THỰC HÀNH LỜI THẦY DẠY HÀNH ĐẠO Ở PHƯƠNG XA - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

THỰC HÀNH LỜI THẦY DẠY HÀNH ĐẠO Ở PHƯƠNG XA

Bằng tinh thần phụng sự đạo pháp, báo Phật ân đức, Thầy đã hiện thân trên cõi đời 85 năm, hơn 50 năm cống hiến cho đạo pháp và nhân sinh. Là bậc long tượng trong thiền môn, mô phạm chốn rừng thiền, kế thừa đạo mạch Tổ tông

Cùng Ân Sư Tại Đài Loan năm 2010

Kính bạch Giác linh Thầy, nơi phương xa, cho phép đệ tử vọng bái về Tổ đình Nghĩa Phương thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà bằng tất cả tâm thành tha thiết, năm vóc đnh lễ công đức vô lượng của Thầy và có đôi dòng cảm niệm.

Thời gian trôi nhanh, mới hôm nào mà bây giờ đã gần đến ngày đại tường của Thầy, mỗi trang lịch dần dần đi vào dĩ vãng, nhưng lại vương đọng trong lòng nỗi ngậm ngùi, tiếc thương về một bóng hình, một bóng hình in đậm vào tâm hồn con và chắc chắn cũng khắc sâu vào tâm hồn của Tăng Ni Phật tử, cho dù trước giờ phút giã biệt thân tứ đại, trở về cõi an nhiên tự tại, thầy đã không để lại một lời. Từ đó đến giờ vẫn trong hình ảnh “nhạn quá trường giang, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô lưu tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm. Nhưng thực ra, bóng nhạn vẫn chập chờn với dòng sông và dòng sông đang gợn sóng theo bóng nhạn. Cảnh sắc sắc không không, tháng ngày vẫn vơi đầy nhớ kẻ trồng người. Tục ngữ có câu “ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn. Nhớ ơn và đền đáp công ơn đó cũng là quy luật đạo đức và đó cũng là hạnh nguyện lớn của hành giả, trên bước đường tu học.

Kính bạch thầy!

Con có thiện duyên đến với đạo Phật nuôi dưỡng hạt mầm xuất gia rất sớm được Thầy (Hoà thượng Thích Trí Tâm) thế phát xuất gia, là mốc son đánh dấu ngày đệ tử khi vừa tròn 5 tuổi. Thầy là người nâng niu, uốn nắn cho con từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ dáng đi. Đệ tử lớn dần trong vòng tay yêu thương của thầy. Với tính nhút nhát, đệ tử chẳng dám bắt chuyện với ai, chỉ trả lời khi được quý Phật tử quan tâm chăm sóc đến bên hỏi han con. Qua cử chỉ ấy, đệ tử thấy mình được phúc duyên trong mái chùa thân thương, sự che chở của thầy là người cha mẹ thứ hai đã tận tâm hết mình dạy dỗ và rèn luyện đệ tử thành người.

Sinh ra chúng con là Cha Mẹ có mối quan hệ huyết thống, giữa thầy trò luôn có mối quan hệ khắng khít về tâm linh. Thầy ân cần khuyên bảo quan tâm dẫn dắt đệ tử bước đầu học đạo, và truyền trao sự hiểu biết đến đệ tử và hướng dẫn đi theo một đường hướng đúng đắn, từ nếp sống trong chùa cho đến việc thực hành lời dạy của Đức Phật, để cho đệ tử được gắn thêm đôi cánh, có thêm sức mạnh để bay cao hơn, xa hơn vào bầu trời trí tuệ. Cha mẹ là người cho con cuộc sống, huynh đệ là những chỗ dựa niềm tin, thử thách rồi những thất bại đã cho đệ tử trưởng thành hơn thì chính thầy là người dạy đệ tửvượt qua khó khăn vấp ngã trên đường đời.

Thầy từng dạy chúng con rằng: “đã lựa chọn bước đi theo Phật Đà là mục tiêu, lý tưởng của đời người”. Chúng con phải thực hành phương pháp tu hành thoát khổ và vĩnh thoát sinh tử, nuôi lớn thân huệ mạng bất sinh bất diệt, để lớn lên đệ tử chính thức bước vào hàng ngũ Tăng già mang trong mình sứ mệnh cao cả mà Như lai đã phó chúc.

Ngày sơ tâm xuất gia, đệ tử bước đầu gia nhập thiền môn, bắt đầu một cuộc sống mới, hoàn cảnh môi trường hoàn toàn mới lạ so với cuộc sống thế tục thì cũng không ít khó khăn, phải thức khuya dậy sớm, phải tuân thủ những thanh quy nghiêm ngặt của thiền môn, nhưng những điều đó cũng không khó bằng phải sữa đổi tâm tánh. Bởi vì Thầy dạy: “tu hành” tức là sửa đổi những điều sai quấy “Hành” tức là làm những việc đáng làm. Quá trình tu tập không chỉ tính bằng một ngày, một tháng, một năm hay nhiều năm mà là cả một chiều dài thời gian. Vượt qua những thử thách gian khổ của những ngày tập sự, hành điệu từng bước, từng bước một bước lên từng cấp bậc để thọ lãnh giới pháp mà hành trì, cho đến khi được thọ giới Tỳ kheo mới chính thức được đứng vào hàng Tăng bảo.



Hơn 20 năm đệ tử được học tập kinh điển và vừa làm những công việc chấp lao phục dịch trong chùa, và đây cũng là thời gian đệ tử được thầy đặc biệt quan tâm chỉ dạy, và đã chọn đệ tử làm thị giả hầu thầy. Khi đệ tử được gần gũi bên thầy đã cho con có nhiều cơ hội trong việc học hỏi lời thầy dạy cũng như noi theo lối sống của thầy (thân giáo). Tác động rất lớn đến việc hình thành nên nhân cách cũng như việc phát triển tâm linh của con.

Từ lúc con xuất gia cho đến lớn luôn được hầu Thầy đó là để cho con nuôi dưỡng thiện căn, tăng trưởng tâm Bồ đề phát khởi dõng mãnh, thầy dắt dìu từng bước đi chập chững cho con trong biển Phật pháp, và cũng là cơ hội tốt để gột rửa thân tâm. Khi có điều kiện tiếp xúc với những bậc hiền lương, đức độ cao quảng, con có thể bắt chước, học tập được những điều từ quý Ngài, tận lực phục vụ nhân sinh, xả thân cho dân tộc. Qua từng lời dạy của Thầy, con đã dần trưởng thành trong tình thương mà Thầy đã dành cho con. Để rồi trong trong giờ phút hiện tại này, con đã thấu hiểu và tôn kính vô ngần với tất cả những điều Thầy nghĩ, tất cả những lời Thầy dạy và tất cả những việc Thầy làm đều là vì tương lai của hàng đệ tử, và tương lai của đạo pháp. Tất cả những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm tuyệt vời, những hy hiến thiết tha vẫn còn trong tâm khảm, trong trái tim của con!

Cùng Ân Sư Tại Đài Loan năm 2010

Tình thầy trò là một tình cảm thiêng liêng và tự nhiên, vì thế dù ở bất cứ quốc độ nào, bối cảnh xã hội nào, thì tình cảm thiêng liêng ấy chính là nền tảng đạo đức cơ bản của con người. Biết và hiểu là hai mức độ nhận thức khác nhau của con người trước các sự vật, hiện tượng trong cuộc sống cũng như là cách để nhận thức về con người trong xã hội. Đối với người con Phật, ngoài tình thầy trò ở ngoài đời, chúng con còn có cảm nhận sâu sắc ân nghĩa Thầy dạy đạo. Cha, mẹ và thầy giáo thế học có công nuôi dưỡng thân xác, đào tạo và nâng cao trình độ kiến thức, nhưng đó chỉ là thân ngũ uẩn sanh diệt và tri kiến thế gian. Còn thầy dạy đạo dìu dắt hướng dẫn chúng con phương pháp tu học để thoát khổ, thoát ly sinh tử, trao cho chúng con Giới thân Tuệ mạng bất sinh bất diệt, trưởng dưỡng hạnh lành nâng bước cho hang đệ tử dự vào hàng Thánh. Công ơn ấy ngẫm ra còn nặng gấp bao lần. Hơn thế nữa, đối với những vị xuất gia, rời khỏi gia đình, từ bỏ những trói buộc của thế gian, phát nguyện sống đời phạm hạnh, chí tâm cầu giải thoát thì ngôi chùa chính là gia đình, Thầy tổ chính là cha mẹ. Thầy đã hi sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp hoằng dương Chánh Pháp, mang áng sáng Đạo lý đến muôn nơi.




Qua đây con xin thành kính gởi đến hết thảy bằng hữu, cộng sự tu hành những hành giả đang trên đường tầm cầu sự giải thoát. Chư huynh đệ! hãy nên biết quý trọng nâng niu những gì mình đang có, hãy biết tôn trọng những gì mình đã được, cho dù sông có cạn núi có mòn thì tấm lòng tri ân đối với thầy tổ trong con không thay đổi.
  1. Lời giáo huấn của Thầy trong tựa kinh Lăng Nghiêm
Người mới xuất gia cũng giống như một em bé mới sinh ra vậy. Em bé cần phải tập bò, tập ngồi, đi đứng, ăn uống, nói năng, tập lắng nghe, tập nhìn v.v… Nhờ vào sự trau dồi đó, nên phong thái uy nghi của người xuất gia dần được định hình và toát lên trong nếp sống giản dị, thanh lương. Có những câu kinh rất cảm động như:

“Nguyện kim đắc quả thành Bảo Vương
Hoàn độ như thị hằng sa chúng
Tương thử thâm tâm phụng trần sát
Thị tắc danh vi báo Phật ân.”

Những câu này thật là ý nghĩa: thầy thường ngày dạy cho chúng con làm hành trang để đi vào ngay trong cuộc đời, hóa độ chúng sinh nhiều như hằng sa, đem hết tất cả tấm lòng sâu xa của người xuất gia để phụng sự tất cả các cõi, như vậy mới tạm xứng đáng để báo đáp được công ơn của Phật.

Đức Phật đã gửi thông điệp từ bi đến với người xuất gia, hãy thực hiện tròn nhiệm vụ chính là đem giáo lý của Ngài mà truyền bá rộng khắp thế gian để đem lại lợi ích cho nhiều người. Xã hội ngày càng phát triển trong xu thế toàn cầu hóa nhờ con người văn minh và tiến bộ. Trong đó, vai trò Phật giáo đóng góp rất to lớn và quan trọng về việc xây dựng hình thành con người sống có văn hóa đạo đức, sống có ý thức trách nhiệm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại có nhiều vấn đề cần phải được cải cách lại, để đảm bảo chức năng vai trò trách nhiệm của nguời xuất gia và phật tử tại gia sống đúng theo lời Phật dạy. Mục đích của đạo Phật là tìm ra lẽ thật của thân tâm và hoàn cảnh để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Chúng ta phải nói ra những gì chân thật để mọi người hiểu đúng Phật giáo là chánh tín nhân quả. Phá bỏ các tập tục mê tín của các truyền thuyết khác xen vào làm mờ tối đạo Phật là việc làm cần thiết. Trách nhiệm chính của người xuất gia là truyền bá chính pháp theo lời Phật dạy trên nền tảng nhân quả và đạo đức. Trước tiên chư đệ tử hướng dẫn khuyến khích quý phật tử nam nữ tại gia phát tâm quy y Tam bảo, giữ gìn năm điều đạo đức và nỗ lực nghiên cứu học tập, ứng dụng lời Phật dạy, trao dồi rèn luyện đạo đức cá nhân, xây dựng nếp sống gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, đóng góp lợi ích xã hội và hộ trì Tam bảo đúng theo luật pháp đất nước Việt Nam với tinh thần tốt đời đẹp đạo.


Cùng Ân Sư Tại Đài Loan năm 2010 (Diện kiến HT  Đại Sư Tinh Vân)

Thầy đã ân cần chỉ dạy cho chúng con trong giờ nói chuyện buổi sáng. Câu nói của Thầy khiến con nhớ mãi: “Làm cũng phải tu, tu để soi sáng việc của mình làm”. Bài giảng của Thầy phần nào giúp chúng con nhận thức được những sai phạm và sửa đổi để hoàn thiện chính mình.

Mái chùa xưa nay đã khoác lên mình màu rêu phong cổ kính, nhưng Thầy vẫn miệt mài ngồi đó bên trang sách, đem lời kinh tiếng kệ đến với mọi người. Nếu đạo Phật là con đường của tình thương và sự hiểu biết, thì Thầy là một sứ giả Như Lai truyền trao chân lý giác ngộ, thay Thế Tôn giáo hóa muôn loài. Mỗi câu chuyện bên Thầy, dù đó chỉ là lời nói đơn sơ, giản dị đến những việc làm tưởng chừng bình thường, nhưng để cho chúng con những phút giây chiêm nghiệm, học tập và ứng dụng vào đời sống tu hành.

Cùng Ân Sư Tại Đài Loan năm 2010 (Diện kiến HT  Đại Sư Tinh Vân)

Mỗi lần con được trở về với mái chùa xưa, nơi đã để lại cho con những ký ức thật đẹp của thuở ban sơ ngày mới vào chùa, con lại thấy lòng mình lâng lâng khó tả. Chú điệu ngây thơ ngày nào cứ vô tư nhìn đời bằng đôi mắt tinh nguyên, không phải lo âu, buồn phiền, suy nghĩ… Thời gian lặng lẽ trôi qua, mái chùa xưa giờ vẫn còn đó, những kỷ niệm về tình huynh đệ thuở nào vẫn còn đây và dòng ký ức ấy cứ luôn âm thầm chảy tràn trong tâm thức. Tất cả niềm vui nỗi buồn ấy tạo thành một món quà ký ức vô giá, làm hành trang theo chân người du sĩ trên suốt hành trình cuộc sống. Để rồi, mỗi lần có việc phải đi xa, con lại bồn chồn, háo hức mong muốn ngày được trở về. Vì nơi ấy có một người Thầy khả kính, luôn dõi mắt nhìn theo trên mọi nẻo đường mà chúng con đang rong ruổi. Người đệ tử mang tâm nguyện, bước những bước đi theo hạnh nguyện Thầy truyền trao. Chính ánh mắt quan tâm, lo lắng, bao dung của Thầy, đã tiếp cho chúng con nguồn động lực trước bao phong ba, bão táp của cuộc đời, và tình thương ấy đủ lớn cho chúng con cảm nhận rằng: Tình Thầy thật cao cả đến dường nào…Đó là những phút giây bên Thầy, được người ân cần chỉ dạy; đó là lời hát ru ầu ơ của mẹ, vỗ về đứa con thơ trong giấc ngủ trưa hè; hay đó còn là chén trà nóng làm ấm lòng huynh đệ mỗi khi có dịp đoàn viên… Đến một lúc nào đó, khi cỗ xe thời gian chở tất cả những gì đang hiện hữu đi vào quá khứ, con mới bàng hoàng, luyến tiếc, mong muốn những phút giây bình yên trở lại, nhưng tất cả đã quá muộn màng.

Môn đồ thọ tang

Khi đi xa, con nhớ lắm những phút giây bên Thầy, những buổi sáng ngồi ăn cơm và nghe pháp, những giờ họp đại chúng, cả những lời Thầy chỉ dạy mỗi lần có anh em nào sai phạm… Cảm giác ấy như đứa trẻ thơ thèm khát bầu sữa mẹ những lúc đói lòng. Mỗi lần tâm Bồ-đề của con khô héo trên bước đường hoằng pháp, con lại trở về bên Thầy, để tưới tẩm yêu thương, để được ngắm nhìn nụ cười ấm áp đầy lòng từ bi của Thầy, để Thầy nắm lấy tay con dìu đi trên bước đường giải thoát.   

Từ khi đệ tử theo Thầy học đạo được lòng bi mẫn của Người che chở, được dòng sữa pháp nuôi nấng, được thăng hoa tâm hồn lên từng ngày cũng vừa là nguồn động lực giúp đệ tử vượt qua bao thử thách để giữ vững đạo tâm. Ngoài ra đệ tử còn học nơi Thầy phương cách hoằng dương chánh pháp, rồi còn lo cho đời sống tu học của Đại chúng, cũng như phụ trợ công việc phật sự của Giáo hội hay các chùa khác… thời gian của Thầy ít ỏi biết bao, chưa kể bao mệt nhọc vất vả của sự nghiệp giáo hóa độ sinh lúc nào cũng làm nặng trĩu thêm đôi vai Người. Cả cuộc đời tu hành, giáo hóa, phụng sự, cống hiến của Thầy đã nêu gương cho đệ tử về tinh thần khiêm hạ, và cách sống tử tế. Đó là đệ tử thực hành đúng lời dạy của Thầy, là thể hiện sự tôn kính Thầy rất chân chính, đúng đạo lý.

Con về đây bên tình Thầy ấm áp
Nghĩa đệ huynh son sắc vẹn câu thề
Dẫu mai này trên khắp nẻo sơn khê
Tình pháp lữ muôn đời không thay đổi.

Kính bái nhục thân Ân Sư

Ngày nay, Thầy đã vắng bóng trên cuộc đời, trên bước đường tu học theo lời di huấn của Thầy, đệ tử được sự dạy dỗ, uốn nắn, giáo dưỡng, khai mở con đường cho đệ thoát khỏi kiếp trầm luân sanh tử luân hồi, đến bến bờ giác ngộ, giải thoát trọn vẹn.

Khánh Hoà: Trưởng Lão Hòa thượng Thích Trí Tâm viên tịch
Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch vào lúc 23giờ 00phút, ngày 10 tháng 10 năm 2017 (ngày 21 tháng 8 năm Đinh Dậu), tại Tổ đình Nghĩa Phương, số 02 đường Lý Thánh Tôn, phường Vạn Thạnh, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Trụ thế: 84 năm, Hạ lạp: 60 năm.     » Xem thêm
  1. Xa Thầy thực hành lời dạy hành đạo phương xa
Sau nhưng năm tháng con ra Bắc làm việc, và tu học hoằng pháp, thầy luôn dạy rằng: “Trong cuộc sống bộn bề hiện nay con người đang mải lao đầu vào việc tìm kiếm những thứ xa xỉ mà quên mất điều sâu thẳm trong trái tim mình. Làm một người xuất gia có lý tưởng cao thượng, việc tu hành được viên mãn, đem lại lợi ích cho chúng sinh”. Đồng thời, những thăng trầm của cuộc sống đã cho chúng con nhiều bài học quý giá, và “Đảm nhiệm trọng trách người trụ trì tại cơ sở của Giáo hội Phật giáo Miền Bắc, phải ý thức được vai trò trụ trì của mình là “Hoằng pháp, độ sinh”, hướng dẫn phật tử tháo gỡ một cách nhanh chóng theo tín ngưỡng dân gian có tính cách mê tín, làm cho mọi người trong cộng đồng hiểu biết Phật pháp và tin sâu nhân quả để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và đóng góp lợi ích cho xã hội. Những lời nói từ trái tim của thầy đã mang một sức mạnh thuyết phục để cho vững tâm trên con đường hoằng pháp làm Phật sự tại đất Bắc, vượt qua biết bao nhiêu nghịch cảnh và cám dỗ trong cuộc đời mà tìm về nương tựa bên Đức Phật kính yêu.

Trong thế giới này, các con phải ráng tu tập để trở thành chỗ nương tựa cho bao nhiêu chúng sinh khác. Thế gian thì đầy tăm tối lầm lỗi, con người khát khao tìm được những bậc minh Sư. Các con xuất gia rồi, phải chiến đấu với lỗi lầm của mình từng ngày, từng giờ để từ từ trở thành những bậc minh Sư đó cho chúng sinh nương tựa. Mà chiến đấu với lỗi lầm rất khó chứ không phải dễ, có những cái lỗi dù biết rõ rồi đó, nhưng các con phải chiến đấu với nó 5 -10 kiếp. Tu hành là vất vả như vậy. Các con bước vào con đường tu hành là chiến đấu với lỗi lầm. Ngày nào mình còn thấy được lỗi, rồi cứ cố gắng hổ thẹn vượt qua cái lỗi thì ngày đó mình còn là người tu chân chính. Ngược lại, ngày nào không thấy mình có lỗi, không cố gắng chiến đấu với lỗi lầm của chính mình nữa thì ngày đó mình chỉ còn tu trên hình thức thôi, đây là điều đáng lo.

Thừa hành lời Thầy dạy: Hành đạo phương xa

Mỗi lần thầy ra Bắc lo công tác Phật sự, luôn nhắc nhở con rằng: Để có thể giữ được đạo tâm, giữ được lý tưởng tu hành của mình, các con phải hết sức thông minh đối với việc cảnh giác. Ngoài lòng tôn kính Phật tuyệt đối, lòng thương kính Thầy, tôn trọng Đại chúng, lý tưởng hướng về sự giác ngộ giải thoát, và từng ngày tinh tế quan sát, kiểm soát nội tâm để sửa lỗi, mà mình còn nhìn khắp chung quanh để phát hiện những âm mưu đánh vào trong chúng, đánh vào trong tâm các con, mà vượt qua cả một chặng đường dài như vậy. Và đến ngày các con cứng cáp vững vàng thì mình mới thật sự là một cội cây to để cho chim chóc, cho mọi người, cho chúng sinh về nương tựa. Đó mới gọi là hoàn thành được chí nguyện xuất gia của mình. 

Thầy đã hết lòng với đời với đạo, theo tinh thần dung nhiếp và cảm hóa mọi tầng lớp quần chúng và Phật tửHình bóng của thầy là hiện thân của từ bi và hỷ xả, đạo nghiệp của thầy là kết tinh cuả giới đức và trí tuệ, hoàn cảnh càng phức tạp bao nhiêu, khả năng hóa giải của thầy càng thể hiện thiện xảo bấy nhiêu. Thầy đặt chân đến đâu là hòa hợp và hoan hỷ đến đó. Thầy Là một trong những vị Cao tăng cống hiến trọn đời cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, thầy đã có những đóng góp, những công đức to lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất và hòa hợp Phật giáo, góp phần xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đất nước. Thầy là một bậc tôn sư khả kính đã có nhiều công lao giáo dưỡng và dìu dắt hàng trăm môn đồ đệ tử đã trưởng thành, noi gương từ bi hỷ xả, tự giác giác tha của để bền vững đạo tâm và trang nghiêm Giáo hội. Thế nên, hình ảnh của Thầy lúc nào cũng hiện diện trong mọi chiều hướng thăng trầm của đạo pháp và dân tộc.
Thầy dạy đệ tử không phải chỉ nhẫn nhịn mà phải buông xã. Lấy từ bi, hỷ xã mà tu học. Phải tịnh tu ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ðoạn trừ ba nghiệp tham, sân, si, để giải thoát khỏi luân hồi, sanh tử. Phải biết nhún nhường và khiêm hạ, lấy nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, làm nền tảng đạo đức mà đối đãi cùng nhau.
Có một lần, Thầy ra Bắc tham dự Hội Nghị, sức khỏe của Thầy không được tốt lắm. Đệ tử hướng dẫn Phật tử đến vấn an và đỉnh lễ cung thỉnh Thầy về trú xứ chùa Vinh Phúc để tịnh dưỡng, và đi kiểm tra sức khoẻ Thầy vui vẻ nhận lời ngay. Khi ngồi trước những đạo hữu nơi đất khách quê người, đối với Phật tử bằng những tâm hồn cần tưới tẩm tình thương, lòng nhân ái của sự bao dung, tha thứ, Thầy đã vì họ truyền trao chánh pháp mà quên đi bệnh tình của bản thân. Vì Thầy thấy được tấm lòng khát ngưỡng học hỏi giáo lý của những Phật tử xa phương; hay đơn thuần thương cho nỗi khổ của những hạt giống Bồ-đề đang tìm cầu một lối thoát. Quý Phật tử nơi đây được nghe giảng, được tận mắt thấy gương mặt từ hòa của Thầy dù chỉ một lần.

Ân Sư Tại Đài Loan năm 2010

Những lời thầy dạy đệ tử và quý Phật tử ở nơi đây luôn khắc ghi lòng tạc dạ và ở nơi xa thầy tổ con luôn  nghỉ rằng người xuất gia không phải là việc làm tiêu cực, mà ngược lại, đó chính là việc trực tiếp đối mặt với sanh tử luân hồi, tìm ra con đường giải thoát, gánh vác một sứ mệnh cao cả tự độ và độ tha, lợi lạc hữu tình không bao giờ mệt mỏi. Con đã có một hướng đi, đã xác định cho mình đi theo lý tưởng của Phật giáo, và đây là một bước đi đúng đắn. Một hướng đi mà hiện nay trên toàn thế giới người ta rất ưa chuộng, rất quan tâm và nhiều người đang tu tập, tiếp tục gánh vác trọng trách của Đức Phật, nối tiếp dòng Thánh, duy trì huệ mạng. 

Người tu Ðạo nên chú ý. Chớ gieo duyên nhiễm ô với người khác. Sợi dây trói buộc bất tịnh này sẽ làm chúng ta đọa lạc. Tu hành thì cần phải giữ mình cho trong sạch, như giữ đôi mắt không để dính một hột cát vậy. Tu đạo thì trước hết phải trừ tập khí. Trừ như thế nào? Bên trong thì khắc kỷ phục lễ, bên ngoài thì đoạn dục khử ái, cả hai đàng cùng dụng công, ắt sẽ thành công.

Thắm thoát đã hơn 45 năm, suy nghiệm lại con thấy đúng hết, không sót việc gì. Đến giờ, con mới thật sự tin tưởng: Thầy chính là hoá thân Bồ tát vào đời thừa hành Phật sự. Thầy đến đây để làm việc gì đó, rồi được Phật bổ sứ đến quốc độ khác, tiếp tục công hạnh của mình, đến lúc công viên quả mãn!


Thừa hành lời Thầy dạy: Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật

Hôm nay những gì con có được chính là công ơn lớn lao của Thầy tổ, con biết làm sao để báo đáp thâm ân này!  Bởi lẽ “Ân sư chí trọng, cổ đức nan thù” cho dù con có cố gắng làm được chút gì thì cũng như đem muối bỏ xuống đại dương. Vì vậy thâm ân kia con xin ghi lòng, nguyên trọn đời đi trên con đường chánh pháp, ngõ hầu đền đáp công ơn thầy tổ trong muôn một. Mới hay:

“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”

Vì vậy, Thầy tổ đối với con nghĩa cao như núi tình sâu như đại dương, ân nghĩa ấy chúng ta lấy gì đền đáp? Người xưa nói: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là “một chữ là thầy, nữa chữ cũng là thầy”, huống chi Thầy đã cho ta giới thân tuệ mạng, trọn vẹn một ân tình.
  1. Ân nghĩa sâu dày của thầy
Cảm nhận được ân nghĩa sâu dày của thầy tổnhững lòng mong mỏi tha thiết với lòng tri ân và muốn báo đáp ân dày. Con xin hướng về mười phương Tam Bảo, đê đầu đảnh lễ các vị ân sư, thiện hữu tri thức cùng với các bậc quyến thuộc bồ đề. Những gì quý ngài đã vun vén, sách tấn, động viên, khuyến khích hướng dẫn và cũng không loại trừ những lời quở trách khi con phạm sai lầm những điều đó cũng không ngoài mục đích muốn con nên người, đi đúng con đường mình chọn và tìm được pháp lạc trong cuộc sống của người xuất gia.

Thầy dạy rằng: “ Người tu giữa nhân gian giống như người đi trong đêm tối, có chân đi mà không có đèn soi sáng thì dễ lạc đường, thậm chí rớt hầm rớt hố lúc nào không hay. Đèn sáng là tri kiến Phật Pháp. Chân đi là thực nghiệm Chánh Pháp của Phật”. Cho nên các bậc cổ đức thường nói: tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách. Cầm đèn trên tay mà không đi thì chẳng bao giờ ra khỏi ba cõi. Đi mà không có đèn soi sáng thì lẩn quẩn trong sanh tử luân hồi. Việc học Phật và dạy Phật họcvì vậy, là nhu cầu không thể thiếu dù ở trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, quốc độ nào.
Thầy còn nhấn mạnh cho đệ tử chú ý những việc mà trong vài trò làm việc giáo hội cần phải biết “Trong phạm vi Phật giáo, nhiệm vụ bất di bất dịch của cấp lãnh đạo là thừa kế Tổ đạo, truyền trì giới luật, hướng dẫn tăng đồ và tín đồ về mặt tinh thần, trụ trì các tự viện thuộc hệ thống của Giáo hội. Công tác lãnh đạo còn bao gồm cả việc gây giống ương mầm un đúc tăng tài, để thừa kế Tổ đạo trong ngày mai.” Để thực hiện sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp, thầy đã nêu ra hai phương thức mà cũng là mục đích cho một vị sứ giả Như Lai. Đó là “Cấp thừa hành có nhiệm vụ bám sát cơ sở quần chúng, nhằm phát triển đạo pháp trên hai phương diện: 1. Củng cố tổ chức, dẫn đời vào đạo, 2. Tích cực nhập thế, đem đạo vào đời.” 




Hai mục tiêu trên đáp ứng được đúng đắn hai nhu cầu khẩn thiết của Phật Giáo Việt Nam, đó là dẫn đời vào đạo và đem đạo vào đời. Và tích cực phổ biến tinh thần giải thoát giác ngộ của đạo Phật qua các công tác Phật sự thực tiễn văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội để cứu giúp dân sinh và góp phần vào việc xây dựng xã hội. Đóng vai trò thân cận của cấp lãnh đạo, xây dựng bên trong tự viện. Đảm trách mọi công tác củng cố sinh hoạt tinh thần và vật chất của cơ sở, tổ chức tín đồ thuộc mọi tầng lớp xã hội, diễn giảng, hành chánh, giao thiệp. Tham gia mọi sinh hoạt xã hội mà không trái với tinh thần giới luật, qua các hoạt động nghề nghiệp hợp với thế đế, để nhiếp hóa chúng sanh bằng tinh thần tứ nhiếp pháp và lo sinh tài cho Giáo hội.”

Cùng Ân Sư Tại Đài Loan năm 2010

Thưa Thầy! Những năm tháng bên Thầy, là khoảng thời gian con thấy mình hạnh phúc nhất, vì có cơ duyên được làm đệ tử của Thầy; được tưới tẩm tâm hồn trong suối nguồn tình thương; được tận hưởng hương vị an lạc, giải thoát trong sữa pháp Thầy trao. Quảng thời gian không đủ dài, nhưng đã cho con tích lũy những bài học vô cùng quý giá. Trong sinh hoạt hằng ngày, Thầy giản đơn, bình dị. Trong tiếp Tăng độ chúng, Thầy từ tốn, khiêm cung. Người âm thầm chỉ dạy hàng đệ tử chúng con nhân cách đạo đức cũng như cách thức tu tập thông qua thân giáo và khẩu giáo. Cả cuộc đời, Thầy khép mình vào nếp sống thiền môn, oai nghi, giới luật; lấy tinh thần “ít muốn, biết đủ” làm niềm vui trên lộ trình giải thoát.

Dẫu biết bánh xe vô thường cứ mãi trôi lăn. Tâm con người luân phiên trong những trạng thái: vui buồn, ganh ghét, hơn thua…đấp đổi. Một bài hát dù có hay, nhưng khi ta nghe nhiều sẽ chán và đến một lúc nào đó sẽ không nghe nữa, lâu ngày nó trôi dần vào cõi lãng quên. Vầng thơ có sâu lắng, câu văn có súc tích, đem đến bao dư âm cho người đọc, nhưng cảm giác ấy theo thời gian cũng sẽ nhạt nhòa. Riêng những lời Thầy dạy, những việc Thầy làm, sẽ mãi in sâu trong tâm trí của chúng con, sẽ mãi là hành trang cho con tiếp bước vào đời. Để những khi chùn bước trên con đường giác ngộ, con lại nghĩ về Thầy mà mạnh mẽ vượt qua mọi nghịch cảnh.

Dẫu mai đi khắp phương trời
Những lời Thầy dạy đời đời khắc ghi.

Thầy ơi! Làm sao chúng con có thể quên được, hình bóng thầy với dáng vẻ khoan thai, với lòng từ bi không chỉ riêng với chúng con mà với tất cả muôn người. Thầy có khuôn mặt phúc hậu giống tựa như đức Phật, dù chỉ một lần được gặp không ai lại chẳng kính tin. Từ khi được làm đệ tử của thầy, huynh đệ chúng con luôn được sống đầm ấm trong tình thương vô hạn. Nếp sống của thầy là tấm gương chấp nhận và hy sinh, mà hết cả cuộc đời này cũng chưa chắc gì chúng con làm được.

Ân sư nhận kỷ niệm chương

Thầy có một đức tính bao dung và hòa hợp thật hiếm có. Trong những năm giữ cương vị Trưởng Ban Nghi Lễ Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực BanTri Sự Phật giáo tỉnh, Hiệu Trưởng Trương Trung Cấp phật học tỉnh nhà, việc Thầy làm được nhiều vô số kể, nhưng có lẽ Tăng Ni Phật tử trong tỉnh vẫn nhớ nhất là đức hạnh nhiếp chúng của Thầy. Thầy đã đưa Phật giáo cùng chung một mối, mọi người cùng chung một lòng để xây dựng và phát triển Phật giáo.

Dù bao năm thân mang trọng bệnh, nhưng không ngày nào thầy ngơi nghỉ thân tâm. Từ lo công việc chung của Giáo hội với nhiều trọng trách nặng nề đến việc tiếp tăng độ chúng tu học tại ngôi trường Trung Cấp Phật học tỉnh nhà mà Thầy dành hết tâm huyết lo toan. Rồi cho đến các ngôi chùa trực thuộc Tổ đình Nghĩa Phương, và ngôi gia làm Nghĩa Sơn tại vùng quê chưa có Phật pháp, nhưng nay đã trở thành chỗ tu học rất đông cho Phật tử quanh vùng của địa phương rồi Thầy ạ.

Kính bạch Giác linh thầy!

Khi nghe tin Thầy lâm trọng bệnh và nằm điều trị trong viện. Chúng con biết Thầy phải trải qua những cơn đau cùng cực nơi thân thể, nhưng Thầy vẫn rất an nhiên. Sự thảnh thơi vững chãi của Thầy được thể hiện bằng chính những thái độ nhẹ nhàng, không buồn bã, lo lắng, thay vào đó trên nét mặt, ánh mắt, nụ cười, của Thầy vẫn thật an lành. Chúng con biết, Thầy giữ được tâm định tĩnh như vậy là nhờ có pháp môn tu tập. Thầy đã có niềm tin bất hoại nơi chánh pháp, nơi phương pháp tu Tịnh độ.



Chúng con cũng biết, Thầy ra đi như thế này cũng là ý Thầy muốn. Khi biết bệnh của mình không thể khả thi hơn, Thầy đã thuận theo một cách tự nhiên mà không cần cưỡng cầu. Thấy đệ tử nào phải khuya sớm bên mình, chăm sóc vất vả, chạy ngược chạy xuôi, lo lắng cực khổ, mong Thầy mau khỏe, Thầy chẳng muốn phiền. Thế nhưng Thầy ơi, những lúc như thế, cực kỳ cao điểm, chúng con không thể bỏ Thầy một mình mà chịu đựng, chỉ cần nhìn thấy Thầy còn đó, bên chúng con, dù chỉ trong chốc lát, chúng con vẫn hết lòng. Ngẫm lại mới thấy, chẳng ai như Thầy, sợ phiền đệ tử. Chúng con đã phải, khóc lên thật nhiều, khi Thầy như thế.

Những ngày cuối hạ đệ tử trải những bước chân chậm rãi, lang thang dưới những tán cây quanh chùa trong cái nắng hanh hao của tiết trời, không khí oi bức đến ngộp thở, hiếm hoi lắm mới có một làn gió nhẹ nhưng nó lại chỉ lướt qua trong tích tắc rồi vụt tắt đâu mất. Mông lung khi nghĩ về cuộc đời tu sĩ của mình, đệ tử bất giác nghĩ đến hình bóng Thầy, thì lại có tiếng chuông điện thoại reo lên từ sư đệ Thiện Phước báo tin cho đệ tử biết sức khoẻ của Thầy quá yếu. Sau một cơn bạo bệnh ngắn ngủi về tim, Thầy đã ra đi quá nhanh chóng làm cho chúng con, mặc dù đã biết quá rõ sinh, lão, bệnh, tử là thông lệ của đời người, vẫn làm sao nén được cái cảm giác bàng hoàng, ngơ ngác đau thương.

Bằng tinh thần phụng sự đạo pháp, báo Phật ân đức, Thầy đã hiện thân trên cõi đời 85 năm, hơn 50 năm cống hiến cho đạo pháp và nhân sinh. Là bậc long tượng trong thiền môn, mô phạm chốn rừng thiền, kế thừa đạo mạch Tổ tông. Tuy nhiên, Thầy vẫn đóng góp hòa hợp với Giáo hội. Với tư cách là bậc tôn đức lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hoà, Thầy đã nối kết được Tăng già với xã hội, phụng sự đạo pháp và dân tộc, tốt đạo đẹp đời, mở Phật học trường, đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội. Là một thiền tăng chốn Không môn, Thầy xứng đáng là hàng hậu bối truyền trì mạng mạch chánh pháp Như Lai, là vị trưởng tử đức hạnh và hiếu hạnh của chư vị Tổ sư, là bậc Huynh trưởng đạo cao đức trọng, thân giáo khẩu giáo kiêm ưu, đáng để toàn thể Tăng Ni pháp quyến noi theo. Thầy đã an nhiện thị tịch vào lúc 00g 30 phút sáng ngày 21.8.Al- 2017.

Y bát chân truyền

Kính bạch Thầyhuynh đệ chúng con thật là diễm phúc khi được làm đệ tử của Thầy, và thời gian gần đây thầy trò được gần nhau luôn. Chúng con ở bên thầy đầy đủ không thiếu người nào. Tuy căn bệnh làm thân Thầy đau nhức lắm, thấy Thầy đau chúng con bật khóc, Thầy nói rằng: “chăm sóc người bệnh phải biết quán tưởng mà tu hành. Ai cũng phải trải qua những giai đoạn như thế này, có biết vậy mới nỗ lực tu tập để tự tại với nó”.

Trước Giác linh Thầy, huynh đệ chúng con xin hứa: “luôn nghe lời Thầy dặn, sẽ trên dưới thuận hòa, thương yêu nhau như ruột thịt, nâng đỡ và che chở cho nhau. Sống thật an lạc, hạnh phúc. Tiếp nối hạnh nguyện của Thầy, để trở thành những người đệ tử ngoan của Thầy, luôn cố gắng tu tập, làm Phật sự cho đạo pháp, xứng đáng là con cháu Thiền gia”.

Chúng con biết, những tháng ngày còn lại không có Thầy ở bên là vô cùng khó khăn, nhưng xin Thầy hãy yên lòng an nghỉ vì huynh đệ chúng con còn có Chư tôn Đức trong Ban Trị Sự, cùng quý sư thúc - bá trong Thiền Phái của mình sẽ luôn chỉ dạy và yểm trợ cho chúng con. Và nhất là trí tuệ - bản nguyện và tình thương của Thầy luôn hiện hữu trong mỗi chúng con. Làm ánh đuốc sáng soi đường, làm kim chỉ nam dẫn lối. Chúng con kính xin Thầy ở cõi Niết Bàn, luôn gia hộ và che chở cho đệ tử chúng con! Ân đức ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm thức những người học trò như chúng con dù đời này hay bao đời khác.

Đêm cuối (27/8/Âl- 2017), đêm tiễn biệt Thầy, bầu trời Nha Trang buồn tha thiết, tiễn người đi hoa cỏ chợt xao lòng. Thế là đêm cuối cùng cũng đã diễn ra, dù không muốn, ngàn vạn lần không muốn, nhưng làm sao để níu nỗi được thời gian! Để có được những phút giây ấm nồng nhất trước lúc tiễn biệt Thầy, hàng môn nhân hiếu quyến đã tề tựu đông đủ về bên giác linh Thầy, làm những công việc mà bất kỳ người hiếu tử nào cũng đều phải thực hiện. Đó là cung thỉnh chư tôn đức giáo phẩm trợ tiến giác linh lễ Yết tổ và Bố tát. Điều đáng nói ở đây là sự hiện diện đông đủ của chư tôn đức giáo phẩm trợ tiến giác linh, thể hiện tình linh sơn thắm thiết.

Lễ Bố tát được diễn ra trong sự hòa hợp, hoan hỷ, để rồi toàn môn nhân hiếu quyến đã có một đêm sống trọn vẹn bên tình đồng đạo nghĩa thầy trò. Sự họp mặt đông đủ của các Tăng Ni sinh từ khóa I đến khóa V trong đêm “tri ân Thầy”, làm cho không gian tang lễ ngập tràn tình yêu thương, ấm cúng. Giọt nước mắt nào đó đã rớt rơi ở khóe mi, tiếc nuối cho một bậc thầy khả kính, một ông lái đò tận tụy suốt đời vì đàn hậu học mai sau. Từng bài điếu văn của từng khóa được cất lên, như một lần nữa nhắc đến ân tình mà Thầy đã dành cả cuộc đời để chỉ dạy, yêu thương.

Hạnh phúc cho hàng môn đệ hơn nữa, cũng trong đêm tiễn biệt, toàn thể môn phong Tổ đình Nghĩa Phương và hàng môn hạ trong tông môn từ khắp nơi đã huân tập đông đủ về Tổ đình để chia sẽ và tiễn biệt. Hoà Thượng Đại diện Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh Khánh Hoà đã có những lời dặn dò thấm tình đạo vị. 



Đêm cuối được ở cạnh Thầy, bên kim quan với nhục thân của Thầy đang hiện hữu, sẽ trân trọng những phút giây ngắn ngủi này. Chúng con đã hiểu ra rằng suốt một đời hành đạo của Thầy là một bài kinh vô tự, muôn bài pháp vô ngôn, luôn an trú trong vắng lặng mà vang dội mãi với thời gian. Cuộc đời Thầy không chỉ dừng nơi tâm đức, trí đức, và tuệ đức, mà bản nguyện độ sinh kia còn là một hạnh đức siêu thế tuyệt vời. Giữa dòng đời sinh diệt, chúng con luôn vững tin rằngPháp thân Thầy vẫn từng giây từng phút hiện hữu bên chúng con. Tôn dung Thầy với đôi mắt từ hòa, và cái nhìn bi mẫn vẫn còn khắc sâu trong tâm khảm của môn đồ đệ tử.

Đệ tử Thành kính đỉnh lễ Nam Mô lâm tế chánh tông, Nghĩa Phương đường thượng, Ma Ha Tỳ kheo Bồ Tát giới Thượng Trí Hạ Tâm, giác linh Hòa Thượng Tôn Sư thiền tọa hạ, tác đại chứng minh.

Đệ tử: Tỳ kheo Thích Thiện Hạnh

Video Lễ Tang Ân Sư: Ma Ha Tỳ kheo Bồ Tát giới Thượng Trí Hạ Tâm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner