Mỗi người chúng ta sinh ra trên đời đều có một cái tên. Cái tên là dấu ấn của cá nhân, gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả những ước vọng của người đặt tên gửi gắm vào trong ấy. Hiểu được cái tên của chính mình, một người có thể thấu hiểu nỗi lòng mẹ cha, trân quý sinh mệnh bản thân và hướng về những giá trị nhân sinh cao đẹp. Chuyên mục Văn hoá – Thời báo Đại Kỷ Nguyên trân trọng gửi đến quý độc giả loạt bài phân tích, bình giải nội hàm văn hoá của những cái tên Việt, với hy vọng đồng hành cùng các bạn trên con đường tìm lại bản ngã tiên thiên thuần tịnh.
Khác với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, người Việt Nam luôn xưng hô bằng tên chứ không phải bằng họ. Bên cạnh những cái tên mộc mạc như “cô Ba”, “bác Tám”… hay thuần phác nôm na như Bông, Cười, Vui…, thì đa phần những cái tên ngày nay là từ Hán Việt, kế thừa trọn vẹn tinh hoa 5000 năm của văn hoá Thần truyền.
A. Khái quát về tên người Việt Nam
Trong lịch sử, bên cạnh tên thật (tên huý) ra, thì một người còn có thể có một vài tên khác như: tên tự, tên hiệu, biệt hiệu, tên tặng, tên thuỵ, v.v. Chúng ta hãy cùng điểm qua những cái tên đó nhé!
Tên huý (tên thật) là tên được đặt từ thuở lọt lòng. Tên người Việt thường gồm 3 phần chính: Họ – tên đệm – tên chính. Ví dụ: Nguyễn Văn Chương.
Tên tự (tên chữ) là cái tên lấy chữ của một câu trong sách cổ, có ý nghĩa liên quan đến tên húy hay chứa đựng tên húy, chỉ những nhà có học sách Thánh hiền hay nhà khá giả mới đặt. Phép đặt tên tự thường là tên có nghĩa tương đồng, gần nghĩa với tên húy, nhằm thúc đẩy, tăng cường xu hướng tích cực của khí chất, phẩm đức, hoặc tên có nghĩa trái ngược với tên húy để hạn chế khắc chế xu hướng tiêu cực.
Theo Hán Việt từ điển của Thiều Chửu:
Tên tự. Kinh Lễ định con trai hai mươi tuổi làm lễ đội mũ rồi mới đặt tên. Như: con đức Khổng Tử tên là Lý (鯉), tên tự là Bá Ngư (伯魚).
Con gái nhận lời gả chồng mới cài trâm và đặt tên tự, cho nên nhận lời gả chồng cũng gọi là tự nhân (字人).
Ví dụ: Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên tự là Hanh Phủ, xuất phát từ một câu trong Kinh Dịch, quẻ Khiêm: “Khiêm: Hanh, quân tử hữu chung…”, nghĩa là: Nhún nhường, hanh thông, người quân tử giữ được trọn vẹn tới cuối. Như vậy tên Khiêm (nhún nhường, khiêm cung), và tự Hanh Phủ (người hanh thông, thuận lợi) có nghĩa tương tự, gần nhau, bổ sung cho nhau, thành tựu nên một bậc túc Nho trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữ được phẩm hạnh đến trọn đời, được cả 3 triều Mạc, Trịnh, Nguyễn kính trọng.
Một ví dụ nữa là Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, nghĩa là giữ gìn (Tồn) cái vốn có ở bên trong (Chất) để mình luôn sáng tỏ (Trứ). Như vậy tên Trứ (nổi danh, sáng tỏ) được tên tự Chất (chất phác, chân thật) khắc chế bớt cái nổi để tạo ra cân bằng, trung dung. Cho nên Công Trứ một đời tài hoa nổi tiếng, phóng khoáng cương trực, nhưng nhiều lần bị giáng chức, có lần làm lính, có lần bị án xử trảm rồi lại được tha.
Tên hiệu là tên vốn đặt ra để gọi nhà ở, chỗ ở, nơi đọc sách viết văn và đôi khi để thể hiện tâm chí cá nhân. Tên hiệu thường dùng một trong các từ “Trai” (nhà sách); “Hiên” (mái nhà); “Am” (nhà nhỏ) và “Đường” (nhà lớn).
Ví dụ như: Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai; Nguyễn Công Trứ hiệu Ngộ Trai; Cao Bá Quát hiệu Cúc Đường.
Biệt hiệu là tên hiệu nói lên một đặc điểm riêng nào đó của một người, chỉ một số ít Nho sĩ mới có. Biệt hiệu thường gắn với một địa danh nào đó.
Ví như Nguyễn Thiếp biệt hiệu La Sơn Phu tử (ông thầy ở huyện La Sơn); Nguyễn Du biệt hiệu Hồng Sơn Liệp hộ (người thợ săn ở núi Hồng Lĩnh); Phạm Quý Thích biệt hiệu Thảo Đường cư sĩ (cư sĩ ẩn mình trong nhà cỏ).
Còn có Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh quê ở làng Ông Mặc, tục gọi làng Me, nên dân chúng gọi ông là Trạng Me; Nguyễn Khuyến đỗ đầu ba kỳ thi Hương, Hội, Ðình và sinh quán ở làng Yên Đổ, được dân chúng gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Tên tặng là tên do vua hoặc người đứng đầu quốc gia ban tặng cho người có tài đức khi còn sống.
Ví dụ: Mãn Giác thiền sư được Lý Nhân Tông và hoàng hậu yêu mến nên đặt cho tên Hoài Tín; tu sĩ Đồng Kim Cương được vua Trần Nhân Tông ban tặng tên hiệu Thiện Lai, sau đổi thành Pháp Loa.
Tên thụy là tên mà những người còn sống đặt cho một người đã qua đời, thường nhằm để ca tụng tài đức của người quá cố. Tên thuỵ còn được gọi là “tên tụng” hay “tụng hiệu”, gần giống với “tôn hiệu”.
Ví dụ: Chu An được vua Trần Nghệ Tông đặt cho thụy là Văn Trinh, nên đời sau hay gọi ông là Chu Văn An.Trong lịch sử, bên cạnh tên thật (tên huý) ra, thì một người còn có thể có những cái tên khác nữa. (Ảnh: flickr.com)
B. Giải nghĩa những cái tên Việt
Qua từng kỳ, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tới quý độc giả về ý nghĩa, nội hàm văn hoá của những cái tên Việt. Quý vị độc giả cũng có thể “đặt hàng” Đại Kỷ Nguyên phân tích những cái tên mà mình yêu thích ở phần bình luận dưới bài viết.
Kỳ này, xin giới thiệu với quý vị 2 cái tên phổ biến: An và Anh.
1. An (chữ Hán: 安)
“An” có nghĩa là yên ổn, an bình, thư thái. Trong tiếng Hán, chữ An 安 do bộ Miên 宀 (mái nhà) ở trên bộ Nữ 女 (phụ nữ) hợp thành. Trong tâm thức của cổ nhân, dưới mái nhà có một người phụ nữ đức hạnh vẹn toàn, nội tướng tề gia thì đó chính là “an”.
Chữ An trong chữ Giáp cốt (thể chữ Hán xuất hiện sớm nhất) vẽ một người phụ nữ ngồi kiểu phụ nữ Nhật Bản, hai tay chắp phía trước, an nhiên, tường hòa, bình thản trong ngôi nhà (Hình trên).
Luận Ngữ – Học nhi có viết: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn”, nghĩa là: Người quân tử ăn không cầu no, ở không cầu được yên vui, siêng năng ở việc làm mà cẩn thận ở lời nói. Tả truyện cũng viết: “Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn”, nghĩa là: Đương lúc ở yên ổn phải nghĩ đến lúc nguy cấp, nghĩ thì phải phòng bị, có phòng bị thì không rơi vào cảnh hoạn nạn.
Trong lịch sử Việt Nam, có một bậc đại hiền nổi tiếng tên “An”, đó chính là Chu Văn An (chữ Hán: 朱文安; 1292–1370). Ông tên thật là Chu An, tự Linh Triệt (靈徹), hiệu Tiều Ẩn (樵隱), là một nhà giáo, thầy thuốc, làm quan cuối thời Trần. Sau khi mất, ông được vua Trần Nghệ Tông ban thuỵ Văn Trinh nên đời sau quen gọi ông là Chu Văn An.
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép về ông như sau:
“An (người Thanh Đàm), tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ. Như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy. Minh Tông mời ông dạy thái tử học.
Dụ Tông ham chơi bời lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, An khuyên can, [Dụ Tông] không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê.
Ông thích núi Chí Linh, bèn đến ở đấy. Khi nào có triều hội lớn thì đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự trao cho ông, ông từ chối không nhận. Hiến Từ thái hoàng thái hậu bảo: “Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?”. Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho là bậc cao thượng.
Đến khi Dụ Tông băng, quốc thống suýt mất, nghe tin các quan đến lập vua, ông mừng lắm. Chống gậy đến xin bái yết, xong lại xin trở về quê, từ chối không nhận chức gì. Khi ông mất Vua sai quân đến tế, ban tặng tên thụy, ít lâu sau có lệnh cho tòng tự ở Văn miếu”.Tranh vẽ thầy Chu Văn An. (Ảnh: wikipedia.org)
2. Anh (chữ Hán: 英)
“Anh” là cái tên khá phổ biến của người Việt, thường được ghép với một chữ trước đó để thành tên kép ý nghĩa. Ví dụ: Ngọc Anh, Đức Anh, Tú Anh v.v.
Anh (英) có nghĩa là hoa của các loài cây cỏ, tài năng xuất chúng, tinh túy của vật, do đó có thể đặt tên cho cả nam và nữ. Nữ tên Anh, nghĩa là bông hoa. Trong “Đào hoa nguyên ký” của Đào Uyên Minh có câu: “Phương thảo tiên mỹ, lạc anh tân phân”, nghĩa là “Cỏ thơm tươi đẹp, hoa rơi rực rỡ”.
Chữ Anh này đặt tên nam thì nghĩa là anh tài. Trong Tam quốc diễn nghĩa có điển cố “Tam anh chiến Bố”, nghĩa là “Ba bậc anh tài Lưu – Quan – Trương cùng nhau đấu với Lã Bố”.
Chữ Anh 英 cũng xuất hiện trong bài “Đề Phạm Ngũ Lão từ thi” (Thơ đề đình thờ Phạm Ngũ Lão) của Vũ Cố:
“Toạ biên sóc thích nhược bình an,
Do muộn ‘Binh thư’ thắng địch quân.
Chí hợp anh hùng Vương Tiết Chế,
Biến thành Điện suý vũ song văn”.
Dịch nghĩa:
Giáo đâm vào đùi chảy máu mà vẫn ngồi đan tre
Vì ông mải nghĩ đến việc dụng “Binh thư” để đánh thắng quân xâm lược
Ông là người chí đồng đạo hợp với anh hùng với Trần Quốc Tuấn
Nên đã được Vương dạy thêm thao lược, trở thành tướng văn võ song toàn.
Chữ Anh 英 này còn gắn với tên tuổi một vị vua anh minh, đó là Trần Anh Tông. Ông tên là Trần Thuyên (陳烇), là con cả của vua Trần Nhân Tông. Đúng như cái tên Thuyên nghĩa là dáng vẻ ngọn lửa, thuở thiếu thời ông như thiêu thân lao vào lửa, buông thả rượu chè. Được vua cha dạy bảo, ông khắc kỷ phục lễ, tu sửa mình, được vua cha truyền ngôi, lấy tên là Anh Tông. Ông đã trở thành vị vua anh minh sáng suốt, biết trọng dụng người tài. Thời ông trị vì, nước Đại Việt đã phát triển rực rỡ, mở mang bờ cõi về phía nam. Ông cũng là người sùng Phật giáo, và là một thi nhân tài hoa, bài thơ “Cảnh mùa đông” của ông là một ví dụ:
Vẽ thắm, tô xanh sáng đỉnh non,
Lưng trời phủ tía dựa chon von.
Bích đào chín sớm bao nhiêu bận?
Ba sáu cung trời gió ấm tuôn.Vua Trần Anh Tông. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)
Hi vọng rằng sau bài viết trên, quý độc giả phần nào thêm hiểu và thêm yêu cái tên của chính mình. Hãy để lại những cái tên mà mình yêu thích dưới phần bình luận nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét