồi giọng Mận bỗng nghe xa xăm:
- Nhớ lại hôm chị bỏ đi, mẹ về chờ đến tối, không thấy chị về ăn cơm, hốt hoảng đi tìm, hỏi ai cũng không biết, kể cả bà Chín. Mẹ thật tâm cũng có nghi ngờ bà Chín vì trước đó bà đã mấy lần nói mẹ cho chị lên Sài Gòn giúp việc cho con gái bà ấy, nhưng mẹ luôn từ chối. Đêm ấy mẹ không ngủ được. Sáng sớm mai, mẹ gởi em và thằng Bí cho cô Hai bên xóm, đi khắp nơi tìm chị. Tối mẹ về, hai mắt sưng híp. Suốt ngày và đêm đó mẹ khóc mãi.
Trời chưa sáng mẹ đã dặn em trông thằng Bí để lên thành phố tìm ba báo tin, nhưng chưa kịp đi thì súng nổ khắp nơi. Mọi người ùn ùn bỏ làng chạy hết. Mẹ hoảng hốt, gói vội ít đồ, tay bồng cu Bí, tay dắt em cùng chạy theo dòng người tránh bom đạn. May mắn vừa ra khỏi làng thì gặp ba chạy về. Lúc ấy chẳng còn hy vọng chi tìm được chị nữa. Chị ở đâu?
Hồng bồi hồi nhớ lại:
- Sáng hôm sau chị lên đến Sài Gòn thì thấy người ta chạy hỗn loạn. Chị chẳng biết làm sao, sợ quá, hối hận muốn về nhưng làm sao về được, nên vừa khóc vừa theo người ta mà chạy dù chẳng biết chạy đi đâu. Cuối cùng họ tranh nhau lên một chiếc tàu to, chị cũng bị dòng người đẩy lên. Tàu lênh đênh ngoài biển nhiều ngày rồi được đưa qua Úc ở trong một trại tị nạn. Vài tuần sau, chị được một gia đình nhận làm con, nuôi ăn học cho đến khi chị tốt nghiệp và ra làm ăn.
Tiếng Mận chậm rãi :
- Khi tình hình yên rồi, ba mẹ đã cố gắng suốt mấy năm liền đi tìm chị, nhưng bặt vô âm tín, không biết chị còn sống hay đã chết. Mẹ nhớ chị, mỗi lần nhắc đến là khóc. Mẹ hối hận vì lỡ nóng giận đánh chị mấy roi. Mẹ tự trách mình. Năm ngoái mẹ bệnh nặng, không qua khỏi. Đến khi sắp mất, mẹ cầm tay em, khóc dặn nếu sau này chị còn sống trở về thì nói dùm mẹ, chị hãy, chị hãy... tha... tha thứ... cho...
Mận mím chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt.
Ông Tư nãy giờ im lặng, đưa tay quệt dòng nước mắt, từ từ lên tiếng:
- Hồi ấy con còn nhỏ dại nên chưa hiểu được lòng mẹ Năm. Nhớ lại năm con lên mười ba tuổi, bị xe tông trên đường đi học về, bất tỉnh. Ba và mẹ Năm phải cáng con chạy bộ hơn bảy cây số để đưa con xuống cấp cứu bệnh viện huyện. Con bị mất nhiều máu, phải truyền gấp, mà bệnh viện không còn máu cùng nhóm với con. May là sau khi thử, mẹ Năm có cùng nhóm máu. Dù mới sanh thằng Bí dậy, mẹ cũng đã yêu cầu lấy đủ máu để cứu con. Lo lắng, mệt mỏi vì chăm sóc con ở bệnh viện, sau khi con khỏe về nhà thì mẹ Năm đã ngả bệnh cả tháng trời... Chắc con còn nhớ!
Như có một sức mạnh vô hình nào, Hồng bàng hoàng bước vội đến bàn thờ và quỳ xuống. Nhìn bức ảnh mẹ Năm nhạt nhòa qua làn nước mắt, Hồng nức nở:
- Mẹ ơi, con có tội với mẹ. Ơn đức mẹ vô cùng. Mẹ tha thứ cho con. Con nợ mẹ một lời ca dao, một lời ca dao, mẹ ơi! Dù giàu có bao nhiêu, suốt đời này con cũng không làm sao trả nổi!
Truyện ngắn của Doãn Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét