Mỗi Học viện có nhiều Khoa, riêng trong chương trình đào tạo của Khoa Phật giáo Việt Nam của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh có môn học Văn học Phật giáo Việt Nam
1. Từ nhiều năm nay, được sự ủng hộ của Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo, cả nước ta hiện nay có ba Học viện Phật giáo Việt Nam ở cả ba miền, cơ sở đặt tại các thành phố lớn: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và gần đây Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ được thành lập. Mỗi Học viện có nhiều Khoa, riêng trong chương trình đào tạo của Khoa Phật giáo Việt Nam của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh có môn học Văn học Phật giáo Việt Nam gồm ba phân môn: Văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X (còn là Văn học Phật giáo thời Bắc thuộc); Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần (thế kỷ X - thế kỷ XIV); Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê - Nguyễn (thế kỷ XV - thế kỷ XIX). Tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi phân môn trên được bố trí với thời lượng
45 tiết học, được phân bố từ học kỳ 1 năm thứ ba đến học kỳ 1 năm thứ tư trong chương trình đào tạo.
Đã hơn vài chục năm qua, chúng tôi có may mắn và cơ duyên là được cộng tác với một số tạp chí chuyên về Phật học, được góp phần tham gia đào tạo tăng ni sinh tại các trường Phật học, đặc biệt là ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM cùng gia giảng dạy các lớp Bồi dưỡng Giảng sư cốt cán cao cấp do Trung ương Giáo hội Phật giáo Vi ệt Nam tổ chức. Đồng thời ở nơi tôi đang công tác: Khoa Văn học và Ngôn ngữ (trước đây là Khoa Ngữ văn và Báo chí), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay trong chương trình đào tạo Cử nhân tài năng và Cao học Văn học Việt Nam có môn học Phật giáo và Văn học cổ điển Việt Nam do chúng tôi phụ trách, nên ít nhiều cũng có vài kinh nghiệm thực tiễn cùng những trăn trở về môn học này.
Khi giảng dạy, tại buổi lên lớp đầu tiên, chúng tôi cung cấp cho học viên Đề cương môn học, ở bài giới thiệu môn học, bao giờ cũng nêu mục tiêu môn học, nội dung cơ bản, các kỹ năng cần đạt, nhiệm vụ của sinh viên, tài liệu cần đọc, kế hoạch giảng dạy và học tập, câu hỏi xêmina, v.v..
Về mục tiêu môn học, môn Văn học Phật giáo Việt Nam sẽ giúp cho sinh viên nắm vững những kiến thức cơ bản và cần thiết, có hệ thống về lịch sử Phật giáo và tư tưởng cơ bản của Phật học - Thiền học Việt Nam cùng diễn trình, diện mạo và đặc điểm của lịch sử hai ngàn năm văn học Phật giáo Việt Nam qua ba phân môn của văn học Phật giáo: từ khởi nguyên - đầu thế kỷ X; thế kỷ X - thế kỷ XIV: thởi Lý - Trần; thế kỷ XV - thế kỷ XIX: thời Lê - Nguyễn). Đồng thời định hướng cho sinh viên tự nghiên cứu về một vấn đề cụ thể thuộc văn học Phật giáo Thiền tông t hời cổ - trung đại.
Về các hiểu biết, các kỹ năng sinh viên cần đạt được sau khi học xong môn học:
- Về tri thức : Nắm vững những kiến thức cơ bản và cần thiết, có hệ thống về lịch sử và tư tưởng Phật học - Thiền học Việt Nam cùng tiến trình phát triển văn học Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn.
- Về kỹ năng nhận thức: Hiểu rõ những vấn đề cơ bản về Phật giáo và Phật học ; Biết rõ diễn trình, diện mạo và đặc điểm văn học Phật giáo Việt Nam qua các giai đoạn.
- Về kỹ năng chuyên môn: Trên cơ sở tài liệu cần đọc đã được giới thiệu, sinh viên cần biết phương pháp tự tìm tư liệu, đọc tư liệu để nghiên cứu một vấn đề chuyên sâu thuộc lĩnh vực của môn học được đào tạo.
- Về kỹ năng vận dụng: Biết vận dụng tổng hợp những kiến thức đã lĩnh hội để tự nghiên cứu về một vấn đề cụ thể (một tác gia, một tác phẩm, một nội dung hay vấn đề nào đó) thuộc văn học Phật giáo Việt Nam.
- Về hướng dẫn cách học và cách đánh giá môn học:
Sinh viên phải tham dự giờ giảng trên lớp đầy đủ (theo quy chế, không vắng quá 20% tổng số tiết học). Đọc đủ tài liệu tham khảo, ghi chép có hệ thống theo từng nội dung vấn đề được nghiên cứu. Chuẩn bị bài ở nhà, tham gia xêmina ở lớp. Viết bài tiểu luận chuyên đề ở nhà. Dự thi giữa kỳ và dự thi cuối kỳ.
2. Như trên đã nói, môn học Văn học Phật giáo Việt Nam có ba phân môn.
Trước hết là phân môn Văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là Văn học thời Bắc thuộc.
Có một thực tế cần thưa rõ ở đây là trong các bộ Lịch sử văn học Việt Nam từ trước đến nay, phần Văn học viết Việt Nam chỉ bắt đầu từ cái mốc nửa đầu thế kỷ thứ X, tức lúc Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên dòng Bạch Đằng vào cuối năm 938, giành lại độc lập tự chủ, mở ra thời đại mới, kỷ nguyên mới của đất nước: Độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phục hưng những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc sau hơn một ngàn năm bị phương Bắc đô hộ. Chứ phần văn học viết trước thế kỷ thứ X của cha ông ta (tức thời Bắc thuộc) không được nhắc đến, cho dù văn học thời kỳ này chủ yếu là của nhà chùa, tức thuộc văn học Phật giáo. Đó là một thiếu sót lớn, cần phải bổ khuyết trong các bộ văn học sử Việt Nam. May mắn và hồng phúc thay, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM, trong chương trình đào tạo có môn Văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X, được giảng dạy từ khóa đầu tiên cho đến nay, ít nhiều cũng đã gióng lên tiếng chuông góp phần bổ khuyết cho ý kiến vừa nêu.
Về tên gọi văn học của 10 thế kỷ khai mào này, chúng tôi không gọi là Văn học thời Bắc thuộc như vài nhà nghiên cứu đã gọi mà định danh nó là Văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X là có chủ ý riêng. Có một sự thật là văn học thời kỳ này được viết trong lúc dân tộc ta bị đô hộ bởi phong kiến Trung Quốc, nếu gọi Văn học thời Bắc thuộc thì bản thân và bản chất của nền văn học ấy phải chịu lệ thuộc và ảnh hưởng văn hóa văn học Trung Quốc. Nhưng thực tế lại khác. Qua các tác phẩm hiện còn của văn học thời kỳ này, dù được viết bằng văn tự Hán (được đọc và hiểu theo âm Hán Việt), nhưng nội dung tư tưởng của chúng thể hiện rất rõ bản sắc Việt Nam, tư tưởng Việt Nam. Chúng tôi gọi Văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X là xuất phát từ ý nghĩa đó.
Khi thiết kế nội dung chương trình và khi giảng dạy phân môn này trên lớp, được chúng tôi thực hiện cụ thể như sau:
Chương 1. Phật giáo và Phật học: những vấn đề cơ bản. Chương này sẽ giới thiệu: Lịch sử du nhập và truyền thừa Phật giáo ở Việt Nam; Các hệ phái, tông phái, các dòng Thiền; Hệ thống kinh văn truyền thừa; Hệ thống tư tưởng - giáo lý cơ bản. Với sinh viên khoa Văn học thì chúng tôi trình bày có hệ thống lớp lang, nhưng với sinh viên của Học viện Phật giáo thì chúng tôi chỉ giới thiệu qua, bởi những kiến thức này họ đã được học ở các môn Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Lịch sử Phật giáo Việt Nam rồi.
Chương 2. Diện mạo văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X. Chương này sẽ giới thuyết về khái niệm „Văn học Phật giáo‟, bởi có giới thuyết khái niệm công cụ làm chỗ dựa vững chắc về lý thuyết thì mới có thể đi sâu khảo sát đối tượng nghiên cứu mà không chệch hướng. Trước đây đã lâu, trong công trình Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm[1], chúng tôi đã giới thuyết khái niệm này như sau: Văn học Phật giáo là một bộ phận văn học nằm trong cấu trúc tổng thể của văn học Việt Nam, góp phần cấu thành nền văn học Việt Nam, làm cho nền văn học này thêm đa dạng và phong phú. Về lực lượng sáng tác, tác giả của bộ phân văn học này chủ yếu là Thiền sư, bên cạnh còn có vua chúa, quý tộc, quan lại, nho sĩ có tu thiền, hoặc ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng Thiền Phật. Về đề tài, các tác phẩm hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện tư tưởng giáo lý Thiền Phật hoặc mang cảm quan thiền đạo; cũng có thể những tác phẩm đó viết về cảnh già lam, về các vị thiền sư; có khi đó là tác phẩm của các nhà nho chống lại nhà chùa, phê phán một vài sinh hoạt lộn xộn nơi cửa chùa nhưng được nhà chùa chấp nhận. Tiếp theo, chúng tôi giới thiệu thời đại lịch sử thời kỳ này. Đây là thời kỳ dân tộc ta bị phong kiến Trung Quốc cai trị với những chính sách đồng hóa và diệt chủng, dù ta bị mất nước nhưng không mất làng, mà làng (thông qua đình, miếu, chùa) là nơi gìn giữ, bào lưu và truyền phát văn hóa Viết, nên trong hơn một ngàn năm ấy, khi có cơ hội là cha ông đã nhiều lần vùng dậy chống ngoại xâm giành lại độc lập với những chiến công của anh hùng dân tộc mà sửi sách còn ghi như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng An, Phùng Hưng, Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền… Từ đó, trình bày diện mạo và diễn trình của văn học Phật giáo từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X, mà vấn đề này trước đây, chúng tôi có dịp công bố trên tạp chí Văn học số 10 - 1997 và tạp chí Hán Nôm số 4 - 1999[2], với lực lượng tác giả; số lượng tác phẩm; ngôn ngữ; hệ thống thể loại và đề tài phản ánh.
Chương 3. Đặc điểm cơ bản của văn học Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến đầu thế kỷ thứ X. Chương này, chúng tôi giới thiệu ba vấn đề: Thể hiện tư tưởng giáo lý nhà Phật; Tinh thần và dung hợp Việt hóa các hệ tư tưởng theo quan niệm tam giáo đồng nguyên; Cảm hứng Thiền Phật trong một số tác phẩm tiêu biểu.
Chương 4. Giới thiệu một số tác gia - tác phẩm tiêu biểu. Chương này đi sâu giới thiệu tác giả và tác phẩm của các tác giả tiểu biểu như: Mâu Bác với Lý hoặc luận; Khương Tăng Hội với Lục độ tập kinh; Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu với cuộc tranh luận về Phật pháp qua Sáu bức thư; Một vài tác phẩm khác như thơ của Đại Thừa Đăng; Kệ và ngữ lục của các vị thiền sư từ đầu thế kỷ thứ X trở về trước có chép trong Thiền uyển tập anh ngữ lục.
Cuối cùng là Tổng kết môn học.
Điều cần lưu ý là, nội dung môn học, tài liệu cần đọc đã được giới thiệu từ buổi học đầu tiên, nên trong từng chương, tùy theo tình hình mà trước đó chúng tôi nêu vấn đề cụ thể để sinh viên đọc, nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị bài thuyết trình ở nhà để xêmina tại lớp trước khi nghe giảng về vấn đề đó, có như thế, chúng tôi mới biết sinh viên còn thiếu cái gì, cần cái gì để chúng tôi bồi dưỡng thêm, cung cấp thêm cho có hệ thống.
3. Thứ đến là phân môn Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lý - Trần, khi thiết kế nội dung chương trình và khi giảng dạy phân môn này trên lớp, được chúng tôi thực hiện cụ thể như sau: Chương 1. Tổng quan về thời đại lịch sử - xã hội và Phật giáo thời Lý - Trần. Ở đây, chung tôi giới thuyết khái niệm “thời Lý - Trần”, khái niệm niệm không chỉ gói gọn trong hai triều đại nhà Lý và nhà Trần, mà là một khái niệm kép để chỉ một thời đại lịch sử ngót gần năm trăm năm tính từ lúc Ngô Quyền giành độc lập với chiến thắng quân Nam Hán trên dòng Bạch Đằng (938), trải qua các triều đại: Ngô (939 - 965), Đinh (968 - 980), Tiền Lê (981 - 1009), Lý (1009 - 1225), Trần (1225 - 1400), Hồ (1400 - 1407), Hậu Trần (1407-1413), trong đó hai triều đại Lý và Trần tồn tại dài lâu, làm nên nền văn hóa Thăng Long rực rỡ, một đi không trở lại trong lịch sử và văn hóa dân tộc. Tiếp theo, giới thiệu Thời đại lịch sử và Phật giáo thời Lý - Trần. Đây là thời đại mà dân tộc ta đã làm nên nhiều chiến công hiển hách: phá Tống, bình Chiêm, ba lần diệt Nguyên Mông với hào khí Đông A bất diệt. Phật giáo thời Lý - Trần là một Phật giáo nhập thế, chủ trương Phật tại tâm, cư trần lạc đạo, hòa quang đồng trần và tùy tục tùy duyên.
Chương 2. Diện mạo văn học Phật giáo thời Lý - Trần. Chương này giới thiệu về: Lực lượng sáng tác; Hệ thống thể loại; Văn tự - ngôn ngữ; Đề tài phản ánh.
Chương 3. Đặc điểm văn học Phật giáo thời Lý - Trần. Chương này chúng tôi trình bày những vấn đề sau: Quan hệ giữa Phật giáo và văn học nghệ thuật; Tư duy nghệ thuật kiểu trực cảm tâm linh; Thể hiện tư tưởng giáo lý nhà Phật; Tinh thần dung hợp và Việt hoá các hệ tư tưởng; Cảm hứng về đất nước và quan niệm về con người; Cảm hứng về thiên nhiên; Những nét đặc sắc về nghệ thuật.
Cuối cùng là Tổng kết.ũng như phân môn trước, ở đây, chúng tôi yều cầu sinh viên đọc tác phẩm: các bản dịch: Thiền uyển tập anh ngữ lục, Thánh đăng ngữ lục, Tam tổ thực lục, Khóa hư lục, Thượng sĩ ngữ lục, Thơ văn Lý - Trần (3 tập) để viết bài thuyết trình, xêmina trước lớp với một số nội dung cụ thể gắn với môn học.
4. Cuối cùng là phân môn Văn học Phật giáo Việt Nam thời Lê - Nguyễn, khi thiết kế nội dung chương trình và khi giảng dạy phân môn này trên lớp, được chúng tôi thực hiện cụ thể như sau:
Chương 1. Tổng quan văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn. Trước hết chúng tôi giới thuyết khái niệm “thời Lê - Nguyễn”. Cũng như khái niệm “thời Lý - Trần”, đây là một khái niệm kép để chỉ một giai đoạn lịch sử kéo dài hơn năm trăm năm, tính từ lúc Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa tại núi rừng Lam Sơn (1416) cho đến cuối thế kỷ XIX, trải qua các triều đại: Hậu Lê sơ (1428 - 1527), Mạc (1527 - 1592 và 1592 - 1667 ở Cao Bằng), Lê trung hưng (1533 - 1788), Tây Sơn (1789 - 1802), Nguyễn (1802 - 1945). Cần lưu ý là từ thập niên cuối thế kỷ XIX, nhất là ba mươi năm đầu thế kỷ XX, văn học Việt Nam đang trong tiến trình hiện đại hóa văn học, từ phạm trù văn học trung đại chuyển sang phạm trù văn học hiện đại. Từ đó, chúng tôi giới thiệu bối cảnh thời đại lịch sử - xã hội và nêu vấn đề phân kỳ văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn cùng giới thiệu diện mạo văn học Phật giáo thời Lê - Nguyễn. Cần lưu ý là từ nửa đầu thế kỷ XVI trở đi, chế độ phong kiến bước vào con đường suy vi rồi suy vong thảm hại không phương cứu chữa; chiến tranh nội bộ phong kiến tương tàn, hết Lê - Mạc rồi Trịnh - Nguyễn kéo dài mấy thế kỷ làm cho nhân dân lầm than. Tất cả hiện thực đó đã được phản ánh trong văn học. Phật giáo giai đoạn này có khác so với thời Lý – Trần, không còn cực thịnh như trước, tuy vậy cũng có những sắc thái và có đóng góp cho dân tộc, văn học Phật giáo cũng vậy. Về phân kỳ, có thể chia văn học Phật giáo giai đoạn này làm hai chặng đường: XV-XVII; XVIII - XIX, mà mỗi chặng đường có những tác gia tiêu biểu với những tác phẩm xuất sắc.
Chương 2. Thành tựu văn học Phật giáo thế kỷ XV - XVII. Chương này chủ yếu giới thiệu thơ văn của các tác giả nhà Nho chịu ảnh hưởng Thiền Phật, mang cảm quan Thiền Phật như Nguyễn Trãi với một số bài trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập; Lê Thánh Tông với Thập giới cô hồn quốc ngữ văn; Một vài truyện trong Thánh Tông di thảo vài bài thơ viết về cảnh già lam trong Hồng Đức quốc âm thi tập và vài bài thơ chữ Hán; Nguyễn Bỉnh Khiêm với những bài thơ vịnh, tả cảnh chùa chiền và một số thơ thể hiện cảm quan Phật giáo Bạch Vân thi tập và Bạch Vân quốc ngữ thi tập.
Chương 3. Thành tựu văn học Phật giáo thế kỷ XVIII - XIX. Cũng như chương 2, chương này chủ yếu giới thiệu thơ văn của các tác giả nhà Nho chịu ảnh hưởng Thiền Phật, mang cảm quan Thiền Phật như Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc; Nguyễn Du với những bài viết về chùa chiền, mang cảm quan Phật giáo trong Thơ chữ Hán, Đoạn trường tân thanh với tư tưởng Nghiệp, Luân hồi, giải pháp Tu tâm, Cảm quan Phật giáo trong Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn); Thơ văn các tác giả khác, như Nguyễn Công Trứ với Vịnh Phật; Nguyễn Khuyến với Ức Long Đội sơn,v.v...
Chương 4. Những tác gia - tác phẩm tiêu biểu. Chương này đi sâu giới thiệu thơ văn của các tác giả thiền sư. Cụ thể là: Minh Châu Hương Hải thiền sư với thi kệ, ngữ lục; Chân Nguyên thiền sư với thi kệ, ngữ lục và đặc biệt là diễn ca lịch sử chữ Nôm Thiền tông bản hạnh; Toàn Nhật thiền sư với thi kệ, ngữ lục và truyện thơ Nôm Hứa Sử truyện vãn; Hải Lượng Ngô Thì Nhậm cùng các đạo hữu với luận thuyết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh ; Thi kệ của các vị Tổ sư Thiền: Liễu Quán, Nguyên Thiều, v.v..
Cuối cùng là Tổng kết. Về xêmina, cũng như hai phân môn trên, chúng tôi nêu yêu cầu nội dung, tài liệu cần đọc để sinh viên chuẩn bị bài thuyết trình, xêmina trước lớp về những nội dung trên như: cảm quan Thiền trong thơ Nguyễn Trãi; trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm; trong thơ văn Nguyễn Du; hay như trình bày thiển đạo trong thơ kệ của Liễu Quán, Nguyên Thiều, Hương Hải, Chân Nguyên; hoặc trình bày nội dung tác phẩm Thiền tông bản hạnh ; giá trị Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, v.v..
5. Trên đây, xuất phát từ việc trực tiếp biên soạn nội dung chương trình cùng kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy ở trên lớp nhiều năm tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP HCM và tại Khoa Văn học & Ngôn ngữ, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG TP HCM, bước đầu chúng tôi nêu lại việc dạy và học ba phân môn của hai ngàn năm văn học Phật giáo Việt Nam với những ý cơ bản nhất trong chương trình được thiết kế. Nếu có gì bất cập, kính mong các bậc Tôn t úc, các bậc thức giả chỉ giáo thêm, nhằm để có một chương trình giảng dạy tốt hơn, góp phần bồi dưỡng tăng tài cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
PGS.TS. NGUYỄN CÔNG LÝ - CN. NGUYỄN THỊ THANH MAI
[1] Nxb ĐHQG TP HCM, in lần đầu 2002, tái bản 2004.
[2] Xin xem: Nguyễn Công Lý, “Mấy nét về văn học Việt Nam trước thế kỷ thứ X và về bài thơ chữ Hán của người Việt viết vào thế kỷ thứ VII”, Tạp chí Văn học, s ố 10-1997; và “Góp phần tỉm hiểu diện mạo văn học Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ thứ X”, Tạp chí Hán Nôm, s ố 4-1999.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét