Khi đề cập đến một người có tài năng cao siêu, đa tài đa nghệ, làm việc gì cũng tốt thì người ta thường nói: “Thập bát ban võ nghệ, cái nào cũng tinh thông”. Vậy “thập bát ban võ nghệ” là gồm những loại nào?
Thực sự là các nước Á Đông cổ đại có 18 loại binh khí, cũng gọi là “võ nghệ thập bát sự”, gọi tắt là “thập bát ban”, “thập bát nghệ”, “thập bát sự”. Thập bát ban võ nghệ có khởi nguồn khá sớm, tương truyền là chiến tướng Tôn Tẫn, Ngô Khởi thời đại Chiến Quốc truyền lại.
Trong tạp kịch “Kính đức bất phục lão” của Dương Tân đời Nguyên, công thần Lăng Yên Các triều Đường và đại tướng khai quốc Uất Trì Kính Đức đời Sơ Đường đã nói ông có thập bát ban võ nghệ. Uất Trì Kính Đức trong kịch hát rằng: “Dựa vào thập bát ban võ nghệ của ta, đã dẹp yên 64 xứ nổi bụi phong trần, đều do vó ngựa Thần ô mã đạp thành xã tắc nhà Đường này”.
Thập bát ban: 18 loại võ nghệ
Vậy “Thập bát ban võ nghệ” rốt cuộc là 18 loại võ nghệ nào? Từ thời Chiến Quốc truyền đến nay, cách nói đã không tương đồng nữa. Có một cách nói là chỉ 18 loại võ nghệ binh khí, bao gồm: thương, kích, côn, việt (đại phủ: búa lớn), soa (đinh ba), đường (đường ba: bồ cào), câu (móc câu), sóc (trường mâu: giáo dài), hoàn (vòng), đao, kiếm, quải (gậy), phủ (búa), tiên (roi), giản (roi 4 cạnh), chùy, bổng (gậy), chử (chày).
Ngày nay chúng ta có thể thấy những binh khí thông dụng của “Thập bát ban võ nghệ” trong những ngôi chùa cổ. (Ảnh minh họa: baodanang.vn)
Một cách nói khác là 18 loại võ nghệ, trừ binh khí ra còn có đánh tay không, tức là quyền kích. Trong “Dũng chàng tiểu phẩm – Binh khí” của Chu Quốc Trinh đời Minh có viết: “Võ nghệ thập bát sự: một cung, hai nỏ, ba thương, bốn nhậm (đao), năm kiếm, sáu mâu, bảy thuẫn, tám phủ (búa), chín việt (búa lớn), mười kích, mười một tiên (roi), mười hai giản (roi 4 cạnh), mười ba qua (giống trảo), mười bốn thù (côn bằng tre gỗ), mười lăm soa (đinh ba), mười sáu ba đầu (bồ cào), mười bảy thòng lọng, mười tám bạch đả (tay không)”.
Trong “Ngũ tạp trở” của Tạ Triệu Chiết đời Minh có chép rằng, một dũng sỹ Sơn Tây là Lý Thông công phu vô cùng ghê gớm, ông “thập bát ban đều giỏi”, không ai dám đối địch. Khi có biến loạn xây thành năm Kỷ Tỵ niên hiệu Chính Thống, Minh Anh Tông chiêu mộ các dũng sỹ trong thiên hạ, Lý Thông là người được lựa chọn đầu tiên.
Còn bạn, trong “thập bát ban võ nghệ” trên, bạn thích nhất “ban” nào?
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nam Phương biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét