Trong kinh Nhất Dạ Hiền Dạ đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến chi có nhân hiện tại, tuệ quán chính là đây.” Tiếp xúc được với những gì nhiệm mầu có mặt trong giây phút hiện tại là để được nuôi dưỡng và trị liệu.
Tâm lý trị liệu là gì?
Tâm lý trị liệu (psychotherapy) là hệ thống các phương pháp, kỹ thuật được nhà tâm lý trị liệu sử dụng, nhằm cải thiện sức khỏe, tinh thần, tháo gỡ các trở ngại trong cảm xúc và hành vi của thân chủ, mà nó là nguyên nhân làm cho họ cảm thấy khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống và đạt đến các mục đích mong muốn của mình.
Tâm lý trị liệu là một thuật ngữ chung dùng để chỉ sự tương tác hoặc liệu pháp điều trị các vấn đề tâm lý trong tự nhiên. Nó nhằm mục đích để làm xoa dịu cảm giác về nỗi khổ niềm đau, đem lại hạnh phúc cho con người. Các nhà tâm lý trị liệu sử dụng một loạt các kỹ thuật chuyên môn về các liệu pháp dựa trên kinh nghiệm thông qua việc xây dựng mối quan hệ, đối thoại, truyền thông làm thay đổi hành vi nhằm cải thiện sức khỏe thể chất cũng như tâm thần.
Tâm lý trị liệu là phương pháp tâm lý, dùng để chữa trị các vấn đề tâm lý, cảm xúc chủ yếu bằng lời nói hoặc các kỹ năng giao tiếp khác giữa nhà trị liệu và thân chủ. Trong tâm lý liệu pháp, bệnh nhân trò chuyện với nhà trị liệu về các triệu chứng và các vấn đề mà họ mắc phải và thiết lập mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu. Mục đích của quá trình này là giúp bệnh nhân tìm hiểu chính họ, tạo nên một cái nhìn mới về các mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại, thay đổi những hành vi đã định hình của người bệnh.[2]
Mục đích của tâm lý trị liệu, nói chung, nhắm đến việc làm tăng trưởng nhân cách một con người theo chiều hướng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và giúp người đó ‘tự hiện thực hóa bản thân mình’. Các mục tiêu chính của tâm lý trị liệu bao gồm: Gia tăng khả năng thấu hiểu bản thân của thân chủ, tìm kiếmgiải pháp cho các xung đột, gia tăng sự tự chấp nhận bản thân của thân chủ, giúp thân chủ có những kỹ năng ứng phó hữu hiệu với những khó khăn, giúp thân chủ củng cố niềm tin vững mạnh, toàn vẹn và an toàn.[3]
Thiền là gì?
Thiền (meditation) là sự tu dưỡng, phát triển, đào luyện tâm. Thiền là tập trung tâm ý chuyên nhất vào một đối tượng đưa đến nhất tâm. Thiền định làm loại trừ dần năm yếu tố: tham dục, sân hận, thùy miên, trạo hối và hoài nghi, và chứng các thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.Thiền cũng được hiểu là an trú trong chánh niệm làm cho thân và tâm trở về một mối, đưa đến hỷ lạc và thiền lạc do ly các dục và các bất thiện pháp. Có nhiều phương pháp thực tập thiền trong Phật giáo như thiền chỉ (samatha), thiền quán (vipasana). Thiền chỉ là dừng lại các vọng tâm đưa đến các tầng thiền từ sơ thiền đến tứ thiền. Thiền quán hay còn gọi là thiền vipasana, gồm, thiền quán niệm hơi thở, thiền Tứ niệm xứ…
Thiền có mục đích giúp người hành giả đạt tới một cái thấy sâu sắc về thực tại. Cái thấy này có khả năng giải phóng cho mình ra khỏi sự sợ hãi, lo âu, phiền muộn; có khả năng chế tác chất liệu trí tuệ và từ bi, nâng cao phẩm chất của sự sống, đem lại cho mình và cho người khác nhiều niềm vui, thảnh thơivà an lạc. Trên phương diện sức khỏe, thiền định được xem như một nghệ thuật thư giãn, trong cố gắnggiảm thiểu sự căng thẳng bức xúc, đau đớn, tạo cảm giác an lạc, giúp quân bình thân tâm và trị liệu các chứng bệnh.
Trong Phật giáo có môn tâm lý học Phật giáo. Duy thức học là bộ môn tâm lý học Phật giáo sâu sắc nhất. Trong bộ môn này, các cấu trúc và sự vận hành của tâm được trình bày chi tiết. Tâm vương, tâm sở, tâm bất tương ưng hành, sắc pháp, tâm, vô vi pháp, đều được các nhà duy thức học đề cập một cách cụ thể. Tâm lý học Phật giáo đi sâu vào phân tích sự vận hành của tâm, các mối liên hệ gữa tâm vương, tâm sở, tâm bất tương ưng hành; tìm hiểu các gốc rễ của thiện, bất thiện, phiền não, kiết sử và hướng dẫn phương pháp đoạn trừ chúng.
Đức Phật Gautama không chỉ là nhà văn hóa, giáo dục lớn ở Ấn Độ mà còn trên thế giới. Ngài cũng là một nhà tâm lý học vĩ đại trị liệu tâm bệnh cho tất cả chúng sanh. Đức Phật nhìn thấy rõ cả tâm lý hành vi và nhận thức trong cách tiếp cận của mình. Nhìn sâu vào trong các điều kiện tương duyên làm phát sinh những cảm thọ đưa đến khổ đau hay hạnh phúc. Bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh với trí tuệvà lòng từ bi, Đức Phật đã sử dụng các kỹ năng của phương tiện thuyết giảng sự thật con đường dẫn đến giải thoát khỏi khổ đau. Quá trình chấm dứt khổ đau là một quá trình điều trị của bệnh tâm. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, khái niệm về tâm lý trị liệu đã có trong lời dạy của đức Phật, cũng như trong thiền Phật giáo.
Trong thời gian gần đây đã có sự quan tâm ngày càng tăng trong việc sử dụng tiềm năng của thực hành thiền định trong tâm lý trị liệu. Phương pháp thiền Phật giáo được tìm hiểu kỷ bởi nhà tâm lý học phương Tây. Một số người tin rằng thiền định có khả năng trị liệu mạnh mẽ. Điều này đã làm gia tăng một cuộc đối thoại phong phú, cởi mở, giữa các truyền thống tu tập thiền định và tâm lý trị liệu phương Tây.
Mục đích của thiền định Phật giáo là điều phục tâm, an tâm, ngăn ngừa sự phát sinh của sự tham lam, sân hận và si mê. Thiền giúp thúc đẩy sự phát triển tinh thần để giảm bớt tác động của sự đau khổ, và đạt đến mục đích cuối cùng của sự giải thoát, Niết-bàn. Ngoài ra, mục đích cao quý của nó, thực hành thiền định cũng sẽ dẫn đến những thay đổi sinh lý, hành vi và nhận thức có lợi ích trong việc điều trị. Tiềm năng và mục tiêu cao nhất của thiền là quán chiếu sâu sắc về bản chất cũng như chức năng của các sự vật.Thiền quán Vipassanā là một sự đào luyện về chánh niệm, trong đó chú ý tập trung vào các cảm xúc, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm chính xác như chúng xảy ra, mà không cần xây phân tích, đánh giá, bày tỏ, lựa chọn, ý kiến, kiểm duyệt, phán quyết, hoặc giải thích gì thêm. Chỉ cần chú tâm vào các đối tượng thiền quán, dẫn dần chúng sẽ tự chuyển đổi.
Khi nghiên cứu về thiền định, nhiều học giả thừa nhận rằng: thiền có nhiều thứ có thể cung cấp liệu pháp tâm lý, và cho thấy rằng hiệu quả của thiền định trong điều trị là do sự kết hợp của việc thư giãn, tái cấu trúc nhận thức, việc tập trung, tự quan sát, và nhìn sâu vào bên trong sự vật. Nó đem lại một trạng thái thư giãn và thay đổi các trạng thái của ý thức một cách tích cực.
Theo Mark Epstein, thiền Phật giáo không phải là một biến thể của phân tâm học phương Đông; trong khi phương pháp thực tập của nó phải chịu một số điểm tương đồng sâu sắc. Thiền làm thay đổi và tái cấu trúc cân bằng giữa thân và tâm, đưa thân tâm đi vào một mối nhất như. Khi thân và tâm trở nên đồng nhất, bất khả phân ly thì hạnh phúc diệu kỳ thực sự có mặt. Đó là niềm hạnh phúc chân thật nhất, cao tột nhất mà ta cảm nhận được. Hạnh phúc trong thiền định, hạnh phúc không sanh diệt. Các phương pháp thực tập chánh niệm thúc đẩy sự trị liệu chấp thủ về bản ngã, nhìn nhận và thấy rõ về tự tính vô ngã của các pháp, nên không nuôi dưỡng các yếu tố tăng trưởng bản ngã.[4]
Hơn nữa, liệu pháp và thiền định, cả hai giả định rằng sự hiểu biết sâu sắc về nỗi khổ niềm đau và phương thức ngăn chặn các yếu tố đưa đến khổ đau phòng thủ chống lại nó có thể làm giảm bớt đau khổ và thúc đẩy tăng trưởng tâm lý lành mạnh. Các nhà tâm lý học cho rằng, việc kết hợp giữa thiền định và tâm lý trị liệu là ‘kỹ thuật tương thích và hỗ trợ lẫn nhau.’
Mặc dù thiền định và tâm lý trị liệu thực hiện các chức năng hệ quả tất yếu trong việc nâng cao cá nhân hạnh phúc. Việc tăng cường nhận thức và nâng cao khả năng nhận diện về bản chất của sự thật đưa thiền định Phật giáo đến gần với các liệu pháp tâm lý trị liệu. Thiền dạy các kỹ năng của sự chú ý và một tâm trí tĩnh lặng, một trạng thái của sự hài hòa nội tâm và một sự chuyển đổi siêu việt của những mối quan tâm cá nhân mà là tâm điểm của tâm lý trị liệu.
Nhiều dữ liệu sinh lý về thiền cho thấy hiệu quả của nó để điều trị một loạt các vấn đề liên quan đến căng thẳng, chấn động tâm lý. Nhiều nghiên cứu đã gợi ý rằng, thiền định có thể là một chiến lược phòng ngừa hoặc phục hồi chức năng đầy hứa hẹn trong điều trị nghiện, tăng huyết áp, sợ hãi, ám ảnh, hen suyễn, mất ngủ, và căng thẳng. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, đối tượng thường xuyên thực tập thiền sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc kiểm soát cảm xúc theo hướng tích cực, dẫn đến có lợi cho sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Thiền giúp thiền giả lấy lại năng lượng một cách toàn diện, xoa dịu các cảm giác ức chế, trì trệ, tự chuyển hóa, tăng tính tự phát tự tôn, nhận thức độc lập, kiên định, tự tin và giao tiếp thân mật.
Tâm lý chung là khi những căng thẳng hay phiền não dấy lên báo hiệu sự giày vò tâm trí, người ta có khuynh hướng làm cho chúng lắng dịu thay vì phải chịu đựng. Khi một chuỗi tư tưởng loạn động gây ra biến cố bức rức tâm trí, hành giả an trú trong thiền định qua sự tập trung hay quán chiếu vào một đề mục làm cho chúng tan biến đi. Từ đó đem tâm trở về trạng thái bình yên, tạo dựng thái độ không còn sợ hãi khiếp nhược, là hiệu quả và đặc tính căn bản của thiền định.
Một cơ chế khác về tâm lý là sự thiếu lưu thông giữa các cơ năng tâm thần, gây nên sự bức bách ứ đọng bên trong. Rất thường xuyên, các hiện tượng như lời nói, tưởng tượng, xúc cảm là những ngăn kín chật hẹp mà thiền định là nhịp cầu giúp chúng được thông thoáng hòa hợp với nhau. Chẳng hạn thường xuyên đặt sự chú ý của tâm vào những tác động lên thân-khẩu- ý là một phương cách thông thoáng hữu hiệu nhất.
Mark Epstein cho biết: Đối với nhiều người, thiền Phật giáo có tất cả những tố chất của tâm lý trị liệu thay thế, bao gồm cả sự kích thích các noron thần kinh, mao mạch…làm tăng cảm xúc, ước vọng tương lai tươi sáng. Thiền có thể góp phần trong một số trường hợp có ích trong việc thúc đẩy điều chỉnh hành vi cá nhân, bất ổn xã hội, thay đổi hành vi, suy nghĩ, phát triển tiềm năng sức mạnh của tự thân. Thiền đưa đến chánh niệm tĩnh giác và an lạc nội tâm, dẫn đến hiệu quả cao hơn trong công việc, sự cởi mở với cảm xúc, và sự hài lòng trong cuộc sống hàng ngày.[5]
Sử dụng chánh niệm trong tâm lý trị liệu
Niệm, tiếng Phạn là smrti. Nói cho đầy đủ là chánh niệm(samyaksmrti). Chánh niệm là sự tỉnh giác, là một nhận thức chuyên nhất về thực tế của sự vật hiện tại đang là. Chánh niệm là nhớ nghĩ chơn chánh, là an trú tâm, nương vào hơi thở, đưa thân tâm về một mối để cảm thụ hạnh phúc đích thực.Trong đạo Phật, chánh niệm còn được gọi là trái tim của thiền quán. Trên căn bản thì chánh niệm là một ý niệm hết sức đơn giản. Đó là an trú vào trong giây phút hiện tại, nhận biết tất cả những gì đang xảy ra và ghi nhận nó. Sức mạnh của chánh niệm nằm ở chỗ ta biết thực hành và áp dụng nó. Chánh niệm là một phương pháp tu tập giản dị nhưng có một năng lực vô song, có thể giúp ta thoát ra và tiếp xúc lại được với tuệ giác và sự sống của mình. Đây cũng là một phương cách giúp ta làm chủ lại được đường hướng và phẩm chất của đời mình, trong đó có những mối tương quan của ta trong gia đình, ngoài xã hội, rộng hơn nữa là với thế giới và trái đất này, và căn bản hơn hết là với chính ta, như một con người.
Để có được chánh niệm chúng ta phải thực tập hằng ngày. Mượn hơi thở vào ra để thực tập chánh niệm. Có mười sáu phương pháp chánh niệm về hơi thở vào và thở ra được đề cập trong kinh Quán niệm hơi thở. Nương vào mười sáu phương pháp quán niệm hơi thở hành giả lần lượt quán niệm về thân, thọ, tâm và pháp một cách sâu sắc. Ngoài ra chúng ta có thể mượn bất cứ âm thanh, hình ảnh có sẵn như tiếng chuông, tiếng reo điện thoại để làm đối tượng thực tập chánh niệm. Bất cứ cái gì làm cho ta an trú trong giây phút hiện tại, đưa thân và tâm trở về một mối, khi đó ta mới cảm nhận được sự mầu nhiệm của chánh niệm.
Khi ta biết chú ý một cách cởi mở, không để bị chi phối bởi sự ưa thích, ghét bỏ của mình, cũng như những ý kiến, phê bình, xu hướng và mong ước, thì sẽ có những cơ hội mới xuất hiện và chúng có thể giúp ta thoát ra khỏi được sự trói buộc của vô thức trong ta.
Sức mạnh của chánh niệm có thể làm giảm thiểu các bế tắc, làm giải phóng các kiết sử trói buộc, thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ về liệu pháp tâm lý, tạo nên mối liên kết hài hòa, buông xả thư thái nhẹ nhàng.Thiền sư Nyanaponika và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là bậc thầy vĩ đại của thiền chánh niệm. Pháp môn chánh niệm đã giúp ích rất nhiều trong việc thiết lập truyền thông, đưa đến sự hiểu biết và thương yêu đích thực. Có hiểu biết, có thương yêu là chất liệu quý giá để thiết lập nền tảng hạnh phúc thật sự.
Trong đời sống hàng ngày tâm ta thường có khuynh hướng nhớ tưởng về quá khứ hoặc lo lắng cho tương lai. Thân ta có mặt nhưng tâm ta không có mặt. Chánh niệm là năng lượng giúp ta đưa tâm về lại với thân để ta có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại. Có mặt như thế để có thể tiếp xúc với những nhiệm mầu của sự sống trong ta và chung quanh ta. Theo tinh thần thiền, sự sống chỉ có mặt đích thực trong giây phút hiện tại.
Trong kinh Nhất Dạ Hiền Dạ đức Phật dạy: “Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng, quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến chi có nhân hiện tại, tuệ quán chính là đây.” Tiếp xúc được với những gì nhiệm mầu có mặt trong giây phút hiện tại là để được nuôi dưỡng và trị liệu. Nếu năng lượng chánh niệm đã trở nên vững vàng, ta có thể sử dụng nó để nhận diện và ôm ấp những nỗi khổ niềm đau của ta (như hận thù, tuyệt vọng, tham đắm, bạo động, ghen tuông…) để có thể chuyển hóa chúng dần dần. An trú được trong hiện tại có thể đưa đến sự trị liệu mầu nhiệm: Một lần an trú được trong hiện tại là ta có thể vượt thoát ra ngoài những nanh vuốt của sự tiếc thương và vương vấn về quá khứ hoặc những lo lắng và sợ hãi về tương lai. Những năng lượng tiêu cực thường đưa tới các chứng bệnh tâm thần.
Thực tập chánh niệm theo truyền thống Phật giáo, đang được sử dụng trong tâm lý để làm giảm một loạt các điều kiện về tinh thần và thể chất, bao gồm các rối loạn, ám ảnh, bức xúc, lo lắng, và ngăn ngừa tái phát trầm cảm và nghiện ngập ma túy. Thiền sư Nyanaponika nói rằng, sự quán chiếu sâu sắc từ chánh niệm là hữu ích trong việc phát hiện những quan niệm sai lầm do tư duy bất thiện, tà niệm dẫn đến sai lạc. Ngài nói thêm rằng, “Chánh niệm đi vào sâu vào các đối tượng, nhận diện một cách sâu sắc, không hời hợt, đồng nhất thể giữa tâm và vật.” Theo AnneMarie Rossi, có hàng nghìn nghiên cứu cho thấy rằng thực hành chánh niệm làm giảm trầm cảm, lo lắng và căng thẳng; làm tăng cảm giác hạnh phúc, an lạc, sự tập trung, sự chú tâm, và khả năng đạt thành tích tốt trong học vấn.
Chánh niệm như vậy, có thể được sử dụng để tổ chức lại cấu trúc sâu, cũng như cung cấp cho chúng ta một môi trường khoáng đãng, nhờ đó làm trưởng dưỡng hết những tính năng ưu việt trong ta. Nó có thể được sử dụng như là công cụ chính trong việc trị liệu. Có thể nói đây là một liệu pháp hữu hiệu trong việc nuôi dưỡng những hạt giống tốt trong ta, loại dần những chủng tử xấu và thiết lập lại các trật tự vốn có một cách tự nhiên và hài hòa.
Học giả Bobrow cho biết thêm rằng, thiền chánh niệm Phật giáo giúp hành giả trong cuộc sống hàng ngày tiếp xúc một cách sâu sắc vào những giây phút hiện tại, nhận diện một cách đầy đủ về những gì đang diễn ra, không truy tìm quá khứ, không ước vọng tương lai, hiện tại lạc trú. Chánh niệm là nhận diện thân thể và các tâm hành, thấy biết sự vận hành của nó để điều chỉnh theo chiều hướng tích cực. Khi chú tâm vào thân thể và các tâm hành một cách đều đặn, thì sự chuyển hóa sẽ diễn ra, thân và tâm trở nên thư thái nhẹ nhàng.
Hiện nay trên thế giới, nhất là ở Tây phương, đã có nhiều nơi áp dụng phép thực tập chánh niệm để đối trị các chứng đau nhức, trầm cảm và giải tỏa tình trạng căng thẳng trong thân tâm. Một số trường đại học tại Âu Châu và Mỹ Châu có nhiều vị giáo sư y khoa giỏi về thiền chánh niệm, và điều khiển các chương trình trị liệu, chữa trị cho các chứng đau nhức, stress và tật bệnh khá hữu hiệu. Tại các phân khoa Y Học thuộc các trường đại học lớn như Harvard, UCLA… cũng có những cơ sở nghiên cứu và áp dụng thiền tập vào sự chữa trị tâm bệnh và thân bệnh.
Như vậy, việc thực hành thiền trong Phật giáo là một phương pháp tuyệt vời, hữu hiệu về tâm lý trị liệu. Việc thực tập thiền đều đặn giúp cải thiện sức khỏe thể chất cũng như tinh thần, tái tạo và làm mới các cấu trúc tâm lý cũng như cân bằng giữa thân và tâm.
Trích theo bài viết của Thích Trung Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét