Đối với Tăng Ni hiện nay, ngoài việc học tập văn hóa Phật giáo cần phải học tập đầy đủ văn hóa dân tộc. Bởi vì văn hóa Phật giáo là một trong những nhân tố cấu thành văn hóa dân tộc.
Cần trang bị thêm kiến thức văn hóa dân tộc
Văn hóa Phật giáo là nhân tố không thể thiếu để cấu thành đạo đức. Với văn hóa Phật giáo sẽ trang bị cho Tăng Ni một trí tuệ vô ngã. Mỗi Tăng Ni phải chịu trách nhiệm về hành động chính mình đối với bản thân, Giáo hội và xã hội mà không ai khác quyết định hay bắt ép.
Giá trị của Tăng Ni, hành động của Tăng Ni là do tự giác, tự lựa chọn, nhưng nếu không được văn hóa Phật giáo trang bị cho một trí tuệ vô ngã thì dễ dàng bị các ước lệ xã hội trói buộc, và sẽ trở thành vật cản cho sự phát triển Giáo hội và đất nước.
Nếu mỗi Tăng Ni đều học tập tới nơi tới chốn văn hóa Phật giáo, thì mỗi Tăng Ni nên được giáo dục theo lý vô ngã, hành động của mình sẽ luôn được dẫn dắt bởi tâm chân chính, trí tuệ không vướng mắc và đố kỵ. . . Mỗi khi Tăng Ni được giáo dục đến cấp độ không vướng mắc các tâm niệm vừa nêu sẽ đem lại an lạc, hạnh phúc cho mình, cho mỗi người.
Văn hóa Phật giáo đem lại cho Tăng Ni trí tuệ vô ngã, từ đó sẽ có sức mạnh vô úy, lòng vị tha, bao dung rộng mở, không câu nệ cố chấp, có tinh thần trách nhiệm cao sẽ hoàn thành trách nhiệm của một công dân, một người con Phật trong việc xương minh đạo pháp, làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nếu mọi Tăng Ni tiếp thu đầy đủ văn hóa Phật giáo – trí tuệ vô ngã, thâm nhập thực sự vô ngã, chấp nhận sự thật vô ngã thì sẽ xa rời thái độ sống chấp thủ, đoàn kết một khối tạo nên sức mạnh to lớn cho Giáo hội và dân tộc.
Văn hóa Phật giáo tạo nên một nền giáo dục vô ngã. Nền giáo dục này sẽ xóa đi các tư tưởng chấp thủ gây chia rẽ khối đại đoàn kết nội bộ Giáo hội và dân tộc. Giáo dục vô ngã sẽ thống trị các dị biệt, đưa tất cả về một mối phục vụ cho từng mục tiêu Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Văn hóa Phật giáo đã đưa ra một đề cương đầy đủ để giáo dục vô ngã phục vụ cho xã hội cần phải duy trì những truyền thống, văn hóa dân tộc. Giáo dục vô ngã, giáo dục con người sống phải có mục tiêu, lý tưởng hướng thượng. Lý tưởng đó phục vụ cho an lạc, hạnh phúc của bản thân, tập thể xã hội. Giáo dục vô ngã, giáo dục con người biết hướng thiện, sống đạo đức, tuân thủ vào khuôn phép của quốc gia và tổ chức. . .
Văn hóa Phật giáo xét trên góc độ giải thoát là đưa con người quay trở về với chính mình để tu tập tâm và giải thoát tâm. Khi trí tuệ vô ngã xuất hiện thì tâm thức dần dần sáng tỏ, các hiện tâm và giải thích tâm sẽ sinh khởi. Văn hóa Phật giáo đề ra phương cách giáo dục con người quay trở về chính mình, trở về với chính nguồn sáng bên trong mình. Mọi thứ an lạc, hạnh phúc, tự do đều có mặt ở đó, đều này đức Phật đã từng dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, các con chính là hòn đảo của chính mình, đừng nương tựa nơi nào khác”. Và ngạn ngữ Pháp cũng nói: “Hãy tự giúp mình rồi trời sẽ giúp mình”.
Vấn đề đặt ra ở đây, giáo dục Phật giáo không phải buộc người khác làm các điều thiện, mà giúp con người nhận thức rõ điều thiện và các giá trị của điều thiện. Khi đã nhận thức đúng thì tự khắc con người có hành động đúng. Việc thiện, ác, giáo dục Phật giáo đã chỉ rõ giá trị của các hành động, việc làm, yếu tố quyết định giá trị hành động là ở tâm tác động trên hành động. Vì thế cùng hành động có nhiều giá trị khác nhau và chịu hậu quả khác nhau.
Theo tinh thần giáo dục Phật giáo thì không thật sự có con người xấu, mà chỉ có hành động được ghi nhận là xấu. Cả đến hành động, không thật sự có hành động xấu, mà chỉ có ý niệm xấu tác động trên hành động. Cho nên giáo dục Phật giáo đặt trọng tâm ở công phu chuyển đổi các ý niệm, chế ngự các ý niệm. Khi ý niệm xấu được chuyển đổi hoặc chế ngự thì các hành động xấu dần dần sẽ biến mất.
Tóm lại, trong vấn đề giáo dục quốc gia hay của Phật giáo, thì việc giáo dục con người cần có kỹ thuật giáo dục phù hợp với từng tâm lý, tính tình, kỹ thuật giáo dục này áp dụng linh động, sáng tạo cho từng môi trường, giai đoạn cụ thể. Kỹ thuật giáo dục cần chú ý đến giá trị hành động đạo đức của con người, xã hội cần dựa vào tâm chủ động tác động trên hành động để đánh giá. Nếu tiêu chuẩn giá trị đạo đức Phật giáo là lòng đại bi, giới, định và huệ, thì tiêu chuẩn giá trị đạo đức xã hội phải dựa vào cái tâm thiện, chân thật vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc của số đông.
Thiết lập nền tảng đạo đức
Một trong những tiêu chí mà giáo dục đưa ra là thiết lập nền tảng đạo đức. Các giá trị đạo đức, luật pháp của quốc gia cần được thiết lập theo hướng giáo dục nhân bản và trí tuệ. Qua đó, tinh thần trách nhiệm cá nhân được đề cao, làm cơ sở thi hành luật pháp nghiêm minh. Nếu tinh thần trách nhiệm cá nhân thì pháp luật sẽ thiếu đi cơ sở vững chắc để thi hành, xã hội sẽ không được yên ổn. Tinh thần trách nhiệm này được thể hiện trong giáo lý nhân quả Phật giáo. Giáo lý nhân quả được soi sáng bằng trí tuệ vô ngã sẽ là cơ sở đạo đức cho con người và xã hội. Con người có thể chạy trốn sự trừng trị của pháp luật đối với những hành động sai lầm gây thiệt hại cho người và xã hội, nhưng không thể chạy trốn lương tâm mình, không thể chạy trốn khỏi sự thật nhân quả. Giáo lý nhân quả vì vậy sẽ đóng vai trò hữu hiệu hướng dẫn con người đi vào đời sống một cách lương thiện, lợi ích của bản thân và sẽ gìn giữ xã hội công bằng, thi hành pháp luật nghiêm minh.
Vấn đề văn hóa, giáo dục, theo người viết có mấy vấn đề đặt ra để tham khảo:
- Tiếp thu các nền văn hóa thế giới làm phong phú nền văn hóa dân tộc, cần phải gạn đục khơi trong.
- Một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vô ngã, nhân bản, trí tuệ, nó vừa đáp ứng được các yêu cầu mới của lịch sử, vừa có khả năng loại bỏ những mặt bảo thủ lỗi thời. Số ít hành Giáo phẩm khi đưa ra việc giáo dục Phật giáo và hành động sai lầm rất tác hại cho Tăng Ni tín đồ Việt Nam, dù vị Giáo phẩm đó ở đâu, cũng nên tự giác dẹp bỏ hẳn.
- Thực hiện một nền văn hóa mới sẽ phát huy hiệu năng giúp con người phát triển tiềm năng của cá nhân, dân tộc và các tương giao xã hội. Từ đó, tạo được một hệ thống giáo dục ngang tầm thời đại, có khả năng dung hợp, sống chung với những nhân tố tích cực của văn hóa thế giới.
- Cần phải tiến hành cuộc cải tổ văn hóa giáo dục theo hướng từng bước và lâu dài trong nhận thức cá nhân và trong thiết chế tổ chức xã hội. Cho nên nó có thể bắt rễ sâu hơn và bền vững hơn, tồn tại lâu dài cùng lịch sử dân tộc.
Môi trường bị sát hại nặng nề
Hiện nay, điều mà mọi người quan tâm nhất là môi trường ngày càng có chiều hướng xấu đi. Như đã trình bày ở trên, không có hành động nào là sống tốt mà không do tâm tác động lên hành động, mà hình thành hành động tốt hay xấu. Muốn chuyển hóa hành động, điều trước hết phải chuyển hóa được tâm. Như vậy, môi trường hiện nay đang báo động là do tâm con người bảo thủ, vị kỷ và vì quyền lợi cá nhân hay nhân danh quyền lợi của Tổ quốc, để rồi chính bàn tay con người phá hủy những gì thiên nhiên ưu đãi con người.
Theo các nhà khoa học, do môi trường bị sát hại nặng nề nên khí hậu địa cầu ngày càng nóng lên, tầng ôzôn ngày càng mỏng đi, các hệ sinh thái ngày một biến mất, nhiều loài vật quý hiếm từng bước bị tuyệt chủng và thiên tai trên thế giới ngày một nhiều với cường độ dữ dội. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, đợt bão thế kỷ năm 1999 ở miền Trung thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản, đợt lũ thế kỷ năm 2000 ở miền Tây cũng thiệt hại rất nghiêm trọng. Nguyên nhân chính ở đây là do phá rừng. Ở miền Tây vào đầu mùa lũ, khi có báo hiệu thượng nguồn sông Mê Kông nước dâng cao, thì khoảng từ 10 đến 15 ngày sau nước mới tràn về các tỉnh đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu, nhưng năm 2000 thì trong 3 đến 4 ngày nước tràn về dữ dội ở các tỉnh đầu nguồn, người dân không kịp phòng bị.
Đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt
Khí hậu toàn cầu tăng do hiệu ứng nhà kính, các cuộc hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu cũng không đạt được kết quả, do một số nước giàu vì quyền lợi quốc gia, họ quên đi lợi ích toàn cầu nên không chịu ký vào hiệp ước cắt giảm khí thải.
Từ hiệu ứng nhà kính nên mỗi ngày có ít nhất 100 loài sinh vật bị biến mất, nguyên nhân vì môi trường sống của chúng ngày một bị phá hủy. Chúng ta hãy thử thống kê về các sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Gấu trúc: Hiện chỉ trên dưới 900 con, sống tập trung ở Trung Quốc, mỗi tháng người ta phát hiện có ít nhất một đến ba con bị chết, do môi trường sống bị phá hủy và bị thu hẹp. Theo dự báo loài gấu trúc có thể bị biến mất vào nửa đầu thế kỷ XXI.
Báo Forrida: Chỉ còn khoảng 50 con sống tập trung ở bang Forri-da, Texas, Tennessee (Mỹ). Môi trường của chúng ta là các vùng đầm lầy hoang dã, nhưng nay môi trường này bị thu hẹp dần do tốc độ đô thị hóa và sự bành trướng của con người.
Khỉ Orange – Ultan: Loài khỉ này sống tập trung ở Borneo, Suma-tra (Indonesia). Môi trường sống của chúng là rừng núi cao nguyên, nhưng do nạn phá rừng, cháy rừng, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống hoang dã của chúng. Hiện chỉ còn khoảng 2000 con.
Rùa Supen: Loài này sống ở vùng biển nhiệt đới, nhưng bị con người săn bắt lấy mai, thịt và sự xâm thực của biển nên loài này có nguy cơ tuyệt chủng trong nay mai.
Vượn Gorilla: Sống chủ yếu ở các khu rừng nhiệt đới. Mối đe dọa là nạn phá rừng và sự bành trướng của cộng đồng dân cư.
Hiện chỉ còn khoảng 300 con sống tập trung ở Ruanda (châu Phi) và có nguy cơ tuyệt chủng.
Và còn có nhiều loài sinh vật khác cũng có nguy cơ tuyệt chủng do môi trường bị phá hoại nghiêm trọng. Để làm giảm khí hậu toàn cầu ngày một tăng, sinh thái toàn cầu giảm, theo người viết con người cần phải tự ý thức về trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Một nền giáo dục dù tiên tiến tới đâu nhưng thiếu tính thực tiển khách quan, không phù hợp với nhu cầu chung của nhân loại, thiếu tính nhân bản và triết lý thì nền giáo dục đó nguy hại cho toàn nhân loại.
Giáo dục là giáo dục con người sống thực, sống có ích cho mình, cho người thì đó mới là nền giáo dục chân chính.
Có thể nói, để giải quyết tình trạng môi trường thế giới đang suy thoái, thì giáo dục Phật giáo đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì, giáo dục Phật giáo đặt trọng tâm vào việc giúp con người chuyển hóa tâm của mình. Khi tâm được chuyển hóa bằng trí tuệ vô ngã thì con người sẽ có nhận thức đúng đắn.
Khi có nhận thức đúng đắn thì sẽ hành động đúng. Hành động đúng ở đây chính là mọi việc làm phải phù hợp với đạo đức, nói cách khác mọi việc làm không vì dục, nhuế và si mà Đức Phật đã dạy. Như vậy, tâm con người không còn dục, nhuế và si thì mọi hành động sẽ không làm phương hại đến lợi ích của người khác, trong đó có vấn đề môi trường.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét