Ác khẩu chính là một trong bốn điều bất thiện khiến con người nhận quả báo nặng nhất (vọng ngữ, ỷ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu). Những lời ái ngữ có thể xoa dịu nỗi đau, làm vơi đi tâm trạng buồn bã của mọi người. Ngược lại lời nói cũng có thể khiến chúng ta phải ăn năn hối hận cả cuộc đời.
Ác khẩu, ác ngữ là những lời nói thâm độc, thô bạo, mắng nhiếc, chửi rủa, là những lời lẽ thiếu văn minh, đạo đức trong giao tiếp. Tuy nhiên nói nặng lời hoặc lớn tiếng trong chừng mực nào đó không phải là ác ngữ. Nhất là trong quá trình giáo dục con cái của cha mẹ, giáo huấn học trò của thầy cô. Những lời nói cay độc gây tổn thương tới người đối diện cũng vô tình gây họa cho chính bản thân mình, điều này không phải ai cũng biết.
Theo lời Phật dạy qua kinh điển để lại thì Thân có 3 nghiệp là sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Ý có ba nghiệp là Tham lam, sân hận và si mê. Còn Khẩu có 4 nghiệp là Nói dối, thêu dệt, nói đâm thọc, nói ác khẩu.
Câu chuyện răn dạy của Đức Phật về nhân quả báo ứng của việc ác khẩu
Ngày xưa, trong thành Xá Vệ có một người nhà rất giàu, tên gọi là Sư Chất, đã hơn 40 tuổi rồi mà chưa có con. Hai vợ chồng rất lo lắng, liền đến một nhà Bà-la-môn xin bốc một quẻ bói xem sau này có sinh được đứa con trai hay con gái nào không? Nhưng họ vô cùng thất vọng nghe thầy bói trả lời rằng suốt đời họ sẽ không có con.
Sư Chất đi về mà lòng phiền muộn, bỗng sực nhớ đến bậc đại thánh Thích-ca Mâu-ni, tự nghĩ:
– Đức Phật là giáo chủ của trời và người, là bậc Nhất thiết trí, không có gì là Ngài không biết, không có gì là Ngài không hiểu, tại sao ta lại không đến gặp Ngài xin chỉ giáo?
Nghĩ đến đây ông bèn nhắm hướng tinh xá Kỳ Viên mà đi. Cung kính đảnh lễ đức Phật xong, ông chắp tay bạch:
– Bạch đức Thế Tôn đại bi, xin Ngài thương xót chúng sinh ngu si mà chỉ giáo. Con có chút ưu tư, năm nay đã hơn 40 mà chưa có đứa con trai nối dõi, đó là do nhân duyên gì, cúi xin đức Phật khai thị.
Đức Phật trả lời:
– Không lâu nữa ông sẽ có một đứa con trai, vừa có phúc lại vừa có đức, chỉ có điều là khi nó vừa lớn nó sẽ xin xuất gia.
Nghe tin này Sư Chất rất đỗi vui mừng, thành tâm đảnh lễ chân Phật.
Không lâu sau có con khỉ đến ngày tận số, đầu thai làm người, sinh vào nhà của Sư Chất.
Lúc nó sinh ra, trong nhà phàm có vật dụng gì có thể chứa đựng thức ăn, thì vật dụng ấy bỗng đầy ắp mật và đường. Vợ chồng Sư Chất thấy điều quái dị, bèn do nhân duyên này đặt tên con là Mật Thắng.
Thời gian vùn vụt trôi mau như tên bắn, hơn mười năm trôi qua như trong nháy mắt, Mật Thắng nay đã lớn khôn. Chú bé chán ngán chuyện thế tục, xin phép cha mẹ cho mình được xuất gia, cha mẹ hết sức vui mừng mà trả lời:
– Lúc con chưa ra đời, đức Phật đã biết sẽ có ngày hôm nay. Bây giờ con muốn xuất gia, cha mẹ rất hoan hỉ. Không bao giờ cha mẹ ngăn chận con một cách vô lý.
Được cha mẹ hoan hỉ cho phép rồi, Mật Thắng đến tinh xá Kỳ Viên xin xuất gia với đức Phật. Nhờ có tiền duyên, Mật Thắng chứng quả rất mau.
Một hôm, thầy đang trên đường đi độ hóa với các bạn đồng tu, cảm thấy vừa nóng vừa khát lạ thường, ai nấy đều ao ước có một cái gì để uống. Tỳ-kheo Mật Thắng bèn cầm bát tung lên trời rồi sau đó dùng hai tay tiếp lấy bát trở về. Bấy giờ trong bát đựng đầy mật ngọt, Mật Thắng bèn chia cho chúng tăng giải khát.
Về tới tinh xá, một vị tỳ-kheo đi tìm đức Phật xin thỉnh giáo:
– Bạch Thế Tôn, trong quá khứ tỳ-kheo Mật Thắng đã tu phúc đức gì mà bây giờ bất cứ lúc nào, ở đâu cũng có thể có đường và mật?
Theo nhà Phật, lời nói nói ra làm người khác đau khổ thì đều là một cách gieo nghiệp bất thiện. Vì thế theo luật nhân quả, họ cũng sẽ phải chịu quả báo xấu như thường.
Đức Phật trả lời:
– Các ông có nhớ có một lần lâu lắm rồi, có một con khỉ đem mật ngọt đến cúng dường Như Lai và chúng tăng không? Nhờ bố thí với thiện tâm, nên sau khi chết rồi nó được sinh ra làm người, và nhờ nó chân thành cúng mật ngọt cho Phật nên kiếp này nó có thể được đường và mật bất cứ lúc nào và ở đâu.
Đức Phật nói xong, vị tỳ-kheo nọ hỏi tiếp:
– Bạch Thế Tôn! Thế thì tiền kiếp Mật Thắng do nhân duyên gì mà bị đọa làm thân khỉ?
Lúc ấy xung quanh đức Phật có rất nhiều đệ tử vân tập, Ngài nhìn họ một lúc rồi đáp:
– Thầy ấy bị đọa xuống làm khỉ là do một nhân duyên xảy ra cách đây 500 kiếp về trước, thời đức Như Lai Ca-diếp còn tại thế. Lúc đó có một vị tỳ-kheo trẻ tuổi, tình cờ thấy một vị tỳ-kheo khác đang băng qua một con suối nhỏ, vị trẻ tuổi bèn cười chế nhạo, bảo là dáng điệu của vị tỳ-kheo kia giống hệt như con khỉ.
Nhưng sau đó thầy ấy tự biết lỗi lầm của mình, đến xin sám hối với vị tỳ-kheo mà mình đã chế nhạo. Vị tỳ-kheo trẻ tuổi đã phạm tội ác khẩu nên bị đọa xuống làm khỉ, tuy nhiên nhờ thắng duyên biết sám hối nên kiếp này mới được gặp Phật và được Phật độ, chứng quả A-la-hán một cách mau chóng.
Nghe đức Phật giảng xong, các vị tỳ-kheo đều nhận ra rằng một câu nói ác cũng có thể chiêu cảm nghiệp khổ, vì thế không còn ai dám ác khẩu, ngay cả đến một câu nói đùa cũng không dám nói.
Bởi vì luật nhân quả không bỏ sót bất cứ một người nào.”
Tác dụng của lời nói có thể xoa dịu nỗi đau trong lòng, làm vơi đi những tâm trạng buồn; lời nói nhã nhặn, lời khuyến tấn đúng thời, đúng lúc có thể làm thay đổi suy nghĩ tiêu cực của đối phương và từ đó dần dần sẽ làm thay đổi những hành vi, những việc làm bất thiện.
Ngược lại, lời nói cũng có thể đưa con người vào vực thẳm của tội lỗi, có thể khiến người ta ăn năn hối hận cả cuộc đời, trong đó lời nói ác ngữ, ác khẩu là một trong những nguyên nhân đưa đến hậu quả như thế.
Ác khẩu tạo nghiệp gì?
“Tôi nguyện không nói lỗi lầm của người khác”, trong truyền thống Phật giáo, đây là một trong những lời nguyện của Bồ tát.
Đức Phật đã dạy ở đời luôn có luật nhân quả, đừng bao giờ nói xấu hay làm chuyện hại người. Bạn hãm hại người khác thì sẽ có người hãm hại lại bạn. Bạn lừa dối người khác cũng có người khác lừa dối bạn.
Theo nhà Phật, lời nói nói ra làm người khác đau khổ thì đều là một cách gieo nghiệp bất thiện. Vì thế theo luật nhân quả, họ cũng sẽ phải chịu quả báo xấu như thường.
Theo Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì Thiền tôn Phật Quang (Bà Rịa, Vũng Tàu), những người hay nói xấu người khác sau lưng như vậy về sau sẽ mắc quả báo sống đời cô độc, chẳng ai thương mến đoái hoài tới…
Bởi vậy mà trong cuộc sống chúng ta nên hạn chế, nếu được thì không nên buôn chuyện về người khác. Buôn chuyện về người khác là mắc vào một trong những điều cấm kỵ trong nhà Phật. Đặc biệt là nói xấu người khác sau lưng, hoặc chê bai người khác đều là cách gieo nghiệp xấu cho mình.
Đức Phật đã dạy ở đời luôn có luật nhân quả, đừng bao giờ nói xấu hay làm chuyện hại người. Bạn hãm hại người khác thì sẽ có người hãm hại lại bạn. Bạn lừa dối người khác cũng có người khác lừa dối bạn.
Thượng tọa Thích Chân Quang cho rằng, lời nói xấu sau lưng, hoặc chê bai người khác sau lưng thường gây nên oán thù, gây chia rẽ. Nếu không tránh những điều này, chúng ta sẽ mắc phải quả báo y như vậy. Chê bai người ta điều gì thì đời sau phạm y như thế, không gỡ ra được mà phải trả cho hết cái xấu đó.
Có nhiều người nhìn vào nhân duyên thấy tốt, tự nhiên họ làm sai, làm bậy. Không phải do họ xấu mà do đời trước làm sai nên đời này phải gánh chịu. Đó chính là nhân quả.
Có người hay bị thị phi, bị nói xấu rất nhiều thì có thể kiếp trước đã gieo nghiệp bất thiện này. Dù đời này họ không nói xấu ai nhưng thường xuyên bị thị phi, đặt điều, bôi nhọ. Đó chính là quả báo mà họ không biết.
Khẩu nghiệp là nghiệp lực khó khắc phục nhất cho việc tu hành; Là lực cản trở lớn nhất cho việc tu hành chứng đạo; Là sức mạnh sát hại sinh mạng lớn nhất cho việc tu hành; Là nghiệp lực chính yếu đưa ta đọa xuống ác đạo; Là sức mạnh ngăn trở lớn nhất cho việc vãng sanh; Khiến cho đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi không ngừng; Khiến cho tăng đoàn không hòa hợp, đạo pháp không hưng thịnh; Khiến chúng sanh thoái mất đạo tâm, đoạn mất thiện căn làm người.
Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét