Nói Lời Lợi Ích - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Nói Lời Lợi Ích

Kinh Pháp Cú, kệ số 100, ghi lời Phật khuyên nhắc người xuất gia về ý nghĩa lợi ích của lời nói: Dầu nói ngàn ngàn lời, Nhưng không gì lợi ích, Tốt hơn một câu nghĩa, Nghe xong, được tịnh lạc.

Lời Phật là bài học lớn về lời nói dành cho hàng xuất gia. Người xuất gia không cần phải nói nhiều nhưng cần phải nói lời lợi ích, phải nói những điều đưa đến tịnh lạc. Tịnh lạc cho mình và cho người khác. Tịnh lạc là sự vắng mặt tham, sân, si, vắng mặt các yếu tố gây phiền não khổ đau. Mục đích tu học của người xuất gia là nhằm diệt trừ tham, sân, si - gốc rễ của mọi phiền não khổ đau - và hỗ trợ người khác khắc phục tham, sân, si.
Để thực hiện điều đó thì người xuất gia cần phải có chánh kiến (sammà-ditthi) và chánh tinh tấn (sammà-viriya), nghĩa là người xuất gia cần phải xem xét cân nhắc cho thật kỹ mọi ý nghĩ, lời nói hay việc làm của mình sao cho một mặt, không để cho tham, sân, si có cơ hội sinh khởi và tăng trưởng; mặt khác, khiến cho tham, sân, si đi đến giảm thiểu và tiêu trừ. Làm được như thế thì mọi nỗ lực của người xuất gia mới có lợi ích, mới đưa đến tịnh lạc. Tịnh lạc không chỉ cho mình, mà còn cho người khác nữa.
Nhưng lời nói gì khiến tham, sân, si không có điều kiện dấy khởi và tăng trưởng, khiến cho cuộc sống được tịnh lạc? Theo lời Phật thì đó là không nói những điều phù phiếm vô ích, xuất phát từ tâm tư thất niệm vọng động, khiến cho các bất thiện pháp như dục tâm, sân tâm, hại tâm có cơ hội sinh khởi và tăng trưởng; chỉ tập trung nói những điều chính đáng lợi ích, xuất phát từ chánh niệm, có khả năng loại trừ tâm tham dục, tâm sân hận, tâm não hại; khuyến khích tâm vô tham, tâm vô sân, tâm bất hại. Kinh Tăng Chi Bộ thuật câu chuyện Phật khuyên nhắc người xuất gia nên chú tâm nói những gì và không nói những gì:

“Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, rất nhiều Tỷ-kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại hội trường. Các vị này đang chú tâm trong nhiều câu chuyện phù phiếm sai khác sau đây: Câu chuyện về vua, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về quân đội, câu chuyện về sợ hãi, câu chuyện về chiến trận, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về đồ nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng, câu chuyện về thị trấn, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về ma quỷ, các câu chuyện sai khác về thế giới, về biển lớn, các câu chuyện về hữu và phi hữu.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền định đứng dậy, đi đến hội trường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi xuống, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, các Thầy nay ngồi hội họp ở đây nói chuyện về vấn đề gì? Câu chuyện gì đang được bàn đến giữa các Thầy?
- Bạch Thế Tôn, ở đây, chúng con sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi hội họp tại hội trường, và chúng con đang chú tâm trong nhiều câu chuyện phù phiếm sai khác sau đây: Câu chuyện về vua, câu chuyện về ăn trộm... các câu chuyện về hữu và phi hữu.
- Này các Tỷ-kheo, thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại có thể sống chú tâm trong nhiều câu chuyện phù phiếm sai khác, như câu chuyện về vua, câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần, câu chuyện về quân đội, câu chuyện về sợ hãi, câu chuyện về chiến trận, câu chuyện về đồ ăn, câu chuyện về đồ uống, câu chuyện về vải mặc, câu chuyện về đồ nằm, câu chuyện về vòng hoa, câu chuyện về hương liệu, câu chuyện về bà con, câu chuyện về xe cộ, câu chuyện về làng, câu chuyện về thị trấn, câu chuyện về thành phố, câu chuyện về quốc độ, câu chuyện về đàn bà, câu chuyện về anh hùng, câu chuyện bên lề đường, câu chuyện tại chỗ lấy nước, câu chuyện về ma quỷ, các câu chuyện sai khác về thế giới, về biển lớn, các câu chuyện về hữu và phi hữu. Này các Tỷ- kheo, có mười đề tài nói chuyện này. Thế nào là mười?
Câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến.
Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy tiếp tục nói những câu chuyện liên hệ đến mười đề tài để nói chuyện này, thời các Thầy có thể với ánh sáng của mình đánh bạt ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực, có uy lực, còn nói gì của các du sĩ ngoại đạo”1.

Như vậy, Đức Phật đã chỉ rõ một loạt các vấn đề “thế sự”, xem chúng là phù phiếm, không lợi ích, phi pháp, phi luật và khuyên người xuất gia không nên luận bàn. Đây là các đề tài thuộc lãnh vực thế gian mà người xuất gia được khuyên không nên luận bàn, “không nên hành trì”2, vì theo lời Phật, “chúng không đưa đến mục đích, không phải là căn bản của Phạm hạnh, không hướng đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”3.
Chúng không phải là “hành xứ” (phạm vi nên bàn luận) của người xuất gia. Hơn thế, theo sự giảng giải của Tôn giả Sàriputta thì các bất thiện pháp sẽ có cơ hội tăng trưởng và các thiện pháp sẽ thối giảm, nếu tham gia bàn luận chúng4. Nói cách khác, tham, sân, si - gốc rễ của thị phi, tranh chấp, xung đột, chiến tranh và khổ đau - sẽ dấy khởi và phát triển trong con người một khi các diễn biến của thời thế trở thành đề tài của việc ngồi lê đôi mách.
Đức Phật tránh cho các học trò mình khỏi mắc phải các sai lầm đáng tiếc do sự lôi cuốn tế nhị của thời thế bằng cách tập cho họ một thói quen sinh hoạt hết sức căn bản nhằm hạn chế tối đa các nguyên nhân “tán tâm tạp thoại” dẫn đến tranh luận, tranh chấp, cãi vã và xung đột, đôi khi bắt nguồn từ những chuyện không đâu vào đâu. Ngài khuyên các Tỷ-kheo không nên mất thì giờ vào việc luận bàn các vấn đề thời thế như chính trị, kinh tế…
Thay vào đó, Ngài khuyên họ nên chuyên tâm thực hành thiền định hoặc tập trung thảo luận Chánh pháp trong trường hợp gặp gỡ hay ngồi lại với nhau. Ngài nhấn mạnh: “Này các Tỷ-kheo, khi các ngươi hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: thảo luận Chánh pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh”5.
Thảo luận Chánh pháp ở đây là đồng nghĩa với chánh ngữ (sammà-vàcà) hay bàn luận những vấn đề liên hệ đến mục tiêu thoát khổ mà kinh Phật gọi là “những lời nói khai tâm, đưa đến nhứt hướng yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như thiểu dục luận, tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luận, giải thoát tri kiến luận”6. Theo sự giải thích của Sàriputta thì đó là những lời nói chơn chánh, có ý nghĩa, thuộc Chánh pháp, thuộc về luật, thuận lý, có ích lợi mà nếu hành trì thì các thiện pháp sẽ tăng trưởng, các bất thiện pháp suy giảm7. Nói khác đi, vô tham, vô sân, vô si - nền tảng của giải thoát an lạc - sẽ sinh khởi và phát triển ở trong con người, nếu lời nói và câu chuyện của người ấy nằm trong khuôn khổ Chánh pháp hay lời Phật dạy.
Đức Phật là bậc Đạo sư rất cẩn trọng chu đáo trong việc hướng dẫn tâm thức các học trò mình thông qua các đề tài thảo luận. Ngài xem thế sự là vòng thị phi, sinh diệt nhất thời, không thích hợp và cũng không đáng cho người xuất gia bận tâm bàn tán hay tranh luận. Ngài không muốn các học trò mình rơi vào ý tưởng mơ hồ, muốn “cải tạo xã hội” hay “chuyển hóa cuộc đời” trước khi phải làm điều ấy đối với chính mình. Dưới con mắt giác ngộ của Ngài, thế sự thăng trầm là chuyện không lạ và đã có quá nhiều người quan tâm. Nhưng hãy cứ để người khác quan tâm thời thế, còn Tỷ-kheo thì làm phận sự của mình.
Bậc Đạo sư không muốn các học trò mình bị cuốn vào vòng thị phi, dạy như thế này: “Dù người ta có bàn cãi thế giới là có hay không, hữu hạn hay vô hạn thì cũng không giải quyết được nỗi khổ của sanh, già, bệnh, chết đang đè nặng lên kiếp người”8.
Chúng ta có thể nói rằng thói quen tránh bàn thế sự, chỉ thảo luận Chánh pháp hay giữ sự im lặng của bậc
Thánh (tức hành thiền) là một đặc điểm của sinh hoạt Tăng già thời Phật còn tại thế. Tập quán sống an tịnh, không lắm lời tạp thoại, là một nét đẹp tinh tế của đời sống chư Tăng và được đánh giá rất cao9 bởi nó chỉ được tìm thấy ở những con người đã đạt nội tâm tịnh lạc thực sự. Thông tin từ các truyền bản Pàli cho biết các du sĩ ngoại đạo dưới thời Phật tại thế thường hay bàn tán thế sự và tranh cãi ồn ào mỗi khi ngồi lại với nhau, một thói quen khác hẳn với thái độ yêu mến an tịnh, không tán tâm tạp thoại của các đệ tử của Thế Tôn.
Bởi vậy họ rất ngại và cảm thấy bối rối xấu hổ cố bảo nhau giữ im lặng khi trông thấy Đức Phật hoặc các học trò Ngài đến gần, vì theo lời họ thì “Sa-môn Gotama là người ưa mến an tịnh, tán thán an tịnh, giảng dạy về an tịnh10; các đệ tử của Sa-môn Gotama là những người ưa mến an tịnh, tán thán an tịnh, được tu tập về an tịnh”11.

Chú thích:
1. Kinh Những đề tài câu chuyện, Tăng Chi Bộ.
2. Kinh Nên hành trì, không nên hành trì, Trung Bộ.
3. Kinh Lời nói, Tương Ưng Bộ.
4. Kinh Nên hành trì, không nên hành trì, Trung Bộ.
5. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ.
6. Kinh Đại không, Trung Bộ.
7. Kinh Nên hành trì, không nên hành trì, Trung Bộ.
8. Tiểu kinh Màlunkya, Trung Bộ.
9. Xem lời tán thán hội chúng Tỷ-kheo của vua Ajàtasattu ở kinh Sa môn quả, Trường Bộ và sự nhận xét đánh giá của quốc vương Pasenadi ở kinh Pháp trang nghiêm, Trung Bộ.
10. Tiểu kinh Thiện sanh Udàyi, Trung Bộ.
11. Kinh Samanamandika, Trung Bộ. 


(HOA MINH - Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 146)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner