Một trong những điều Đức Phật dạy con người chính là sự tôn trọng với mọi người, cũng như lời Đức Phật đã căn dặn: Cung kính đối với người là sự trang nghiêm cho chính mình.
Tôn trọng người khác là tôn trọng chính mình
Phật giáo luôn hướng con người tới cuộc sống an nhiên, tự tại, vô thường, bình tâm. Vì sao? Vì như vậy có thể loại bỏ tham, sân, si và hạnh phúc. Để có được điều ấy, trước tiên phải tôn trọng người khác, tôn trọng chính mình.
Người đánh giá thấp người khác thực chất là người không biết tôn trọng chính mình, luôn so sánh bản thân với người xung quanh mà không biết rằng, giá trị của mỗi người đều xứng đáng được tôn vinh. Mình yêu quý bản thân bao nhiêu thì người khác cũng yêu quý họ như vậy.
Hơn nữa, mỗi chúng ta là một cá tính riêng, sao phải trở thành thước đo so bì hơn kém với người khác. Hơn thì sao, không hơn thì sao? Giá trị đích thực của cuộc sống đâu nằm ở thứ bậc, chỉ cần ta an yên, mọi chuyện đều tốt đẹp, chỉ cần ta sống tốt, đâu có gì đáng kể nữa.
Khi ta tôn trọng chính mình thì cũng sẽ biết tôn trọng người khác, biết nhìn nhận điểm tốt, điểm mới từ những người xung quanh, từ đó cổ vũ, khích lệ họ và học tập họ để hoàn thiện chính mình. Mình tôn trọng mọi người, mọi người sẽ tôn trọng mình, tạo nên vòng tròn quan hệ dựa trên tinh thần tích cực, hòa đồng và nhân ái, mở rộng tâm hồn, điều hạnh phúc sẽ ghé thăm.
Hãy nhớ lời Phật dạy về cuộc sống, luôn để con mắt nằm ngang, nhìn thẳng một cách trong sáng, chính trực, cuộc đời tất bằng phẳng. Người mà mắt nhìn lúc nào cũng từ trên rọi xuống, sẽ không thể thấy quang cảnh tươi đẹp xung quanh, càng không thể thấy trước chướng ngại trên đường mà tránh. Đó không phải là tự mình tạo nghiệp cho mình hay sao.
Bài học về sự tôn trọng mọi người
Vào một ngày nọ, có một ông lão ăn mày quần áo rách tả tơi, đầu tóc bù xù, trên người bốc ra một mùi hôi khó chịu đứng trước một cửa tiệm bánh ngọt náo nhiệt.
Những vị khách mua hàng đứng bên cạnh đều bịt mũi, nhíu mày, tỏ rõ thái độ ghét bỏ và khó chịu với ông ấy. Nhân viên bán hàng quát to: “Đi ngay! Đi ngay đi!”. Người ăn mày lập cập lấy ra mấy đồng tiền lẻ bẩn thỉu và nói:“Tôi đến mua bánh ngọt! Loại nào là nhỏ nhất?”.
Ông lão chủ tiệm bánh ngọt đi đến, niềm nở lấy ra một chiếc bánh ngọt nhỏ và đẹp đẽ từ trong tủ kính đưa cho người ăn mày, rồi cúi người thật sâu xuống, nói: “Cảm ơn quý khách đã mua hàng! Hoan nghênh lần sau lại tới!”. Người ăn mày vẻ mặt thất kinh rời khỏi cửa tiệm, dường như anh ta chưa từng được đối xử tôn trọng đến như vậy ở trong đời. Cháu trai người chủ tiệm bánh thấy lạ liền hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với người ăn mày bẩn thỉu đó như vậy ạ?”.
Chủ tiệm bánh giải thích: “Mặc dù đó là một người ăn mày nhưng cũng là khách hàng. Ông ấy vì để ăn được bánh ngọt của chúng ta đã không tiếc tiêu những đồng tiền khó khăn lắm mới kiếm được. Thực sự là rất khó có được! Nếu ông không tự tay phục vụ ông ấy thì sao có thể xứng đáng với phần ưu ái của ông ấy giành cho chúng ta đây?”.
Cháu trai lại hỏi: “Đã vậy thì sao ông lại còn thu tiền của ông ấy ạ?”. Người chủ tiệm bánh nói: “Ông ấy hôm nay đến đây là khách chứ không phải là đến ăn xin đâu cháu ạ! Đương nhiên, chúng ta phải tôn trọng ông ấy chứ! Nếu như ông không thu tiền của ông ấy, thì chẳng phải đã vũ nhục ông ấy rồi sao? Nhất định phải nhớ kỹ, phải tôn trọng mỗi một khách hàng của chúng ta, cho dù đó là một người ăn mày. Bởi vì hết thảy những thứ chúng ta có đều là do khách hàng cấp cho”.
Cậu bé nghe xong có phần hiểu nên gật gật đầu. Ông chủ tiệm bánh này chính là ông nội của nhà kinh doanh, tỷ phú Nhật Bản – Yoshiaki Tsutsumi. Tỷ phú Tsutsumi từng nói: “Năm đó, mỗi cử động của ông nội đối với người ăn mày đó đều khắc sâu vào trong tâm trí của tôi”.Về sau, Tsutsumi đã kể lại rất nhiều lần câu chuyện này cho nhân viên của mình nghe để họ học tập cách tôn trọng khách hàng.
Cuộc đời là vậy, nhưng dù cuộc đời có như thế nào đi nữa, mỗi người chúng ta cũng đều cần đến một sự tỉnh giác nhất định nào đó để có được thái độ, và cách hành xử hợp tình hợp lý nhất có thể. Và để có được điều này có lẽ là chúng ta cần phải có được nhận thức đúng đắn về cái tôi.
Dần dần, chúng ta sẽ vơi giảm ái ngã, vốn dĩ là nguồn gốc của tham, sân, si, của mọi khổ đau trong cuộc đời. Khi có nhận thức như vậy, thì khi có những ý niệm, hay xúc cảm lăn xăn hiện lên trong tâm tư, chúng ta chỉ cần nhìn, nhìn, và nhìn thẳng vào chúng, chỉ nhìn mà không tham đắm, không đè nén, không diệt trừ, không lảng tránh, cũng không mong cầu bình yên, nhìn để thấy được các tiến trình sinh khởi, lan tỏa, tăng giảm cường độ, và dần tan biến mất của chúng.
Linh Tâm (TH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét