Ngàn vàng dễ có tri kỷ khó tìm - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Ngàn vàng dễ có tri kỷ khó tìm

Đời người cần có tri kỷ. Người tri kỷ chân chính có thể cùng vinh nhục, cùng tiến thoái, có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu, nào có sợ chi, dẫu mưa có to nữa, gió có lớn nữa, cũng coi như không có. Người có tri kỷ thì cuộc đời mới không ân hận. 

Tri kỷ trong đời, tìm được một người cũng là quá đủ.

Trong xã hội hiện đại, ai cũng cho rằng cạnh tranh cao độ, cá lớn nuốt cá bé là điều tất yếu. Điều đó khiến quan hệ giữa người với người càng ngày càng lạnh nhạt. Khi cuộc sống còn nghèo khó, có rất nhiều bạn bè có thể đồng cam cộng khổ, chung hoạn nạn. Một khi giàu có rồi, bạn bè bên mình lại càng ngày càng ít. Điều đó thật đáng suy ngẫm.

Một người cho dù thành công đến đâu đi chăng nữa, nếu không có mấy người bạn tâm giao, hoặc vì tư lợi khiến bạn bè thân thích đều rời xa, thì khẳng định đó là một cuộc đời thất bại. Người xưa nói: “Ngàn vàng dễ có, tri kỷ khó tìm”.

Trong đường đời dằng dặc, bằng hữu là không thể thiếu được. Nếu có thể gặp được một người tri kỷ, thì đó là phúc phận không gì lớn hơn. Cố công bỏ sức lao động thì ai cũng có thể kiếm được tiền. Nhưng bằng hữu tốt chân chính trên đường đời thì chỉ có thể tùy duyên gặp được mà không thể cầu được.

Gọi là bằng hữu thường được chia làm 2 loại, một loại là tương giao, một loại là tương tri. Tương giao thì rất dễ có mà tương tri thì rất khó tìm. Trong quyển 1, sách ‘Cảnh thế thông ngôn” của Phùng Mộng Long đời Minh (ông cũng chính là tác giả bộ ‘Đông Chu liệt quốc’ nổi tiếng) có viết: “Tương tri có mấy sắc thái thế này: Kết giao ân đức, gọi là tri kỷ; lòng dạ thấu hiểu, gọi là tri tâm; thanh khí tương cầu, gọi là tri âm”.

Từ viễn cổ đến nay, mỗi người đều là đang kiếm tìm tri âm của mình trong cõi hồng trần cuồn cuộn. Nhưng tri kỷ chân chính là gì? Dường như không có một định nghĩa chính xác rõ rệt. Thế là rất nhiều người thường lấy điển cố lịch sử ‘Bá Nha đập đàn tạ tri âm’ để miêu tả sự trân quý và hiếm có của tri âm.

Tương truyền vào thời Xuân Thu cách đây hơn 2000 năm, Thượng đại phu nước Tấn là Du Bá Nha đi sứ nước Sở. Trên đường trở về nước phục mệnh, ngày rằm tháng 8 trên sông đột nhiên gặp trận cuồng phong và mưa lớn, sóng cao nước xiết. Ông bèn neo thuyền dưới chân núi Quy Sơn.

Một lúc sau, mưa tạnh trời trong, trăng tỏ sao thưa, Du Bá Nha thấy tâm tình khoáng đạt thần thái vui thú, bèn gảy đàn bày tỏ tâm chí. Khúc nhạc chưa xong thì dây đàn đứt. Du Bá Nha nghĩ “Đàn hữu ngộ cao nhân cố”, nghĩa là: “Chơi đàn bị lỗi là có cao nhân đang chiếu cố đến nghe”, bèn nhìn bốn xung quanh tìm kiếm, bất ngờ gặp Chung Tử Kỳ đang kiếm củi.

Du Bá Nha là đệ nhất cao thủ đàn cầm, xưa nay vốn rất tự phụ, cho rằng nơi núi sâu hoang vắng sẽ chẳng có ai có thể nghe hiểu được khúc ‘Dương xuân bạch tuyết’ của mình. Nào ngờ, Chung Tử Kỳ thao thao bất tuyệt, từ cầm sử, cầm lý cho đến những khúc đàn mà Du Bá Nha chơi, không gì không thông hiểu tỏ tường, thực sự khiến Du Bá Nha kinh ngạc vô cùng.

Bá Nha trầm tư một lát, lên lại dây đàn, vỗ đàn chơi tiếp. Đầu tiên là tâm chí đặt ở ngọn núi cao. Tử Kỳ khen rằng: “Đẹp thay, sừng sững nguy nga, tâm ý ở ngọn núi cao”. Bá nha lại tấu một bản nhạc đặt ý vào dòng nước chảy. Tử Kỳ lại khen rằng: “Đẹp thay, mênh mông cuồn cuộn, tâm ý ở dòng nước chảy”. Chân tài thực học của Chung Tử Kỳ khiến người ta tâm phục khẩu phục.

Khi Bá Nha biết Chung Tử Kỳ vì thủ hiếu nên cày cuốc kiếm củi, ẩn cư núi rừng thì lại càng ngưỡng mộ khôn nguôi. Một đêm mưa gió đã thành tựu kỳ duyên ‘Nhân phùng tri kỷ, cầm ngộ tri âm’, nghĩa là ‘người gặp tri kỷ, đàn có tri âm’. Hai người gặp nhau, hận là quá muộn, liền kết thành đôi bạn chí thân, hẹn sang năm tái ngộ.

Sang năm, Bá Nha đến nơi ước hẹn như đã định, nào ai hay, Tử Kỳ bất hạnh đã ốm chết, chỉ thấy một lùm đất bên con đường mòn trong núi hoang. Bá Nha đau đớn mất tri âm, bi thương vô hạn, bèn đàn khúc ‘Cao sơn lưu thủy’ trước mộ Tử Kỳ. Sau đó Bá Nha cắt đứt dây, đập vỡ đàn, quyết tâm đến hết đời cũng không chơi đàn nữa. Khèn ngọc đã nát, phím vàng tả tơi, câu chuyện Du Bá Nha đập đàn tạ tri âm từ đó lưu truyền cho đến ngày nay.

Sinh mệnh là một loại duyên, tình cảm cũng là một loại duyên. Do đó có thể thấy, ‘ngàn vàng dễ có, tri kỷ khó tìm’ thực sự là một câu danh ngôn chí lý. Nghĩ về Thi Tiên Lý Bạch, cái duyên nào để có câu thơ nổi tiếng:

Đào hoa đàm thủy thâm thiên xích,
Bất cập Uông Luân tống ngã tình.

Dịch thơ:

Hoa đào đầm nước sâu ngàn thước,
Uông Luân đưa tiễn chứa chan tình.

Hay cái duyên của Vương Bột để lại câu thơ thiên cổ:

Hải nội tồn tri kỷ,
Thiên nhai nhược tỷ lân.

Dịch thơ:

May còn tri kỷ trên đời,
Cách xa góc biển chân trời xá chi.

Những câu thơ nổi tiếng này cùng gọi chung một lời, đó là hai chữ ‘Tri kỷ’. Nếu không có tri kỷ, Lý Bạch sẽ không viết ra được câu thơ được ngâm vịnh mãi ngàn năm, Vương Bột cũng không có được những vần thơ khiến người người đều thích thú như thế.

Đời người cần có tri kỷ. Người tri kỷ chân chính có thể cùng vinh nhục, cùng tiến thoái, có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu, nào có sợ chi, dẫu mưa có to nữa, gió có lớn nữa, cũng coi như không có. Người có tri kỷ thì cuộc đời mới không ân hận.

Bài viết: "Ngàn vàng dễ có tri kỷ khó tìm"
Triêu Lộ biên dịch/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner