CHÁNH TÍN VÀ MÊ TÍN - Chùa Vinh Phúc

Hoằng Dương Chánh Pháp - Trưởng Dưỡng Đạo Tâm - Phụng Sự Nhân Sinh - Hành Bồ Tát Đạo

test banner

Post Top Ad

test banner

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2018

CHÁNH TÍN VÀ MÊ TÍN

Trước khi bàn về vấn đề này chúng ta phải hiểu thế nào là Phật, thế nào là đạo Phật. Nếu chúng ta biết Phật, biết đạo Phật thì chúng ta mới có thể nói chánh tín, mê tín được, chớ không hiểu Phật mà nói chánh tín, mê tín e sẽ hiểu lầm. Cho nên trước hết tôi sẽ nói về Phật và đạo Phật.
Chúng ta lâu nay đọc sách nghiên cứu, nhất là sách cổ. Quý vị thấy trong các quyển sách xưa, không dùng từ Phật mà nói đến Phật thì dùng từ Bụt. Ngày xưa gọi Bụt, ngày nay gọi Phật. Như vậy từ nào đúng hơn? Vấn đề này tuy đơn giản nhưng nếu không thấu suốt chúng ta sẽ lúng túng khi gặp người khác hỏi. Chính nhờ hai từ Bụt và Phật mà chúng ta có thể nghiên cứu được sự truyền bá của đạo Phật vào Việt Nam qua những con đường nào.
Theo tiếng Phạn, Phật nói đủ là Buddha. Chữ Dha là người, chữ Bud là giác. Buddha là người giác ngộ. Trung Hoa dịch là giác giả. Giả là người, giác là giác ngộ. Giác giả là người giác ngộ. Người giác ngộ nghe dễ hiểu quá, nhưng tại sao chúng ta không gọi người giác ngộ mà gọi là Phật. Tôi sẽ giải thích điểm này.
Phật giáo Việt Nam ban đầu do người Ấn Độ theo đường biển, ghé vào Việt Nam truyền đạo. Người Ấn thì quen dùng Buddha, khi Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam, dân ta đọc trại âm thành ra Bụt, chữ dha là người, chúng ta gọi là ông. Thế nhưng tại sao không gọi ông Giác ngộ mà gọi là ông Bụt?
Vì ý nghĩa giác ngộ có nhiều lối giải thích như giác ngộ của đạo Phật là giác ngộ thấu suốt được nhân sinh, thấu suốt được vấn đề con người một cách tường tận, gọi đó là giác ngộ. Song ở thế gian có người trước kia là kẻ trộm cắp, rượu chè say sưa. Sau đó được giáo dục họ thức tỉnh, bỏ trộm cắp rượu chè, người ta nói anh ấy đã giác ngộ. Như vậy giá trị giác ngộ của kẻ trộm đến mức nào? Chỉ là giác ngộ những tật xấu chớ chưa phải giác ngộ những gì cao siêu. Như vậy nếu gọi Phật là người giác ngộ thì có thể bị hiểu lầm. Do đó trong nhà Phật dùng nguyên từ Phật để nói lên nghĩa giác đó không phải tầm thường.
Người Ấn Độ trực tiếp dạy chúng ta từ Bụt nhưng tại sao chúng ta lại gọi là Phật? Là vì tới đời Trần, Việt Nam mới thỉnh tạng kinh chữ Hán từ Trung Hoa sang. Chữ Buddha Trung Hoa viết chữ Phất, chúng ta đọc trại thành Phật. Từ này có lẽ từ đời Trần trở về sau mới dùng, còn trước kia gọi là Bụt. Kể cả văn Nôm của ngài Trần Nhân Tông cũng viết Bụt (Phú Cư Trần Lạc Đạo). Vậy từ Bụt là do sự trực tiếp giáo hóa của người Ấn trước kia. Sau này dần dần có những Thiền sư ở Trung Hoa sang, hệ thống Phật giáo Trung Hoa được truyền vào nước ta làm phong phú thêm cho Phật giáo Việt Nam.
Nên biết nói tới Phật là nói tới sự giác ngộ bằng trí tuệ chớ không phải bằng lòng tin. Song ngày nay Phật tử đi đến chùa vì lòng tin nhiều hơn vì giác ngộ. Đó là cái đau của chúng ta. Nguyên đạo Phật là đạo giác ngộ mà Phật tử đến với đạo Phật bằng lòng tin thì đã làm mất hết giá trị của đạo Phật, thật đáng buồn.
Phật là một vị giác ngộ, mà giác ngộ nghĩa là thấu triệt được lý nhân sinh v. v... chớ không phải giác ngộ theo nghĩa thông thường của người thế gian. Phật là bậc giác ngộ thì giáo pháp của Ngài dạy đều là những lời chỉ bảo cho chúng ta nương theo đó mà tự tu tập, để cùng được giác ngộ như Ngài.
Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy rằng: "Các ngươi hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với chánh pháp. " Ngài bảo chúng ta phải tự thắp đuốc sáng, tự soi đường mà đi. Thắp lên với chánh pháp, tức là chúng ta phải mồi trí tuệ của mình với chánh pháp củaPhật. Vậy thì càng đến với đạo Phật, càng thâm hiểu chánh pháp là càng mở sáng trí tuệ.
Nên trong nhà thiền thường hay dùng từ "truyền đăng tục diệm", nghĩa là trao đèn nối lửa. Tại sao gọi là trao đèn nối lửa? Vì trí tuệ giác ngộ của đức Phật sáng ngời như ngọn lửa như đèn, chúng ta muốn được mở sáng trí tuệ phải nhờ trí tuệ của Phật để mồi sáng trí tuệ của mình. Mồi sáng trí tuệ của mình gọi là trao đèn, gọi là nối lửa. Nếu không mồi sáng được thì không phải theo đạo Phật, cũng không có nghĩa giác ngộ. Cho nên trao đèn nối lửa là trao sự giác ngộ, tức là đem pháp Phật trao dạy cho mọi người được biết. Việc làm này gọi là truyền bá Phật pháp hay truyền bá đạo Phật.
Bây giờ định nghĩa đạo Phật là gì? Đạo là phương pháp, là con đường. Phật là sáng suốt, giác ngộ. Đạo Phật là phương pháp dạy cho chúng ta được sáng suốt, giác ngộ. Nên giá trị của đạo Phật là đem lại cho mọi người trí tuệ sáng suốt, chớ không phải đem lại cho mọi người lòng tin.
Đạo Phật đã lấy trí tuệ, lấy giác ngộ làm gốùc thì tại sao trong đạo Phật chấp nhận mê tín được. Nhưng hiện nay Phật tử chúng ta đến với đạo Phật để mở sáng trí tuệ rất ít mà đến với đạo Phật bằng lòng tin, bằng cầu xin thì rất nhiều. Cho nên đã có một thời người trí thức nhìn đạo Phật như là một đạo mê tín. Phê bình như vậy là oan cho đạo Phật rồi. Đạo Phật dạy một đàng, mà Phật tử làm một nẻo nên bị người ta phê bình sai lầm.
Đến đây chúng ta bắt đầu đi vào đề tài mê tín và chánh tín. Lẽ ra tôi nói chánh tín trước nhưng muốn cho quý vị nhớ sâu, nhớ kỹ nên tôi nói mê tín trước. Chữ mê tín định nghĩa rất dễ. Mê là mờ mịt, sai lầm. Tín là tin. Tin một cách mờ mịt sai lầm, không có lẽ thật gọi là mê tín. Đạo Phật lẽ ra không phải là mê tín, tại sao trở thành mê tín? Tôi sẽ lần lượt giải thích.
Theo chiều dài lịch sử, đạo Phật đã có trên hai mươi lăm thế kỷ, còn chiều rộng thì Phật giáo có hai hệ:
1) Nam truyền Phật giáo.
2) Bắc truyền Phật giáo.
Hai hệ này trước kia ở Trung Quốc gọi là hệ Đại thừa và hệ Tiểu thừa. Ngày nay người ta không dùng hai từ đó nữa, vì nó mang tính cách so sánh dị biệt, Đại thừa là to và Tiểu thừa là nhỏ, nghe như khinh nhau. Hiện giờ Phật giáo Việt Nam có cả hai hệ Nam tông, Bắc tông cùng chung tồn tại. Trong đó hệ Đại thừa đổi tên lại là hệ Phát triển. Hệ Tiểu thừa gọi là hệ Nguyên thủy. Tôi xin nói sơ qua về hệ Phát triển và hệ Nguyên thủy.
Về hệ Nguyên thủy, chữ nguyên là trước, chữ thủy cũng là trước, hai chữ đó dùng chung lại để cho thấy hệ này y cứ từ buổi ban đầu của Phật giáo. Buổi ban đầu của Phật giáo, sự truyền giáo, sự tu hành như thế nào thì hệ này sống đúng như vậy, nên gọi là Nguyên thủy.
Còn hệ Phát triển, Phát triển tức là tùy cơ, tùy duyên, có sự linh động và luôn luôn tiến lên, chớ không dừng nghỉ ở một chặng nào. Vì vậy sinh hoạt của chư tăng trong hai hệ cũng khác nhau.
Ngày xưa ở Ấn Độ, Phật đi khất thực, bây giờ hệ Nguyên thủy cũng đi khất thực. Do khất thực nên thí chủ cho gì nhận nấy. Người ta cho thức ăn mặn chư tăng cũng phải ăn, quý vị nên hiểu như vậy để không khỏi ngạc nhiên khi thấy chư sư Nguyên thủy ăn mặn. Và các vị này chỉ ăn buổi sáng và buổi ngọ, gọi là ngọ trai tức bữa ăn trưa.
Chữ trai và chữ chay khác nhau. Chữ trai là ăn đúng ngọ, còn chữ chay là không ăn cá thịt, chỉ ăn những thức ăn thực vật. Chữ trai giới là giữ đúng ngọ, quá giờ ngọ không ăn. Như vậy hệ Nguyên thủy ăn trai mà không ăn chay. Buổi chiều có thể chỉ uống một ly nước trà đường, đó là điều mà chúng tôi được biết nhân dịp sang Xri Lanca và Ấn Độ trước đây.
Về mặc thì chư sư quấn y màu vàng sậm. Ở trong Nam có hai hệ: một hệ quấn y màu vàng sậm là hệ Nguyên thủy; còn hệ quấn y màu vàng nhạt và ăn chay là hệ Khất sĩ, Sơ Tổ hệ này là ngài Minh Đăng Quang. Hệ này ở miền Nam phát triển cũng mạnh lắm.
Về giáo lý, hệ Nguyên thủy dùng giáo lý bằng chữ Pali, tức kinh điển Pali để giảng dạy, tu học, kể cả đọc tụng. Còn hệ Khất sĩ dùng kinh chữ Việt. Thế là tôi đã nói đại cương về hệ Nguyên thủy rồi.
Về hệ Phát triển, đây là hệ từ Ấn Độ truyền sang miền Bắc, kinh điển dùng chữ Sanskrit. Thời đó đức Phật đi khất thực, còn Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên không thích khất thực. Những vị Hòa thượng lớn ở Trung Hoa được triều đình hay các ông quan cất chùa rồi cúng cho một thửa ruộng, chư tăng trồng trọt lấy mà ăn. Nếu trồng trọt, nấu nướng chẳng lẽ chư tăng phải mua gà, mua vịt thì không đúng, vì phạm tội sát sanh. Nên các Ngài chỉ ăn các loại thực vật, thành ra các Ngài ăn chay chớ không phải hai hệ có sự chống đối nhau. Đó là lý do các chùa thuộc hệ Phát triển đều ăn chay. Đã ăn chay lại phải làm ruộng nữa, nếu giữ trai giới không ăn buổi chiều thì làm không nổi, nên buộc lòng chư tăng ăn cháo chiều. Đó là việc ăn uống của Bắc tông hay hệ Phát triển.
Đến phần mặc, hệ Phát triển không đặt nặng hình thức ăn mặc, tùy theo phong tục quốc gia mà chư sư có các y phục riêng. Phật giáo sang Trung Hoa có hình thức ăn mặc theo Trung Hoa, sang Việt Nam có hình thức ăn mặc theo Việt Nam, sang Nhật Bản có hình thức ăn mặc theo Nhật Bản. Bởi vì hệ Phát triển không quan trọng chuyện ăn mặc mà chỉ quan trọng ở chỗ biết bệnh và biết thuốc mà thôi. Đâu vì ăn mặc khác mà chúng ta nói không phải đạo Phật. Đó là tinh thần Phát triển.
Tinh thần Phát triển còn có ý nghĩa tùy duyên. Tùy duyên là đến đâu tùy theo trình độ, tập quán của địa phương, làm sao hòa nhập được để truyền bá Phật pháp thì tốt chớ không cố chấp. Do đó giữa hệ Phát triển và hệ Nguyên thủy có những dị biệt về mặt truyền giáo.
Trong nhà Phật có từ "tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên". Tùy duyên là tùy căn cơ, tùy phong hóa tập tục; bất biến là chánh pháp của Phật không bao giờ thay đổi. Tùy theo tập tục, phong hóa của mỗi địa phương mà ứng dụng được Phật pháp. Làm thế nào cho người địa phương chấp nhận, đó là tùy duyên; còn chánh pháp của Phật phải giữ thủy chung như nhất, không đổi thay, đó là bất biến. Như vậy tinh thần của hệ Phát triển đi sâu vào phần này hơn.
Các nước tu theo Phật giáo Nguyên thủy thờ tượng Phật cũng giống người Ấn Độ. Nhưng sang Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản thì nước nào diện Phật theo nước đó, chớ không bắt buộc phải giống như người Ấn Độ. Đó là những đặc điểm của hai hệ phái chánh đang được truyền bá ở Việt Nam.
Riêng ở miền Bắc nước ta chỉ có hệ Phát triển đang phát triển mạnh, còn hệ phái Nguyên thủy thì dường như không có bao nhiêu. Do sự truyền bá rộng rãi ấy mà Phật giáo bị pha trộn ít nhiều màu sắc tín ngưỡng của địa phương. Chúng ta vào các chùa miền Bắc giải thích hết những pho tượng ở trong chùa, chắc không nổi. Vì ở đó có Phật, Bồ Tát, La Hán, Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu v. v... đủ hết, nên biết đâu mà giải!
Miền Nam thì việc thờ phụng đơn giản hơn. Nhất là các thiền viện chúng tôi chỉ có đức Phật Thích Ca ở giữa thôi, không có tượng thứ hai. Bởi do sự hội nhập của Phật giáo ban đầu hòa vào tính người bản địa, nên sự tín ngưỡng không đúng như chân tinh thần của đạo Phật.
Như ở trên tôi đã định nghĩa mê tín là lòng tin mù quáng, sai lầm, không có lẽ thật. Việc mê tín này không chỉ có người quê dốt mới mê tín, mà cả giới trí thức cũng mê tín như thường. Động cơ nào đưa đến mê tín chúng tôi sẽ nói sau. Như đã nói mê tín là tin mù quáng, sai lầm không có lẽ thật, nhưng tin thế nào? Tin có đấng thiêng liêng làm mẫu mực để răn điều ác, thưởng điều thiện. Tin những vị thần thánh có quyền ban phước giáng họa, khi chúng ta cầu đến các Ngài. Các thứ tin đó đều thuộc về mê tín. Tại sao? Tôi sẽ giải thích từng phần.
Thuở xưa Tổ tiên chúng ta tin rằng dưới là đất, giữa là người, trên là Trời. Trời, đất, người, đó là cái gốc. Theo tổ chức thời quân chủ, người thì có vua có quan, trên vua dưới quan để cai trị dân. Người đã như vậy thì trên trời cũng có Ngọc Hoàng Thượng Đế là vua, Nam Tào, Bắc Đẩu là quan để coi bộ sổ trị phụ cõi này. Và dưới đất có Diêm Vương, rồi cũng Nam Tào, Bắc Đẩu phụ cai trị nữa. Như vậy, lấy cái thực trạng của nhân gian mà tưởng tượng ra hệ thống cai trị cõi trời cũng như hệ thống cai trị ở địa ngục.
Nhưng thực tế, quý vị có thấây Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Nam Tào, Bắc Đẩu nào đến răn người ác, thưởng người thiện không? Không thấy mà cứ tưởng tượng. Hồi xưa để răn người ác nên dân gian dùng hình tượng Thiên lôi trừng trị như sét đánh. Nhưng thuyết đó bây giờ không còn vì khoa học đánh đổ mất rồi. Người thưởng người phạt không còn, tức là bộ máy quan lại không còn thì ông vua cũng không còn. Ngày nay hệ thống cai trị trên trời đã bị khoa học phá vỡ, hệ thống trừng trị dưới địa ngục cũng bị phá vỡ luôn. Tôi nói thế quý vị sẽ nghĩ tôi không tin có cõi trời, cõi địa ngục. Không phải vậy.
Trong kinh Phật có dạy người tu Thập thiện sẽ được sanh về cõi trời. Cõi trời chứ không phải nước trời. Cõi là một hành tinh, một thế giới, thế giới đó tốt đẹp hơn thế giới chúng ta. Chúng ta có phước sanh chỗ tốt hơn, chúng ta vô phước sanh chỗ khổ hơn, chớ không phải có một cõi trời đang ngự trị chúng ta.
Cõi địa ngục cũng bị hiểu lầm là cái ngục ở dưới đất. Như vậy đào đến đâu mới tới địa ngục? Chúng ta thường dùng từ "địa phương", chẳng hạn địa phương Hà Nội, địa phương Sài Gòn v. v... Địa phương là chỉ nơi chốn, vậy địa ngục là gì? Là nơi hành phạt con người. Ai có tội lỗi thì bị đến đó chịu hình phạt, nên gọi là địa ngục. Theo nghĩa này thì trên dân gian có địa ngục không? Đâu phải đợi xuống âm phủ mới có địa ngục, nếu hiểu như vậy chúng ta mới sợ địa ngục. Bởi vì mình gây tội thì đâu phải đợi chết mới xuống địa ngục, mà hiện đời cũng phải đọa địa ngục.
Nếu chúng ta tin có một đấng thiêng liêng cầm cân nẩy mực, ban phước giáng họa thì cái tin đó có đúng sự thật không? Nếu tin không đúng sự thật thì gọi là gì? Gọi là mê tín. Vậy mà người ta cứ tin có ông thần này, ông thánh nọ hoặc thánh mẫu độ mạng. Tin vào một người mà mình hoàn toàn không biết gì hết thì thật là dại dột làm sao!
Quý vị đến chùa nhưng không phải tin Phật, theo Phật mà lại tin những gì không phải Phật dạy mới kỳ chứ. Phật dạy quy y Phật là không quy y với thiên thần quỷ vật. Quy y pháp là không quy y với ngoại đạo tà giáo. Quy y tăng là không quy y với kẻ ác người dữ. Bây giờ quý vị quy y với Phật mà tin quỷ, tin thần, tin đủ thứ hết.
Thứ hai là bói toán, bùa chú, đồng bóng, xem ngày tốt xấu, mấy thứ đó có phải mê tín không? Thầy bói dù bói có trúng trăm phần trăm cũng là mê tín, huống là bói sai. Tại sao? Tôi cũng có quen với những người thầy bói, coi tay xem tướng, có khi họ bói rất trúng. Nhưng quý vị nhớ, có thầy bói nào nói "anh hay chị sẽ gặp việc đúng y như bản tường trình tôi nói đây mãi mãi" không? Hay là họ bảo ba tháng, sáu tháng đến coi lại. Tại sao ba tháng, sáu tháng coi lại? Chúng ta cứ nghĩ chắc ông thầy bói này làm tiền, bắt ba tháng sáu tháng trở lại để kiếm tiền quẻ. Nhưng sự thật không phải vậy, bởi vì tướng tay của chúng ta thay đổi luôn luôn, tùy theo hành động của mình. Chúng ta có hành động tốt thì sẽ chuyển những việc xấu, chúng ta có những hành động xấu thì sẽ hư những việc tốt, không nhất định. Như vậy hành động tốt, hành động xấu có ảnh hưởng đến thân tướng, tới chỉ tay của chúng ta. Thế thì chúng ta nên đi coi bói hay nên hành động?
Trong sách tướng thường có câu: "Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh" nghĩa là có tâm tốt mà không có tướng tốt, tướng tốt từ tâm tốt mà hiện. "Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt" nghĩa là có tướng tốt mà không có tâm tốt thì tướng tốt cũng theo tâm xấu mà mất. Sách tướng nào ở trang đầu hoặc trang cuối cũng đều ghi bốn câu đó cả. Tôi xin nhắc lại "Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sanh. Hữu tướng vô tâm, tướng tùng tâm diệt". Như vậy tướng tốt mà tâm ác thì tướng tốt cũng bị mất.
Thí dụ như có người được thầy bói xem tướng nói: "Anh có phước tướng sẽ được sung sướng v. v... " nhưng người đó có tánh nóng nảy, một hôm ai nói trái ý, anh nổi giận đập người ta chết. Khi đập người ta chết thì quý vị nghĩ tướng tốt và phước của anh còn hay mất? Mất liền, vì anh sẽ ở tù, sẽ tiều tụy, đâu còn tốt nữa. Vậy dù nói trúng trăm phần trăm, tướng tốt đó cũng không bảo đảm. Bảo đảm nhất là tâm tốt hay xấu, nếu khéo giữ tâm mình tốt thì mọi việc xung quanh đều tốt. Không giữ tâm tốt mà cứ đi coi bói thì kết quả chỉ tốn tiền vô ích mà thôi.
Nên tổ tiên chúng ta có những câu như thế này: "Tay cầm tiền quý bo bo, đem cho thầy bói thêm lo vào mình". Như gia đình đang yên vui không có việc gì, bỗng dưng đi coi thầy bói, nói ba tháng nữa mình bị nạn, như vậy có còn vui không? Nên tin vào thầy bói chỉ khổ thân không có ích lợi gì cả, chúng ta nên tin vào chính mình mới là điều quan trọng.
Con người mình tốt thì mọi việc xấu sẽ qua. Con người mình xấu thì mọi việc tốt sẽ mất. Tin như vậy là chánh tín. Tin theo thầy bói là mê tín. Sự nguy hại của mê tín là làm cho chúng ta khổ sở, hao tốn tiền của v. v...
Tôi không biết sinh viên ở đây (Hà Nội) ra sao, chớ các cô cậu ở TP. Hồ Chí Minh khi sắp thi tú tài, thường đi coi bói. Đã học tới tú tài thì cũng được xem là trí thức rồi nhưng vẫn mê tín như thường. Tôi nói để quý vị thấy không phải người bình dân, dốt nát mới mê tín mà có khi giới trí thức cũng mê tín. Đó là vì chúng ta không tự tin mình.
Nếu thầy bói nói cô hay cậu nhất định sẽ thi đậu, nhưng cô cậu ấy không thuộc bài thì có thi đậu được không? Ngược lại nếu thầy bói nói thi rớt nhưng cô cậu ấy học thuộc bài thì chắc gì rớt. Cho nên đậu rớt là gốc ở chúng ta. Vì vậy chúng ta phải dè dặt đừng để rơi vào mê tín. Có nhiều người nói ông bà mìnhthuở xưa coi địa lý, xem tướng số, đổ tử vi thì mình cũng làm theo chớ đâu phải mê tín. Hoặc nói đổ tử vi rất đúng, đã đúng thì đâu phải mê tín.
Tôi xin nhắc cho quý vị nhớ, quyển sách tử vi nào cũng viết tuổi này lớn lên có gia đình, có đôi bạn, có con nhiều hay ít v. v... chưa có quyển tử vi nào nói tuổi này lớn lên sẽ đi tu. Vậy mà vẫn có người đi tu. Thế thì tử vi có phải là chân lý chưa? Lại nữa, các nhà bói toán, xem tử vi, coi địa lý luôn nhắc câu này: "Tuổi anh, tuổi chị tốt nhưng phải khéo làm lành, khéo ăn ở thì mới hưởng được phước, còn nếu không làm lành, không khéo ăn ở thì vận số có thể đổi". Như vậy thì làm lành ăn ở tốt cho rồi, đi coi bói chi cho tốn tiền. Đó là nói về tướng số tử vi.
Đến địa lý, ngày xưa tổ tiên chúng ta cũng tin địa lý, riêng tôi có đọc sách địa lý, tôi thuộc câu này:
Phong thủy nhân gian bất khả vô,
Toàn bằng âm chất lưỡng tương phò,
Phú quý nhược tùng phong thủy đắc,
Tái sanh Quách Phát giả nan đồ.
Nghĩa là phong thủy ở nhân gian chẳng phải không. Cũng có tốt có xấu nhưng mà phải nương vào phước đức (âm chất). Phước đức nhiều cộng thêm phong thủy tốt, cả hai góp sức nhau thì mới thành tựu được điều tốt. Nếu chỗ đất tốt mà người làm việc xấu ác thì cũng vô nghĩa. Câu kế nói phú quý nhược tùng phong thủy đắc nghĩa là giàu sang nếu từ phong thủy mà được, thì ông Tổ địa lý là Quách Phát dù có tái sanh trở lại, chỉ cho chúng ta chỗ đất tốt cũng không giàu sang phú quý được.
Như vậy địa lý có thể có, nhưng phải cộng với đức hạnh tốt của mình. Đạo đức sâu dày thì mới thực hiện được địa lý tốt. Đạo đức không có thì dù địa lý tốt cũng không làm gì được cả. Đức hạnh mới là chánh, người có đức hạnh thì chỗ nào vừa ý là chỗ đó tốt. Người không có đức hạnh thì thấy chỗ đất tốt nhưng rồi cũng không tốt. Chúng ta thấy mọi sự việc, kể cả địa lý cũng tùy thuộc vào con người.
Hiện nay chúng ta mắc phải mê tín rất nhiều. Lý do, một là vì lòng tham, hai là do sợ hãi, ba là tại si mê. Ba thứ đó là ba cái nhân của mê tín.
Về tham, tôi thí dụ như có người vay số tiền lớn để làm ăn nên phải chạy hỏi ông đồng bà cốt. Do muốn kết quả lớn, có lợi nhiều như mình mong cầu mà vì mình chưa biết nên nôn nao chạy hỏi người này, người kia. Đó là gốc từ tham lam mà ra.
Thứ hai là do sợ hãi, như có người gặp hoạn nạn một hai lần còn chịu nổi, nhưng bị dồn dập quá chịu hết nổi đâm ra hoảng hốt chạy nơi này nơi kia tìm hỏi, trường hợp này cũng dẫn đến mê tín.
Thứ ba là do si mê không nhận được lẽ thật nên tìm thầy hỏi han. Đó là ba điều đưa con người đến mê tín. Nhiều ông đồng, bà cốt, thầy bói đâu có học thức gì, nhưng nghe nói linh thiêng người ta cũng đến bái xá, cầu cạnh, xin bùa, xin phép, thưa hỏi đủ chuyện. Đó là chúng ta tự hạ thấp mình để cầu xin một người lẽ ra không đáng quý, đáng trọng. Như vậy có đáng chê trách không?
Kế đây tôi nói qua phần chánh tín tức là Phật pháp. Phật pháp thì rất nhiều và rất rộng, ở đây chúng tôi chỉ nói nền tảng của đạo Phật là "Lý nhân quả". Nhân quả có hai phần: Chánh nhân, Trợ nhân và hai phần phụ là thuận nhân, nghịch nhân.
Chánh nhân là nhân, trợ nhân là duyên. Thuận nhân, nghịch nhân cũng gọi là thuận duyên, nghịch duyên. Thí dụ như người nông dân gieo lúa thì hạt giống lúa là chánh nhân. Nhưng nếu có hạt giống mà không có đất, không có nước, không chăm bón thì có nẩy mầm tăng trưởng thành cây lúa và trổ bông lúa không? Chắc chắn là không thể được. Vì thế có chánh nhân rồi cần phải có trợ duyên nữa.
Như vậy nhân và quả sẽ đến với điều kiện đủ duyên thuận. Nếu gặp duyên nghịch như bị sâu đục thân thì dù chúng ta có chánh nhân là hạt giống lúa, có phân có nước trợ duyên, nhưng gặp duyên nghịch là sâu phá hoại thì cây lúa cũng không thể đơm bông kết trái được. Nên phải cẩn thận chăm sóc chi tiết lắm, mới có kết quả như ý muốn.
Nhân quả là một lẽ thật, có thể gọi là chân lý phổ biến. Quý vị nhìn từ các loại thực vật cho tới động vật, các loài khoáng sản v. v... Có loại nào không nhân mà có quả đâu. Con người cho tới loài vật như trâu, bò, heo, dê v. v... cũng phải từ nhân đến quả, từ bào thai sanh ra rồi lớn lên, không có loài nào bỗng dưng mà có. Cho tới ngôn ngữ chúng ta sử dụng cũng theo chiều nhân quả. Như khi viết một câu văn đến chỗ cần thiết, chúng ta dùng từ vì hay do để nói về nguyên nhân của vấn đề mình đang trình bày. Như vậy, lý luận của chúng ta cũng không tách rời nhân quả được. Từ cuộc sống cho tới ngôn ngữ đều nằm trong nhân quả.
Vậy thì việc lành dữ, khổ vui có nằm trong nhân quả không? Như người tánh hay nóng nảy, thấy ai làm trái ý liền la mắng. La mắng là nhân xấu thì dĩ nhiên quả sẽ bị người ta la mắng lại. Nhân đã gieo thì quả phải chịu. Còn thấy người khổ, chúng ta giúp họ theo khả năng của mình thì dù người ấy dốt tới đâu đi nữa, họ cũng biết cám ơn chúng ta. Nếu họ không nói tiếng cám ơn, họ cũng tỏ thái độ quý mình. Như vậy làm điều tốt thì quả tốt sẽ đến với chúng ta.
Có nhiều vị than thế này: "Tôi tốt với người đó quá mà sao họ trả những điều xấu cho tôi". Ngày xưa tôi có viết bài "Nhân hoa quả cỏ" để nói lên việc này. Lúc đó tôi ở Phương Bối Am tại Bảo Lộc - Lâm Đồng, có xin được một số hạt hoa. Mỗi ngày tôi đều tưới nước, chăm sóc tương đối cũng kỹ. Nửa tháng sau chúng mọc lên xanh mướt. Tôi mừng quá vì thấy hạt hoa mình gieo lên thật đều. Nhưng qua một tháng nhìn lại toàn là cỏ, không có cây hoa nào cả. Nhân đó tôi thức tỉnh và viết bài "Nhân hoa quả cỏ".
Tại sao gieo hạt hoa mà lên cỏ? Tôi phát hiện vì mình không rải thuốc trừ kiến, nên hạt hoa đã bị kiến tha đi hết. Tôi lo tưới nước mỗi ngày mà không ngờ mình nuôi toàn là cỏ. Cũng như trường hợp có người bác nuôi mấy đứa cháu mồ côi, con của em trai mình. Người bác cũng thương cho ăn học đàng hoàng nhưng mỗi lần con mình và các cháu xem chiếu bóng thì ông cho con mình hai ngàn, còn cho cháu một ngàn thôi, chớ không bằng con ruột. Khi lớn lên, mấy đứa cháu không thương, không trọng bác nữa. Ông đâm ra bực bội: Tại sao mình nuôi nấng cho nó ăn học, đối xử với nó tốt mà bây giờ nó xấu với mình?
Do đó mặc dù có chánh nhân nhưng thiếu trợ duyên hay trợ duyên không tốt thì kết quả có thể bị thay đổi. Như vậy quý vị thấy nhân quả trong cuộc sống không đơn giản như ta nghĩ. Không phải làm điều tốt thì mọi việc tốt sẽ đến với mình. Khi làm điều tốt chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng, bảo vệ nó thì mới có kết quả như ý mình. Vì vậy phải trợ duyên từ thủy tới chung.
Nhiều người không hiểu cứ hỏi sao nhân tốt mà quả không tốt. Đó là nhìn không tường tận. Nhân quả trùm khắp ở thế gian, chân thật chớ không phải tưởng tượng ảo huyền. Chúng ta gieo nhân tốt và luôn luôn trợ duyên tốt thì kết quả sẽ tốt. Vậy quả tốt, quả xấu đến với chúng ta rõ ràng đâu phải do các đấng thiêng liêng ban cho. Chúng ta là chủ tạo những điều tốt, điều xấu, chúng ta cũng là chủ nhận những quả tốt, quả xấu. Như vậy quyền tạo và hưởng là quyền của mình.
Hiểu được nhân quả, quý vị thấy cuộc sống thật dân chủ. Vì chính mình có quyền tạo nhân tốt và chính mình có quyền hưởng quả từ nhân đã tạo. Mình làm mình chịu, chớ không phải ai làm cho mình chịu. Giả sử nếu có ai làm cho mình chịu thì đó cũng do nhân gián tiếp nào của mình gây không tốt mới đưa đến quả như vậy. Hiểu biết đúng đắn thì chúng ta mới nhận trách nhiệm lớn lao trong cuộc sống này.
Về mặt thời gian, nhân quả chịu ảnh hưởng ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Thí dụ chúng ta gieo hạt lúa giống xuống ruộng thì ít ra ba, bốn tháng sau mới có quả. Như vậy mình đối xử với người hôm nay mà muốn được kết quả liền cũng không được. Tới khi nào chúng ta bị khổ hay hoạn nạn thì người ta mới thổ lộ sự biết ơn với mình, chớ đâu thể nói mình làm tốt thì người ta trả ơn liền. Hiểu lý nhân quả rồi, nếu đời này chúng ta nghèo quá, chúng ta trách ai? Dân gian ta có câu:
Bởi chưng kiếp trước khéo tu,
Ngày nay con cháu võng dù nghênh ngang.
Chúng ta không được võng dù nghênh ngang là tại kiếp trước thiếu làm lành nên ngày nay phải khổ. Vậy trách xã hội, trách những người xung quanh có đúng không? Phải tự trách mình, chính vì thiếu phước nên bây giờ phải cố gắng chuyển cho tốt.
Hiểu được lý nhân quả, khi chúng ta gặp hoàn cảnh khổ mới không đố kỵ người khác sung sướng hơn mình, cũng không oán trách xã hội, chỉ nhận trách nhiệm về phần mình, rồi cố vươn lên. Trong xã hội, ai ai cũng hiểu như vậy thì xã hội đẹp biết mấy.
Ngày nay chúng ta có bệnh hay đổ thừa cho xã hội bất công, hoàn cảnh này kia v. v... Tự chúng ta làm điều xấu nhưng không dám nhận lỗi, lại đổ thừa người này người kia v. v... Đó là chúng ta không gan dạ. Hiểu và tin nhân quả thì chúng ta phải gan, phải biết điều hay, điều dở chính là do mình, tự nhận lấy trách nhiệm chớ không trốn trách nhiệm với mọi người. Tin nhân quả như vậy gọi là chánh tín. Vì sao? Vì tin đúng lẽ thực.
Trong kinh A Hàm Phật kể, một hôm có các thầy Bà-la-môn đến hỏi Phật:
- Thưa ngài Cồ Đàm, đệ tử Ngài sau khi chết Ngài có thể cầu nguyện cho họ sanh về cõi lành được không?
Phật không trả lời mà hỏi lại:
- Đệ tử của các ông chết, các ông có thể cầu nguyện sanh về cõi lành được không?
Các vị ấy đáp:
- Được.
Đức Phật liền dùng thí dụ:
- Như có cái giếng sâu, một người lăn cục đá lớn để trên miệng giếng, rồi mời vài chục thầy Bà la môn đến hỏi: "Tôi xô hòn đá này xuống giếng, quý thầy cầu cho nó đừng chìm được không? "
Các thầy Bà la môn lắc đầu. Phật hỏi:
- Tại sao?
Các vị ấy trả lời:
- Vì đá nặng chìm tận đáy giếng, dù cho có ngàn người cầu cũng không được.
Phật lại dùng thí dụ thứ hai:
- Như có người đem dầu rưới xuống miệng giếng và yêu cầu hai ba chục thầy Bà la môn tới cầu nguyện cho dầu chìm xuống tận đáy giếng, các thầy có cầu được không?
Các thầy Bà la môn cũng lắc đầu. Phật hỏi:
- Tại sao?
Quý vị ấy trả lời:
- Vì dầu nhẹ nên phải nổi, dù có bao nhiêu người cầu cũng không thể chìm.
Phật nói:
- Cũng vậy, nếu người làm lành, làm thiện dù cho các ông cố cầu cho họ bị đọa địa ngục, họ cũng không đọa. Còn người làm ác, nhiều tội lỗi, dù các ông có cầu nguyện mấy họ cũng không thể sanh chỗ lành được.
Qua bài kinh đó chúng ta thấy Phật có chấp nhận cầu nguyện không? Rõ ràng không. Thay vì cầu nguyện thì chúng ta phát tâm làm lành, chớ đừng nghĩ có tiền đem vô chùa nhờ quý thầy cầu nguyện cho mình. Đạo Phật rất tinh tế, chỉ tại người sau hiểu sai rồi đi lệch từ từ.
Như vậy nguồn gốc chánh tín từ đâu ra? Một là do trí tuệ nên chúng ta nhận định đúng, từ sự nhận định đúng đó nên không bị mê tín. Hai là chúng ta can đảm, dù gặp cảnh khổ cảnh khó, cũng không sợ nên không rơi vào mê tín. Thế nên biết, người chánh tín là người có trí tuệ, người can đảm, dám chịu trách nhiệm và ít tham lam. Người như vậy có tu chưa? Tu rồi! Tu là nhận định đúng, sống đúng, chớ không phải tu là ăn chay cho nhiều, cầu nguyện cho nhiều. Cho nên người chánh tín là người sáng suốt, tự lực, can đảm, tự chủ.
Ngược lại, nếu mê tín thì sẽ chuốc lấy những điều tai hại như sau:
- Một là mù tối không có trí tuệ.
- Hai là ỷ lại quỷ thần
- Ba là yếu đuối, không tự chủ, không gan dạ.
- Bốn là bị tha hóa, bị lệ thuộc vào đấng này, đấng kia v. v...
Như vậy chánh tín, mê tín có những lợi hại hết sức rõ ràng. Qua đó, chúng ta thấy chánh tín là một sức mạnh của cuộc sống. Nếu người Phật tử hiểu đạo Phật đúng như vậy mới thấy giá trị của đạo Phật rất cao. Phật tử ngày nay vì chưa hiểu đúng nên đạo Phật bị đánh giá là mê tín. Đó là lỗi của những vị thiếu nghiên tầm, thiếu hiểu biết.
Tôi đã trình bày đại lược về chánh tín và mê tín xong, mong quý vị nghe nhận và suy ngẫm kỹ để thấy được chân giá trị của đạo Phật trong đời sống của người Phật tử chúng ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

test banner