Điều tâm niệm của người con Phật là có được niềm an vui thanh tịnh trong cuộc sống. Nhưng trong cuộc sống của mỗi người lại có quá nhiều mối lo lắng để bận tâm. Như vậy phải sống làm sao mới có được cuộc sống an lạc trong cuộc đời này?
Là một Thái tử đã trưởng thành, yên bề gia thất, trong một cuộc sống vương giả hạnh phúc và sung sướng của thế gian. Nhưng điều làm cho Thái tử Tất Đạt Đa thao thức là lý tưởng sống, là chân ý nghĩa của cuộc sống, sau khi du ngoạn ở bốn cửa thành, nhìn thấy sự sinh, lão, bệnh, tử.
Mục đích tối hậu trong cuộc hành trình cầu đạo của Thái tử là phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Trải qua những tiến trình tu tập vượt qua các chướng ngại, bằng một sự phấn đấu kiên cường, sáng suốt, bền bỉ và tuần tự đương đầu với nghịch cảnh, dưới cây bồ đề.
Ngày đạt tới quả vị Phật và hoàn toàn giác ngộ của Thái tử, là ngày khám phá ra được sự thật của tất cả những gì ở phía sau 4 bước tuần tự : sinh, lão, bệnh, tử, trong kiếp nhân sinh và phương pháp dứt trừ gốc rễ của khổ đau một cách hoàn toàn sáng tỏ, qua sự tự chiêm nghiệm và tự chứng nghiệm của chính mình, bằng tâm trí sáng suốt, thanh tịnh.
Đức Phật đã lấy cuộc đời của mình làm tâm điểm để tu tập và khai triển nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống. Quá trình tu chứng của Ngài đã nói lên con người có một kho tàng vô tận tiềm ẩn, có khả năng thẩm thấu nguyên nhân sinh diệt của các pháp, để từ đó vượt qua được tất cả thú vui, vật chất tạm bợ của cuộc đời. Do đó, Ngài mới khuyến khích con người khơi dậy niềm tin Phật tánh có sẵn trong mỗi người qua câu : “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành”.
Cuộc đời của Đức Phật là một mẫu mực tượng trưng cho mỗi người con Phật để suy niệm noi theo, ngay bây giờ: Ngài là một con người bình thường mà nhờ sự thực hành tu tập trong việc cầu đạo mà đã trở nên một bậc hoàn toàn tỉnh thức.
Kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật quả thực, là Ngài đã dựng đứng lại những gì bị quăng bỏ, bị quên lãng, trong khả năng trí giác thẩm thấu thật tánh của các pháp nhân sinh vũ trụ, sẳn có ở mỗi người.
Ngài cho thấy rằng : "Nguồn gốc đau khổ và con đường dẫn đến sự chấm dứt nó đều nằm trong tấm thân này. Bởi vì con người là chủ nhân của mọi hành vi của chính bản thân mình. Chấm dứt mọi đau khổ của sinh tử luân hồi, không thể tìm cầu được ở bên ngoài, mà hãy tự tìm lấy, tự chứng ngộ lấy từ bên trong nội tâm của chính mình”.
Đức Phật dạy: “Lấy trí tuệ là sự nghiệp”, trong quá trình vận dụng quán chiếu lại bản thân và mọi vật chung quanh, mà thấu triệt được lẽ thật của nó để ứng dụng trong đời sống hiện tại của mỗi con người.
Sự vật không tự có, không phải ngẫu nhiên mà có, cũng không do ai làm ra. Tất cả sự vật hiện có đều do nhân duyên tụ hội, thiếu duyên thì sự vật không tồn tại. Cho nên mọi sai biệt khác nhau về địa vị, hoàn cảnh giàu sang, nghèo khổ... cũng hoàn toàn do hành vi tạo tác của mỗi con người, chứ không phải do tự nhiên hay được sắp đặt theo một quy định nào.
Do đó Đức Phật cho thấy ý nghĩa của chữ Có và chữ Không như sau :
Có: Do cái này có, nên cái kia có, do cái này sanh mà cái kia sanh, do vô minh có hành, do hành có thức, do thức có danh sắc, do danh sắc có lục nhập, do lục nhập có xúc, do xúc có thọ, do thọ có ái, do ái có thủ, do thủ có hữu, do hữu có sinh, do sinh có lão tử và sầu bi khổ ưu não.
Không: Do cái này không có, nên cái kia không có, do cái này diệt, nên cái kia diệt, do vô minh diệt nên hành diệt, do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên lục nhập diệt, do lục nhập diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên tho diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sinh diệt, do sinh diệt nên lão tử và sầu bi khổ ưu não diệt”.
Cuộc đời sôi động và đầy ắp lôi kéo, mà trong đó, mỗi hình thái, mỗi hiện tượng, tự xác lập cho mình một hệ thống các nguyên lý, các định luật riêng theo trật tự hài hòa của chúng. Khi hiểu được ý nghĩa của chữ Có và chữ Không trong tinh thần của Đức Phật dạy, thì mỗi người con Phật cần phải có một phương hướng sống nhất định bằng Trí tuệ.
Trí tuệ là ngọn đèn chỉ đường. Không có nó thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống an lạc.
Đường tu Phật vốn nhiều thử thách, nằm trong khoảng cách giữa điểm xuất phát và điểm đến nơi. Người con Phật phải luôn tìm cách vượt qua. Thành công hay không là do chính bản thân của mình.
Chính vì lòng từ bi vô lượng đối với chúng sanh mà Đức Phật không dấu diếm điều gì trong sự kinh nghiệm tu tập của mình,để đạt được sự hoàn toàn tỉnh thức. Ngài luôn nhắc nhở : Sống phải tận dụng thời giờ để tu học, để thực hiện những gì thật ý nghĩa cho Đạo như ý của mình muốn.
Việc tu học nhờ ở khả năng nội tại là chính yếu, sau đó mới nương tựa vào những trợ duyên bên ngoài. Cũng như, trước khi muốn cứu người sắp chết chìm đang ở giữa dòng nước, thì chính mình cũng phải biết bơi trước đã.
Một con đường ngắn nhất đưa con người về đến cuộc sống an lạc hiện thực, là con đường lần đầu tiên mà Đức Phật nói ra sau khi Ngài thành Đạo tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như.
Cuộc sống an lạc của người con Phật là thành quả rực rỡ của một cuộc sống có niềm tin Chánh Đạo của mình trên bước đường tu tập.
Bát chánh đạo là con đường của tám nguyên tắc hành động chân chính. Tám nguyên tắc hành động ấy có liên hệ nhân quả rất mật thiết với nhau như sau :
Chính kiến, tiếng pali viết là Sammàditthi: Hiểu biết đúng đắng.
Chính tư duy, tiếng pali viết là Sammàsankappo: Suy nghĩ chân chính.
Chính nghiệp, tiếng pali viết là Sammàkammanto: Hành động chân chính không làm viêc giả dối.
Chính ngữ, tiếng pali viết là Sammàvàcà: Lời nói chân chính trung thực.
Chính mệnh, tiếng pali viết là Sama àjìvo: Sống chân chính, không tham lam, vụ lợi xa rời nhân nghĩa.
Chính tinh tiến, tiếng pali viết là Samàvàyamo: Cố gắng nổ lực chân chính.
Chính niệm, tiếng pali viết là Sammàsati: Suy niệm chân chính.
Chính định, tiếng pali viết là Sammàsamàdhi: Kiên định tập trung tâm tư vào con đường chân chính không để bất cứ điều gì lai chuyển làm thoái chí, phân tâm.
Chính kiến, chính tư duy thuộc về trí tuệ | Chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh thuộc về giới luật | Chính tinh tiến, chính niệm, chính định thuộc về định.
Người đang đi tìm đạo hay đang tu Phật, theo lộ trình này trên 8 chi phần dần dần sẽ nhìn thấy toàn bộ thực tại đúng như tự thân của chính nó, mà không bị bất cứ một cái gì đánh lừa. Trên tinh thần đó, không gì hơn là phải bắt tay vào việc, tu học và thực hành đúng pháp, thì chúng ta sẽ trở thành một người giác ngộ như Ngài.
Suy ngẫm từ con đường mà Đức Phật nói sau khi thành Đạo
Cuộc sống của con người không bao giờ có cái gì là tuyệt đối. Nhưng cái thói quen không bỏ được của con người là hay than thở hoặc băn khoăn về khả năng của chính mình, khi đang gặp rắc rối.
Cuộc sống mang đến cho con người tất cả những gì nó muốn, chứ không phải những gì mà con người muốn. Do đó, mọi cảm xúc và cách cư xử của con người thường là phản ứng với cảm xúc, cũng đều bắt đầu từ cách suy nghĩ, nhận thức về những gì đang xảy ra ở thế giới xung quanh mà họ đang sống. Từ đó, con người lấy kinh nghiệm sống, để tham chiếu so sánh giữa đúng và sai mà hành động.
Vì vậy trong bản chất của con người, tư duy được xem như là một năng lượng quan trọng bậc nhất có sức mạnh tổng hợp mang tính sáng tạo để giúp cho con người vừa có tinh thần làm chủ, vừa có năng lực làm chủ. Đó là phẩm chất, đồng thời cũng là năng lực cần phát huy để xây dựng ý nghĩa cuộc sống của riêng mình theo cách suy nghĩ của chính mình.
Đường tu Phật vốn nhiều thử thách, nằm trong khoảng cách giữa điểm xuất phát và điểm đến nơi. Người con Phật phải luôn tìm cách vượt qua. Thành công hay không là do chính bản thân của mình.
Không phải thế giới xung quanh bên ngoài hoàn toàn quyết định điều kiện và hoàn cảnh sống cho con người, mà chính con người phải tự nổ lực, tích cực tìm hiểu, học hỏi, và chủ động vươn lên, cải tiến và phát triển không ngừng cái thế giới nội tâm của chính mình, thì mới có thể tạo ra những điều kiện cho những mầm mống mới nảy sinh để thay đổi hoàn cảnh cuộc đời.
Tất cả mọi sự vật, sự việc... đang vận động xung quanh con người luôn biến đổi. Ví dụ: Vui thì phải có buồn, có hạnh phúc bất tận thì có những bất hạnh đau thương chất ngất, hay ngoài những cái xấu ra, thì còn những cái tốt… Những chuỗi hiện tượng nguyên nhân này xảy ra trong chu trình biến chuyển không ngừng, theo chiều thuận hay nghịch của nó sẽ đưa con người, sự việc đến với nhau cũng vì chữ “duyên”.
Do đó cũng đừng tự trách mình hay oán người, mà hãy tự, nhìn mình,nhìn việc và nhìn người theo chữ “duyên”, bằng sự hiểu biết và trí tuệ của chính mình trong từng giai đoạn, nên cần có thời gian suy nghĩ để biết mình là ai, cần gì và đang muốn gì.
Tự nhận thức bản thân là biết đánh giá lại chính bản thân mình. Khả năng này vốn đã sẳn có trong con người. Nhưng trong thực tế, có bao nhiêu người biết nhìn nhận lại bản thân mình trong cuộc sống.
Trừ khi, con người bắt đầu biết tự nhận thức bản thân, là khi con người bắt đầu biết tự đặt cho mình những câu hỏi bằng những cụm từ : Ai? Cái gì? Như thế nào? Ở đâu? Khi nào? Tại sao?... từ đó giúp mình hiểu mình hơn, và nhận biết điểm mạnh điểm yếu cũng như phát triển tiềm năng cá nhân của mình để xử lý những tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Trong thực tế đời sống của con người là sự vay mượn nhau, nương vào nhau để trở thành, để tồn tại rồi hủy diệt. Đây là một chu kỳ sinh diệt của thân. Từ sự vận hành của Trời, Đất, mà Thân được tạo thành những dạng khác nhau.
Vì thế, cho nên, trong cuộc sống không có người nào giống người nào, mỗi người, mỗi ý, mọi người đều có đời sống riêng biệt và cuộc sống về tương lai khác nhau, theo những nấc thang tiến hóa của xã hội, không bao giờ chấm dứt.
Đây cũng chính là những yếu tố cơ bản cho con người hình thành trong quá trình sống và lớn lên để nắm bắt tri thức là chân lý, để có thể tự quyết định con đường vào đời cho mình bằng nhiều hướng đi,mà đôi lúc phải đối đầu với những khó khăn, thử thách, trong cuộc đời tương đối và bất toàn này.
Biết tin tưởng vào bản thân, là một trong những thứ cần phải có. Để tự tin vững bước trên con đường vào cuộc sống. Hành trang quý giá nhất của người con Phật chính là Trí tuệ.
TS Huệ Dân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét