Đức Phật giảng giải rõ ràng xong Ngài chế giới cấm các tỳ kheo thi triển thần thông. Chiếc bát trầm được đem đập ra làm thuốc trị mắt. Đức Phật còn chế thêm giới cấm các tỳ kheo dùng bát gỗ.
Kết thúc mùa an cư thứ sáu, Đức Phật lên đường đi Rajagaha (thành Vương Xá, thủ đô nước Magadha (Ma Kiệt Đà)), ngụ tại chùa Veluvana (Trúc Lâm). Ở Vương Xá, có một người theo chủ nghĩa vô thần rất giàu có muốn ra sông Hằng để tiêu khiển. Ông ta dựng một cái chòi lớn, bao quanh kỹ càng bằng lưới để đề phòng nguy hiểm và châu báu khỏi bị cuốn trôi. Một ngày nọ, từ thượng nguồn sông Hằng trôi dạt về một cây gỗ trầm. Dòng sông cuốn trôi cát, làm nó trốc gốc và cuốn phăng theo dòng nước. Do va chạm mạnh vào các tảng đá, thân cây vỡ thành nhiều miếng, chỉ còn trơ lại lõi cây màu đỏ với bề mặt bóng lạng. Nó mắc vào lưới của ông nhà giàu nọ và bị dính đầy bèo. Những người hầu nhặt mang về đưa cho ông. Ông ta sai người bào, nó phát ra mùi thơm. Ông lưỡng lự: “Nhà ta đã có rất nhiều loại gỗ trầm, ta nên làm gì với lõi trầm này đây!”, rồi suy nghĩ tiếp “ Ngày nay rất nhiều người tự xưng mình là A la hán. Không biết ai mới là A la hán thật. Ta đem lõi cây này tiện thành cái bát. Bột từ lõi cây ta giữ để dùng còn chiếc bát ta sẽ cúng dường. Ta đem nó treo trên cây sào cao sáu mươi cubits (khoảng 27.5m), ai có thể bay lên lấy được chiếc bát, nó thuộc về người ấy. Ta và gia đình của ta sẽ bái vị A la hán đó làm thầy”.
Nghĩ thế, ông treo chiếc bát lên và cho thông báo khắp nơi. Giáo chủ sáu phái ngoại đạo đều tự xưng là A la hán. Trong năm ngày liên tục, năm giáo chủ của năm phái lần lượt đến gặp người giàu có đó, nói rằng “Này phú hộ! Tôi là A la hán, có thần thông, hãy trao bát đó cho tôi.” Ông ta chỉ trả lời một câu giống nhau rằng “Thưa ngài, tôi đã cúng chiếc bát đó cho vị A la hán nào có thần thông. Nếu ngài là A la hán thật thì hãy bay lên lấy chiếc bát với thần thông của ngài”. Ai nấy đều lần lượt thất vọng ra về tay không. Ngày thứ sáu, Nigantha (Ni Kiền Tử, còn gọi là Mahavira (Đại Hùng)), giáo chủ đạo Jain, sai đệ tử đến nói với người đó rằng “Chiếc bát này chỉ xứng với thầy của chúng tôi, đừng để thầy chúng tôi phải bay trên không trung đến đây vì một chiếc bát gỗ không đáng gì, hãy cúng chiếc bát cho thầy tôi”. Ông ta không cúng và trả lời như trên. Nigantha quyết định thân chinh đến chỗ treo bát, trước khi đi, ông ta dặn dò các đệ tử: “Ta sẽ giả đò nhấc chân tay lên giống như ta chuẩn bị bay lên trời, khi đó các con đến và nói ‘Ồ thưa thầy, xin thầy đừng biểu lộ diệu lực của một A la hán chỉ vì một chiếc bát gỗ’ rồi kéo ta ngã xuống đất”. Đến nơi, ông nói với người đàn ông giàu có: “Chiếc bát này không xứng với ai khác ngoài tôi. Tại sao ông lại muốn ta phải bay lên không trung vì một chiếc bát gỗ tầm thường. Hãy cúng nó cho tôi”. Ông ta vẫn cứ đáp “Ngài chỉ việc bay lên lấy nó xuống”. Nigantha nói “Đã vậy thì ta bay lên vậy!”, rồi quay qua bảo các đệ tử tránh ra một bên và nhấc chân tay lên chuẩn bị bay. Các đệ tử làm như đã được dặn, kéo ông ta ngã xuống đất. Nằm trên đất, Nigantha nói: “Ông thấy đó, các đệ tử không cho ta bay, ta khuyên ông hãy cúng chiếc bát đó cho tôi”. Người đàn ông vẫn bình tĩnh đáp “Xin hãy bay lên mà lấy.”
Như thế, tất cả sáu người đều tay không ra về. Qua ngày thứ bảy, Ngài Moggallana (Mục Kiền Liên) và Pindola vào thành Vương Xá để khất thực, nghe người ta khao nhau về chuyện cái bát rằng “Đã bảy ngày rồi kể từ khi ông phú hộ treo bát và ra thông báo, không ai có thể bay lên không trung để lấy bát. Bây giờ ta mới biết thế giới này không có A la hán”. Ngài Moggallana nói với ngài Pindola rằng “Thầy có nghe người ta đồn đãi không, lời đồn như thế cũng ảnh hưởng đến thanh danh của Phật giáo. Thầy có thần thông, hãy bay lên không trung lấy bát về”. Ngài Pindola đáp: “Thầy được Đức Phật khen là thần thông đệ nhứt trong hàng đệ tử của Ngài, thầy hãy làm đi. Nếu thầy không làm thì tôi làm”. Ngài Moggallana giao việc cho ngài Pindola. Ngài Pindola bay lên không trung, đứng trên tảng đá bay lượn vòng quanh thành phố Vương Xá như tấm lụa mềm. Người dân sợ đá hơi trúng mình bỏ chạy tán loạn. Bay được bảy vòng, ngài Pindola hiện ra cho mọi người thấy rồi dùng ngón chân hất tảng đá trả về vị trí cũ. Ông phú hộ thấy ngài Pindola đứng trên trời ngay chỗ của mình, lạy mẹp sát đất mời ngài Pindola hạ xuống, vào nhà. Ông sai người lấy chiếc bát xuống, bỏ đầy thức ăn rồi dâng cúng cho ngài Pindola một cách thành kính. Những người không có cơ hội chứng kiến cuộc thi triển thần thông yêu cầu ngài Pindola ‘biểu diễn’ lại cho họ xem, họ kéo nhau theo hai ngài về tận chùa Trúc Lâm. Tiếng ồn ào của đám đông làm kinh động đến Phật, Ngài hỏi ngài Anan, ngài Anan thưa Phật về chuyện thi triển thần thông lấy bát. Nghe xong, Đức Phật cho triệu tập Tăng chúng, hỏi ngài Pindola rằng có đúng là ngài đã dùng thần thông bay lên không để lấy bát. Ngài Pindola đáp đúng. Rồi Đức Phật giảng giải rõ ràng xong Ngài chế giới cấm các tỳ kheo thi triển thần thông. Chiếc bát trầm được đem đập ra làm thuốc trị mắt. Đức Phật còn chế thêm giới cấm các tỳ kheo dùng bát gỗ.
Thông Tiên trích dịch từ The Great Chronicle of Buddhas (Đại Phật sử), Vol.III
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét