“Trung Trụ” nghĩa là an trụ Trung đạo, chẳng rơi vào hai bên, chẳng chấp có và cũng chẳng chấp không, ngay nơi tướng chính là đạo, ngay nơi sự tức là chân, tịnh niệm nối tiếp không ngừng, nhưng ngay nơi niệm lại lìa niệm. Trung Trụ biểu thị rằng: Người tu Tịnh Nghiệp mà biết đem cái tâm của mình an trú trong kinh Vô Lượng Thọ và danh hiệu Phật thì sẽ sớm đạt đến Trung đạo chân lý đệ nhất nghĩa.
Niệm Phật như vậy mới đúng với lời kinh Phật dạy: “Thích nghi Trung đạo, trong ngoài tương ưng, nghiêm chỉnh tự nhiên, thúc liễm đoan trực. Thân tâm khiết tịnh, tham ái không khởi, chí nguyện an định, không tăng khuyết giảm, cầu đạo hòa chánh, không nghiêng theo tà, y lời kinh dạy, chẳng dám sai quấy.” Đối với Phật giáo, vũ trụ được sanh ra như thế nào, con người bắt đầu từ đâu không có gì là quan trọng; bởi vì tất cả sự thành lập của vũ trụ đều chỉ là thế giới hiện tượng có sanh có diệt, chẳng có gì là nhất định. Vũ trụ sanh ra bởi do vô lượng vô biên vô số các duyên phát khởi và kết hợp lại với nhau và lại thường luôn không ngừng thay đổi; cho nên, ngay cả nguyên nhân sanh ra vũ trụ và hiện tượng cũng không có một quy luật nhất định, không có một lý thuyết về vật chất nào là nhất định như các nhà Khoa học ngày nay đang tham khảo và đưa ra rất nhiều lý thuyết về vũ trụ, nhân sanh; nhưng rốt cuộc chẳng có một lý thuyết nào là hợp lý cả.
Khi đức Phật còn tại thế, một hôm Tỳ kheo Man Đồng Tử hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế giới thường hằng hay không thường hằng, hữu hạn hay vô hạn, linh hồn với thân xác là một hay là khác. Đức Như Lai tồn tại hay không tồn tại sau khi chết….” Ông yêu cầu Phật trả lời cho thật rõ ràng những vấn đề mang tính chất siêu hình này. Ông lại nói, nếu Phật thấy biết thì nói là thấy biết; ngược lại nếu không thấy biết thì trả lời là không thấy biết. Nếu vấn đề này không được giải thích thỏa mãn, ông cảnh báo Phật là ông sẽ từ bỏ phạm hạnh, sẽ không theo Phật nữa. đức Phật điềm nhiên im lặng, không trả lời một chữ. Sự im lặng của đức Phật cũng giống như sự im lặng của Ngài Duy Ma Cật khi có người hỏi “làm thế nào để nhập pháp môn Không Hai,” tức là Nguyên lý Bất Nhị của Trung đạo Thật tướng. Đối với đạo Phật, chân lý không thể diễn bày bằng ngôn ngữ văn tự của con người; chỉ khi nào con người tự mình nghiệm chứng chân lý và tu tập thì tự thấu biết. Còn đối với thế giới hiện tượng có sanh có diệt, cho dù ngày nay Khoa học cố sức tìm tòi nghiên cứu để tìm ra định lý này, định luật nọ; nhưng đó cũng vẫn còn nằm trong vòng lẫn quẫn sanh diệt, chớ đâu phải là chân lý bất biến. Sự hiểu biết của đức Phật không phải là do học hành, nghiên cứu mà là sự hòa nhập vào trong vũ trụ và chúng sanh nhân thành một Thể (Nhất thể pháp giới). Nói cách khác, Do Thể tánh của vũ trụ, chúng sanh và tâm thanh tịnh bình đẳng của đức Phật hòa nhập vào nhau thành một thể và dung hóa với nhau, nên đức Phật mới có trí huệ bao la vô cùng vô tận như vậy. Do đó, cái chân lý mà đức Phật nói, được lưu xuất từ Thể tánh Chân như, chớ chẳng phải dựa trên vật chất và hiện tượng của vật chất mà phát minh lý thuyết, rồi cho đó là định luật.
Chúng ta cũng nên biết, những gì đức Phật thuyết giảng cho chúng sanh nghe, chỉ là những chiếc lá cây nằm trong lòng bàn tay, nhằm để giúp chúng sanh chưa giác ngộ có được những phương tiện cần thiết tu học mà vượt qua khỏi phiền não trần lao. Còn những gì đức Như Lai biết thì bao la như bốn biển mênh mông, sâu rộng như biết bao chiếc lá trong rừng già. Nói cho dễ hiểu, vũ trụ vạn hữu bao la rộng lớn như thế nào thì trí tuệ của Phật cũng bao la rộng lớn như thế ấy. Tuy trí tuệ của Phật rộng lớn như biển cả, nhưng Ngài không thể nói hết ra được, vì sao? Vì có nói ra thì chúng sanh cũng chẳng hiểu nổi, nên nói ra chỉ là vô ích. Khi xưa, vào thời nhà Nguyễn, ông Nguyễn Trường Tộ đi kinh sứ ở Pháp về trình lại với vua quan là ở bên Pháp cái bóng đèn treo ngược mà vẫn cháy sáng. Cho dù ông giải thích, biện bạch cách mấy thì cũng chẳng có ai tin; ngược lại, ông còn bị mang tội vọng ngữ, khi quân nữa chứ! Đó chính là lý do tại sao tuy Phật thuyết pháp độ sanh ròng rặc suốt bốn mươi chín năm, mà sau cùng Ngài lại nói: Ta chưa hề nói một chữ, nếu ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Như Lai. Thật vậy, trí tuệ của Như Lai sâu rộng ví như nước trong bốn biển, bao la vô cùng vô tận. Còn tất cả những kinh điển mà Phật nói thì lại quá giới hạn, chẳng khác gì như nước trong dấu chân trâu. Vì vậy, nếu chúng sanh nói Phật có thuyết pháp thì chẳng khác gì nói trí tuệ của Phật chỉ nhỏ hẹp như nước trong dấu chân trâu, chớ không có bao la rộng lớn như nước trong bốn biển. Do vậy, nếu nói là Phật có thuyết pháp thì khác chi là phỉ báng Phật.
Phật giáo đối với vũ trụ, nhân sanh, tức là thế giới hữu vi, có một giải thích rất rõ ràng: Tất cả pháp sanh hay diệt đều chỉ là những hiện tượng duyên khởi. Đứng về mặt hiện tượng vạn hữu thì duyên khởi là quy luật chung về tính nhân quả. Tất cả mọi pháp tồn tại đều là do duyên khởi; dù cho sự vật có to lớn như trăng sao hoặc nhỏ như vi trần, một cành hoa, một cọng cỏ cũng không có pháp nào không là pháp duyên khởi; đó là: “Cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, cái này không thì cái kia không và cái này diệt thì cái kia cũng diệt.” Tuy vậy, thế giới vũ trụ vạn hữu từ vô thỉ, vô chung, vô cùng, vô cực này cũng không ngoài ba thứ: căn, trần và yhức. Nếu đứng về phương diện Tục đế mà nhìn thế gian hiện tượng vạn hữu qua cái thuyết Nhân Duyên Sanh hoàn toàn đúng lý. Không những nó đúng riêng cho nền giáo lý của Phật Đà, mà nó cũng đúng với sự thật của cuộc đời, đúng với quy luật khách quan của tất cả hiện tượng vạn hữu. Tuy nhiên, nếu đứng về phương diện Chân đế, tức Trung đạo Đệ Nhất Nghĩa Đế, để quan sát bằng tri kiến rộng rãi hơn, xuyên suốt bản thể của mọi hiện tượng vạn hữu, thì hiện tương nào cũng là hiện tượng của bản thể và không có bản thể nào ngoài hiện tượng cả; cũng giống như Thể tánh của sóng biển động nhấp nhô là nước và Thể tánh yên lặng êm đềm ở dưới lòng đại dương cũng là nước; dù tướng dạng của nước có khác nhau như thế nào đi nữa, nhưng nó đều có cùng chung một Thể tánh nước, bất khả phân ly.
Phật giáo phủ nhận có một đấng thiêng liêng nào ở ngoài có đủ tư cách sáng tạo, sắp xếp vấn đề vũ trụ, nhân sanh. Trọng tâm của đạo Phật là diệt khổ để có sự an vui tự tại; cho nên toàn bộ giáo lý của đức Phật không ngoài mục đích hướng dẫn chúng sanh quay về sống với Chân tâm, Phật tánh của chính mình để có sự an lạc, thanh tịnh và giải thoát thật sự. Đây mới chính là bản thể Chân như của vạn pháp. Do đó khi nói về thế giới vô vi thanh tịnh, đức Phật dạy rằng: “Phi nhân duyên, phi tự nhiên, phi hòa, phi hợp, pháp nhĩ như thị,” nghĩa là Thật tánh của vạn pháp chẳng do nhân duyên sanh, cũng chẳng tự nhiên sanh, cái này hòa hợp với cái khác cũng không đúng. Thật ra, vạn pháp sanh ra như thế nào thì phải thấy biết nó như thế ấy, như tấm gương soi thấy vạn vật như thế nào thì nó hiện ảnh giống hệt như thế đấy, chẳng có chút sai khác. Khi vạn vật rời khỏi tấm gương thì tấm gương cũng chẳng lưu giữ một chút dấu vết gì của vạn vật; đấy mới chính là cái thấy biết của Chân tâm Tự tánh. Do Chân tâm Tự tánh không có ý niệm phân biệt nên nó thấy như thật mà thấy và nó thấy suốt không ngằn mé.
Khác với Khoa học là nghiên cứu tìm tòi ngoại cảnh, Phật giáo chủ trương xa lìa ngoại cảnh, chỉ quay về bên trong nội tâm để trở về với bản lai diện mục, tức là trở về với con người thật của chính mình, và cũng tức là trở về với Chân như Tự tánh viên minh thể của mình. Khi thấy biết con người thật của mình rồi thì tự nhiên sẽ thấu rõ sự thật chân tướng của vũ trụ, nhân sanh bên ngoài. Nói cách khác, Khoa học có thể được ví như một ngọn đèn chói tỏa khắp mọi nơi; còn ánh sáng huyền diệu của đạo Phật như một tia laser chuyên hội tụ vào một điểm mà thôi. Ngọn đèn tuy chói tỏa khắp nơi, nhưng nó không thể xuyên qua vật chất; ngược lại tia laser tuy chỉ hội tụ vào một điểm mà nó lại có thể xuyên suốt vật chất.
Khoa học hiện nay khám phá ra một lý thuyết rằng, vũ trụ có được là do một vụ nổ lớn từ một vi tử khoảng 13.7 tỷ năm về trước; từ đó những dãy Thiên Hà được tạo dựng; lý thuyết này được gọi là “The Big Bang Theory,” tạm dịch là “Vụ Nổ Lớn”. Họ cho rằng, sau “Vụ Nổ Lớn” ấy, vũ trụ nới rộng ra cho đến khi tất cả những hành tinh nóng như ngôi sao, mặt trời…đốt cháy hoàn toàn những nhiên liệu như Hydrogen, Helium…và lúc đó vũ trụ sẽ chìm vào trong bóng tối, băng giá. Sau đó vũ trụ sẽ thu trở lại thành một vi tử như lúc ban đầu. Hiện tượng “thu trở lại thành một vi tử” được gọi là “The Big Crunch.” Vì có nước và không khí trên trái đất, nên sinh vật và con người hiện diện phát triển cách đây hơn một triệu năm. Nhưng sau đó, lại có nhiều thuyết khác, một mặt thì bổ xung, một mặt thì bác bỏ, nên hiện nay vẫn chưa có một lý thuyết nào giải thích một cách thỏa đáng câu hỏi: vũ trụ, chúng sanh là từ đâu mà đến và sẽ đi về đâu? Ở đây chúng ta nhận thấy, dù cho Khoa học có tiến bộ cách mấy thì những khám phá của họ vẫn nằm trong vòng tương đối sanh diệt; bởi vì tất cả những khám phá đó đều là lý thuyết dựa trên hiện tượng biến đổi của vật chất, chớ không phải là chân lý. Mà đã là lý thuyết thì nay đúng mai sai, hoặc đúng ở chổ này nhưng sai ở chỗ khác, không có gì là bảo đảm cả. Thí dụ, nếu chúng ta ra khỏi trái đất này thì định luật Gravity (lực hút của trái đất, f=mg, g= 9.8m/s2) đâu còn đúng nữa. Do đó, định lý vật chất chỉ đúng một cách tương đối, chớ không tuyệt đối, nên không phải là chân lý. Lý thuyết là giả huyễn sanh diệt bởi vì nó dựa vào vật chất sanh diệt, chỉ có chân lý mới là sự thật vĩnh hằng, là bản thể tuyệt đối, bất sanh bất diệt.
Một thí dụ khác, ngay cả nhà bác học nổi tiếng Einstein cũng tính sai, đoán lầm về vũ trụ. Ông ta cho rằng vũ trụ đang ở trạng thái quân bình, không tăng không giảm. Nhưng thật ra hiện giờ, các nhà Khoa học ngày nay lại báo cáo rằng vũ trụ đang ở trong trạng thái nới rộng, chớ đâu có quân bình. Ngược lại, những gì mà đức Phật chứng là chân lý không hề thay đổi trong mọi thời gian và không gian. Mà muốn nghiệm chứng được chân lý ấy thì chỉ có một con đường duy nhất là tự mình tu chứng để nghiệm biết, chớ không thể dùng ngôn ngữ văn tự của con người mà diễn giải ra được. Nói cách khác, không có một phương trình vật lý hay một định lý toán học nào có thể diễn tả được chân lý cả.
Nền giáo học của Phật Đà có đầy đủ bốn thứ: Tín, Giải, Hành và Chứng, nêu rõ Phật giáo là một môn giáo dục có học, có hành, có chứng nghiệm và có thành tựu, chớ chẳng phải là một lý thuyết hay một định lý suông. Người tu hành phải thấu hiểu giáo pháp của đức Phật và biết đem nó áp dụng vào trong đời sống hằng ngày và phải trải qua một thời gian lâu dài để chứng nghiệm thì mới có sự thành tựu. Còn nếu như chỉ chấp lý mà bỏ sự, hoặc nơi sự mà phế lý, thì việc học Phật tìm chân lý cũng chẳng khác gì như đi tìm lông rùa, sừng thỏ. Từ xưa đến nay, nền Khoa học về vũ trụ, nhân sanh vẫn còn đang trong vòng tìm hiểu, nghiên cứu chớ chẳng phải là một môn học đã được thành tựu viên mãn; còn nền giáo học của Phật Đà là một môn học mà đức Phật đã tự mình khám phá, học tập và thành tựu đến mức rốt ráo. Nay, đức Phật đem sự hiểu biết và thành tựu của mình để giảng dạy lại cho chúng sanh, nên đây chẳng phải là một lý thuyết suông, cũng chẳng phải là một cuộc thí nghiệm để hiểu biết, mà là một sự học tập thực tiển quy theo phương pháp đã được chứng thực bởi đức Phật và các chư tổ sư, đại đức và cư sĩ từ xưa đến nay.
Trong đạo Phật, vũ trụ là thế giới sanh diệt, chỉ có bản tâm mới là thế giới bất sanh bất tử. Đấy là lý do tại sao đức Phật chỉ lặng thinh khi Tỳ kheo Man Đồng Tử hỏi Ngài về thế giới siêu hình. Không phải là Ngài không biết, không thể trả lời, bởi vì đó không phải là cứu cánh để có sự giải thoát giác ngộ chân thật, mà đó chỉ là việc làm tăng trưởng thêm tâm tà, thế trí biện thông, phiền não vô minh mà thôi. Thay vì trả lời những câu hỏi siêu hình của tôn giả Man Đồng Tử, đức Phật kể cho ông ta nghe câu chuyện một người bị nhiễm mũi tên độc. Đối với Phật giáo khi thấy một người bị nhiễm tên độc thì vấn đề cấp thiết là giải phẩu để giải độc ngay mà cứu sống họ. Còn vấn đề tìm cho ra ngọn ngành mũi tên và người bắn mũi tên thì không quan trọng. Bởi vì nếu không lo cứu chữa, thì người trúng tên độc sẽ chết trước khi biết được tông tích của hung thủ. Do đó, vấn đề cấp thiết của con người và cũng là trọng tâm của đạo Phật là nhỗ mũi tên khổ đau kia, chớ không phải là đi tìm những câu trả lời lẫn quẫn về vấn đề siêu hình không cần thiết. Mặt khác, đức Phật cũng biết rõ khi con người dứt đoạn phiền não, xả ly sanh tử, xuất ly tam giới, chứng Niết-bàn rồi thì tự nhiên họ sẽ thông rõ vạn pháp; vì thế, đức Phật chỉ im lặng mà không trả lời trực tiếp câu hỏi ấy. Thật ra, sự im lặng của Phật chính là câu trả lời thích đáng nhất: Khi nào con người tu chứng quả vị Phật thì sẽ tự biết, chớ chẳng có ngôn từ, văn tự nào có thể nói hết được về thế giới siêu hình. Do đó, “Trung Trụ” chính là pháp yếu giúp chúng ta thông suốt vạn pháp, chớ chẳng phải là những lý thuyết về thế giới siêu hình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét