Người xưa thường nói, vàng bạc có chất đầy nhà nhưng nếu không giáo dục được con cái tốt thì cũng bằng không. Tại sao vậy?
Người xưa dạy: “Vàng bạc đầy nhà không bằng có con được giáo dục tốt”. Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy có rất nhiều dòng họ giàu lên nhanh chóng nhưng cũng lụi tàn thật nhanh.
Ngoài ra, cũng có một số gia tộc giàu có được thêm một thời gian rồi cũng trở nên nghèo khó. Hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại không ít lần từ xưa đến nay.
Nguyên nhân của hiện tượng ấy là gì? Đó chính là vấn đề về “Đức”. Nếu một người có đức, thêm vào đó kinh nghiệm được tích lũy từ lao động thì biểu hiện phúc đức ra bên ngoài chính là sự giàu có.
Nhưng cũng có câu “Giàu không quá 3 đời” là ý gì?
Bởi vì, đời đầu tiên thường rất cố gắng vất vả tạo dựng cơ nghiệp, nhưng đến đời thứ 2, con cái bắt đầu tiêu tán tài sản, dùng tiền mà cha mẹ kiếm được để vui chơi hưởng lạc thú, đến đời thứ 3, cháu chắt càng biết hưởng lạc nhiều hơn, chính vì thế mà gia nghiệp lụi tàn, tài sản dần cạn kiệt. Tại sao vậy?
Bởi vì con người thường không coi trọng đạo lý tu thân, tích đức hành thiện, xem nặng tiền tài, sự nghiệp mà xem nhẹ giáo dục tạo ra.
Với những gia đình giàu có, việc dạy bảo trẻ về luật nhân quả ở đời không được coi trọng. Họ thường mua thứ ngon thứ tốt để con cháu hưởng thụ. Giáo dục con cháu theo cách này sẽ khiến chúng tiếp nhận rất nhiều thói hư tật xấu.
Người xưa có giảng, muốn gia tộc hưng thịnh thì cần giáo dục con cái thật nghiêm khắc. Dạy cho trẻ biết coi trọng đạo đức hành thiện một cách cẩn thận. Đây mới là phương pháp để bảo vệ con cháu tốt nhất.
Nếu chỉ biết cho con cháu tiền chi tiêu hoang phí, trẻ sẽ không có năng lực tự vệ mà giao lưu với đám bạn xấu, làm ra nhiều việc đồi bại đạo đức, từ đó mà bị hủy đi.
Do vậy cần phải giáo dục con cái nghiêm khắc ngay từ khi còn nhỏ, vừa dạy về đạo đức con người, vừa dạy những kiến thức xã hội để biết phân biệt tốt xấu.
Dạy trẻ một cách nghiêm khắc hai phương diện này thì khi trưởng thành, chúng không chỉ có năng lực kế thừa sự nghiệp mà còn có thể khiến gia tộc ngày càng hưng thịnh.
Những bậc cha mẹ cần hiểu một đạo lý, đừng biến tiền thành vật phẩm duy nhất để lại cho con cháu, mà nên giáo dục cho chúng biết làm thế nào để gìn giữ cơ nghiệp của tổ tiên không bị suy vong, phúc đức mãi bền lâu.
Đây cũng chính là quá trinh giúp trẻ tu thân, tu tâm, hành thiện, giữ được tinh thần vượt khó vươn lên. Chỉ cần có phúc đức, có lòng hướng thiện vượt khó, trẻ sẽ có năng lực tự mình gây dựng cơ nghiệp. Cho trẻ một sự giáo dục tốt sẽ tốt hơn rất nhiều khi cho chúng tiền bạc.
Giáo dục tốt sẽ giúp trẻ chọn được con đường làm giàu ngay chính, dùng chính sức lực của bản thân mà sáng tạo tương lai, làm giàu cho xã hội. Có vậy, con cháu đời đời mới được hưng thịnh và gia tộc mãi giàu có, trước là làm lợi cho con cái, sau là lợi cho cháu chắt.
Với tư cách là cha mẹ, chúng ta muốn nuôi dưỡng phúc đức cho con thì nên làm nhiều việc thiện, giúp đỡ người khác, có ích cho xã hội. Có vậy, con cái mới nhìn vào tầm gương của cha mẹ và hiểu được đạo lý này.
Được cha mẹ dạy bảo và hun đúc cho bản tính thiện lương, hiểu được đạo lý hành thiện tích đức, sau này chúng cũng biết phải làm thế nào để dạy bảo con cái của chúng. Làm được thế thì gia cảnh mới không trở nên nghèo khó và không làm ra những việc hại trời hại đất, bại hoại đạo đức gia phong.
Hiểu được đạo lý, lại thêm có phúc đức và tố chất trong tâm, trẻ sẽ phát triển theo hướng chính diện, hướng về thiện, mà từ đó có được cuộc sống hạnh phúc an lạc, luôn gặp may mắn.
Bài viết: "Vàng bạc đầy nhà không bằng có con được giáo dục tốt"
Nguồn: Giadinhmoi.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét