Theo tuệ giác Thế Tôn thì quý giá nhất ở đời không phải là vàng bạc, châu báu… mà chính là người giác ngộ, người hướng dẫn và thực tập để thành tựu sự giác ngộ, người biết ơn và nhớ ơn...
Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tại Ðại Lâm, chỗ giảng đường có nóc nhọn. Lúc bấy giờ, khoảng 500 người Licchavì đang ngồi tụ họp tại đền Sàrandada, và câu chuyện về sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời được khởi lên.
Rồi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, các người Licchavì đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con đang ngồi tụ họp, vấn đề này được khởi lên: Sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời. Và thế nào là năm? Sự hiện hữu của voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu và cư sĩ báu là khó tìm được ở đời.
Ðối với các ông, người Licchavì đang thiên nặng về dục, cuộc nói chuyện y cứ trên dục được khởi lên. Này các Licchavì, sự hiện hữu của năm châu báu khó tìm được ở đời. Và thế nào là năm?
Sự hiện hữu của Như Lai, bậc A la hán, Chánh Ðẳng Giác; Người có thể thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố; Người hiểu được lời thuyết giảng về Pháp là Luật do Như Lai tuyên bố; Người đem thực hành các pháp và tùy pháp được hiểu từ lời thuyết giảng về Pháp và Luật do Như Lai tuyên bố; Người biết ơn và nhớ ơn là khó tìm được ở đời.
Sự hiện hữu của năm châu báu này, này các Licchavì, khó tìm được ở đời.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Tikandaki, phần Tại đền Sàrandada [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.583)
LỜI BÀN:
Thường những gì quý hiếm thì có giá trị cao, mọi người đều mơ ước chiếm giữ làm tài sản cho riêng mình. Sở hữu nhiều vật quý giá là một trong những thước đo về sự giàu có, thành đạt, đẳng cấp xã hội. Ngày xưa những người Licchavì hay bàn bạc về những vật quý giá như voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu thì cũng giống như chúng ta ngày nay thường bàn về xe hơi, nhà lầu, chứng khoán, ngoại tệ, vợ đẹp, con xinh, ăn ngon, mặc đẹp v.v… Hầu hết mọi người đều quan tâm đến những vấn đề này.
Cái gì là báu vật ở đời?
Đành rằng những thứ người ta hay bàn bạc, quan tâm và mơ ước được sở hữu đều quý giá nhưng ít ai lưu tâm đến vấn đề cái gì là thực sự quý giá nhất, có giá trị nhất ở cõi đời này. Và ngay đây sẽ phát xuất nhiều đáp án khác nhau tùy thuộc vào quan niệm sống, nghiệp lực và tuệ giác của mỗi người. Hầu hết những người chính chắn, từng trải đều nhận ra rằng những vật ngoài thân như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ… cũng quý nhưng chỉ có giá trị tương đối mà thôi. Bởi có khá nhiều người sở hữu được nhiều thứ nhưng vẫn khổ đau, không có hạnh phúc.
Theo tuệ giác Thế Tôn thì quý giá nhất ở đời không phải là vàng bạc, châu báu… mà chính là người giác ngộ, người hướng dẫn và thực tập để thành tựu sự giác ngộ, người biết ơn và nhớ ơn. Tâm an lạc thảnh thơi không còn bị tham dục, phiền não khổ đau chi phối mới thật sự quý báu. Do vậy, người con Phật ngoài những công việc làm ăn cần thiết cho cuộc sống, cần phải dốc sức tu dưỡng, chuyển hóa thân tâm để thiết lập đời sống bình an, hạnh phúc.
QUẢNG TÁNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét