Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ có một số đông các Sa môn, Bà la môn và các du sĩ ngoại đạo vào thành Sàvatthi để khất thực. Họ có nhiều quan điểm, sở thích và nương tựa vào các quan niệm khác nhau. Do đó, họ luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp…
Này các Tỷ kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết pháp và không biết phi pháp…
Này các Tỷ kheo, thuở xưa cũng tại thành Sàvatthi này, có một ông vua đã cho nhóm họp các người mù lại rồi sai người dắt đến một con voi. Sau khi sờ voi, những người sờ được cái đầu nói con voi như cái ghè; những người sờ được cái tai bảo con voi như cái sàng gạo; những người sờ được cái ngà nói con voi như lưỡi cày; những người sờ được cái bụng bảo con voi như cái trống; những người sờ được cái chân nói con voi như cái cột; những người sờ được cái đuôi bảo con voi như cây chổi…
Này các Tỷ kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết pháp và không biết phi pháp. Do đó, họ mới luận tranh, đấu tranh …
(ĐTKVN, Tiểu bộ I, kinh Phật Tự Thuyết, chương 6, phẩm Sanh ra đa mù, Nxb TP.HCM, 1999, tr.238)
LỜI BÀN:
Một con người dù thông thái đến mấy cũng khó mà nhận thức hết mọi sự vật và hiện tượng của thế giới. Nhất là ngày nay khi sự chuyên môn hóa được phát huy đến cao độ thì càng khó khăn cho một người có được kiến thức bách khoa. Do đó, phải hết sức dè dặt và khiêm tốn với kiến thức giới hạn của chính mình.
Bảo vệ một quan điểm triết học hay một niềm tin tôn giáo là điều nên làm nhưng cực đoan cho quan điểm và niềm tin của mình là vô địch là điều nên tránh. Vì rằng sự thấy biết của con người rất giới hạn, chỉ thấy biết đơn tuyến mà không lĩnh hội được toàn thể. Cũng như những người mù kia, thấy biết về con voi của họ không sai nhưng chỉ đúng mỗi một phần.
Đối với sự nghiệp tu học, cảm nhận về sự chứng ngộ, thể nhập chân lý cũng có sâu cạn khác nhau nơi mỗi cá nhân. Trong bối cảnh có khá nhiều sự phê phán, luận chiến về tư tưởng, đường lối, pháp môn và mức độ chứng đắc… khiến cho không ít người hậu học hoang mang. Thiết nghĩ, khi chưa đạt đến toàn giác như Đức Phật thì người tu cũng nên thận trọng và khiêm hạ khi đánh giá về pháp môn và sở đắc của người khác. Bởi lẽ, đa phần chúng ta cũng đều là người mù trong biển giác bao la.
QUẢNG TÁNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét