3 đặc điểm của một người nhân đức, lương thiện, bạn sở hữu bao nhiêu? - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2019

3 đặc điểm của một người nhân đức, lương thiện, bạn sở hữu bao nhiêu?

Hàng ngày chúng ta thường nghe thấy lời khen người này nhân đức, người kia nhân ái, người này có lòng nhân, người kia rất nhân từ… Chúng ta cũng biết chữ Nhân là giá trị cốt lõi của Nho gia, đứng đầu trong Ngũ Đức: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín.
Vậy thế nào là Nhân? Chúng ta hãy cùng thảo luận một chút về ý nghĩa và nội hàm của chữ Nhân này.
Nhân là “Khắc kỷ” – khắc chế, ước thúc bản thân
Tranh vẽ Nhan Hồi trong Chí Thánh Tiên Hiền bán thân tượng. (Ảnh: wikipedia.org)
Nhan Hồi hỏi về Nhân, Khổng Tử nói:
“Khắc chế bản thân, tất cả đều chiểu theo yêu cầu của lễ mà làm, đó chính là Nhân. Ngày nào làm được điều này, thì cả thiên hạ sẽ quy về theo Nhân. Thực hiện Nhân Đức, hoàn toàn ở bản thân mình, đâu phải là người khác”.
“Không hợp lễ thì không xem, không hợp lễ thì không nghe, không hợp lễ không nói, không hợp lễ không làm”.
Người học đạo Nhân, mấu chốt là khắc chế bản thân, buông bỏ ham dục, chấp trước của bản thân mình, chiểu theo tiêu chuẩn của đạo mà dốc sức tự mình thực hiện. Không chờ mong, không yêu cầu người khác, không tìm lỗi ở người khác, và cũng không mong chờ ở người khác, chỉ cần chú ý hướng nội tìm, tự mình tìm lỗi của mình và sửa đổi, quy chính bản thân, tự khắc sẽ có sức cảm hóa, quy chính mọi người xung quanh.
Để thực hiện được đức Nhân thì cần chú ý từng chi tiết trong đời sống hàng ngày, nghe, nhìn, nói, làm đều chiểu theo đạo Nhân mà làm. Nếu coi những việc nhỏ không quan trọng mà lơ là thì dễ sang đường ác, đường xấu mà không hay biết, nên chỉ cần chú ý một chút trong các sự việc hàng ngày.
“Vật dĩ ác tiểu nhi vị chi, vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi”, nghĩa là: Không được cho rằng chuyện xấu rất nhỏ mà làm, không được cho rằng chuyện tốt rất nhỏ mà không làm.
Nhân là “Vị tha” – tôn trọng người khác, vì người khác
Trọng Cung hỏi về Nhân, Khổng Tử nói:
“Ra khỏi nhà làm việc như tiếp đãi tân khách, sai khiến dân như cử hành đại lễ. Cái mình không muốn thì chớ làm cho người. Phải làm cho trong nước không có người oán hận mình, ở đất phong (quê hương) không có người oán hận mình”.
Khi giao tiếp, sai khiến người khác thì đức Nhân thể hiện ở tôn trọng người, nghĩ cho người. Mỗi hành động, suy nghĩ đều không một chút vị tư, mà phải vị tha, nên không có người oán hận.
Khi ở nơi công cộng, ở trong tập thể, trong xã hội, nếu không chú ý đến suy nghĩ, sở thích, ý kiến của người khác, tuỳ ý làm những gì mình thích, thì sẽ gây phản cảm, thậm chí có thể gây tổn hại đến người khác.
Nếu muốn thể hiện khả năng, tỏ ra tài giỏi, muốn mình nổi trội trong đám đông, nói năng ồn ào, gào thét, hoặc có các hành động múa may quay cuồng kệch cỡm, hoặc ăn mặc không theo phép lịch sự công cộng, cứ như khi mình ở một mình, như thế trái lại gây phản cảm cho mọi người, khiến mọi người chán ghét, oán hận.
Khi giao tiếp, sai khiến người khác thì đức Nhân thể hiện ở tôn trọng người, nghĩ cho người khác nên không có người oán hận. (Ảnh: tinhhoa.net)
Nhân là “Tu khẩu” – thận trọng lời ăn tiếng nói 
Tư Mã Ngưu hỏi về Nhân, Khổng Tử nói: “Người Nhân đức nói năng thận trọng”.
Tu khẩu là một yêu cầu rất quan trọng trong đạo Nhân. Lời nói thiếu cân nhắc có thể làm tổn thương người khác, nói không thực hiện được sẽ bất tín, nói thị phi gây nhân tâm hỗn loạn.
Nhiều người nói: “Ác khẩu nhưng tâm thiện”, cho dù đúng như vậy thì ác khẩu vẫn tạo nghiệp ác, có khi chỉ một lời ác khẩu thiếu suy nghĩ mà hủy hoại một con người. Người xưa có câu: “Dao sắc cắt thân, vết thương dễ lành, lời ác độc tổn thương người thì sẽ uất hận khôn nguôi”.
Thế nên nếu không chú ý, chỉ coi như nói đùa cho vui nhưng cũng có thể làm tổn hại người khác. Nhiều khi lấy câu chuyện làm quà mà trở thành nói xấu sau lưng. Hoặc nói những câu cửa miệng theo thói quen, nhưng lại rất dung tục, khó nghe.
Hàm nghĩa chữ Nhân 
Con người sống trong xã hội, còn có các quan hệ giữa người với người, nên cần đối nhân xử thế hợp đạo Nhân. Chữ “Nhân” (仁) gồm chữ “Nhân” (人) nghĩa là con người, và chữ “Nhị” (二) nghĩa là hai. Vậy chữ “Nhân” trong “đạo Nhân” có nghĩa là phép đối nhân xử thế khi có hai người, nhiều người.
Lúc đó chữ Nhân (người) co lại chỉ bằng 1/3 chữ Nhị (hai). Khi con người đứng 1 mình thì vươn người duỗi chân ra đầu đội trời chân đạp đất, tùy ý mình muốn làm gì thì làm, vì nó không ảnh hưởng đến ai.
Chữ Nhân là cảnh giới cao nhất của Nho gia đó là nếu muốn gây dựng cái gì cho mình thì cũng nên làm cái đó cho người khác.(Ảnh: gushiwen.org)
Nhưng khi có người khác, sống trong xã hội, ở nơi công cộng, khi giao tiếp giữa người với người, thì “con người cá nhân” – cái bản ngã đó – phải thu lại thật nhỏ, phải theo cái chung, vì cái chung, vì người khác, như thế mới được coi là có nhân.
Chữ Nhân là cảnh giới cao nhất của Nho gia. Nho gia giảng: “Kỷ dục lập nhi lập nhân. Kỷ dục đạt nhi đạt nhân”, nghĩa là: Nếu muốn gây dựng cái gì cho mình thì cũng nên làm cái đó cho người khác. Nếu mình muốn thành đạt sự nghiệp gì thì cũng nên thành đạt sự nghiệp đó cho người khác.
Nội hàm, ý nghĩa của chữ Nhân, của đạo Nhân có thể tóm lại bằng hai từ “Khắc kỷ – Vị tha”. Thực hiện được đạo Nhân đúng là rất khó, nhưng không phải không thể, bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất hàng ngày, “Thiên lý chi hành, thủy ư cước hạ” (Hành trình ngàn dặm, bắt đầu bằng một bước chân).
Hải Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner