Vào chùa khoác áo xám lên mình, quỳ lạy Phật thì liền gọi là Phật tử, có thể làm con của Phật dễ dàng vậy sao?
Nước ta mấy năm nay có khá nhiều vụ án liên quan đến những người được cho là “đi tu” hay theo đạo phái nào đó. Gần nhất là vụ án hai khối bê tông ở Bình Dương. Có tin tức nói rằng họ là người theo đạo Thiên Chúa, có tin lại nói họ là người theo học Pháp Luân Công (một môn khí công tu luyện của Phật gia)… Sau một thời gian không xác định được rốt cuộc họ là tu học môn gì nên lại ghi là người thuộc các “giáo phái lạ”. Trước đó nữa là vụ án của những người được cho là của Hội Thánh Đức Chúa Trời, vì họ đã có một số hành động kỳ lạ và cực đoan gây nhiều ảnh hưởng đến xã hội; rồi cả vụ án thầy tu giết người phi tang xác ở Trà Vinh…
Thế nên, đã có rất nhiều nghi hoặc, bàn tán, từ phê phán đến đau buồn cho xã hội mà đạo đức hiện đang xuống cấp trầm trọng:
“Tu cái gì mà giết người đúc bê tông để đó rồi ngồi luyện công…”
“Tu cái gì rồi thăng hoa, rồi hoang tưởng rồi làm những chuyện kỳ lạ điên rồ…”
“Mấy người tu môn đó giết người…”
“Không có môn tu nào xấu cả, chỉ có người tu làm bậy mà thôi…”
“Mấy người đó tôn sùng đến mê muội rồi…”
Câu hỏi đặt ra là: những người liên quan đến vụ án có thật sự là những người chân chính tu luyện theo các nguyên tắc mà pháp môn yêu cầu chưa?
Hiện nay, nhiều người thường chỉ thích đọc tin tức một cách hời hợt sau đó truyền lẫn nhau, bàn tán đủ mọi phương diện chứ không thật sự đi tìm hiểu sự việc rõ ràng, thấu đáo để có thể lý trí phân biệt tốt – xấu. Giữa thật và giả, thật ra không hề khó phân biệt, vì trong tâm mỗi người vẫn luôn ẩn chứa hạt giống thiện lành. Khi mang tâm thiện nhìn một sự việc, bạn sẽ có thể nhìn thấu Chân – nguỵ.
… Đến ý nghĩa thực sự của chữ Tu
Từ xưa đến nay, các pháp môn tu luyện chân chính được lưu truyền từ hàng nghìn năm vẫn luôn dẫn dắt con người hướng Thiện, thực hành tu tâm dưỡng tính, để nhân loại có thể giữ vững đạo đức.
Trong tâm mỗi người đều có cả Phật tính và ma tính. Vậy nên, Đạo của Phật Đà hướng con người tu Thiện, ức chế phần ma tính, khơi gợi và phát triển Phật tính trong bản thân mỗi người. Còn Đạo gia giảng tu Chân, khởi đầu từ làm người chân thật, tu tâm dưỡng tính, cuối cùng trở thành Chân Nhân.
Vào khoảng 2.000 năm trước, tại vùng đất nằm giữa Á và Âu, Chúa Jesus cũng truyền đạo pháp của mình. Tâm điểm của tín ngưỡng Kitô là tình yêu thương và tha thứ, đức tin, ý nghĩa của sự tồn tại và sự giải thoát dành cho con người. Niềm tin này đã ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống, đạo đức và văn hóa của con người phương Tây trong hàng nghìn năm sau đó.
Năm 1992, Đại sư Lý Hồng Chí cũng bắt đầu truyền giảng Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) – môn tu luyện Phật gia thượng thừa lấy việc đồng hoá với đặc tính “Chân Thiện Nhẫn” làm chỉ đạo. Người học pháp môn này hằng ngày thường đọc sách Chuyển Pháp Luân để tu tâm dưỡng tính và luyện tập năm bài khí công để nâng cao sức khoẻ. Đến nay, Pháp Luân Công đã phổ biến tại hơn 100 quốc gia và có hàng trăm triệu người theo tập.
Mặc dù có sự khác biệt về hình thức, nhưng tựu trung lại, việc tu luyện trong các tôn giáo, pháp môn chân chính đều xuất phát từ tu dưỡng đạo đức và tâm tính của con người.
Chúa rời đi lưu lại những lời giảng trong Kinh Thánh, Phật Thích Ca Mâu Ni niết bàn lưu lại Giới luật. Năm đó Lão Tử không truyền rộng Đạo của mình mà chỉ để lại 5000 từ trong cuốn “Đạo Đức Kinh”. Đại sư Lý Hồng Chí cũng đã từ lâu không còn tổ chức các khoá giảng Pháp mà chỉ lưu lại cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”. Nếu những người tu luyện có thể chiểu theo Kinh sách, giáo lý mà vị Thần hay Sư Phụ trong môn tu của họ giảng dạy mà hành xử, mà tu sửa bản thân mình, thì họ mới có thể có được kết quả tốt đẹp. Trong đó, cảnh giới lý tưởng nhất là đắc Đạo, viên mãn, lên được Thiên quốc của Thần Phật mà họ tín ngưỡng.
Ngược lại, nếu không thực sự tu tâm dưỡng tính mà chỉ chạy theo hình thức tôn giáo thì không thể được thừa nhận là “người tu luyện”. Vào chùa khoác áo xám lên mình, quỳ lạy Phật thì liền gọi là Phật tử, có thể làm con của Phật dễ dàng vậy sao? Họ có thực hiện được Giới luật do Phật lưu lại không? Hôm nay làm sai việc gì lên nhà thờ sám hối, sám hối xong thì hứa sẽ không làm vậy nữa, quay lưng đi ra khỏi cửa sau lại tiếp tục hành xử như cũ. Rửa tội, quy y, thắp hương thì thành người đi tu chăng?
Kỳ thực, thầy tu, Phật tử, tín đồ… đó đều là những danh xưng do con người tự đặt ra mà thôi, chứ không phải Thần Phật đặt ra. Làm sao chứng thực được ai là người đi tu chân chính? Đến khi họ làm sai việc gì lớn ngoài xã hội thì người ta liền nói tu môn đó thế này thế kia, trong vô thức mà đã hủy hoại danh dự của pháp môn tu luyện. Tương tự, giả sử một sinh viên của trường đại học X danh tiếng phạm tội giết người, người ta liền bảo “Học cái trường X đó đi giết người”, thì có thoả đáng không?
Và lòng tôn kính chân thật không phụ thuộc hình thức
Xoay quanh những hành vi kỳ lạ, cực đoan của một số người tự nhận là “đi tu”, dư luận hay có câu nói: “Mấy người đó tôn sùng đến mê muội rồi…”
Con người có quyền tự do tín ngưỡng nên có thể thờ cúng, bái lạy bất cứ ai họ muốn: họ có thể thờ cha mẹ họ, Sư Phụ của họ, những vị Thần Phật mà họ kính ngưỡng. Nhưng đó chỉ là một hình thức thôi, chứ không phải ý nghĩa chân chính của tín ngưỡng và tôn kính.
Không có Thần linh nào nói rằng “Con hãy thờ cúng ta, hãy đốt hương cho ta thì ta nhất định sẽ thu nhận con làm đồ đệ”. Là tự người ta muốn tỏ lòng thành vậy thôi. Thực ra, tín ngưỡng và tôn kính chân thật chính là làm theo lời Thần Phật dạy, làm theo lời Sư Phụ dạy, thực sự tu cái tâm của bản thân mình. Người hàng ngày dập đầu đốt hương bái Phật rất cung kính nhưng ra ngoài đường lại sẵn sàng cãi tay bo với người ta chỉ vì lợi ích cá nhân thì mãi mãi vẫn chỉ là một người phàm tục, không thể là một người đi tu.
Vì sao “tu luyện” mãi mà không khỏi bệnh?
Trong các pháp môn tu luyện thì có một bộ phận là “tính mệnh song tu”, nghĩa là vừa tu tâm tính, vừa có thể tu mệnh mà ở tầng thấp nhất là có tác dụng chữa bệnh khoẻ người. Pháp Luân Công là một trong số đó. Có rất nhiều trường hợp bị bệnh nan y đã khỏi bệnh sau khi học Pháp Luân Công, tuy nhiên vì sao cũng có nhiều người khác đến học mà bệnh của họ không khỏi?
Vậy là có người không hiểu liền nói: “Đó, học môn đó nói là bớt bệnh sao người kia lại chết đi như vậy?”. Còn có khi chính người mới vào học cũng nói: “Sao tôi tập luyện hoài mà bệnh vẫn không khỏi?”.
Mọi người thử nghĩ xem: Chúng ta bị đau thì đi bệnh viện, đến gặp bác sĩ chữa khỏi cho thì khen ông bác sĩ này giỏi, bệnh viện này được; còn có người đi khám ở đó nhưng về không bớt liền chửi rủa bác sĩ này dở, bệnh viện này không tốt… Hoặc có người bị loét dạ dày, bác sỹ khuyến cáo không được uống bia rượu nhưng về nhà vẫn không nhịn được, thế thì có thể đổ tại bác sỹ không có năng lực hay không?
Trong sách “Chuyển Pháp Luân” đã nói rõ rằng một người phải chiểu theo tiêu chuẩn tâm tính Chân Thiện Nhẫn mà hành xử thì mới có thể khỏi bệnh. Những người đến học luyện Pháp Luân Công mà không thể sửa đổi tâm tính, thói quen xấu của mình đi thì có thể khỏi bệnh được chăng? Vậy thì là do Pháp Luân Công không chữa được bệnh, hay do bản thân người học chưa đủ nghiêm túc đây?
***
Xã hội ngày nay tệ nạn ngày càng nhiều, hằng ngày có bao nhiêu vụ án giết người, lừa đảo, cướp bóc… Giữa người với người ngày càng mâu thuẫn gay gắt, không thể tin tưởng lẫn nhau. Cửa thì tầng tầng lớp khóa, cũng giống như chúng ta đang tự khóa chính con tim của mình vậy. Ai ai cũng có muôn vàn nỗi sợ hãi vô hình, không tin ai, không tin bất kỳ điều gì.
Luật pháp có thể bỏ tù hay tử hình tội phạm, nhưng luật pháp không thể quản cái tâm muốn làm việc xấu của con người ta. Các pháp môn tu luyện chân chính dạy người hướng Thiện, nhưng bản thân người ta không muốn hướng Thiện thì đành chịu thôi. Vậy nên, không thể nói rằng vì tu pháp môn nào đó mà làm việc xấu, đó là vì tự tâm người ta muốn làm việc xấu thôi. Nếu đã là người phạm tội thì dù người đó có tu hay không tu cũng không liên quan gì, họ đều nên bị xử lý theo đúng pháp luật.
Mong tất cả mọi người hãy thận trọng và lý trí, nhìn nhận sáng suốt hiện tượng này, đừng tùy tiện phỉ báng bất cứ một môn tu luyện nào chỉ vì sai lầm của những người tự xưng là “người đi tu”.
Yên Tử – Tuệ Liên – Thanh Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét