Ý NGHĨA AN CƯ KIẾT HẠ
Thích Thiện Hạnh
Y cứ Tỳ Ni luật Tạng, hằng năm cứ mỗi độ hè về những cơn mưa bắt đầu nhỏ hạt là báo hiệu mùa An cư của hàng Tăng sĩ đã về đến, trên khắp đất nước Việt Nam từ các nơi xa xôi hẻo lánh, từ thôn quê đến thành thị, các Tòng lâm thiền viện đều chuẩn bị cho chư Tăng Ni Kiết hạ đã trở thành nề nếp từ ngàn xưa theo lời Phật dạy. Theo tinh thần Giới luật, mỗi năm đến mùa An cư Kiết hạ, chư Tăng ni đều phải tìm đến một nơi thích hợp để nhập hạ, nơi này được gọi là trường hạ.
Hôm nay là ngày 16.5. Năm Kỷ Hợi (tức ngày 18.6.2019) Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức 3 địa điểm tập trung an cư kiết hạ cho toàn thể Chư Tăng Ni trong toàn tỉnh. Hành giả chư Tăng tập trung tại chùa Đại Thành-Thành phố Bắc Ninh. Chư hành giả Ni tập trung tại chùa Tiêu Sơn- Thị xã Từ Sơn và chùa Dâu- Huyện Thuận Thành. Thường trực Ban Trị Sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo thiết lập những trường hạ quy củ để chư Tăng, Ni tập trung an cư trong một môi trường thanh tịnh, thuận lợi cho việc hành trì tu tập.
Trong đạo mỗi năm đều có ba tháng an cư dành cho Tăng Ni. Phật dạy chư Tăng tập hợp một trú xứ để chia sẻ kinh nghiệm tu, giúp cho Phật giáo tồn tại trên thế gian. Tồn tại trên thế gian không có nghĩa là tồn tại trên hình thức, nhưng quan trọng hơn, tồn tại trong lòng người, trong sự tôn kính của quần chúng. Nếu chỉ tồn tại chùa và hình thức nào mà quần chúng không tin tưởng đạo pháp, coi như Phật pháp suy đồi, hoại diệt. Vì vậy, mùa An cư kiết hạ của chư Tăng, Ni thực chất chính là thời kỳ thuận lợi nhất trong việc thực thi đời sống hướng thượng, quyết định sự chuyển hóa tâm thức, là cơ sở thành tựu phạm hạnh giải thoát tối hậu. An cư kiết hạ là truyền thống tập trung tu học của Tăng đoàn từ thời Đức Phật còn tại thế. Thời gian an cư có thể nói là thời gian quan trọng nhất trong năm của bất cứ hành giả nào hướng tâm giải thoát. Nó không chỉ có giá trị quyết định vấn đề thăng chứng tâm linh, phẩm hạnh trí tuệ của từng cá nhân, đoàn thể Tăng già mà còn có tác động khai mở tâm thức, thiết lập và phát triển đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của giới Phật tử tại gia thuần tịnh.
Một năm có mười hai tháng, suốt trong chín tháng nhập thế độ sinh, chúng ta bận rộn nhiều vấn đề, như giao tiếp Phật tử, hoặc vì những nhân duyên khác mà quý vị đi đây đi kia, không ở một chỗ nỗ lực tu. Ba tháng hạ còn lại là mùa an cư Chư Tăng - Ni tập trung lại những trường hạ để tu tập thúc liễm thân tâm, trau dồi giới - định - tuệ cũng là duyên lành để hàng Phật tử có cơ hội gieo trồng ruộng phước. Tăng Ni phải làm sao trong đời mình giác ngộ được chân lý, giải thoát được sinh tử, chớ không phải làm cho được lòng mọi người. Nếu người tu cứ chiều chuộng để mọi người được vui, được vừa lòng, đó là vô tình chúng ta trở thành một nhà ngoại giao, không phải là một nhà tu. Chúng ta học đạo để hiểu, hiểu để tu, chớ không phải là học giả được cấp bằng cao, chức phận này chức phận nọ. Nếu vì cấp bằng, vì chức phận mà học, đó là học giả, không phải là người tu. Đến mùa an cư mọi việc đều gác qua, dồn hết tâm lực cho việc tu học thôi, mong rằng tất cả quý vị phải cố gắng đem hết tâm lực mình tu và học cho được kết quả tốt.
Hiện nay trong đời sống văn minh hiện đại, đạo tràng An cư kiết hạ là môi trường lý tưởng để chư Tăng, Ni tập trung thành một hội chúng hòa hợp, học pháp, hành trì pháp. Các hành giả Tăng, Ni trẻ tuổi có cơ may học pháp từ các bậc trưởng thượng; và các bậc trưởng thượng có thuận duyên sách tấn giáo huấn đàn hậu học thăng tiến trưởng thành. Có như thế, sinh mệnh Tăng già không những trường tồn mà việc hoằng hóa độ sinh ngày một hưng thạnh, đem lại lợi ích cho quần sinh. Vì vậy, trong ba tháng cấm túc an cư nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức bằng cách lấy giáo pháp rửa sạch lòng trần để tâm thanh tịnh, giải thoát. Trước hết trong mùa an cư, chúng ta buông xả thế sự, hạn chế công việc tối đa để không bị việc ràng buộc, không bị xã hội chi phối. Sau đó điều hòa được cơ thể ổn định rồi, Tăng Ni cần phát huy đời sống tâm linh bằng cách kiểm tra xem lòng chúng ta nghĩ gì. Điều quan trọng nhất là trên bước đường tu tập chư hành giả phải loại bỏ nghiệp chướng trần lao, trong ba tháng trở về trường hạ an cư, hành giả tu tập dứt bỏ những lo lắng ràng buộc trong đời sống thường ngày ở tự viện mình, chuyên tâm tu học, tuân thủ thời khóa tu học, như vậy mới đúng nghĩa an cư thật sự.
Ba tháng tuy không dài nhưng với ý chí mãnh liệt, với nhiệt tình không bờ bến, chúng ta cũng có thể thực hiện được phần nào kết quả trên đường tu. Đã là tu sĩ Phật giáo, hoặc Tăng, hoặc Ni, không thể nào học theo những việc của người thế tục. Chúng ta không phải là nhà kinh tế, nhà kiến thiết, nhà ngoại giao, hay học giả… mà là hành giả. Tại sao tôi nói như vậy? Vì trên đường tu, khi nói tới nỗ lực, tới sự cố gắng tu hành là muốn nói đến việc giải thoát sinh tử của mình. Chúng ta tu là để giác ngộ được tất cả lẽ thật của con người và của muôn pháp. Tăng Ni trong mùa an cư, cố gắng thực tập tinh ba Phật pháp cho đạt được kết quả, để có thể giảng dạy đúng như pháp, làm cho Phật giáo hưng thạnh. Do đó, ta đặt nặng việc tu cho có kết quả. Chúng ta tu cần nhất và đơn giản nhất là phải đủ hai mặt, từ bi và trí tuệ. Mỗi năm Tăng Ni cố gắng tu trong ba tháng an cư thật tinh tấn, luôn luôn tỉnh giác, nhờ công đức đó mà trí tuệ tăng trưởng. Nếu mỗi năm trí tuệ mỗi tăng thì con đường đi đến quả vị Bồ-đề càng gần. Đó là nguồn năng lực lớn để củng cố tinh thần hòa hợp thanh tịnh của Tăng già; trưởng dưỡng tâm bồ đề ngày càng lớn mạnh, bền chắc; giúp cho sự nghiệp nhiếp hóa chúng sinh thành tựu viên mãn. Chư vị thiện nam tín nữ cũng nương nhờ uy đức rộng lớn như biển của Đại Tăng mà tâm linh thăng tiến; nhờ tu học Phật pháp mà trí tuệ phát triển; nhờ thành tâm tu hạnh bố thí cúng dường mà phước đức sâu dầy, duyên lành đối với Phật pháp sẽ kết chặt vững bền mãi mãi về sau.
Đạo tràng an cư giúp người tu thanh tịnh tâm và là nơi câu hội của tứ chúng tu học, tụng kinh, niệm Phật, tham thiền, trì chú, nghe pháp, học hiểu kinh, trì giới luật, tham vấn luận, để phát sanh niềm tin chánh tín vào giáo lý Đức Bổn Sư Thích Ca; hiểu rõ được chân lý vô thường, sanh, lão, bịnh, tử, đang chi phối cuộc sống con người. Trong những tháng ngày an cư, thật sự buông bỏ những lo âu phiền muộn, tứ chúng đồng tu có thêm niềm tin chánh tín và trí tuệ sáng suốt, giữ gìn truyền bá chánh pháp mạnh mẽ lợi lạc rất nhiều. Giá trị ánh sáng của Phật Pháp được duy trì, đạo Phật càng phát triển sâu rộng, niềm hạnh phúc an lạc lan tỏa khắp nhân gian không thể nghĩ bàn.
Được một tuổi đời thì đáng lo, đáng sợ vì sắp chết. Cho nên tuổi đạo rất quý, người đệ tử xuất gia theo Phật, ai ai cũng cố gắng thực hiện cho xứng đáng một tuổi đạo. Đừng để qua một mùa an cư, tính thêm một tuổi đạo mà chỉ có trên con số, trên hình thức, không có trên đức hạnh. Đó là điều đáng buồn.
Nói tóm lại, mùa an cư là thời gian quan trọng nhất trong năm của hàng Tỳ kheo mà ý nghĩa tu học trong môi trường hoà hợp thanh tịnh được nổi bật nhất. Mỗi mùa an cư là một tuổi đạo cùa cuộc đời một Tỳ kheo. Tăng Ni phải làm sao trong đời mình giác ngộ được chân lý, giải thoát được sinh tử, chớ không phải làm cho được lòng mọi người. Nếu người tu cứ chiều chuộng để mọi người được vui, được vừa lòng, đó là vô tình chúng ta trở thành một nhà ngoại giao, không phải là một nhà tu. Chúng ta học đạo để hiểu, hiểu để tu, chớ không phải là học giả được cấp bằng cao, chức phận này chức phận nọ. Nếu vì cấp bằng, vì chức phận mà học, đó là học giả chớ không phải nhà tu. Vì vậy, phải được những bậc đi trước, những bậc thầy hướng dẫn chỉ dạy để hiểu, hiểu rồi ứng dụng tu, chớ không chạy theo cấp bằng học vị, lấy làm thỏa mãn. Điều này hết sức quan trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét