Dẫu là tướng quân bận rộn với trăm công nghìn việc, nhưng những bậc danh nhân lừng lẫy trong lịch sử vẫn hết mực coi trọng việc giáo dục con cái. Bởi họ thấu hiểu rằng, nuôi mà không dạy là lỗi của cha mẹ, và cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con mình.
Vương Hi Chi dạy con không được kiêu ngạo
Vương Hi Chi (303 – 361) là nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc, được mệnh danh là “Thư thánh”. Ông có bảy người con, trong đó con út Vương Hiến Chi cũng là một nhà thư pháp xuất chúng.
Khi Hiến Chi lên 15 tuổi, cậu bé đã có tài thư pháp và thường được cha và các anh khen ngợi. Cũng bởi vậy, Hiến Chi trở nên kiêu ngạo và lười biếng, nghĩ rằng tài năng của mình đã xuất sắc lắm rồi, và không cần phải khổ luyện thêm nữa.
Và câu chuyện sau đây kể về cách mà Vương Hi Chi đã giúp con trai mình nhận ra kiêu ngạo là xuẩn ngốc, còn chuyên cần mới là yếu tố quan trọng để thành công.
Một ngày, Vương Hi Chi được mời vào kinh thành, hôm đó gia đình ông quây quần bên bữa tiệc đưa tiễn, gồm có đồ ăn và rượu thượng hạng.
Ngà ngà say, Vương Hi Chi chợt có một ý tưởng, ông quyết định viết một vài chữ để khuyên răn Hiến Chi.
Vương Hi Chi thảo một bài thơ lên bức tường với nhan đề “Giới kiêu thi” (Bài thơ dạy không được kiêu ngạo), khuyên bảo Hiến Chi đừng nên kiêu ngạo mà hãy khổ công rèn luyện.
Tuy nhiên, Hiến Chi không tâm phục. Vào ngày hôm sau, cậu chép lại bài thơ mấy chục lần, và ngay trước khi cha về tới nhà, khi không ai nhìn thấy, cậu bèn xóa bài thơ đi và viết lại cùng vào một chỗ trên bức tường, bắt chước phong cách thư pháp của cha. Hiến Chi rất tự hào về mình, dương dương tự đắc nghĩ rằng, thư pháp của mình đã đạt đến trình độ như cha và không ai có thể nhận ra sự khác biệt.
Nhưng khi Vương Hi Chi trở về, ông nhìn chăm chú vào bài thơ trên tường một hồi lâu, sau đó ông gãi đầu và thở dài.
“Ôi! Có phải đêm qua ta đã uống hơi quá chén nên mới viết ra những nét chữ vụng về thế này không nhỉ?”, ông than thở.
Lúc này Vương Hiến Chi mới đỏ bừng mặt, cảm thấy vô cùng hổ thẹn và ngượng ngùng. Cậu cuối cùng đã nhận ra rằng chỉ có nhờ học tập chuyên cần và khổ công rèn luyện mới có thể trở thành một nhà thư pháp nổi danh.
Gia Cát Lượng dạy con cần kiệm dưỡng đức
Viết những lời giáo huấn cho con cái là một hình thức giáo dục đạo đức phổ biến ở các gia đình Trung Quốc cổ đại.
Có rất nhiều những tác phẩm nổi tiếng phục vụ mục đích này, gọi chung là “Giới tử thư” (Thư dạy con), tác giả là những nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa. Trong đó, bức thư nổi tiếng nhất là của Gia Cát Lượng (181-234), chiến lược gia lừng danh thời Tam Quốc, gửi con trai 8 tuổi Gia Cát Thiêm.
Thừa tướng Tây Thục Gia Cát Lượng một đời trung thành phụ tá hai đời đế vương Lưu Bị và Lưu Thiện, cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi. Gia Cát Lượng mãi đến lúc tuổi già mới sinh con, đặt tên là Thiêm, tự Tư Viễn, hy vọng con trai của mình ‘chí tồn cao viễn’. Gia Cát Lượng vô cùng yêu quý cậu con trai nhỏ này, nhưng cũng rất lo lắng cho tương lai sau này cậu.
Trong thư viết cho người anh trai Gia Cát Cẩn, Gia Cát Lượng nói: “Gia Cát Thiêm năm nay đã 8 tuổi, rất thông minh đáng yêu, nhưng đệ lại lo lắng rằng việc trưởng thành quá sớm sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này của Gia Cát Thiêm!”. Lá thư trên cho thấy, Gia Cát Lượng rất coi trọng việc giáo dục con cái từ khi còn nhỏ.
Gia Cát Lượng mặc dù là một tướng chức vị cao, nhưng cả đời lại rất giản dị, ông từng dâng thượng biểu cho hậu chủ Lưu Thiền nói rằng: “Ở thành đô thần có 3.000 gốc cây dâu, 15 khoảnh đất cằn, ngoài ra không có tích cóp gì hết, bấy nhiêu đây là đủ để cho gia đình sử dụng rồi. Thần sau khi chết, trong nhà ngoài nhà chắc chắn sẽ không dư thừa bất cứ một tài sản nào, không cô phụ ân trọng của bệ hạ đối với thần”.
Đến khi ông mất quả đúng như lời nói này. Di ngôn của Gia Cát Lượng mệnh lệnh thuộc hạ chôn cất mình ở núi Định Quân tại Hán Trung, xây mộ dựa theo thế núi, mộ huyệt chỉ vừa đủ quan tài, mặc trang phục bình thường, không chôn cất theo bất cứ vật gì.
Gia Cát Lượng tự mình thực hiện chuẩn tắc làm người “kiểm dĩ dưỡng đức”, hy vọng hậu thế có chí lớn, chăm chỉ và sống giản dị.
Năm ông 54 tuổi, ông viết cho con trai lên 8 của mình bài “Giới tử thư” tổng kết kinh nghiệm cả đời của Gia Cát Lượng. Trong thư ông yêu cầu con cái của mình: “Người quân tử lấy tĩnh để tu thân, kiệm để dưỡng Đức, không đạm bạc thì không sáng chí, không tĩnh lặng thì trí không cao. Trượng phu cần tu tâm tĩnh lặng, cũng cần tu học, không học thì không thể có tài năng quảng đại, không có chí thì việc học không thể có thành tựu”.
Gia Cát Lượng nhắc nhở con cái muốn đạt tới tĩnh cần không ngừng tu thân và tự kiểm điểm bản thân. Muốn làm được Kiệm cần phải bồi dưỡng tài năng đức hạnh và tiết tháo cao thượng. Tâm mà không trong sáng có nhiều dục vọng thì không thể có chí hướng rõ ràng, không an định tĩnh lặng thì không thể thực hiện được lý tưởng cao xa. Để biến lý tưởng thành hiện thực cần phải không ngừng học tập tri thức, không có ý chí kiên định thì không thể nào thành công được.
Ông còn đặc biệt nhắn nhủ con rằng: “Tuổi tác trôi qua, ý chí tiêu mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở thì có ích gì đâu?”
Tào Tháo một đời kiêu hùng, dạy con rất nghiêm khắc
Tào Tháo (155-220) là vị quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán vốn một đời kiêu hùng nhưng dạy con vô cùng nghiêm khắc. Những người con trai của Tào Tháo cũng rất thông minh, tài năng. Ví như Tào Phi “bác văn cường thức, tài thuật kiêm bị”; Tào Thực tài trí hơn người; Tào Chương võ thuật siêu quần… Những người con tài giỏi cũng chính là kết quả của việc Tào Tháo vô cùng coi trọng giáo dục gia đình.
Để khích lệ con trai cố gắng học tập, Tào Tháo từng ban bố ‘Chư nhi lệnh’ như sau: “Nhi tuy tiểu thì kiến ái, nhi trường đại năng thiện, tất dụng chi, ngô phi hữu nhị ngôn dã. Bất đãn bất tư thần lại, nhi tử diệc bất dục hữu sở tư”. Ý nói rằng: Các con khi còn nhỏ, ta đều yêu quý, nhưng trưởng thành rồi, ta sẽ lượng tài để dụng, nói được làm được; đối với thuộc hạ, ta sẽ công bằng, đối với các người cũng công chính, có tài ắt được trọng dụng, người tài năng nhất sẽ là người nối nghiệp của ta.
Để thực hiện mục tiêu giáo dục, Tào Tháo đã lựa chọn cho các con trai của mình những người thầy tốt nhất. Mục tiêu lựa chọn thầy cho các con trai của Tào Tháo là: Đức hạnh đường đường chính chính, thâm minh quốc pháp, đó chính là mẫu người như Hình Ngung.
Sau khi Tào Phi làm thái tử, Hình Ngung cũng được Tào Tháo phái đến làm thầy của Tào Phi. Ngoài Hình Ngung ra, Tào Tháo còn phái cả Bình Nguyên và Trương Phạm đến phụ tá cho Tào Phi. Tào Tháo rất khách quan nói với họ rằng, con trai của ta không ra gì, sợ nó khó đi đường chính, nên mới nhờ các người khuyên bảo để giúp cậu ta tu chỉnh.
Tào Tháo am hiểu sâu đạo lý “Bất dĩ quy củ, bất năng thành phương viên”, có nghĩa là không theo quy củ, thì sẽ bất chấp quy tắc. Một lần, Tào Tháo bảo Tào Chương lãnh binh xuất chinh, trước khi đi ông khuyên bảo con: “Cư gia vi phụ tử, thụ sự tắc vi quân thần, đãi nhân xử sự tu tuân vương pháp, nhĩ kỳ giới chi!”, ngụ ý là trong nhà là phụ tử, tác sự thì là quân thần, nếu ngươi ở bên ngoài không tuân theo phép tắc, thì từng trách ta không màng tình phụ tử.
***
Cổ nhân có câu rằng: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá”, ý rằng nuôi mà không dạy là lỗi của cha, chính là nói về sự quan trọng của giáo dục gia đình. Bởi cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con cái.
Bởi vậy mà người xưa thường rất coi trọng và lấy “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” làm lý tưởng sống của mình. “Tu thân” chính là nội dung quan trọng trong giáo dục gia đình, mà “tề gia” lại là mục tiêu lý tưởng của giáo dục gia đình. Và dẫu là tướng quân tướng soái bận bịu với trăm công nghìn việc, trăm mối lo và trọng trách nặng nề với giang sơn xã tắc, nhưng Gia Cát Lượng, hay Tào Tháo… họ đều vẫn canh cánh nỗi lo lắng dạy bảo con cái của mình.
Những nhân vật nổi tiếng lưu danh sử sách, từ nhất ngôn nhất hành đều có sức ảnh hưởng to lớn. Và đạo giáo dục con cái của họ cũng trở thành hình mẫu trong giáo dục gia đình cho hậu nhân, rất đáng để chúng ta noi theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét