Bởi cái ác không hẵn là bản chất của con người song nó luôn tiềm ẩn chờ cơ hội để bùng phát...
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapindika. Rồi thôn trưởng Canda đi đến.
Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì có người được gọi là tàn bạo, có người được gọi là hiền lành?
Ở đây, này Thôn trưởng, có người tham, sân, si chưa được đoạn tận. Do tham, sân, si chưa được đoạn tận, người ấy bị người khác làm cho phẫn nộ. Do bị người khác làm phẫn nộ nên phẫn nộ hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là người tàn bạo.
Này Thôn trưởng, đây là nhân, là duyên có người được gọi là tàn bạo.
Nhưng ở đây, này Thôn trưởng, có người tham, sân, si được đoạn tận. Do tham, sân, si được đoạn tận, người ấy không bị người khác làm cho phẫn nộ. Do không bị người khác làm phẫn nộ nên phẫn nộ không hiện hành. Người ấy do vậy được gọi là hiền lành.
Này Thôn trưởng, đây là nhân, là duyên có người được gọi là hiền lành.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, chương 8, Tương ưng thôn trưởng, phần Canda [trích], Nxb Tôn Giáo, 2001, tr.479)
LỜI BÀN:
Một người sống lương thiện lúc nào cũng tâm nguyện làm lành tránh dữ. Nhưng để thực sự trở thành người hiền đúng nghĩa là chuyện không dễ dàng, bởi trong tâm ta vốn chứa lẫn lộn vô số mầm thiện ác. Những biểu hiện hiền lành trong đời sống nếu có cũng chỉ là phần nổi của khối băng lênh đênh trong đại dương mà ít ai biết được trong phần chìm của khối băng tâm ấy tiềm ẩn những gì. Vì thế, Đức Phật từng khuyến cáo chưa phải là bậc A la hán thì không nên chủ quan vào tâm ý của mình.
Pháp thoại này cho thấy khi tham, sân và si chưa đoạn tận thì chúng ta vẫn là người ác, có thể sẽ làm ác đến tàn bạo dù điều ấy chưa từng xảy ra. Và điều quan trọng là mấy ai hiện hữu trên cõi đời chứng đạt sự thanh tịnh tuyệt đối, dứt bặt ba phiền não căn bản ấy. Quán niệm về điều này thật sâu sắc để thấy rằng phiền não còn thì cái ác vẫn còn. Tâm ta là ngọn núi lửa được phủ lên một thảm thực vật hiền hòa, xanh tốt và chỉ cần chút duyên địa chấn thì nham thạch sân hận sẽ trào tuôn và nhấn chìm tất cả trong biển lửa phẫn nộ.
Hiểu được điều này chúng ta không mấy ngạc nhiên khi gặp những phản ứng sân hận bộc phát dữ dội nơi những người vốn dĩ hiền lành đồng thời chúng ta cũng không lấy làm khó hiểu về những hành vi giận dữ bất thường của chính mình. Bởi cái ác không hẵn là bản chất của con người song nó luôn tiềm ẩn chờ cơ hội để bùng phát.
Nhận thức được điều này là một trong những điều kiện thiết yếu để tiến tới làm chủ và tịnh hóa tâm thức. Không chủ quan, không mất cảnh giác với chính mình, thực tập tỉnh thức trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động để kiểm soát thân tâm một cách trọn vẹn là phương thức để trở thành người hiền, và đây cũng là mục tiêu phấn đấu nhằm hoàn thiện tự thân của mỗi người con Phật.
Bài viết: "Bạn là người ác hay người hiền?"
Quảng Tánh/ Vườn hoa Phật giáo