Trong cuộc sống gia đình, vợ chồng khó có thể tránh khỏi những lúc xung đột mà quên rằng có sự hiện diện của con nhỏ bên cạnh. Có thể các bậc cha mẹ nghĩ rằng điều ấy cũng là bình thường, nhưng thật ra nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và sự phát triển toàn diện của con trẻ về sau.
Chị Nga và chồng có một mối tình đẹp, lúc mới cưới hai vợ chồng rất hòa hợp, thương yêu nhau. Những tưởng sự đầm ấm sẽ kéo dài mãi về sau, nhưng khi chị Nga sinh con được 2 tuổi rưỡi, công việc của một bà mẹ bỉm sữa bề bộn, cuộc sống mưu sinh bận rộn, khiến hai vợ chồng sinh ra cáu gắt bực bội và thường xuyên cãi nhau vì những chuyện vụn vặt.
Một lần vì tìm không được chìa khóa xe mà hai vợ chồng đã to tiếng với nhau, bất giác chị Nga thấy bé Bin đứng góc phòng lặng im với đôi mắt buồn bã sợ sệt nhìn ba mẹ. Nghĩ con còn nhỏ không hiểu chuyện, nên hôm sau hai vợ chồng vẫn thường xuyên điềm nhiên to tiếng với nhau lúc có mặt bé Bin.
Trước nay bé Bin rất hay cười, ngoan ngoãn và lanh lợi, vậy mà sau lần đó chị Nga để ý thấy con trai có biểu hiện lạ, thường xuyên đập phá đồ đạc trong nhà, đến nhà trẻ thì hay đánh bạn, về nhà thì chỉ ngồi thu lu một góc chơi một mình, đêm đến hay giật mình khóc thét lên.
Lúc đó hai vợ chồng chị mới nghĩ con gặp vấn đề bất thường gì đó nên đưa con đến gặp bác sĩ. Vợ chồng chị Nga đã rất sốc khi bác sĩ thông báo rằng con trai anh chị bị sang chấn tâm lý giai đoạn đầu. Mà nguyên nhân rất lớn là có thể đã từng chứng kiến những cuộc cãi vã của ba mẹ. Vợ chồng chị lúc đó hốt hoảng ôm con, tự hứa sẽ không bao giờ to tiếng trước mặt con nữa.
Từ khi ấy, hai vợ chồng chị Nga cố gắng kiềm chế những cơn nóng nảy, cười với nhau nhiều hơn và thường xuyên cưng nựng dẫn Bin đi chơi nhiều hơn trước. Bé Bin cũng hết quậy phá, biết hòa đồng chơi với bạn và không còn khóc thét về đêm như trước.
Lúc này chị Nga mới thấm thía được bài học về tầm quan trọng về việc dạy dỗ con trẻ thông qua cách ứng xử của cha mẹ.
Đừng nghĩ trẻ còn nhỏ không biết gì
Bạn có từng nghe đến từ “thai giáo” không?! Thật ra một đứa trẻ đã hình thành cảm xúc ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Các chuyên gia tâm lý đã nghiên cứu được rằng, khi một đứa trẻ còn trong bào thai mà được ba mẹ yêu thương vỗ về thì gương mặt lúc ghi hình siêu âm sẽ tươi cười hoan hỉ, còn một em bé biết người mẹ sắp ruồng bỏ nó thì hình ảnh trong siêu âm co rúm ró lại nhìn rất tội nghiệp.
Cũng như vậy một em bé được sinh ra trong tình yêu thương thì gương mặt hay hành động của bé lúc nào cũng tươi vui nhanh nhẹn hơn các bạn cùng trang lứa. Còn một em bé sinh ra trong nỗi sợ hãi của người mẹ thì lúc nào cũng phảng phất sự buồn bã, thiếu năng động.
Bởi ngay từ trong bụng mẹ em bé đã được học cách suy nghĩ của người mẹ và mô phỏng lại sau khi sinh ra. Và đó cũng là lý do mà những mẹ bầu cần phải cười thật nhiều, tinh thần thật vui vẻ trong suốt thời kỳ mang thai.
Rồi từ khi trẻ mới sinh ra cho đến lúc 3 tuổi, bạn đừng nghĩ con trẻ không biết gì, thật ra thời kỳ này chúng chưa thể diễn đạt ngôn ngữ nhưng chúng học hỏi thông qua cảm nhận tất cả mọi thứ từ môi trường sống bên ngoài. Chúng mô phỏng lại những hành động mà cha mẹ làm trước mặt mình, do vậy mà có những hiện tượng như bé Bin con trai chị Nga.
Những tác hại gây tổn thương đến trẻ khi bố mẹ cãi nhau trước mặt chúng
Theo nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý thì việc bố mẹ thường xuyên cãi nhau khi có mặt con nhỏ sẽ có các ảnh hưởng tiêu cực như:
– Gây chấn động tâm lý trẻ.
– Cản trở sự phát triển của trẻ, gây khiếm khuyết ngôn ngữ.
– Trẻ dễ gặp ác mộng.
– Việc cãi nhau cũng có thể trở thành điều bình thường ở trẻ, trẻ phản ứng lại ba mẹ và mọi người, dẫn đến trầm cảm hoặc có thói quen hung hăng với bạn bè, người lớn.
Cha mẹ cãi nhau gây tổn thương não trẻ
Theo một nghiên cứu mới cho thấy, não trẻ bị ảnh hưởng từ việc cha mẹ cãi nhau, ngay cả khi bé đang ngủ. Nghiên cứu nhận định, trong khi đang ngủ não của trẻ vẫn đủ “tỉnh táo” để nhận biết và phản ứng với những tiếng cãi nhau của cha mẹ. Do vậy, mặc dù các bé đang ngủ, nhưng bé vẫn biết cha mẹ bé đang cãi nhau.
Đồng thời, có một số bằng chứng cho thấy cả trẻ nhỏ và người lớn đều bị kích thích thính lực trong lúc ngủ. Nghiên cứu cho thấy những sang chấn thời thơ ấu có tác động lâu dài lên chức năng não của trẻ, khiến chúng nhạy cảm với những cảm xúc tiêu cực và dễ bị các rối loạn cảm xúc như trầm cảm và lo âu, rối loạn nhân cách hoặc nghiện rượu và ma túy. Những trẻ thường xuyên chứng kiến bố mẹ cãi nhau thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn gấp bốn lần so với những trẻ khác.
Tính cách thay đổi
Nếu bố mẹ thường xuyên cãi nhau trước mặt con thì vô tình những điều này sẽ trở nên quen thuộc, hình thành sâu trong trí nhớ của trẻ. Từ những điều này sẽ khiến trẻ khi gặp bất cứ điều gì cũng cho rằng chỉ cần cãi nhau là sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Và khi đi học, trẻ sẽ trở nên hung hăng hơn, sẵn sàng dùng nắm đấm để xử lý với bạn bè. Khi lớn hơn, nếu không được quan tâm đúng cách các bé sẽ có hành vi gây nguy hiểm cho người khác và có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, nguy cơ trở thành những tội phạm của xã hội.
Tổn thương về mặt tình cảm
Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra ở mọi đứa trẻ, vì khi chứng kiến bố mẹ cãi nhau, các con sẽ trở nên cực kì buồn bã, lo lắng vì những người mà các con yêu thương nhất lại không còn hòa thuận với nhau nữa. Có nhiều đứa trẻ sẽ tự lui vào phòng để “gặm nhấm nỗi đau” hoặc sẽ khóc không ngừng vì sợ bố hoặc mẹ sẽ bỏ rơi chúng.
Gặp các vấn đề về thể chất
Còn một chuyện cực kỳ quan trọng, đó là bố mẹ cãi nhau vì tiền trước mặt con cái là điều hoàn toàn cấm kỵ, vì những điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy mình vô dụng và trở nên lo lắng. Cảm giác này có thể sẽ được chuyển thành bệnh đau đầu hoặc đau dạ dày. Cụ thể, khi buồn bã, trẻ không muốn ăn hoặc ngược lại, ăn quá nhiều để đối phó. Lo lắng sẽ khiến trẻ khó ngủ vào buổi tối mà cứ suy nghĩ mãi về các mâu thuẫn đã xảy ra trong ngày. Các triệu chứng về thể chất sẽ khiến trẻ phải nghỉ học hoặc không tham gia các hoạt động cùng bạn bè.
Trẻ dễ mắc các bệnh tâm thần
Đã có không ít câu chuyện trẻ bỏ đi, nhảy lầu tự tử vì phải sống trong một gia đình thường xuyên bất hòa. Khi phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau, trong lòng trẻ sẽ chất chứa ấn tượng không tốt, lâu dần hình thành sự phản kháng, nhất là ở tuổi dậy thì, độ tuổi mà trẻ đã biết khẳng định cái tôi và đòi hỏi sự tôn trọng của người lớn. Nếu quá chán nản, con sẽ có những biểu hiện không tốt như học hành sa sút, bị trầm cảm… bởi không thoát ra được cảm xúc căng thẳng, buồn chán, sợ hãi thường xuyên khi chứng kiến cảnh bất hoà của bố mẹ. Nặng hơn, những trẻ phải trải qua những sang chấn tâm lý vì những đợt cãi vã, đánh lộn của cha mẹ sẽ có những biểu hiện tâm thần bất ổn, rất đáng lo ngại.
Cha mẹ nên làm gì?
Vì vậy, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên đối với bậc cha mẹ: Không phải bất cứ đề tài nào bạn cũng có thể tranh luận trước mặt con, nhất là những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ vợ chồng hoặc những chuyện liên quan đến việc giáo dục con. Cả hai cần ý thức về những hành vi của mình trong lúc tranh luận, ngăn chặn nguy cơ căng thẳng. Trong trường hợp xảy ra bất đồng trước mặt trẻ, bạn nên cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất cảm xúc của mình, hãy luôn nghĩ ‘vì con’.
Đặc biệt, các ông bố không nên có hành động hung hãn, thô bạo trước mặt trẻ. Tất cả những hành động ấy sẽ để lại trong đầu và bé sẽ học theo. Ngược lại, cha mẹ cần phải có thái độ tích cực, làm hòa ngay cả trong lúc tranh cãi. Nếu mâu thuẫn chưa thể giải quyết được, một trong hai người phải đề nghị tiếp tục trao đổi vào lúc khác.
Khi nóng giận bố mẹ hãy bỏ đi chỗ khác để cơn giận nguôi ngoai. Giải thích cho trẻ vì sao bố mẹ cãi nhau nhưng nên tránh nói những điều tác động xấu đến trẻ.
Con trẻ là một tờ giấy trắng ngây thơ trong sáng, thuần thiện hồn nhiên, hãy cho trẻ có một ký ức tuổi thơ đẹp bởi ký ức này sẽ hình thành nhân cách và đi theo trẻ suốt cả một đời. Hãy cố gắng làm tấm gương tốt cho trẻ, bố mẹ nhé!
Nhã Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét