Phần lớn giáo lý của các tôn giáo trên thế giới đều nói đến sám hối. Sám hối được coi là một nghi thức quan trọng trong quá trình tu hành của tín đồ. Ngoài hai tôn giáo lớn là đạo Phật và Công giáo, nghi lễ sám hối, nhận lỗi cũng phổ biến ở một số giáo phái khác mà đạo Phật gọi là thế gian pháp (ngoại đạo).
Theo kinh Phật thì sám hối là cách để bày tỏ sự ăn năn, để con người trở về hành động có Chính kiến. “Sám” trong tiếng Phạn gọi là Sam ma; tiếng Hán gọi là “Hối quả”. Kinh Sám hối nói “Sám giả sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối kỳ hậu quá”, nghĩa là ăn năn lỗi trước, sau đó mới từ bỏ lỗi lầm. Con người ở đời cần phải biết ăn năn, hối lỗi khi làm sai quấy, tự kiểm điểm mình, hồi tâm chuyển ý, thay đổi từ bên trong, dẫn đến quyết định đoạn tuyệt với tội lỗi, trở về với điều ngay lẽ thiện.
Đại Từ điển Tiếng Việt giải nghĩa: Sám hối là ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình. Cho nên nếu dùng một chữ Sám hay một chữ Hối đều chưa đủ ý nghĩa. “Sám hối” đã trở thành một cụm từ mà nghĩa của nó trong thực tế cuộc sống hay công việc tu tập luôn có quan hệ tiếp nối. Có ăn năn vì làm sai, sống không tốt mới có hối hận, từ đó mới có ý thức sửa mình làm người tốt, việc tốt.
Vì thế, trong 10 hạnh lớn của Bồ-tát Phổ Hiền thì Sám hối được xếp ở hàng thứ tư. Nên mới có câu “Tứ giả sám hối nghiệp chướng”. Nghiệp chướng là nghiệp xấu ác, do mình tạo ra, nay phải sám hối. Đó chính là lẽ thâm sâu của giáo lý nhà Phật.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi nói đến sám hối, không ít người cho rằng, mình có tội lỗi gì mà phải sám hối? Đó là cách nghĩ, cách nói chủ quan, có phần tự tin của đa số người tốt thực sự, hoặc giả là của người đã làm nhiều chuyện xấu nhưng cố tình không biết hoặc đạo đức giả, tạo vỏ bọc tốt đẹp cho mình, tưởng không ai biết mình xấu.
Phật Thích ca dạy: “Phàm là con người sống trong cuộc đời ai cũng phạm ít nhiều sai lầm. Vì vô minh (không sáng suốt) nếu không được rèn luyện tu tập, sai lầm có thể làm người khác đau khổ”.
Bởi “vô minh”, nên có người cơ bản là tốt, nhưng một lúc nào đó, ở một thời điểm, hoàn cảnh nào đó, không khéo léo trong hành động, nói năng, đã gây đau khổ cho bạn bè, người thân, thậm chí là làm tổn thương cho cả người mình thương yêu. Đạo Phật gọi đó là tạo bất thiện nghiệp do (thân, khẩu, ý) gây nên. Chính vì vậy khi hồi tâm suy nghĩ lại, muốn được trong sạch thảnh thơi, muốn dứt bỏ được lỗi lầm, thì tất nhiên ta phải tìm phương pháp để tẩy trừ cho hết tội lỗi. Trong đạo Phật, phương pháp tẩy trừ tội lỗi ấy, gọi là Sám hối.
Chữ sám hối là danh từ riêng trong giáo lý nhà Phật. Sám hối là một hình thức áp dụng cho tín đồ trong quá trình tu tập. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhập thế là một trong những cách để đạo Phật đi vào cuộc sống, bám rễ vào cuộc sống. Vì vậy, sám hối cũng còn là cách được áp dụng phổ biến trong xã hội, xem đó là một trong những cách để uốn nắn những hành vi thuộc phạm trù đạo đức của con người.
Trong dân gian, tùy thời, tùy phong tục, văn hóa mà có nhiều cách chuộc tội. Ví như có lỗi với ông bà, làng nước, thường dùng trầu rượu hay heo gà, tiền bạc để tạ lỗi; Cũng có khi người ta lại dùng hình thức “đoái công chuộc tội” khi có lỗi với triều đình, hay quân ngũ chẳng hạn. Xã hội ngày nay, người ta dùng phê bình và tự phê bình, kiểm điểm, xin lỗi, hứa khắc phục sai lầm khuyết điểm để làm người tốt, xây dựng xã hội tốt đẹp văn minh, suy cho cùng, là cũng một cách vận dụng và kế thừa cái hay của Sám hối được ông cha ta kế tục, phát triển từ ngàn xưa, từ ý nghĩa thâm sâu của giáo lý nhà Phật mà ra.
Hình thức lấy công chuộc tội cũng có cái hay, nhưng chưa hoàn hảo và còn mang tính chủ quan, đôi khi là từ người chấp pháp. Bởi lấy công chuộc tội hay dùng lễ vật để chuộc tội chỉ là cách đối phó bên ngoài, chứ thực ra tội lỗi xảy ra ở nội tâm. Ví như có đạo dùng máu thú vật (hiến tế) để xin rửa tội với thần linh. Có đạo chủ trương tắm ở những sông, suối mà người ta cho là linh thiêng để thanh tẩy tội lỗi; có đạo lại đem phẩm vật để xin thánh thần tha tội; có đạo chủ trương khổ hạnh, ép xác như đánh đập thân mình, nhịn đói khát... để được giải thoát tội lỗi. Những cách chuộc tội như thế đều sai lầm mang màu sắc mê tín dị đoan.
Theo giáo lý đạo Phật, tội lỗi thuộc về tâm lý. Vì vậy, không thể lấy vật chất như nước, máu, phẩm vật hay xác thân làm sạch tội được. Mặc dù điều đó là cần thiết để thể hiện sự hối hận của con người. “Tội lỗi do tâm của ta tạo ra, không ai có thể thưởng phạt được. Tội lỗi đã từ tâm tạo, thì cũng phải từ tâm mà diệt. Vậy chúng ta muốn hết tội, phải y theo những pháp sám hối chân chính của đạo Phật mà thực hành thì mới tiêu được nghiệp chướng” - Đức Phật nói.
Sám hối không phải tụng suông, nói suông. Mà phải là sám hối thật. Hãy suy nghĩ những việc chúng ta làm có trái lời Phật dạy không, có trái với luân thường đạo lý không? Có làm ai bị tổn thương, khổ đau không?
Với người theo đạo Phật thì sám hối là đem Phật vào lòng, đem đức hạnh của Phật để vào lòng mình. Lạy Phật, nghĩ về những lời nói và việc làm của Phật là để trong lòng mình có Phật. Còn người bình thường, hãy luôn nghĩ về cái tốt, cái đúng. Khi thấy mình làm sai phải biết tự mình kiểm thảo, ăn năn hối cải, trở về với điều ngay lẽ thiện, làm nhiều việc tốt cho mình, cho đời.
Hãy đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Sám hối là cách để con người hướng thiện. Vì vậy, mỗi người phải tự rèn cho mình công năng trừ bỏ nghiệp chướng trần lao. Mất cái tâm này, con người sẽ mất tất cả.
Vân Thiêng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét