“Này các Tỳ kheo, khi người phàm phu không được chỉ dạy nếm trải một cảm giác đau khổ, người đó ưu buồn, sầu não và ai oán; người đó khóc than đấm ngực và bị quẫn trí. Người đó cảm giác hai cảm giác—một cảm giác ở thân và một cảm giác ở tâm. Giả như người ta bắn một người bằng một mũi tên, và ngay sau đó bắn thêm một mũi tên thứ hai, do vậy người đó cảm giác một cảm giác (đau đớn) gây ra bởi hai mũi tên. Tương tự vậy, khi một người phàm phu không được chỉ dạy nếm trải một cảm giác đau khổ, người đó cảm giác hai cảm giác—một cảm giác ở thân và một cảm giác ở tâm.
Khi đang nếm trải cảm giác đau khổ, người đó tìm sự vui thú trong khoái lạc giác quan. Vì lý do gì? Vì người phàm phu không được chỉ dạy không hiểu biết được một sự giải-thoát nào khác khỏi cảm giác đau khổ ngoài khoái lạc giác quan.[ii] Vì người đó tìm sự vui thú trong khoái lạc giác quan, nên khuynh hướng tiềm tàng tham dục đối với cảm giác sướng nằm ẩn sau đó.
Người đó không hiểu biết được đích thực cái gì là sự sinh và sự diệt, cái gì là sự thỏa-thích, cái gì sự nguy-hại, và cái gì là sự giải-thoát [trong trường hợp] đối với những cảm giác đó.[iii]Vì người đó không hiểu biết được những điều đó, nên khuynh hướng tiềm tàng ngu si đối với cảm giác trung tính (không khổ không sướng) nằm ẩn sau đó.
“Khi người đó cảm giác một cảm giác vui sướng, người đó cảm thấy dính theo nó. Khi người đó cảm giác một cảm giác đau khổ, người đó cảm thấy dính theo nó. Này các Tỳ kheo, điều này được gọi là người phàm phu không được chỉ dạy bị dính chặt với sự sinh, già, chết; là người bị dính chặt với sự ưu buồn, ai oán, đau đớn, ưu phiền và tuyệt vọng; là người bị dính chặt với sự khổ; ta nói như vậy.
“Ngược lại, này các Tỳ kheo, khi người thánh đệ tử đã được chỉ dạy nếm trải một cảm giác đau khổ, người đó không ưu buồn, sầu não, hay ai oán; người đó không khóc than đấm ngực và không bị quẫn trí.[iv]Người đó cảm giác một cảm giác—một cảm giác ở thân, không có một cảm giác ở tâm. Giả như người ta bắn một người bằng một mũi tên, và ngay sau đó họ không bắn tiếp mũi tên thứ hai, do vậy người đó chỉ cảm giác một cảm giác (đau đớn) gây ra bởi một mũi tên mà thôi. Tương tự vậy, khi người thánh đệ tử đã được chỉ dạy nếm trải một cảm giác đau khổ, người đó cảm giác một cảm giác—một cảm giác ở thân, và không có một cảm giác ở tâm.
“Khi đang nếm trải cùng một cảm giác đau khổ, người đó không chấp chứa sân giận đối với điều đó. Vì người đó không chấp chứa sân giận đối với cảm giác đau khổ đó, không có khuynh hướng tiềm tàng sân đối với cảm giác khổ nằm ẩn sau đó.
Khi đang nếm trải cảm giác đau khổ, người đó không tìm sự vui thú trong khoái lạc giác quan. Vì lý do gì? Vì người thánh đệ tử đã được chỉ dạy hiểu biết được có một sự giải thoát khỏi cảm giác đau khổ hơn là (cách đi tìm) khoái lạc giác quan. Vì người đó không tìm sự vui thú trong khoái lạc giác quan, nên không có khuynh hướng tiềm tàng tham đối với cảm giác sướng nằm ẩn sau đó.
Người đó hiểu biết được đích thực cái gì là sự sinh và diệt, cái gì là sự thỏa-thích, cái gì là sự nguy-hại, và cái gì là sự giải-thoát (trong trường hợp) đối với những cảm giác đó. Vìngười đó đã hiểu biết được những điều đó, nên không có khuynh hướng tiềm tàng si đối với cảm giác trung tính nằm ẩn sau đó.
“Nếu người đó cảm giác một cảm giác vui sướng, người đó cảm giác tách ly, không dính theo nó. Nếu người đó cảm giác một cảm giác đau khổ, người đó cảm giác tách ly, không dính theo nó. Này các Tỳ kheo, điều này được gọi là người thánh đệ tử đã được chỉ dạy không bị dính chặt với sự sinh, già, chết; là người không bị dính chặt với sự ưu buồn, ai oán, đau đớn, ưu phiền và tuyệt vọng; là người không bị dính chặt với sự khổ; ta nói như vậy.
“Này các Tỳ kheo, đây chính là chỗ sự phân biệt, sự không tương đồng, sự khác biệt giữa người thánh đệ tử đã được chỉ dạy và người phàm phu không được chỉ dạy.”
(Kinh SN 36:6; IV 207–10)
(2) Những Thăng Trầm của Cuộc Sống
“Này các Tỳ kheo, tám tình trạng này của thế gian làm cho thế gian quay cuồng điên đảo, và thế gian quay cuồng điên đảo xung quanh tám tình trạng này. Tám đó là gì? Được và Mất, Vinh và Nhục, Khen và Chê, Sướng và Khổ.
“Này các Tỳ kheo, tám tình trạng thế gian này người phàm phu không được chỉ dạy đều gặp phải, và người thánh đệ tử đã được chỉ dạy cũng đều gặp phải. Bây giờ, cái gì là sự phân biệt, sự không tương đồng, sự khác biệt giữa người thánh đệ tử đã được chỉ dạy và người phàm phu không được chỉ dạy?”
“Thưa Thế Tôn, sự hiểu biết của chúng con về những điều này có gốc rễ từ Thế Tôn, được hướng dẫn bởi Thế Tôn, có Thế Tôn là nơi nương tựa của nó. Thưa Thế Tôn, thật tốt lành nếu Thế Tôn giảng giải cho chúng con ý nghĩa của điều đó. Sau khi nghe từ Thế Tôn, các Tỳ kheo sẽ ghi nhớ trong tâm trí.”
“Này các Tỳ kheo, hãy lắng nghe và chú tâm kỹ càng. Ta sẽ nói.”
“Dạ, thưa Thế Tôn,” các Tỳ kheo đáp lại. Rồi đức Thế Tôn đã nói như vầy:
“Này các Tỳ kheo, khi một người phàm phu không được chỉ dạy có “được” thứ gì, người đó không biết suy xét như vầy: ‘Cái có “được” này của ta là vô thường, là dính liền với khổ, sẽ bị thay đổi.’ Người đó không biết rõ nó đích thực là gì. Và khi người đó bị “mất” thứ gì, được “vinh” và bị “nhục”, được “khen” và bị “chê”, người đó không biết suy xét về chúng như vầy: ‘Tất cả những thứ đó đều là vô thường, là dính liền với khổ, sẽ bị thay đổi.’ Người đó không biết rõ chúng đích thực là gì. Với một người như vậy, những sự được và mất, vinh và nhục, khen và chê, sướng và khổ luôn làm mê mải và chiếm ngự hết tâm trí của người đó. Khi được thứ gì người đó mừng vui phấn chấn, và khi mất thứ gì người đó buồn bực ưu phiền. Khi được vinh danh người đó mừng vui phấn chấn, và khi bị hèn nhục người đó buồn bực ưu phiền. Khi được khen ngợi người đó mừng vui phấn chấn, và khi bị chê bai người đó buồn bực ưu phiền. Khi trải nghiệm sướng, người đó mừng vui phấn chấn, và khi trải nghiệm khổ người đó buồn bực ưu phiền. Cứ dính vào những sự thích và sự ghét, thì người đó không giải thoát khỏi sự sinh, già, chết, không giải thoát khỏi sự ưu buồn, ai oán, đau đớn, ưu phiền và tuyệt vọng; người đó không giải thoát khỏi sự khổ; ta nói như vậy.
“Nhưng ngược lại, này các Tỳ kheo, khi một người thánh đệ tử đã được chỉ dạy có “được” thứ gì, người đó biết suy xét như vầy: ‘Cái có “được” này của ta là vô thường, là dính liền với khổ, sẽ bị thay đổi.’ Người đó biết rõ nó đích thực là gì. Và khi người đó bị “mất” thứ gì, được “vinh” và bị “nhục”, được “khen” và bị “chê”, người đó biết suy xét về chúng như vầy: ‘Tất cả những thứ đó đều là vô thường, là dính liền với khổ, sẽ bị thay đổi.’ Người đó biết rõ chúng đích thực là gì. Với một người như vậy, những sự được và mất, vinh và nhục, khen và chê, sướng và khổ không làm mê mải và chiếm ngự tâm trí của người đó. Nhờ đó, khi được thứ gì người đó không mừng vui phấn chấn, và khi mất thứ gì người đó không buồn bực ưu phiền. Khi được vinh danh người đó không mừng vui phấn chấn, và khi bị hèn nhục người đó không buồn bực ưu phiền. Khi được khen ngợi người đó mừng vui phấn chấn, và khi bị chê bai người đó không buồn bực ưu phiền. Khi trải nghiệm sướng, người đó không mừng vui phấn chấn, và khi trải nghiệm khổ người đó không buồn bực ưu phiền. Sau khi đã từ bỏ sự thích và sự ghét như vậy, thì người đó sẽ giải thoát khỏi sự sinh, già, chết, sẽ giải thoát khỏi sự ưu buồn, ai oán, đau đớn, ưu phiền và tuyệt vọng; người đó sẽ giải thoát khỏi sự khổ; ta nói vậy.
“Này các Tỳ kheo, đây chính là sự phân biệt, sự không tương đồng, sự khác biệt giữa người thánh đệ tử đã được chỉ dạy và người phàm phu không được chỉ dạy.”
(Kinh AN 8:6; IV 157–59)
(3) Sự Âu Lo vì Mọi Thứ Luôn Đổi Thay
“Này các Tỳ kheo, ta sẽ dạy có các thầy về sự âu lo do dính chấp và sự không âu lo do không dính chấp.[v]Hãy lắng nghe và chú tâm kỹ càng. Ta sẽ nói.”
“Dạ, thưa Thế Tôn”, các Tỳ kheo đáp lại. Đức Thế Tôn nói đã nói điều này: “Và này các Tỳ kheo, làm sao có sự âu lo do dính chấp? Ở đây, này các Tỳ kheo, người phàm phu không được chỉ dạy, là người không nhìn thấy những bậc thánh nhân và không thiện khéo và không được rèn luyện theo Giáo Pháp của mình, là người không nhìn thấy những bậc thượng nhân và không thiện khéo và không được rèn luyện theo Giáo Pháp của mình, cứ coi sắc thân là ‘ta’, hoặc nghĩ ‘ta’ sở hữu sắc thân, hoặc nghĩ sắc thân là ở trong cái ‘ta’, hoặc cái ‘ta’ ở trong sắc thân.[vi]Cái sắc thân đó của người đó thay đổi và biến đổi. Khi có sự thay đổi và biến đổi của sắc thân, thức của người đó lo lắng với sự thay đổi của sắc thân. Sự âu lo và một mớ những trạng thái tâm phát sinh từ ‘sự lo âu với sự đổi thay của sắc thân’ vẫn luôn ám mụi (chiếm ngự) tâm trí người đó. Do tâm người đó bị ám mụi như vậy, nên người đó sợ hãi, buồn khổ, và lo lắng, và do dính chấp nên người đó trở nên âu lo động vọng.
“Người đó coi cảm giác là ‘ta’ … nhận thức là ‘ta’ … những sự tạo tác cố ý là ‘ta’ … thức là cái ‘ta’, hoặc nghĩ cái ‘ta’ sở hữu thức, hoặc nghĩ thức ở trong cái ‘ta’, hoặc cái ‘ta’ ở trong thức. Cảm giác đó … thức đó thay đổi và biến đổi. Khi có sự thay đổi và biến đổi của cảm giác … của thức, thức của người đó lo lắng với sự thay đổi của sắc thân. Sự âu lo và một mớ những trạng thái tâm phát sinh từ ‘sự lo âu với sự đổi thay của cảm giác … của thức’ vẫn luôn ám mụi tâm trí người đó. Do tâm người đó bị ám mụi như vậy, nên người đó sợ hãi, buồn khổ, và lo lắng, và do dính chấp nên người đó trở nên âu lo động vọng.
“Này các Tỳ kheo, do cách như vậy nên có sự âu lo động vọng do dính chấp.”
“Và (ngược lại), này các Tỳ kheo, làm sao có sự không-âu-lo do không-dính-chấp? Ở đây, này các Tỳ kheo, người thánh đệ tử đã được chỉ dạy, là người nhìn thấy những bậc thánh nhân và thiện khéo và được rèn luyện theo Giáo Pháp của mình, là người nhìn thấy những bậc thượng nhân và thiện khéo và được rèn luyện theo Giáo Pháp của mình, không coi sắc thân là cái ‘ta’, và không nghĩ cái ‘ta’ sở hữu sắc thân, hoặc sắc thân ở trong cái ‘ta’, hoặc cái ‘ta’ ở trong sắc thân.[vii]Sắc thân của người đó thay đổi và biến đổi. Mặc dù luôn có sự thay đổi và biến đổi của sắc thân, nhưng thức người không bị lo lắng với sự đổi thay của sắc thân. Không có sự âu lo và một mớ những trạng-thái-tâm phát sinh từ ‘sự lo âu với sự đổi thay của sắc thân’ làm ám mụi (chiếm ngự) tâm trí người đó. Do tâm người đó bị ám mụi như vậy, nên người đó không bị sợ hãi, buồn khổ, và lo lắng, và do không dính chấp nên người đó không bị âu lo động vọng.
“Người đó không coi cảm giác là ‘ta’ … nhận thức là ‘ta’ … những sự tạo tác cố ý là ‘ta’ … thức là cái ‘ta’, hoặc nghĩ cái ‘ta’ sở hữu thức, hoặc nghĩ thức ở trong cái ‘ta’, hoặc cái ‘ta’ ở trong thức. Cảm giác đó … thức đó thay đổi và biến đổi. Mặc dù luôn có sự thay đổi và biến đổi của cảm giác … của thức, nhưng thức của người đó không lo lắng với sự thay đổi của cảm giác … của thức. Sự âu lo và một mớ những trạng thái tâm phát sinh từ ‘sự lo âu với sự đổi thay của cảm giác … của thức’ không ám mụi tâm trí người đó. Do tâm người đó không bị ám mụi, nên người đó không sợ hãi, buồn khổ, và lo lắng, và do không dính chấp nên người đó không bị âu lo động vọng.
“Này các Tỳ kheo, do cách như vậy nên không có sự âu lo động vọng do không dính chấp.”
(Kinh SN 22:7; III 15–18)
[i] Những khuynh hướng tiềm tàng/ tiềm ẩn (anusaya) là những thói tính nằm ngủ trong tâm, sẽ tạo thành những ô nhiễm mỗi khi bị kích thích. Một số bài kinh, như bài kinh này, đề cập ba khuynh hướng tiềm ẩn: khuynh hướng tham (rāgānusaya) đối với những cảm giác sướng; khuynh hướng sân (paṭighānusaya) đối với những cảm giác khổ; và khuynh hướng si đối với những cảm giác trung tính. Một số kinh khác còn đề cập tới bảy khuynh hướng tiềm ẩn: khuynh hướng tham, sân, quan điểm này nọ, nghi ngờ, tự ta tự đại, tham dính vào sự hiện hữu, và vô minh.
[ii] Theo luận giảng [Spk]: sự giải thoát ở đây là thiền định, đạo và đạo quả. Vì người đó không biêt sự giải thoát bằng cách như vậy, cho nên người đó chỉ biết cách giải thoát tạm bợ là đi tìm khoái lạc giác quan.
[iii] Năm sự này (sinh, diệt, sự thỏa thích, sự nguy hại, và sự giải thoát) tạo thành một phát đồ chính để thiền quán. “Sự khởi sinh và biến diệt” (samudaya, và atthaṅgama) là chỉ đặc tính vô thường. Để đọc thêm về bộ ba “sự thỏa-thích, sự nguy-hại, và sự giải thoát” (assāda, ādınava, nissaraṇa), mời đọc thêm phần kinh VI,2(1)-(3), và phần phụ lục Giới thiệu về Chương VI.
[iv] Những phần tiếp theo sẽ cho thấy rõ “người đệ tử thánh thiện đã được chỉ dạy” ở đây là chỉ bậc A-la-hán, người đã tiêu diệt mọi khuynh hướng tiềm ẩn (gong cùm) tham, sân, si. Tuy nhiên, mặc dù một vị A-la-hán có khả năng duy trì tâm buông-xả đối với sự đau khổ ở thân, người bình thường đang tu học cũng có thể theo gương các A-la-hán, cố gắng vượt qua sự phiền bực và thất vọng khi nếm trải cảm giác đau khổ ở thân. Mọi người có thân, kể cả Đức Phật, đều bị đau khổ về thân xác. Một dấu hiệu của người trưởng thành về tâm linh là khả năng chịu đựng đau đớn mà không bị nó lấn át mình.
[v] Danh từ paritassanā có gốc từ động từ paritassati, cũng có nghĩa gốc của chữ tiếng Phạn paritṛṣyati, có nghĩa: “thèm khát, thèm muốn”; về mặt nguyên từ nó liên quan tới chữ taṇhā: dục vọng. Tuy nhiên, trong tiếng Pāli văn nói bị lồng với chữ tasati, có nghĩa: sợ hãi, rung rẩy, và do đó các danh từ phái sinh như paritassanā và paritasita cũng tích luôn các nghĩa phái sinh từ chữ tasati. Sự hội tụ các nghĩa như vậy, đã được thấy rõ trong các bộ kinh Nikāya, đã được nói rất rõ trong các luận giảng. Tôi đã cố gắng gọp đủ các ý nghĩa bằng cách dịch chữ paritassati là “bị khích động, lo âu” và danh từ paritassanā là “sự khích động, sự lo âu”. Mặc dù luận giảng [Spk] thì coi chữ paritassanā chỉ có nghĩa “thèm muốn, dục vọng”, nhưng các bài kinh dường như nhấn mạnh rõ bằng chữ “bhaya-paritassanā”: sự lo âu sợ hãi.
[vi] Người phàm phu không được chỉ dạy là người thiếu cả sự hiểu biết về Giáo Pháp [được tả bằng chữ “không thiện khéo” (akovida)] và sự tu tập thực tế theo Giáo Pháp [được tả bằng chữ “không được tu luyện” (avinita)]. Người phàm phu không phải là “người nhìn thấy những bậc thánh nhân”, những bậc thánh nhân ở đây có nghĩa là Đức Phật và các vị thánh đệ tử của Phật, bởi người phàm phu thiếu con mắt trí tuệ giúp nhận ra sự thật mà họ đã nhìn. Trong đoạn kinh này, chữ “những bậc thánh nhân” (ariya) và chữ “những bậc thượng nhân” (sappurisa) là đồng nghĩa với nhau.
Quan điểm coi thân này là ‘ta’ (sakkāyadiṭṭhi), (thường gọi là (HV): thân kiến). Bài kinh này liệt kê có 24 loại quan điểm như vậy, có được do đặt cái ‘ta’ theo 04 cách liên quan với 05 tập hợp uẩn, mỗi cái cấu tạo nên một cái ‘ta’ là thân (sakkāya). Quan điểm coi thân là ‘ta’ là một trong ba gông-cùm trói buộc, sẽ được phá bỏ ngay trước khi người tu chứng thánh quả Nhập-lưu, là tầng giác ngộ đầu tiên trong bốn tầng giác ngộ siêu thế.
Theo luận giảng [Spk] chỗ này là: Người đó coi sắc thân là cái ‘ta’ (rūpaṃ attato samanupassati), bằng cách coi sắc thân và cái ‘ta’ là một, là không phân biệt, giống như ngọn lửa đèn dầu và màu của nó là một, là không khác biệt. Người đó coi cái ‘ta’ sở hữu sắc thân (rūpavantaṃ attānaṃ), là người đó lấy cái vô-sắc [như tâm hoặc những yếu tố thuộc tâm] là cái ‘ta’ để sở hữu thân-sắc, như kiểu cây sở hữu bóng cây vậy; coi thân sắc ở trong cái ‘ta’ (attani rūpaṃ), là người đó lấy cái vô-sắc [tâm] là một cái ‘ta’ là chỗ thân-sắc nằm trong đó, như kiểu mùi hương là nằm trong bông hoa vậy; coi cái ta ở trong sắc thân(rūpasmiṃ attānaṃ), là lấy cái vô-sắc [tâm] là cái ta nằm trong sắc thân, như kiểu viên ngọc nằm trong hộp gỗ vậy.
[vii] Người đệ tử thánh thiện như vậy được cho tối thiểu đã là một bậc Nhập-lưu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét