Ăn chay là ăn các loạihạt như gạo, mì, mạch, ngô, các loại hoa lá cây, các loại rau đậu, các loại củ qủa. Ăn chay là không ăn những món ăn thuộc các loài động vật, từ to lớn tới các loài nhỏ bé, như trâu bò lợn gà cá tôm cua sò ốc v.v… Vì tất cả các loài đều là hữu tình, biết thích sống sợ chết cũng như con người, như khi ta bắt bất cứ một con vật nào chúng đều tìm cách chạy trốn, khi ta giết bất cứ con vật nào chúng đều sợ hãi, kêu la, dẫy dụa v.v…
Ăn chay không phải là đổi món ăn cho ngon miệng, cũng không phải là cách ăn kiêng cữ do Bác sĩ, thầy thuốc dặn bảo, mà là một cách tu hành.
Đức Phật có lần nói: “Sự sống sống bằng sự chết” nghĩa là ta giết chết các chúng sanh khác để ăn cho ta được sống khỏe, vì sự sống của ta mà có sự chết của các loài khác.
Hãy suy nghĩ thử xem, từ khi sinh ra, lớn lên đến giờ, để được sống mỗi người đã làm chết biết bao nhiêu sinh vật? Lúc còn bé tuy chưa biết ăn, nhưng ta bú sữa mẹ, mà sữa mẹ là do đã ăn các sinh vật cùng cơm gạo tạo thành, rồi ta ăn cơm gạo cùng thịt cá từ bé đến bây giờ đã gây tang tóc cho biết bao sinh vật. Đó là chưa nói tới những kẻ không có lương tâm giết để thích thú như đi săn đi câu, giết để được tiền tài, danh vọng v.v…
Tại sao ta phải giết chết chúng sanh khác để ăn trong khi ta không cần giết các sinh vật vẫn có cái cho ta ăn, đầy rẫy thảo mộc cho ta ăn, lại giữ được sức khỏecho ta? Có phải “vì ta” một cách bất công qúa đáng, nên ta mới thờ ơ không cần biết tới sự khổ chết của các sinh vật?
Nếu sự sống của con người không làm chết các sinh vật khác, mà ta vẫn sống, cuộc đời đẹp đẽ biết bao.
1). Lý do nào con người giết sinh vật để ăn?
Từ thuở tái lập địa, loài người được sinh ra đầu tiên, rồi các thứ nấm xuất hiện, sau đó các loại cây có hạt, tới cỏ cây, và sau tới các sinh vật hiện diện trên thế gian này (xin xem quyển Nguồn Gốc Loài Người cùng tên tác giả). Lúc đầu, loài người chỉ ăn các loại nấm, hạt, hoa, lá, củ, quả, cây, nghĩa là chỉ ăn thức ăn bằng thực vật mà thôi, nhưng dần dần con người ăn thịt cá là do:
1- Bắt chước các loài dã thú ăn thịt:
Khi súc sinh xuất hiện, có những loài ăn thịt, con người thấy các loài ấy ăn thịt, cá, nên bắt chước ăn.
2- Các thức ăn bằng thực vật khan hiếm:
Khi các thức ăn bằng thực vật khan hiếm, không đủ cho con người ăn, nên đã ăn các loài động vật.
3- Có cảm tưởng khỏe mạnh khi ăn thịt:
Khi con người ăn thịt các loài động vật, họ cảm thấykhỏe mạnh, mặc dù họ chưa ý thức được sự sai tráitrong vấn đề gây nghiệp, và chưa biết những tai hạilâu dài của nó cho sức khỏe như các nhà Khoa học đã khám phá ra.
Bởi vậy, ngày nay với đà văn minh của con người, chúng ta đã hiểu mọi vấn đề, với kỹ thuật trồng trọt tân tiến, có đủ các loại hạt và thảo mộc cho chúng ta ăn. Lại được đức Phật khai thị cho ta đường ngay lẽ phải, được các nhà Khoa học thí nghiệm, phân tích tỉ mỉ lợi của ăn chay và hại của ăn thịt như thế, thiết tưởngchúng ta không nên giữ tà kiến ăn thịt ấy nữa.
2). Ăn chay thể hiện lòng từ bi bình đẳng:
1- Ăn chay thể hiện lòng từ bi:
Nếu người Phật tử không có lòng thương xót trước cảnh giết chóc, hạt giống từ bi mỗi ngày cạn dần. Ngày xưa, đức Phật đã nói: “Nếu còn ăn chúng sanhthì còn phạm giới sát sinh, dù trực tiếp hay gián tiếp cũng làm ung thối hạt giống từ bi bình đẳng, không thể tu hành thành Phật được”.
Người Phật tử không vì lý do gì mà không thực hànhcông đức từ bi trong đời sống của mình từ ý nghĩ đến ăn uống. Nếu vì muốn sướng miệng mà nhẫn tâmnhìn cảnh chặt đầu moi ruột, đập chết lột da những con vật hiền lành vô tội; nhẫn tâm bịt mắt làm ngơ, giả điếc không nghe tiếng những con vật kêu la thảm thiết, giãy chết trước những bàn tay tử thần của con người, sao gọi được là người Phật tử?
2 - Ăn chay thể hiện lòng bình đẳng:
Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh như nhau, ta không nên phân biệt người và vật khác nhau, các loài vật đều có tri giác, cũng có sự thông minh về một phương diện nào đó, chỉ là mang thân hình súc vậtmà phải như thế. Con người khi đầu thai làm các loài ấy cũng như vậy không hơn không kém, khi súc vậtsinh trở thành người cũng là người như mọi người. Có người chủ trương rằng: “Trời sinh ra sinh vật là để phục vụ con người, con người có toàn quyền hành hạgiết bỏ hay làm món ăn v.v…” Chủ trương hành động này là không có lòng từ bi bình đẳng, người có ý nghĩhành động ác sẽ tạo nghiệp xấu. Quan niệm “Vật dưỡng nhân”, vật nuôi người, rất sai lầm vì bảo thủ cái “ta”, ích kỉ ngạo mạn, gây bất bình đẳng, không có lòng nhân từ giữa người và vật, là vô minh
3). Ăn chay tránh nghiệp báo bệnh tật:
1- Ăn chay tránh nghiệp báo:
Ăn thịt nợ thịt, giết mạng đền mạng không thể tránh được ở kiếp sau, Đức Phật dạy trong Kinh Lăng Nghiêm: “Hễ giết mạng phải trả mạng, tâm giết hại chẳng dứt trừ không thể nào ra khỏi khổ não được”.
Có người nói: “Cỏ cây cũng có đời sống, tại sao ta không nên giết hại các sinh vật mà lại giết hại cây cối được?”. Đúng, cây cỏ cũng có đời sống, nhưng cây cỏ không có cảm giác, không có ý thức muốn sống, sợ chết, đau khổ, sợ hãi, vui buồn như các sinh vật. Con người là một sinh vật có tri thức cao, được đánh giácao hơn các loài sinh vật. Vì vậy việc gây nghiệp sát sinh con người nặng hơn đối với nghiệp sát sinh súc vật là vậy. Vì cỏ cây không có cảm giác tri giác, nên việc cắt cây cỏ không gây sợ hãi đau khổ cho cây cỏ, do đó Phật nói ăn hoa, lá, củ, quả của cây không gây nghiệp báo.
Một câu hỏi đặt ra: “Khi một người bị bệnh do vi trùnggây ra, nếu dùng thuốc diệt trừ vi trùng, Bác Sĩ cho toa trị bệnh và người uống thuốc có gây nghiệp giết sinh vật hay không? Trước hết, giết sinh vật lớn gây nghiệp lớn, giết sinh vật nhỏ gây nghiệp nhỏ, nhưng Bác sĩ có bao nhiêu phước đức cứu người. Cái phúc đúc cứu người có dư thừa để trả cho nghiệp giết hại vi trùng nhỏ bé. Bệnh nhân nghe lời Bác sĩ uống thuốc để giết vi trùng, đây chỉ là tòng phạm không phải chính phạm nên tội rất nhẹ. Do đó cả Bác sĩ và bệnh nhân đều không mang nghiệp đúng với ý nghiã của nó.
2 - Ăn chay tránh bệnh tật:
Các nhà khoa học nghiên cứu chất dinh dưỡng đều đồng ý: Không chỉ trong thịt cá mới có chất dinh dưỡng, mà trong các loại rau đậu củ qủa cũng có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho con người, và đều đồng ý rằng trong các chất thịt tôm cua v.v… là nguồn gốc gây ra bệnh như bệnh cao mỡ, bệnh áp huyết cao, bệnh dị ứng, bệnh tim mạch, bệnh ung thư v.v… Vì vấn đề ăn mà con người tự tạo bệnh cho mình mà chẳng hay biết, một bằng chứng là rau đậu và các loạithực vật để lâu thì héo úa, ung thiu ít mùi hôi. Còn thịt cá để lâu thành bầm thối sinh ròi bọ, mùi hôi tanh thối tha nồng nặc chịu không nổi. Ăn rau đậu hoa qủa, trong người cảm thấy nhẹ nhàng thơm tho, còn ăn thịtcá thấy hôi tanh và cơ thể nặng nề. Cũng vì thế mà khi nấu nướng người ta thường cho gia vị để làm át mùi tanh hôi của thịt cá đi mà ai cũng nhận biết sự thật là như thế.
Khi các con vật có bệnh nọ bệnh kia mà ta không biết, rủi ăn thịt các con vật ấy, sẽ mang bệnh vào người. Ngoài ra, lúc các con vật bị giết thường rất tức giận kêu la phản đối, nhất là các con vật to lớn, trong khi tức giận, nó tiết ra một chất độc, chất độc này ở trong máu và các thớ thịt của nó. Ăn thịt ấy sẽ bị nhiễm độc, nếu chất độc hay bệnh của con vật chưa đủ sức phát tác trong cơ thể ta, chất độc hay bệnh ấy sẽ tồn đọng lại đó chờ khi đầy đủ nhân duyên sẽ phát sinh tấn công một bộ phận nào yếu nhất trong người, lúc ấy khó mà cứu chữa!. Các Bác sĩ Soteyko và Varia Kiplami nói: “Trong các thứ thịt có nhiều chất độc có hại cho sức khỏe con người”.
Người có thành kiến sai lầm tưởng rằng chỉ có thịt cá mới đủ chất đạm cho sức khỏe con người, thật ra người ăn thịt cá không có sức chịu đựng dẻo dai bằng người ăn chay. Irwin Fisher, Giáo sư đại học Yale Hoa Kỳ sau nhiều năm nghiên cứu thí nghiệm đã tuyên bố: “Ăn thịt hay ăn những sinh vật có nhiều chất đạm, sẽ làm cho con người không đủ sức chịu nhọc, không khác nào như người uống rượu tưởng là mạnh, nhưng thực ra rất yếu”. Một Khoa học gia tên Whitetuyên bố: “Các thứ bột, trái cây, đậu, rau cải là những thức ăn đầy rẫy mà thiên nhiên dành để nuôi sống chúng ta, các thứ ấy nấu nướng giản dị, rất hợp vệ sinh, lại bổ dưỡng. Nó làm cho thân thể chúng ta tráng kiện, tinh thần minh mẫn, lại tránh được bao nhiêu thứ bệnh tật”.
Một bằng chứng cho thấy một số động vật chỉ ăn cỏ hoặc lá cây, có thân hình thật to lớn lại khoẻ như voi, trâu, bò, ngựa, dê, v.v…, chúng chẳng bao giờ ăn thịtcá cả, tại sao chúng lại to lớn khoẻ mạnh như thế ?
4). Ăn chay hợp với cấu tạo con người
Con người cũng như muôn loài khi được sinh ra đều có những đặc thù riêng biệt cho mỗi loài. Cách cấu trúc để sinh tồn và hoạt động của mỗi loài cũng khác nhau, nhưng cũng có một số điểm cấu trúc trùng hợptương đồng giữa loài này và loài kia. Chúng ta thử phân tích những điểm tương đồng và dị biệt giữa những loài ăn thịt và loài ăn cỏ, lá, hoa qủa và so sánhvới loài người xem chúng giống và khác con người ở chỗ nào?
1- Về cấu trúc của răng và móng: Loài ăn thịt như sư tử, hổ (cọp), báo (beo), gấu, v.v…, các loài này có răng nanh rất dài, nhọn, và sắc. Tất cả các loại trên đều có móng chân rất cứng, cong, dài, nhọn, sắc. Khi dùng miệng cắn, móng vuốt chụp bắt trúng con mồi, con mồi khó mà thoát khỏi. Chúng dùng răng nanh cắn vào há ra, dùng móng vuốt để giữ, răng nanh cắn vào để lôi xé, và nuốt luôn không cần nhai vì chúng không có răng hàm bằng phẳng để nhai.
Còn loài ăn cỏ, lá như voi, bò, ngựa, dê, nai v.v… không có răng nanh và móng vuốt ghê gớm dữ tợn, chúng chỉ có răng hàm để nhai cỏ, lá, trước khi nuốt.
Đối với con người, ai cũng tự biết, răng móng của mình chẳng thể sánh được với loài hổ beo hùm sói kia, con người lại có hàm răng với ba mươi hai chiếc răng bằng phẳng trắng nõn đẹp đẽ như thế, chỉ có thể so sánh giống như các loài ăn cỏ lá, hoa qủa mà thôi.
2- Về cấu trúc bộ phận tiêu hóa: Các nhà khoa học cho biết đường ruột của các loài sư tử, hổ, gấu, v.v. có đường ruột rất ngắn so với thân hình của chúng, đường ruột chỉ dài gấp ba thân hình, trong khi các loài ăn lá, cỏ, qủa có đường ruột dài gấp năm sáu lần.
Đường ruột của loài người cũng tương tự như các loài ăn lá, cỏ, có đường ruột rất dài . Vì sao có sự khác biệt về đường ruột dài ngắn này?
Các nhà khoa học giải thích rằng: “Ở các loài động vật cấu xé cắn nuốt thịt cá tức thời như thế, trong dạ dày bao tử của nó tiết ra rất nhiều chất acid để tiêu hóa, mà chất acid nằm lâu trong ruột sẽ hủy hoại ruột nên ruột của các loài ấy cần phải ngắn”
3- Tại sao con người có ruột dư? Về cấu trúc của con người còn có một điểm đặc biệt nữa là cái ruột dư, nó mọc ra nằm giữa ruột non và ruột già. Tại sao lại có khúc ruột thừa? Các nhà sinh vật học tin rằng ruột dư là vết tích từ tổ tiên thời tiền sử ăn h ạt, lá, qủa mà có.
Như thế, chúng ta thấy hàm răng và móng tay chân của chúng ta không giống các loài thú sài lang ăn thịt, trong khi cấu trúc đường ruột của chúng ta lại dài như thế, và chúng ta lại có cái ruột thừa nữa. Khi ăn thịt, chắc chắn khó tiêu vì trong dạ dày chúng ta không đủ chất acid để tiêu hóa, nếu có đủ chất acid, lại hại cho ruột vì chất acid nằm tại ruột qúa lâu, sẽ gây bệnh ở ruột. Lại nữa, trong thịt có chất độc mà ở phần trên đã nói, chất độc nằm qúa lâu ở ruột sẽ gây bệnh. Có lẽ những người bị bệnh ung thư đường tiêu hóa là do những nguyên nhân này chăng? Cũng có thể, một số người bị những chất độc do ăn thịt đã ngấm thâm nhập vào ruột dư, lâu ngày làm cho ung thối vỡ ra mà chết nếu không kịp thời mổ cắt bỏ đi. Chúng ta đã thấy rõ ràng cấu trúc cơ thể của con người là để ăn hoa, lá, hạt, củ, qủa, ăn chay, và biết rõ ràng sự tai hạicủa việc ăn thịt, chúng ta còn ngần ngại gì mà chưa chịu ăn chay?
5). Danh nhân ăn chay:
Một số danh nhân thế giới đã kêu gọi mọi người ăn chay như sau:
01- Pythagorus: Hơn năm trăm năm trước Dương lịch, Pythagorus nhà triết học kiêm toán học người Hy Lạp, tác giả định luật về hình học. Ông là người kêu gọi ăn chay, đặc biệt chỉ thích ăn rau cải trắng. Người ta kể rằng, nhiều lần ông cho tiền ngư phủ với điều kiện thả cá xuống biển.
02- Platon (427- 347 BC): Giống như triết gia Socrate(470- 399 BC) tại thủ đô Hy Lạp ăn chay, triết giaPlaton cùng là người ăn chay, đặc biệt không bao giờ mang giầy da, hoặc thắt lưng da. Ông cho rằng con người ham ăn thịt sẽ sinh thói bạo hành.
03- Jean jack Rousseau (1812-1887) nhà đại văn hào Pháp nhận xét: “Loài động vật ăn thịt hụng bạo hơn nhiều so với loài vật ăn cỏ”. Ông khuyên bậc cha mẹ phải hết sức tránh ”biến trẻ nhỏ thành những kẻ ăn thịt hung tàn”. Nhà tư tưởng này còn từng nhắc tới người Anh (Anglo Saxon) có thể được gọi là “tộc người ăn thịt”, vì họ rất khoái “kế thừa thói dã man còn rơi rớt lại của thời hồng hoang”.
04- Richard Wagner (1813-1883) đại nhạc gia người Đức tìm thấy ăn chay làm cho tinh thần con người ít tàn bạo nhất, để dễ dàng quay trở lại với thiên đườngđã mất.
05- Leo Tol-Stoy (1828-1910) nhà đại văn hào người Nga viết cuốn “Chiến Tranh và Hòa Bình” nổi tiếng, có đóng thành phim, ông kêu gọi ăn chay và chủ nghĩahòa bình, phản đối hành vi sát sinh, cho dù với con vật nhỏ bé như con ong, con kiến. Ông nói: “Hễ có lò sát sinh là có bãi chiến trường”.
06- George Bernard Shaw (1856- 1950) nhà viết kịch và phê bình người Anh, ăn chay từ năm 25 tuổi. Được hỏi tại sao ông trẻ mãi không già, ông trả lời bởi ông cảm thấy ghê sợ chán ghét cái cảm giác “thích thú tận hưởng sự sống bị sát hại của các loài vật”.
07- Gandhi (1869-1948) nhà lãnh đạo bất bạo lực Ấn Độ từ năm 19 tuổi đã ăn chay. Ông viết năm tác phẩmbàn về vấn đề này, ông viết: “Tôi ủng hộ quan điểm: ăn thịt không thích hợp với con người”. Ông cho rằng con người xuất phát từ suy xét luân lý cần phải ăn chay, ông viết: “Tôi tin rằng để nâng tinh thần con người tới tầng cao, nhất định chúng ta không thể tiếp tục tàn sát động vật anh em mình để thỏa mãn xác thịt của bản thân”
08- Albert Einstein (1879-1955) nhà Bác học vật lýngười Đức lừng danh của thế kỷ thứ hai mươi cho rằng: “Không có cái gì có thể so sánh với chủ nghĩaăn chay về mặt sức khỏe đối với con người, còn làm tăng thêm cơ hội sinh tồn cho các loài động vật trên qủa đất”
09- Leonardo Da Vinci (1452- 1519) Nhà Thơ kiêm Danh Họa người Ý viết bút ký: “Tôi từ lâu đã bỏ thóiăn thịt, vả lại tới một ngày nào đó người ta sẽ cấm chỉsát sinh súc vật, cũng giống như hiện nay giết người là tội ác, pháp luật không dung tha”.
10- Triết gia Snéèque nói: “Mỗi bữa ăn, người ta dùng thịt là tự đầu độc, thành thử con người tự sátngấm ngầm mà không hay biết, do đó con người bị mạng yểu”.
6). Chương trình ăn chay ra sao?
Ăn chay là điều cần thiết cho người Phật tử, nhưng không phải người nào cũng có thể bỏ ngay thói quentập quán ăn thịt cá của mình để ăn chay. Vì thế có nhiều loại ăn chay, từ ít ngày dần dần tới nhiều ngày, sau cùng là ăn chay luôn, chia ra:
1- Ăn chay 1 hay 2 ngày mồng một và ngày rằm âm lịch mỗi tháng,
2- Ăn chay 4 ngày mồng một, mồng tám, ngày rằm và ngày hai mươi ba,
3- Ăn chay 6 ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, hăm ba và ba mươi,
4- Ăn chay 10 ngày mồng một, mồng tám, mười bốn, rằm, mười tám, hăm ba, hăm bốn, hăm tám, hăm chín và ba mươi,
5- Ăn chay một tháng vào tháng giêng hay tháng bảy,
6- Ăn chay hai tháng vào tháng giêng và tháng bảy,
7- Ăn chay ba tháng vào tháng giêng, tháng bảy và tháng chín, hoặc ba tháng liền,
8- Ăn chay trường: Ăn chay mỗi ngày cho tới hết đời.
7). Cách ăn như thế nào?
1- Thay đổi thức ăn: Nên thay đổi thức ăn cho đỡ ngán, chọn thức ăn có nhiều chất bổ dưỡng như cà chua, các loại đậu, các loại nấm, các loại rau cải, các loại khoai củ, các loại bầu bí, các loại qủa trái, sữa v.v…tất cả có thể cùng ăn với cơm, bánh mì, bún; nếu thích gia vị cho thêm vào cho được đậm đà hơn.
2- Cách nấu thức ăn: Nếu không biết nấu sẽ mất chất bổ, làm hại bộ máy tiêu hóa, lại không ngon miệng. Không nên chiên xào nhiều qúa, dầu sôi tiêu diệt sinh tố B và C, chất dầu nhiều làm cho khó tiêu, chất dầu đun nóng qúa sẽ phân hóa là một trong những nguyên nhân của bệnh ung thư. Nên ăn đồ ăn nướng không thoa dầu, và đừng ăn đồ ăn nướng cháy (nhất là thịt các loài động vật), cũng là một trong những nguyên nhân của bệnh ung thư; khi nấu, luộc nên đậy nắp, không cho nước nhiều qúa, không nấu luộc rừ qúa, chỉ cần sôi lên là được đối với đa số loại rau như rau cải để tránh mất chất bổ dưỡng.
Trong những ngày còn ăn mặn, nên giảm dần số lượng thịt cá, tăng dần rau qủa, cũng không nên ăn các loại trứng đã có con như hột vịt hột gà lộn (có con).
Trước mỗi khi ăn nên niệm:
Tất cả đều ăn để sống còn,
Cám ơn tôi có bữa ăn ngon,
Do công khó nhọc làm ra đó,
Nguyện mọi chúng sinh được đủ no.
8). Khi ăn chay cần tránh điều gì?
1)- Không kiêu mạn vì sự ăn chay của mình, không háo danh vì được người khen ngợi.
2)- Không ăn đạm bạc sẽ làm cho hao mòn sức khỏe.
3)- Không làm thức ăn chay giả mặn, vô tình xúi dục nhắc nhở người ăn nhớ đến các món ăn mặn, làm trò cười cho thế gian, như bắp chuối luộc trộn muối vừng đậu phụng xay rau răm dầu giấm, không gọi là “nộm, gỏi” mà gọi là “gà xé phay”…
4)- Không nên dùng “ngũ vị tân” là năm thứ khi ăn vào sẽ kích thích dục vọng là hành, hẹ, tỏi, nén, cừ; không nên ăn trứng có trống.
5)- Không nên quên ngày ăn chay, nếu đã phát nguyện rồi nên ghi nhớ chuẩn bị sẵn sàng trong mọi trường hợp bất thường xảy ra.
9). Lợi ích của việc ăn chay:
Hiện tại, các thứ rau rẻ hơn thịt cá, nấu nướng mau chóng không cầu kỳ, trong nhà không có mùi hôi tanh của thịt cá, ăn chay hợp với cấu trúc con người, thể hiện lòng từ bi bình đẳng. Ăn chay làm cho thân thểthơm tho nhẹ nhàng, lại khỏe mạnh sáng suốt, ít bệnh tật, dễ tu thiền quán, đời sau không bị nghiệp qủa báo.
Kinh nghiệm nhiều người cho biết, sau khi ăn chayquen rồi, không thể nào ăn mặn được nữa vì mùi của thịt cá, cho dù có dùng gia vị khử mùi hôi tanh cũng vậy.
Các món ăn có đặc tính "Động" như thịt, cá thường đem lại các kích thích hăng hái nhất thời, xác chết thú vật gồm nhiều nguyên tử nặng nề bởi các thú tính thấp hèn không thích hợp cho việc tu hành, thanh lọc. Chỉ có các món ăn "Điều Hòa" như các thứ có khả năng tăng trưởng, chứa nhiều sự sống như ngũ cốc, củ vì nó sắp đâm mầm, nẩy lộc, các loại trái cây vốn tràn đầy nhựa sống, các loại rau cỏ lá vốn hấp thụ khí thái dương cần thiết cho một thể xác cường tráng, khỏe mạnh.
Các vị xuất gia tu hành khi đi khất thực được bố thí gì ăn thứ ấy, ngoài ra, không phân biệt tôn phái, tất cả nên ăn chay. Vì nếu ở tại am, thất, tịnh xá, chùa, được bố thí, cúng, tặng tiền, vật thực, không thể đến chợ mua thịt, cá, tôm, cua, ốc, sò v.v…về nấu ăn như người không tu ở tại gia; nếu làm như thế là người không hiểu biết mà còn là người phỉ báng Phật pháp.
Hiện nay, trên thế giới, đã có rất nhiều người ăn chaykhắp nơi, có những người ăn chay riêng rẽ, có những nhóm, những hội ăn chay ở nhiều nước từ Á, sang Âu. Đặc biệt, những người theo Ấn Độ giáo phần lớn đều ăn chay. Họ đã học được cách ăn chay bắt đầu từ ngày đức Phật giảng dạy về ăn chay và nghiệp báosát sinh.
Đối với xã hội, người ăn chay có tâm từ bi đối với các loài rồi, đối với con người không bao giờ còn lòng nào hành hạ, giết hại người khác. Như thế người ăn chaylà chiến sĩ hòa bình, và nếu ai cũng ăn chay cả, thế giới này là thế giới an lạc vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét