- Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Theo sự đánh giá xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, thì mỗi năm đều có một quốc gia được xem là hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng liệu ở đó có thật sự hạnh phúc nhất không. 


Người sống ở các quốc gia khác không có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện như thế thì họ không thể hạnh phúc hơn sao? Người ta chỉ thấy những hạnh phúc gắn liền với các điều kiện mà không thấy được những hạnh phúc khác, thâm sâu hơn. Vậy thì ở đâu mới thật sự là hạnh phúc nhất?
Sống ở đời, chúng ta luôn đi tìm cho mình một miền đất hứa, một nơi chốn hạnh phúc, một bến bờ an lạc. Nhưng ta không biết hạnh phúc thật sự là gì và nằm ở đâu. Cho nên ta thường phân vân khi chọn một nơi chốn, không biết ở đó có hạnh phúc không, có được như những gì mình nghĩ hay là tồi tệ hơn. Ta hăm hở bước đến nếu trong đầu tơ tưởng ở đó với bao điều hạnh phúc, hoặc chùn bước lại vì nghĩ rằng ở đấy không như mình mong muốn. Bao năm rồi ta cứ loay hoay đi tìm cho mình một phương trời hạnh phúc như thế, nhưng chẳng có nơi nào đáp ứng cho ta một hạnh phúc viên mãn. Bởi lẽ hạnh phúc đích thực thì không có nơi chốn, cũng chẳng có bến bờ. Nếu có một nơi thì nơi ấy là nơi ta đang thở đây!
Hạnh phúc đích thực thì ở ngay tại đây và bây giờ, trước mắt mình, nơi hơi thở vào ra. Khi ta thở những hơi thở có chánh niệm và hạnh phúc rồi thì ta chẳng cần bận tâm về việc mình phải ở chỗ nào, sống ở đâu hay làm gì nữa. Việc sống ở đâu, chỗ nào hay làm gì giờ là nhẹ nhàng theo duyên, duyên ở đâu thì mình sống ở đấy, duyên với cái gì thì làm cái đó, không trốn chạy, không đeo đuổi, không cưỡng cầu. Cho nên, việc ở đâu, làm gì không còn là quan trọng nữa khi bạn đang có những hơi thở hạnh phúc!
Ta luôn có tâm lý đứng núi này trông núi nọ, ở đây mà lòng cứ trông ngóng về một nơi khác, nghĩ rằng ở đó sẽ có nhiều hạnh phúc hơn, nhất là khi nơi ta đang ở phát sinh những khó khăn, những điều ngoài ý muốn, ta lại càng hướng lòng mình về nơi khác nhiều hơn, nghĩ ở nơi khác ấy sẽ hạnh phúc hơn nhiều, ta muốn thoát ly khỏi cuộc sống hiện tại nơi mình đang sống. Thật ra, tâm lý ấy không giúp ta có cuộc sống tốt hơn, mà khiến ta rất bất an trong hiện tại. Bởi nói theo Jon Kabat-Zinn, nơi nào khác ấy cũng chính là bây giờ và ở đây đấy thôi. Ta nghĩ ở nơi khác ấy là hạnh phúc, thì ta cũng có thể làm cho mình hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ cơ mà. Cho nên Đức Phật dạy rằng, ở đâu phát sanh khó khăn thì nên giải quyết ở nơi đó, không nên tìm đến một nơi khác để trốn chạy những khó khăn. Ngài khuyên ta phải biết thiết lập an lạc ngay nơi những khó khăn, bởi nếu ngay bây giờ và ở đây, ta không có an lạc và hạnh phúc thì không mong chờ ở một nơi khác, thời gian khác sẽ có an lạc và hạnh phúc, vì ở đâu, lúc nào cũng có những khó khăn nhất định của nó.
Ở trong điều kiện tốt đẹp, có nhiều thuận duyên thì ta dễ dàng cảm nhận hạnh phúc. Nhưng ở vào hoàn cảnh khó khăn thì sao? Làm sao ta có thể hạnh phúc khi đang khó khăn? Một là phải biết chấp nhận. Chấp nhận là một sức mạnh, một năng lượng đủ sức dung chứa mọi trải nghiệm khó khăn của đời sống, ôm tất cả vào lòng, dẫu là khó chịu nhất. Nếu không biết chấp nhận những trải nghiệm ấy, ta sẽ trở nên bất mãn, oán thán và càng chìm sâu vào khổ đau. Chừng nào biết chấp nhận mọi trải nghiệm, xem chúng như những gì thiết thân với mình, chừng đó tâm lý bất mãn, phản kháng, sầu muộn, thất vọng mới được loại trừ. Chính sự chấp nhận ấy cho ta tâm thái nhẹ nhàng, thanh thản hơn để mà sống, để vẫn tin yêu cuộc đời này. Và ở một mức độ thâm sâu hơn, chính sự chấp nhận ấy giúp ta thăng hoa vượt lên trên mọi cảm giác hài lòng và bất mãn thường tình, chứng đạt trạng thái xả tâm như nhiên, tự tại nhiệm mầu.
Hai là biết đủ. Cái thiếu đưa đến cái khổ, cho nên biết đủ thì hết khổ. Biết đủ là biết bằng lòng với những gì mình đang có. Ta khổ là vì ta luôn luôn có cảm giác thiếu thốn đủ thứ, cho nên ta cũng mong muốn đủ thứ, có rồi muốn có thêm, đẹp rồi muốn đẹp nữa, tốt rồi muốn tốt hơn. Ta luôn đi tìm những điều kiện tốt nhất, đẹp nhất và thật hoàn hảo nhất. Nhưng khổ nỗi, cuộc đời không bao giờ đáp ứng được lòng mong mỏi ấy của ta. Ta khổ là vì vậy. Cho nên, biết đủ với những điều kiện của mình đang có sẽ giúp mình có cảm nhận cuộc sống thư thái, an nhàn và thanh thản hơn.
Nếu ta không nhận ra hạnh phúc có mặt trong hiện tại, hài lòng với hiện tại, ta chạy theo sự vẽ vời tham lam của tâm trí, thì ta mãi trôi lăn trong vòng lẩn quẩn thỏa mãn rồi lại bất mãn, ao ước rồi lại thất vọng, thất vọng rồi lại càng ao ước. Không có thì muốn có để thỏa mãn, thỏa mãn rồi lại thấy chán ngán, lại bất mãn. Cái vòng lẩn quẩn ấy của tâm trí khiến ta không có được giây phút hạnh phúc thật sự. Sự tham lam của tâm trí đẩy ta vào vòng xoáy của cảm xúc, biến ta thành trò chơi của xúc cảm. Mà “kẻ nào tự biến mình thành một món đồ chơi của xúc cảm sẽ gặt hái những hậu quả đau buồn”. Đấy là lời cảnh báo của Đức Đạt-lai Lạt-ma.
Ta đeo đuổi những thứ mà mình cho là hạnh phúc nhưng khiến ta mệt mỏi, bất an, căng thẳng thì đấy không phải là hạnh phúc thực sự. Mà hạnh phúc đích thực thì lạ lắm, hễ ta đeo đuổi thì nó biến mất, nó lặn tăm, chỉ khi ta dừng lại, không chạy đuổi nữa, nó mới xuất hiện. Vì hạnh phúc không nằm ở quá khứ, tương lai hay ở nơi nào đó để ta đeo đuổi, truy tìm. Hạnh phúc chân thực nằm ngay ở hiện tại, nơi ta đang sống, đang thở đây. Đeo đuổi hạnh phúc ở tương lai chỉ khiến ta trở thành một kẻ bất hạnh trong hiện tại. Chỉ cần ta móng khởi ý niệm đeo đuổi, mong cầu, thì hạnh phúc ở hiện tại sẽ bay xa.
Người ta thường nói hạnh phúc là con đường, là hành trình mà không phải là nơi đến hay đích đến. Vậy thì có con đường nào bạn đang đi, có hành trình nào bạn đang tới mà bạn không đang thở. Dù bạn đi con đường nào, hành trình ra làm sao, chỉ cần bạn thở hơi thở với nụ cười đầy tỉnh thức chánh niệm trên môi thì hạnh phúc đong đầy trên lối đi, nơi từng bước chân bạn đi tới. Thật đơn giản nhưng cũng thật mầu nhiệm. Thì ra sự mầu nhiệm thường đến từ những điều đơn giản nhất, bình dị nhất, chân chất nhất, như hơi thở vào ra.
Người ta cũng thường nói muốn có hạnh phúc thì phải đánh đổi. Nhưng hạnh phúc thật sự thì không cần phải đánh đổi gì cả, nếu hạnh phúc mà phải đánh đổi thì đó không thực sự là hạnh phúc. Đánh đổi nghĩa là bạn phải hy sinh, chịu đựng cảm giác khó chịu, khổ sở này để đổi lấy một cảm giác thỏa mãn, sung sướng khác. Đó chỉ là một sự đánh đổi cảm giác. Hạnh phúc mà đánh đổi như vậy thật sự mà nói là một bất hạnh chứ không phải hạnh phúc.
Hạnh phúc luôn đong đầy trong cõi thế, có điều là ta có tiếp xúc được với nó hay không mà thôi. Chỉ cần một cái nhìn đúng đắn, một cái thấy tích cực thì tự nhiên hạnh phúc hiện ra. Nhìn ly nước còn đầy một nửa thì niềm vui hiển hiện. Thấy ly nước vơi đi một nửa thì nỗi buồn tức khắc có mặt. Vậy thì tùy vào cách nhìn của mình mà hạnh phúc hiển bày hay biến mất. Bạn khóc sau một cuộc vui tàn hay bạn cười vì cuộc vui đã diễn ra, thì đó là do cái nhìn của bạn, cách tiếp cận khía cạnh tích cực hay tiêu cực của vấn đề. Nhìn vào khía cạnh tích cực, tốt đẹp của mọi sự việc để có niềm vui, hạnh phúc, tôi nghĩ đó cũng là một phần của ý nghĩa chánh kiến trong đạo Phật.
Chúng ta luôn có xu hướng nhìn ra bên ngoài nên đánh mất dần đi khả năng nhìn vào bên trong, từ đó ta đánh mất luôn con người bình an thật sự của mình. Như Anais Nin nói: “Chúng ta xem cách sống hướng ngoại mới là chuẩn mực. Chúng ta kìm hãm hành trình khám phá trọng tâm bên trong mỗi con người. Thế nên, ta tự đánh mất trọng tâm của chính mình và phải cất công tìm lại nó”. Trọng tâm ấy, theo tôi, là sự bình an nội tại. Chỉ cần bạn an trú ở đấy thì dù cuộc đời bên ngoài có xô đẩy thế nào, bạn cũng giữ được trọng tâm của mình.
Nhìn ra bên ngoài ta thấy mọi thứ chẳng đáp ứng được lòng mong mỏi của mình, chẳng ai hay thứ gì có thể làm mãn nguyện, hài lòng mình mãi. Nhưng khi nhìn vào bên trong, ta thấy mọi thứ đã đủ đầy, sự mãn nguyện, hài lòng đã sẵn có ở đó từ bao giờ, mãi mãi và chẳng bao giờ cạn vơi. Vậy nên, “Nhìn lại mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được”. Quả thật, ta chỉ có thể đạt tới sự an ổn, bình lặng, tự tại và giải thoát khi biết nhìn lại mình, vì ngoài chính nội tâm ta ra, không đâu có thể mang tới sự bình an đích thực cho ta được. Hạnh phúc vốn nằm ở lòng mình, nơi hơi thở vào ra. Bất luận bạn ở đâu hay làm gì, chỉ cần hơi thở với đầy đủ sự tỉnh thức thì bạn có thể kết nối ngay với hạnh phúc.
Vậy đó, nơi hạnh phúc nhất là nơi bạn đang thở!
Hoàng Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner