Nói về người phụ nữ, trong lịch sử Phật giáo có hai người mẹ lớn. Một vị là Hoàng hậu Maya, người đã sinh ra sắc thân của Ðức Phật. Vị kia là Pajapathi, dì ruột và cũng là người nuôi dưỡng sắc thân Ðức Phật khi Ngài còn sống trong hoàng cung.
Ðối với đạo Phật, người phụ nữ được tôn vinh bằng một quan điểm đầy nhân bản. Trong đạo Phật, người phụ nữ nhận được chân giá trị của họ: họ là những người cũng có đủ tiềm năng thành Phật, những vị Phật sẽ thành, họ cũng là những người có đủ lòng đại bi, có đủ khả năng phát tâm Bồ đề vì lợi ích chúng sinh. Và người mẹ trong Phật giáo vì vậy được nhìn trong một không gian rộng lớn, trong một thời gian dài lâu, với một chiều sâu đầy nhân bản.
Ðức Phật đã nhiều lần dùng hình ảnh người mẹ để minh họa cho giáo pháp của Ngài. Như đoạn kệ sau đây trong truyền thống Theravada:
Như người mẹ trong khổ nạn cuộc đời,
yêu thương và bảo vệ người con trai duy nhất.
Cũng vậy, các thầy Tỳ kheo hãy cố gắng tu tập
Lòng thương vô giới hạn này
đến khắp chúng sinh trong vũ trụ…
Khi vị Tỳ kheo sống hoàn toàn trong chánh niệm,
chắc chắn vị ấy sẽ không còn trở lại trong bào thai.
Dường như có sự mâu thuẫn trong bài kệ trên. Ca tụng người mẹ nhưng không muốn trở lại làm một người con. Theo quan niệm của đạo Phật, tình thương của mẹ đối với con tuy là một tình thương cao cả nhất trong thế gian, nhưng vẫn là một tình thương ràng buộc. Người tu sĩ Phật giáo cố gắng có một tình thương mạnh mẽ như tình mẹ, nhưng phải vượt qua những ràng buộc để tình thương được ban rải khắp chúng sinh, để tiến xa trên con đường giải thoát sinh tử.
Nói về người phụ nữ, trong lịch sử Phật giáo có hai người mẹ lớn. Một vị là Hoàng hậu Maya, người đã sinh ra sắc thân của Ðức Phật. Vị kia là Pajapathi, dì ruột và cũng là người nuôi dưỡng sắc thân Ðức Phật khi Ngài còn sống trong hoàng cung.
Hoàng hậu Maya: Người mẹ thứ nhất của Đức Phật
Hoàng hậu Maha Maya, một người mẹ có nguyện lớn “thà sinh một con mà phát tâm Bồ Ðề, hiện thế xuất gia, chứng được Nhất Thiết Trí, còn hơn sinh nhiều con mà không phát tâm Bồ Ðề.”
Hoàng hậu Maya được gọi là lớn - bà thường được gọi là Maha Maya (maha có nghĩa là lớn) - vì đã sinh ra Ðức Phật, như đoạn cuối của bài kệ diễn tả lời phát biểu của Tỳ kheo ni Pajapathi:
Kính lễ Phật Ðà,
bậc đệ nhất trong muôn loài,
Ngài đã đưa tôi và nhiều người khác thoát khỏi sự khổ đau.
Tất cả những khổ đau đã được nhận diện,
Nguyên nhân của chúng, lòng khát ái
Đã được làm khô kiệt,
Con đường Bát chánh được mở bày,
Tôi đã đạt đến chỗ mọi sự đều dừng lại.
Tôi đã là
Mẹ,
Con trai,
Cha,
Anh em,
Bà;
Không biết gì về sự thật
Tôi đã mãi miết đi hoài.
Nhưng tôi đã gặp Ðức Từ Tôn;
Đây là thân sau cùng của tôi
Và tôi không còn đi nữa
Trong sinh tử tử sinh
Nhìn những đệ tử quây quần,
Nghị lực của họ,
Sự tinh tấn của họ,
Là công ơn của chư Phật.
Maya đã sinh Ðức Gautama
Vì lợi ích của tất cả chúng ta.
Bà đã đẩy lui sự khổ đau
của bệnh và chết.
(Therigaha)
Maha Maya và Maha Pajapathi là hai chị em, con của thủ lãnh bộ tộc Koliya. Khi trưởng thành, hai chị em đều cùng về làm vợ của thủ lãnh bộ tộc Sakya là Suddhodana. Sau khi Hoàng hậu Maya sinh Thái tử Siddhattha thì qua đời sau đó bảy ngày. Nguyên nhân về sự qua đời sớm của bà là đại nguyện ra đời chỉ để sinh một vị Phật. Bà là một "bà mẹ lớn" vì đại nguyện này.
Hoàng hậu Ma Da vào một đêm vắng lặng, lúc thiếp đi, trong một giấc mơ, bà thấy có con voi trắng sáu ngà từ không trung bay đến, chui vào hông bên phải của bà. Hoàng hậu giật mình tỉnh giấc, kể lại giấc mộng. Các quan đại thần đều đoán rằng đây là điềm lành, chắc chắn hoàng tộc sắp có tin vui. Quả nhiên, từ đó hoàng hậu mang thai Thái tử. Vua Tịnh Phạn rất vui mừng cùng thần dân mơ tiệc ăn mừng. Ảnh minh họa
Theo kinh Ðại phương tiện Phật báo ân, vào thời quá khứ xa xưa có một người nữ, do một nguyên nhân không tốt ở tiền kiếp đã sinh ra làm con của một con nai cái. Nhưng cũng nhờ những nguyên nhân tốt đẹp khác, cô gái do nai sinh ra có một tướng mạo đoan chính, tính tình bao dung, hiền thiện. Cô gái được một vị tiên thờ lửa nuôi lớn, và vì do nai sinh nên được gọi là Lộc Nữ.
Khi Lộc Nữ được 14 tuổi, người cha rất thương và được giao cho công việc giữ lửa. Một hôm vì vô ý, cô đã để lửa tắt. Người cha ra ngoài trở về thấy thế, phạt cô phải sang động của vị tiên bên cạnh, ở sườn núi phía Bắc, để xin lửa.
Vì tạo nhân trong sạch nhiều đời, sau mỗi bước chân của Lộc Nữ đều mọc lên một đóa sen. Vị tiên phía Bắc thấy vậy, yêu cầu Lộc Nữ đi bảy vòng quanh động của ông thì ông mới cho lửa. Và bảy vòng hoa sen trang nghiêm, đẹp đẽ mọc lên.
Khi đó, vua nước Ba La Nại cùng quần thần vào rừng săn bắn. Nhà vua thấy bảy vòng hoa sen quanh động vị tiên, sanh lòng hoan hỷ, ca tụng đức hạnh của vị tiên. Vị tiên nói với nhà vua về nguyên nhân của bảy vòng hoa sen, nhà vua vui mừng qua động phía Nam, ngỏ lời xin kết hôn cùng Lộc Nữ.
Về hoàng cung được một thời gian thì Lộc Nữ có thai. Nhưng đến ngày sinh, nàng chỉ sinh ra một đóa hoa sen. Nhà vua rất giận, cho là yêu tinh, sai liệng bỏ hoa sen và giáng chức phu nhân.
Sau đó mấy ngày, nhà vua cùng quần thần vào hậu viên để du ngoạn. Tình cờ nhà vua nhìn thấy trong ao sen có một đóa sen hồng tỏa ra ánh sáng mầu nhiệm. Vua sai người xuống ao xem. Hoa có năm trăm cánh, dưới mỗi cánh hoa có một em bé, mặt mày khôi ngô tuấn tú.
Khi nghe kẻ hầu tâu lại, nhà vua kinh ngạc hỏi: "Có thực quả như vậy chăng? Hoa sen ấy có phải do Lộc Mẫu sinh ra chăng?" Các người theo hầu đều bảo rằng hoa sen do Lộc Mẫu sinh ra được đem chôn ở đó.
Nhà vua ăn năn, đem hoa sen và năm trăm Hoàng tử về hoàng cung và phục chức cho Lộc Mẫu. Các hoàng tử được Lộc Mẫu chia cho các phu nhân khác của vua đồng đều nuôi dưỡng.
Khi năm trăm Hoàng tử đến tuổi trưởng thành, một hôm cùng nhau du ngoạn đến ngồi trên bờ một ao sen. Nhìn thấy hình dung của mình ảnh hiện trong nước, các Hoàng tử cùng bảo với nhau:
"Tất cả các pháp, chẳng khác nào trò huyễn thuật, như hoa đốm trên không, như cảnh tượng trông thấy trong giấc chiêm bao, như bóng hình dưới đáy nước, thể tính vốn không phải là chân thực, lũ chúng ta ngày nay cũng lại như thế. Tuy là chúng ta ở địa vị tôn quý cao sang, sống trong hoàng cung hưởng dụng bao nhiêu dục lạc, trẻ trung đẹp đẽ, rốt cuộc cũng không thể nào giữ được lâu. Vạn vật có thành tất phải có hoại, người ta rồi cũng phải chết, trẻ khỏe không được bao lâu, mà già nua sẽ tới, ăn uống không tiết độ tất nhiên bệnh hoạn sẽ phát sinh, dù cho sống lâu đến trăm tuổi, rồi cũng phải chết".
Các Hoàng tử lòng sinh không vui, trở về hoàng cung, cùng nhau thưa với cha mẹ: "Thưa cha mẹ! Thế giới đều là khổ, không có gì đáng vui, nay xin cha mẹ cho chúng con được xuất gia".
Nhà vua và Hoàng hậu thấy không thể ngăn cản các Hoàng tử, nên cho họ xuất gia, ra ở hậu viên để tu hành.
Sau khi xuất gia, các Hoàng tử đều chứng quả Bích Chi Phật. Chứng quả xong, các vị Hoàng tử vì cha mẹ, hiện các thứ thần biến, rồi nhập Niết bàn.
Hoàng hậu thâu các thân cốt, xây năm trăm tháp, ngày ngày thắp hương, trổi nhạc để cúng dường. Hoàng hậu buồn lòng tự nhủ: "Ta tuy sinh năm trăm Hoàng tử mà không có một người nào phát tâm Bồ đề". Bà lập thệ nguyện: "Ta cúng dường năm trăm vị Bích Chi Phật, gồm xây năm trăm tháp, cúng dường xá lợi, công đức xin hồi hướng cho tất cả chúng sinh, khiến ta đời sau, thà sinh một con mà phát tâm Bồ đề, hiện thế xuất gia, chứng được Nhất thiết trí, còn hơn sinh nhiều con mà không phát tâm Bồ đề".
Thái tử ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni. Ảnh minh họa
Lộc Mẫu là tiền thân của Maha Maya. Lời nguyện lớn của bà là nhơn duyên khiến bà đời đời làm mẹ của Phật. Nền tảng của Phật giáo Ðại thừa là Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tâm vì chúng sinh. Ðức Phật đã xuất gia tìm đạo vì Ngài muốn tìm đường diệt khổ cho chúng sinh.
Tỳ kheo ni Maha Pajapathi: Người mẹ thứ hai của Đức Phật
Người "mẹ lớn" thứ hai trong Phật giáo là Tỳ kheo ni Maha Pajapathi (Ma ha Ba Xà Ba Ðề). Bà là người đã nuôi dưỡng sắc thân của Phật khi mẹ Ngài qua đời, cũng là vị Tỳ kheo ni đầu tiên, vị thiết lập và lãnh đạo Ni chúng đầu tiên trong Phật giáo.
Sự cố gắng cầu đạo của bà Maha Pajapathi là một cố gắng phi thường. Sự cố gắng phi thường của bà Maha Pajapathi là một ưu điểm của nữ giới so với nam giới. Và tiến trình nhận nữ giới vào hàng ngũ Tăng già cho chúng ta thấy một cái nhìn nhân bản của đạo Phật. Cả hai giới đều có chung một khả năng giác ngộ và giải thoát như nhau, bình đẳng với nhau trong tự tánh. Tuy nhiên, vì tâm sinh lý khác nhau, đời sống xã hội khác nhau, nên tiến trình tiến đến chân thiện cũng khác nhau.
Người "mẹ lớn" thứ hai trong Phật giáo là Tỳ kheo ni Maha Pajapathi (Ma ha Ba Xà Ba Ðề). Bà là người đã nuôi dưỡng sắc thân của Phật khi mẹ Ngài qua đời, cũng là vị Tỳ kheo ni đầu tiên, vị thiết lập và lãnh đạo Ni chúng đầu tiên trong Phật giáo. Ảnh minh họa
Lý do Phật không chấp nhận cho nữ giới xuất gia ngay được bà Maha Pajapathi nói trong kinh Ðại phương tiện Phật báo ân như sau:
"Phật pháp là lợi ích lớn. Chỉ trong giáo pháp của Ðức Như Lai mới có đầy đủ các công đức và ba thứ quả báo. Hết thảy chúng sinh đều có phần trong đó. Thế mà Ðức Như Lai lại không cho phụ nữ của chúng ta được dự vào Phật pháp là lẽ gì? Là vì phụ nữ chúng ta phần nhiều hay ngờ vực, chấp trước, không có lòng hỷ xả.
Cũng vì chấp trước nên mới tạo không biết bao nhiêu nghiệp trói buộc, đến nỗi bị ngu si và ái dục che lấp mất chân tâm, do đó mà phải chìm đắm mãi trong bể khổ sinh tử, mặc cho lớp sóng ái dục dập vùi. Vì tà kiến và tham ái làm chướng ngại, nên mới sinh ra kiêu ngạo, lười biếng, bởi thế thân này không thể đạt đến đạo quả Vô thượng Bồ đề, không thể có được ba mươi hai tướng tốt… Thiên ma Ba Tuần, các loại tà kiến, và hết thảy ngoại đạo chuyên làm điều ác, chấp theo tà thuyết, phá hoại Chánh pháp, diệt Phật Pháp Tăng. Vì vậy Ðức Như Lai không cho nữ nhân dự vào Phật pháp".
Ðó là một lời phân tích, nhưng chính thực là một lời khuyên nhủ của bà Pajapathi với nữ giới. Sự thật, không phải Đức Phật nhất quyết không cho nữ giới xuất gia. Nhưng xuất gia có điều kiện. Và những điều kiện này cần thiết cho nữ giới trong quá trình giải thoát. Chúng ta biết rằng Đức Phật đã mở vòng tay tiếp nhận bất cứ hạng người nào thuộc bất kỳ giai cấp nào.
Khi Đức Phật trở về hoàng cung để thuyết pháp cho dân chúng bộ tộc Sakya thì bà Pajapathi đã ở vào khoảng 50, 60 tuổi. Trong số những người tham dự nghe Phật thuyết pháp chắc chắn có bà. Sau đó, bà và cả vua Suddhodana trở thành đệ tử tại gia của Phật. Ananda, con trai của bà, Rahula, cháu của bà, cũng theo Phật xuất gia.
Sau khi bà trở thành đệ tử tại gia của Phật, chắc chắn bà cũng đã dùng giáo pháp của Ðức Phật để an ủi những người con gái và phụ nữ đến nương tựa bà, con số là "500 người" (tượng trưng cho một số đông).
Câu chuyện về việc xuất gia của bà Maha Pajapathi được ghi lại như sau:
Một thuở nọ, Ðức Phật ở tại tịnh xá Nigrodha trong thành Kapilavathu. Maha Pajapathi đến chỗ Phật, chào hỏi rồi đứng ở một nơi, cung kính thưa rằng: "Thưa Thế Tôn, nếu Ngài cho phép phái nữ được xuất gia để nương tựa vào giáo pháp và giới luật của Như Lai thì nhiều người sẽ được lợi lạc".
Ðức Phật trả lời: "Này Gotami, hãy đừng nghĩ đến việc đó".
Ba lần bà Pajavathi thưa thỉnh như vậy và Phật đều trả lời như vậy. Nghĩ rằng Phật không cho phép nữ giới xuất gia, bà Pajavathi xá Phật rồi buồn bã lui ra theo phía phải.
Sau khi Ðức Phật đi đến Vesali, bà Pajapathi cạo tóc, mặc áo cà sa, cùng với một số phụ nữ bộ tộc Sakya đi đến Vesali để xin Phật được xuất gia.
Di mẫu Maha Pajapathi thỉnh cầu Phật cho xuất gia
Chúng ta biết rằng từ thành Capilavatthu đến Vesali khoảng cách 150 dặm. Bà Maha Pajapathi lúc đó đã trên 50 tuổi, cùng với một số phụ nữ, đa số thuộc dòng dõi quý tộc, đi bộ một đoạn đường như vậy là một cố gắng phi thường, phải có một lòng cầu đạo phi thường.
Lời tâm sự của bà về tâm cầu đạo của mình như sau: "Ta vì hết thảy phụ nữ, ba lần thỉnh cầu Ðức Như Lai cho được xuất gia, tu học Phật pháp, mà Phật không thuận. Vì không được như nguyện, lòng ta buồn tủi, giận cho thân phận nữ nhân, bất giác lệ tràn mí mắt ta mới bước ra khỏi Kỳ Hoàn tịnh xá".
Bà đã "vì hết thảy phụ nữ" mà không quản ngại bao nhiêu khó khăn quyết cầu xuất gia. Ðó là tâm nguyện Ðại thừa.
Và cuối cùng, với lời xin của ngài A Nan, Ðức Phật đã cho nữ giới xuất gia nhưng có điều kiện. Trong kinh Ðại phương tiện Phật báo ân, Đức Phật dạy như sau:
"Bấy giờ ngài A Nan cúi đầu lễ, rồi quỳ gối, chắp tay lại, bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, con tự nghĩ chư Phật ở quá khứ đều có đủ bốn bộ chúng, mà chỉ mình Đức Thích Ca Như Lai là không đủ.
Phật bảo ngài A Nan:
- Nếu Di mẫu quý chuộng Phật pháp, phải hết sức tinh tiến, tu tập phép Bát kính, ta sẽ ưng thuận, cho được xuất gia sống trong Phật pháp".
Lúc đó ngài A Nan lễ Phật, đi nhiễu ba vòng, rồi lui trở ra. Ngài liền đến báo cho ta (Pajapathi) biết là Đức Như Lai đã theo lời cầu xin của ngài mà bằng lòng cho ta được xuất gia, phụng trì Phật pháp. Ðược biết tin ấy, lòng ta vui mừng vô hạn, và bạch ngài A Nan rằng:
- Quý hóa thay, ngài A Nan! Ngài đã hết lòng thỉnh cầu Đức Như Lai, khiến cho tôi được toại nguyện.
Rồi ngài nói lại cho ta nghe pháp Bát kính mà Đức Như Lai đã ân cần dạy bảo. Nghe xong nửa mừng nửa tủi, ta tự nghĩ rằng: Thân ta đây là cái thân vô thường, nay được đem đổi lấy cái thân quý báu; mệnh sống ta đây, niệm niệm biến diệt, không nhất định, nay được đem đổi lấy mệnh quý báu; thân mệnh, của cải của ta đây đều do nhân duyên giả dối mà có, không phải chân thật, nay được đổi lấy của báu vĩnh viễn bất diệt. Khi nghĩ đến những công đức lợi ích như thế, ta liền sinh lòng chí thành cúng dường ngài A Nan và bạch rằng: "Ðại đức A Nan, xin ngài đừng lo. Tôi sẽ trọn đời tuân theo giáo pháp mà Đức Như Lai chỉ dạy. Dù có phải bỏ cả thân mệnh chăng nữa, tôi cũng không dám phí phạm".
Bấy giờ Đức Như Lai mới nói pháp Bát kính nhiệm màu cho ta nghe. Lúc đó, ta vận dụng lòng đại bi, vì hết thảy nữ nhân đời vị lai mà bạch Phật rằng: "Bạch Thế Tôn, nếu sau này, trong đời ác trược, có phụ nữ nào đối với Phật pháp sinh lòng kính mến, thì xin Thế Tôn cũng nhận cho được vào Phật pháp".
Và với tâm "vì hết thảy nữ nhân đời vị lai", bà Pajapathi đã là vị Tỳ kheo ni đầu tiên trong Phật giáo, và là người mở đường, xây dựng và lãnh đạo Ni chúng đầu tiên.
Và với tâm "vì hết thảy nữ nhân đời vị lai", bà Pajapathi đã là vị Tỳ kheo ni đầu tiên trong Phật giáo, và là người mở đường, xây dựng và lãnh đạo Ni chúng đầu tiên.
Ðó là hai người mẹ của Ðức Phật, cũng là hai người "mẹ lớn" trong Phật giáo. Theo quan điểm Ðại thừa, hai người mẹ này, một vị nguyện ra đời để "sinh một người phát tâm Bồ Ðề", một vị "vì hết thảy nữ nhân" mà đã vượt qua những thử thách gian lao để cầu đạo. Hai bà là hiện thân của những vị Bồ tát, của những tấm lòng Bồ tát. Hai người mẹ này "lớn" không phải chỉ vì họ đã sinh và nuôi dưỡng Đức Phật, mà họ "lớn" vì tâm từ bi đối với chúng sinh. Họ không chỉ là hai bà "mẹ lớn" của riêng Phật giáo, mà là của tất cả chúng sinh.
Thị Giới (Nguyệt San Giác Ngộ số 173)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét