Trước khi học và rèn luyện Đạo Đức Thương Mình, tức là đạo đức nhân bản – nhân quả làm người, chúng ta cũng cần phải hiểu biết về luật nhân quả.
Luật nhân quả là một phép tắc, được quy định theo sự hoạt động tự nhiên của vũ trụ, để quân bình trật tự an toàn của các hành tinh trong không gian. Nếu không có luật nhân quả quy định trật tự thì các hành tinh trong không gian này sẽ bị đảo lộn, và như vậy muôn vật sống trên các hành tinh sẽ bị tiêu diệt.
Luật nhân quả không phải do con người quy chế hay một đấng tạo hoá nào lập ra, mà chính do các “hành” hoạt động theo sự vận hành vô minh tự nhiên của bản chất vạn vật mà lập thành. Từ khi có các hành vận chuyển trong vũ trụ, tạo thành những duyên mới, những duyên mới này phối hợp với các duyên khác sanh ra duyên mới khác nữa, và cứ như thế tiếp tục mãi mãi.
Sự tiếp tục vận hành này chính đó là nguồn gốc sanh ra vạn vật, chứ không có “Đấng Tạo Hoá” như trên chúng tôi đã nói. Sự vận hành là một sự sinh diệt của vạn vật trong vũ trụ. Khi có vạn vật xuất hiện lại tiếp tục vận hành tạo thành một môi trường sống, môi trường sống phù hợp cho loài sinh vật nào th. loài sinh vật ấy xuất hiện. Mãi đến khi môi trường sống phù hợp với loài người th. loài người mới xuất hiện. Khi có loài người xuất hiện mới biết phân định các hành ra làm hai phần:
1- Hành thiện
2- Hành ác
Nhưng con người cổ sơ chỉ biết thiện, ác, nhân quả, mà chưa phân định luật nhân quả như thế nào đúng và như thế nào sai. Vì thế, “Đạo Đức Nhân Bản – Nhân Quả” đã biến thành “Triết Thuyết Định Mệnh” của người xưa. Mãi đến khi Đức Thích Ca Mâu Ni xuất hiện, tính từ ngày sinh của Ngài cho đến ngày nay (năm 2006) là 2550 năm. Ngài ra đời phân định được luật nhân quả đúng và sai. Từ đó, giáo lý của Ngài, nền đạo đức nhân bản – nhân quả trở thành chân lý của loài người (Đạo Đế).
Nếu thân, miệng, ý của chúng ta hành động thiện, thì đó là sự hoạt động đem lại sự no ấm, an ổn, yên vui, hạnh phúc cho sự sống của mình và của vạn vật sinh linh trên hành tinh này, gọi là “nhân thiện”. Nếu thân, miệng, ý của chúng ta hành động ác, thì đó là sự hoạt động đem lại sự bất công, bất an, đau khổ, v.v… cho sự sống của chúng ta và của vạn vật, gọi là “nhân ác”.
Bây giờ, chúng ta đã hiểu rõ được nhân thiện và nhân ác qua những hành động thân, miệng, ý của chúng ta.