Đáp: Thông thường, mọi công việc mưu sinh trong cuộc sống đều gặp nhiều trở ngại, khó khăn, nhưng nếu kiên nhẫn và khéo léo vượt qua, thì sự thành tựu chắc chắn sẽ tiến bộ. Nguời xưa đã từng nói: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Nếu mọi việc ở trên đời luôn dễ dàng và thuận lợi, thì không thể có được những bậc anh hùng hào kiệt xuất chúng.
Những bậc xứng danh anh hùng là những người có khả năng vượt qua chông gai, chướng ngại thử thách để tiến bộ. Cũng vậy, trên bước đường tu hành cũng không thể mong cầu việc luôn dễ dàng hay thuận duyên. Nếu khi gặp nghịch cảnh mà chúng ta khéo léo nhìn rõ và hóa giải thì chứng tỏ là người có sức mạnh và tiến bộ hơn những người bình thường. Đừng nên cho rằng chỉ có mình mới gặp nhiều nghịch cảnh, bởi vì trong cuộc sống tất cả mọi người đều có những hoàn cảnh chướng ngại khác nhau tùy theo nghiệp riêng của họ.
Trong khi đối diện với nghịch cảnh, chúng ta có mấy điều cần phải tâm niệm.
* Thứ nhất, nên nghĩ đây là nghiệp của mình cần phải trả. Không phải tự nhiên mà người kia làm khổ hay tạo chướng ngại đối với mình. Có thể do cái nhân mà mình đã tạo gây ra ở đời trước, bây giờ đủ duyên tạo thành quả, cho nên mình nên chấp nhận chịu đựng để vượt qua nghịch cảnh đó. Có mượn nợ thì phải trả nợ là quy luật nhân quả tự nhiên và hằng hữu chi phối đời sống của con người. Ngay cả đức Phật là bậc toàn giác, là Thầy của hàng Trời và người mà vẫn còn không đứng ngoài chi phối của nhân quả. Ngài vẫn bị nhức đầu ba ngày do kiếp xưa đã dùng gậy gõ lên đầu con cá ba lần. Hoặc vẫn phải chịu nạn bị cây giáo vô tình đâm trúng làm chảy máu hoặc vì khất thực không có đồ ăn và phải ăn đỡ thức ăn dành cho ngựa trong suốt ba tháng. Đó đều là do nhân quả đã tạo ở nhiều đời trước cần phải trả cho xong, cho nên người Phật tử cần hiểu rõ và đừng nản lòng hoặc tỏ ra giận dữ và chống đối.
* Thứ hai, người Phật tử cần nên suy xét rằng, chính nghịch cảnh là năng lực thúc đẩy cho mình càng phấn chấn ý chí tinh tấn, nỗ lực công phu tiến tu đạo nghiệp. Khi đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề, ngài đã nói về bốn chân lý (Tứ diệu đế), mà chân lý đầu tiên chính là Khổ đế, là một lẽ thật muôn đời không thay đổi ở thế gian. Nghịch cảnh đã chứng minh lời đức Phật nói hoàn toàn không đúng. Trong mười điều tâm niệm, đức Phật cũng dạy người tu phải lấy nghịch cảnh khó khăn để làm phương tiện mà tiến đạo. Đâu phải chỉ có người Phật tử mới gặp những chướng duyên, nghịch cảnh, mà khi xưa, chính đức Phật cũng đã từng bị Đề-bà-đạt-đa nhiều lần hãm hại hoặc các phái ngoại đạo luôn tìm cách vu khống để ngăn trở sự nghiệp hoằng pháp, nhưng ngài đều dũng mãnh vượt qua hết tất cả. Cũng nên tìm đọc lại lịch sử và gương tu học các vị Tổ, các vị cao tăng, hoặc là gương sáng của các nhân vật trong thời hiện đại qua chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu để vững bước tiến tu.
* Thứ ba, thường thấy rõ thân mạng này chỉ tồn tại trong một hơi thở và muôn vật ở xung quanh luôn biến đổi vô thường, giả dối không có thật, có gì đáng để lòng mà phải đau khổ, dính mắc. Thấu rõ được lẽ thật như thế, thì dù gặp nghịch cảnh hay khó khăn nào, người tu đều dùng trí tuệ sáng suốt và tâm từ bi bao dung để hóa giải và có thể vượt qua một cách nhẹ nhàng. Đó là những phương pháp tu hành mà người tu cần nhớ kỹ để trợ giúp cho mình vượt qua nghịch cảnh khó khăn, thử thách và tiến gần đến mục tiêu giải thoát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét