Những ngày cuối của một năm nữa lại đi qua, đi qua cuộc đời của chúng ta, trước mắt của chúng ta. Năm nào cũng lướt đi qua như vậy, đi qua ngang nhiên như vậy, mà cứ thấy như nó đi qua một cách lén lút.
Sự thật chỉ là vậy, không biết đã tự bao giờ, bao nhiêu thiên niên kỷ đã qua, tình cảnh này cũng luôn là sự thật. Thời Phật cũng vậy, hẳn là muôn vàn người cũng ở trong tình cảnh này, từ vua chúa được kính sợ cho tới những người nghèo nàn bần lao bị rẻ rúng; (cho dù kinh điển có ghi lại khi đó có nhiều vị thánh đệ tử đã giác ngộ và qua hẳn bờ bên kia, đã thoát khỏi tình cảnh này). Bởi vậy Phật đã quyết định đi truyền đạo suốt 45 năm còn lại của đời mình trong thế gian đầy buồn vui này. Một sự nghiệp miệt mài, nhiên liệu chính của nó là tấm lòng kiên-nhẫn vì một lòng bi-mẫn đong đầy dành cho muôn vàn người trong khổ cảnh này. Giờ đọc lại các kinh mới thấy lý do Phật đề cao sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) là hàng đầu; bởi không có sự hiểu biết đúng đắn thì chẳng có gì phải nói về đạo lý hay giáo lý để làm gì. Sự hiểu biết đúng đắn là gì? Đó là hiểu biết rõ cái tình cảnh của ta, hiểu biết rõ một kiếp người chỉ là tạm bợ, như phù du, rằng sự sống này chỉ như một đống khổ, như mối hiểm họa đang chờ chực, như một căn bệnh nan y; rồi sẽ già, bệnh, chết; rồi lại bị tái sinh trong muôn vàn kiếp khổ đau. Cái khổ của sự “già, bệnh, chết, sinh và tử”, nếu người ta đừng né tránh hiểu nó, họ sẽ thấy nó thực sự phũ phàng và đáng sợ kinh khủng đúng như nó thực là, và nếu biết suy ngẫm một cách đúng đắn và thiết thực về nó.
Cái gì là khổ nạn và nguy hiểm nhất nếu thoát khỏi được nó sẽ là một kỳ công kỳ tích, và đó là điều đáng làm, đáng ao ước, đáng dồn hết công sức để làm. Vì lẽ đó Phật đã luôn đề cao về sự hiểu-biết và sự tu-thành. Theo đạo Phật, một người tu thành là người đã đạt tới dòng thánh đạo, trở thành một bậc thánh Nhập-lưu hay Tu-đà-hoàn. Đó là người đã thành tựu về cách-nhìn (chánh kiến), đã làm nên sự đột- phá (chứng ngộ) bằng sự hiểu-biết trực tiếp, đã nhập vào dòng thánh đạo bất thoái chuyển. Bậc thánh Nhập-lưu vẫn còn, nếu không tiến thêm một trong ba bậc thánh cao hơn (Nhất-lai, Bất-lai, và A-la-hán) thì sẽ còn bị tái sinh trong tối đa bảy kiếp nữa. Như vậy là vẫn còn chịu khổ đau đau đớn của sự tái sinh, già, bệnh, chết … trong những kiếp tiếp theo. Nhưng Phật đã tuyên thuyết rằng, những sự khổ đau trong những kiếp còn lại chẳng là gì so với sự thành tựu và chứng ngộ vào dòng thánh đạo. Nói cách khác, sự tu tập thành công và chứng ngộ là lớn lao hơn rất rất nhiều so với sự khổ đau còn lại; có thể nói rằng, sau khi đã chứng ngộ vào dòng thánh đạo, thì sự khổ đau còn lại trong những kiếp tái sinh tiếp theo dù tới mức độ nào cũng chỉ như một hạt cát so với một sa mạc cát mà thôi. Phật đề cao sự tu hành và chứng ngộ là lợi ích lớn lao không thể nghĩ bàn. Và Phật đã kiên nhẫn nói đi nói lại điều đó rất nhiều lần cho nhiều người nghe khác nhau, để khích lệ mọi người hãy lo tu tập càng sớm càng tốt thì mới mong có thể có ngày giác ngộ và giải thoát khỏi sự thống khổ đáng khiếp sợ không thể nào kể xiết của vòng luân hồi sinh tử.
Trong “Bộ Kinh Liên Kết Theo Chủ Đề”, tức Tương Ưng Bộ Kinh (SN), có nguyên một chương 13 (tương ưng 13) là chương “Abhisamaya-saṁyutta”— tạm dịch là chương về “Sự Đột-Phá” (theo nghĩa thầy Tỳ Kheo Bồ-Đề, người đã dịch lại các bộ kinh Nikaya ra ngôn ngữ phổ thông hiện đại), hoặc chương về “Sự Chứng-Ngộ” (theo cách diễn dịch của thầy Tỳ Kheo Thanissaro). Trong đó, Đức Phật đã lập lại nhiều lần điều đó. Khi người tu đã chứng ngộ vào dòng thánh đạo, tức Nhập Lưu hay Tu-đà-hoàn, thì sự ích lợi là vô lớn lao hơn tất cả những gì có thể nghĩ bàn.
Trong chương này, gồm 11 bài kinh, Phật đã dùng các ví dụ để nói về sự lớn lao đó của việc tu tập thành công. Lần lượt, Phật ví sự tu-thành của người tu là lớn như:
1. Đất của trái đất so với chút đất trong móng tay;
2. Nước trong cái hồ rộng, dài, sâu 50 do-tuần so với một hai giọt nước trên đầu lá cỏ;
3 & 4. Nước ở vùng các sông lớn hợp lưu so với hai, ba giọt nước;
5 & 6. Đất của trái đất so với bảy hòn đất sét nhỏ có cỡ bằng hạt táo tàu;
7 & 8. Nước trong đại dương so với hai, ba giọt nước;
9 & 10. Dãy núi Hy-mã-lạp-sơn so với bảy hòn sỏi nhỏ có cỡ bằng hạt cải;
11. Ngọn núi Sineru (núi Tu-di) so với bảy hòn sỏi có cỡ bằng hạt đậu xanh.
Phật đã cố dùng nhiều cách để nói đi nói lại cho các tu sĩ và người nghe về cái giá trị lớn lao nhất của việc đi tu và giác ngộ mà mọi người nên đầu tư cả trái tim và thời gian để tu tập cho được, giống như cách Phật cũng đã làm, đã chứng ngộ, và đã đang truyền dạy lại cho mọi người. Sự kiên nhẫn của Đức Phật thật đáng làm chúng ta xúc động.
Dường như Phật muốn hối thúc mọi người mau hiểu biết sự thật khổ (diệu đế thứ nhất) và sự thật về sự chấm dứt khổ (diệu đế thứ hai), và phải thực hành con đường để dẫn tới sự chấm dứt khổ đó (diệu đế thứ tư).
Và dường như, ngoài các thánh đệ tử thời Phật như đã được ghi lại trong các kinh, mọi người đọc xong nghe xong rồi cũng bỏ lơ những lời Phật đã cố công diễn đạt bằng những ví dụ lớn lao như trên.
Và dường như thời gian vẫn thản nhiên đi qua, nó đã đi qua một cách ngang nhiên hơn 25 thế kỷ kể từ lúc Phật nói những câu này. Một thế kỷ thứ 26 cũng đang đi qua, với những thập niên đã đi qua, bởi những năm tháng đã lặng lẽ đi qua, và năm nay cũng đang đi qua, chỉ còn lại trong vài ngày thấy trước.
Giáng Sinh, và cuối năm 2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét