Thật vậy, khi Phật thuyết pháp ở thành Xá Vệ có cư sĩ thưa với Phật rằng chúng con thấy quý thầy xuất gia theo Phật được giải thoát, chúng con ao ước cũng được đi khất thực và được giải thoát giống như quý thầy, nhưng vì gia nghiệp ràng buộc, nên chúng con chưa thể làm được như vậy. Xin Phật chỉ dạy cho người tại gia chúng con cách sống giải thoát như người xuất gia. Vì vậy, Đức Phật đã chế ra Bát quan trai giới cho hàng cư sĩ tại gia tu tập.
HT.Thích Trí Quảng trong một lần đến thăm đạo tràng tu học chùa Tường Vân
Thực tế cho thấy các thầy xuất gia không có gia đình, không tài sản, không địa vị, không danh vọng…, cả đời mọi thứ đều không có, nên các thầy cả đời an lạc. Vì vậy, quý vị đến chùa tập một ngày tu không tài sản, không vợ chồng, không con cái, không tính toán hơn thua… là quý vị đã sống hoàn toàn giống như người xuất gia.
Đi tu, ban đầu tập buông bỏ một ngày, sau tập buông bỏ một tuần gọi là tu Phật thất sẽ thấy sự nghiệp của mình cũng không bị sút giảm, mới thấy cuộc sống chính yếu do phước đức quyết định. Thật vậy, có người đầu tắt mặt tối cả đời để mong giàu có nhưng thiếu trước hụt sau vẫn đeo bám họ; trong khi có người không quan tâm đến tài sản mà tài sản vẫn dư thừa và cuộc sống họ cũng luôn an lạc. Điển hình là trưởng giả Cấp Cô Độc nổi tiếng là người hạnh phúc nhất trong những người giàu có thời Đức Phật tại thế. Lịch sử ghi rằng ông này dám lấy vàng đổi đất để làm tịnh xá cúng dường Phật, nhưng càng ngày ông càng giàu thêm.
Thật vậy, Cấp Cô Độc làm việc phước thì phước phải tăng, nên ông lấy vàng cúng dường Phật thì vàng trong kho không cạn mà đầy thêm. Thuở nhỏ nghe vậy, có chút đầu óc khoa học, tôi cảm thấy việc này mê tín, khó chấp nhận, tôi mới tìm cách lý giải tại sao có hiện tượng này. Thiết nghĩ những gì Phật dạy, chúng ta nghe, phải suy nghĩ và áp dụng đúng có kết quả liền.
Phật dạy rằng mọi việc do phước đức quyết định, vì mình có phước và có đức thì của cải tự tới với mình; nói thực tế là mình có người bạn giỏi và tốt hợp tác giúp mình làm ra của cải. Người xưa thường nói giàu nhờ bạn là nghĩa này. Nhưng nếu hết phước sẽ gặp bạn lừa đảo làm mình tiêu tan sự nghiệp, hoặc bị thiên tai, bị Nhà nước tịch thu, bị giặc cướp, cho đến bị con cái hư hỏng làm tan gia bại sản.
Vì vậy, Phật tử nghe Phật dạy, hiểu theo Phật và thực hành theo Phật, cuộc sống chắc chắn an lạc và cuối cùng thành tựu quả vị Phật.
Còn nhìn đời bằng đôi mắt tham vọng thì khổ sẽ chồng chất thêm khổ, vì mình cứ nghĩ lấy của thiên hạ, nhưng chưa lấy được mà họ đã lấy của mình dẫn đến phá sản. Tôi thấy nhiều người tính toán đủ cách, nghĩ rằng chắc chắn họ hốt bạc, nhưng cuộc đời họ cứ nghèo khổ.
Theo Phật, ta phải làm phước mới có phước, tu đức mới có đức. Tu đức như Phật không cần người kính trọng mà cả nhân loại đều quý kính Ngài. Tu phước như trưởng giả Cấp Cô Độc thì phước tự tới. Ông giàu có nhờ bạn bè chẳng những không bòn rút của ông mà họ còn hết lòng hợp tác, giúp cho cơ nghiệp của ông tăng trưởng mãi.
Điều quan trọng đối với Phật tử là phải suy nghĩ việc mình làm. Tôi tụng kinh Pháp hoa, Hòa thượng Huê Nghiêm bảo Tổ Thiên Thai dạy chỉ tụng quyển thứ 7 của kinh này là đủ. Tại sao Tổ bảo như vậy, phải có điều gì ẩn chứa bên trong cần suy nghĩ chứ.
Tôi nhận ra quyển 7 kinh Pháp hoa, có những phẩm quan trọng ứng vào cuộc sống của chúng ta là hạnh nguyện của chư Bồ-tát: Diệu Âm, Dược Vương, Diệu Trang Nghiêm, Phổ Môn và Phổ Hiền. Vì vậy, chúng ta tụng những phẩm này cần suy nghĩ và áp dụng theo sẽ nhận được kết quả tốt đẹp.
Tôi suy nghĩ tụng phẩm Diệu Âm Bồ-tát thì học được gì ở Ngài. Kinh nói rằng Diệu Âm chưa xuất hiện ở Kỳ Xà Quật đã có 84.000 hoa sen xuất hiện rồi. Trên bước đường tu, điều này rất quan trọng, phải học hạnh này trước, nghĩa là tới bất cứ đâu, người ta đã nghĩ tốt về mình thì mới tới, không phải chỗ nào cũng tới.
Người nghĩ tốt về Bồ-tát Diệu Âm, đứng đầu là Phật Thích Ca. Từ bạch hào tướng là tướng trí tuệ, Phật phóng quang đến phương Đông chiếu thẳng vào Diệu Âm và kế tiếp Ngài phóng luồng hào quang từ vô kiến đảnh tướng tiêu biểu cho đức hạnh cũng chiếu thẳng vô Diệu Âm, tức Phật Thích Ca với trí tuệ viên mãn thể hiện tâm kính trọng Diệu Âm thực sự.
Tiếp nhận hai ánh quang này, Bồ-tát Diệu Âm nói rất dễ thương rằng Ngài nhất định phải qua Ta-bà vì Phật Thích Ca mời thỉnh. Hiểu ý này, khi mình thỉnh vị nào tới pháp hội cũng phải thỉnh bằng tấm lòng và sự hiểu biết của mình, không phải thỉnh lấy lệ.
Diệu Âm được Phật Thích Ca thỉnh, nên chúng hội đạo tràng nghĩ vị Bồ-tát này rất quan trọng khiến lòng họ đã nở hoa sen. Điều này ngụ ý rằng hành giả phải tới như hoa sen tức là phải có lợi ích và trong sạch. Và tới rồi, xong việc, Diệu Âm trở về Tịnh độ liền, không ăn uống, không ở lại dù có giao cho tịnh xá, đó là hạnh của Bồ-tát.
Tôi đọc phẩm này, suy nghĩ về hạnh của Bồ-tát Diệu Âm và quyết tâm làm theo Ngài. Tóm lại, trên bước đường tu, học hạnh Bồ-tát và suy nghĩ, thể nghiệm trong cuộc sống, lần lần tầm hiểu biết của mình mở rộng soi sáng cho việc làm được tốt đẹp lợi lạc cho đạo pháp và dân tộc.
HT.Thích Trí Quảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét